RIAV và MV Corp không đủ quyền thu phí nhạc bản quyền?
Sau khi MV Corp tuyên bố bỏ cuộc thu phí tải nhạc, cộng đồng mạng vì không hiểu rõ vấn đề bản quyền nên đã có nhiều ý kiến bán tín bán nghi cho rằng các đơn vị làm việc không tốt và không triệt để.
Bản quyền là lĩnh vực thu lại lợi nhuận rất lớn, tuy nhiên không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng có thể kiểm soát được nó. Để người nghe hiểu rõ và ý thức được vấn đề nhạc bản quyền tại Việt Nam, GenK đã liên hệ với một chuyên gia trong lĩnh vực bản quyền. Ông sẽ cho độc giả hiểu rõ hơn vấn đề đang thu hút được nhiều sự quan tâm này.
GenK xin phép không tiết lộ thông tin cá nhân của vị khách mời vì vấn đề cá nhân vì lĩnh vực bản quyền tại nước ta còn khá nhạy cảm. Mời độc giả theo dõi bài phỏng vấn:
Chào ông, ông có thể cho độc giả của GenK biết ý kiến cá nhân của mình sau vụ việc MV Corp tuyên bố bỏ cuộc thu phí tải nhạc?
Tôi không bất ngờ về việc này, MV Corp bỏ cuộc là điều tất yếu và tôi nghĩ sau một thời gian thu phí, đã đến lúc MV Corp dừng lại.
Tại sao ông lại cho rằng MV Corp bỏ cuộc là điều tất yếu thưa ông?
Trên thực tế, một ca khúc gồm có hai loại bản quyền: Bản quyền tác giả và Bản quyền các bên liên quan. Bản quyền tác giả là bản quyền của người viết ra ca khúc đó; bản quyền các bên liên quan là quyền thuộc về các hãng phát hành, ca sĩ, bản phối bản mix,… có liên quan đến ca khúc. Xét ở trường hợp này, MV Corp không có đủ quyền để thu phí các ca khúc.
Theo như thông tin công bố, MV Corp được Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam ( RIAV) “giao nhiệm vụ” thu phí nhạc số sau khi kí hợp đồng độc quyền. Ông có thể cho biết lý do vì sao MV Corp không đủ quyền thu phí không thưa ông?
RIAV là hiệp hội để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hãng băng đĩa hoặc cá nhân các ca sĩ có hợp đồng đồng uỷ quyền cho hiệp hội. Ở Việt Nam còn có Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) với nhiệm vụ bảo vệ quyền tác giả sáng tác. Như vừa rồi tôi nói, ở đây RIAV đang nắm phần Bản quyền các bên liên quan, họ không nắm Bản quyền tác giả. Theo thông lệ, RIAV đang nắm giữ 50% bản quyền của một ca khúc.
Một hiệp hội nắm giữ 50% bản quyền ca khúc theo tôi không có đủ quyền hạn để bán ca khúc đó, nhất là lại bán độc quyền toàn bộ cho một công ty khác để đứng ra thu phí. Vì vậy đương nhiên MV Corp không có đủ quyền để thu phí nhạc số.
Theo tôi hiểu thì RIAV là tổ chức xã hội phi chính phủ, phi lợi nhuận đại diện cho các hãng cũng như các ca sĩ. Vậy theo ông hợp đồng độc quyền giữa RIAV và MV Corp có hợp lệ không?
Tôi không được đọc bản hợp đồng chi tiết giữa hai bên, tuy nhiên RIAV chỉ nhận uỷ quyền của các hãng băng phát hành. Và nếu có việc ký hợp đồng độc quyền phân phối cho MV Corp thì theo tôi không đúng theo phương diện pháp lý.
Theo ông lý do chính khiến MV Corp quyết định từ bỏ thu phí nhạc số là gì? Và trong thời gian tới RIAV có thể tiếp túc ký hợp đồng bán ca khúc với đơn vị khác không thưa ông?
Video đang HOT
Nguyên nhân chính thì chỉ có MV Corp thực sự biết rõ nhưng tôi cho rằng việc họ không đủ quyền hạn để đứng ra làm việc này là một khả năng dẫn tới quyết định bỏ cuộc. Một công ty ký hợp đồng với đơn vị nắm Bản quyền các bên liên quan thì chỉ có trong tay Bản quyền các bên liên quan mà thôi.
Còn về vấn đề trong tương lai, tôi nghĩ RIAV sẽ hợp tác cùng các đơn vị, các trang web nhạc số chứ không bán độc quyền ca khúc.
Vậy theo ông những đơn vị nào có thể đứng ra thu phí nhạc số, và vấn đề trả tiền bản quyền cho người sở hữu thế nào thưa ông?
Ở Việt Nam hiện nay những đơn vị phát hành nội dung đều có quyền bán ca khúc. Theo như tôi thấy, những trang web nhạc nổi tiếng hiện nay có MP3 Zing, Nhaccuatui hay một số đơn vị khác đều thực hiện nghĩa vụ bản quyền với các tổ chức quản lý tập thể trong nước cũng như nước ngoài. Ngoài ra, các đơn vị trên đều có thể ký hợp đồng trực tiếp với các ca sĩ hoặc các hang phát hành trong vấn đề này. Họ có bản quyền của các ca khúc trên.
Sau vụ việc MV Corp từ bỏ thu phí khiến người dùng không còn mặn mà vấn đề nghe nhạc trả phí. Theo ông khi nào là thời điểm thích hợp cho việc thu phí nhạc bản quyền? Các đơn vị thu phí cần làm gì để tránh tình trạng lỗ nhiều như MV Corp?
Tôi cho rằng thời điểm thích hợp nhất là cuối năm nay và năm sau. Vụ việc của MV Corp tuy có nhiều mặt không tốt tuy nhiên tôi nghĩ đã có tới 10% số lượng người nghe sẵn sàng trả tiền cho ca khúc họ tải về.
Các đơn vị thu phí khi có dịch vụ tốt thu hút người dùng sẽ khiến họ đồng ý trả tiền cho ca khúc. Tuy nhiên việc xây dựng dịch vụ đủ tốt không dễ dàng, đòi hỏi phải tính toán kĩ và đáp ứng được nhu cầu ngừoi dùng.
Với vấn đề thua lỗ của MV Corp, tôi nghĩ việc quan trọng nhất là nhận thức của người dùng. Sau một thời gian thu phí, người dùng đã có nhận thức tốt hơn nhưng từng đó là chưa đủ cho sự phát triển trong tương lai. Để có thể thực hiện tốt vấn đề thu phí, tôi nghĩ việc cần thiết nhất là dùng giáo dục từ nhỏ (educase). Bạn có thể thấy ở Mỹ, một đất nước rất văn minh, người dùng sẵn sàng trả tiền cho ca khúc và họ đều được giáo dục vấn đề bản quyền từ trong trường lớp. Bên cạnh đó cũng phải kể tới vấn đề cách thức thu phí, vấn đề này theo tôi các đơn vị cần tính toán kĩ hơn.
Người dùng có thể được lợi gì từ việc mua nhạc bản quyền thưa ông?
Quay lại ví dụ về dịch vụ nhạc của iTunes, họ giải quyết rất tốt vấn đề lợi ích người dùng. Người dùng sau khi mua nhạc từ kho nhạc số sẽ được nghe nhạc với chất lượng cao hơn, tốc độ đường truyền tải về tốt hơn và dịch vụ lưu trữ hoàn hảo cùng những tiện ích kèm theo. Với iTunes, bạn mua ca khúc một lần duy nhất, dùng tài khoản iTunes đăng nhập vào những thiết bị khác, ca khúc bạn mua sẽ được đồng bộ ngay lập tức. Quá tuyệt phải không? Tôi nghĩ người dùng thấy cái lợi họ nhận được, họ sẽ chấp nhận trả phí.
Cảm ơn ông đã cho độc giả nhiều thông tin hữu ích về vấn đề bản quyền.
Hi vọng những thông tin trên phần nào đã giúp độc giả hiểu hơn vấn đề bản quyền nhạc số tại Việt Nam. Sau cuộc phỏng vấn, chúng tôi có thử dùng một số ca khúc nằm trong danh sách ca khúc thu phí để xác định vấn đề chất lượng so với nhạc miễn phí. Sử dụng các thiết bị phân tích phổ tần, kết quả đáng ngạc nhiên khi những ca khúc phát hành gần đây đảm bảo chất lượng 320kb/s nhưng toàn bộ ca khúc phát hành cách đây một thời gian khá lâu, có thể nói là những ca khúc “cổ” đều không đạt tiêu chuẩn. Chúng chỉ dừng lại ở 128kb/s chứ không đảm bảo 320kb/s như MV Corp thông báo trước đó. Vậy phải chăng người dùng đang trả tiền để sử dụng dịch vụ có chất lượng miễn phí?
Rất nhiều ca khúc chỉ có chất lượng 128kb/s (Ảnh minh hoạ)
Không thể khẳng định toàn bộ số ca khúc trước đây MV Corp phát hành đều có tình trạng tương tự, tuy nhiên theo phóng viên, việc người dùng trả tiền và được nghe ca khúc có chất lượng cao là điều hiển nhiên. Hi vọng các đơn vị phát hành nhạc số trong thời gian tới thực hiện thu phí sẽ đảm bảo lợi ích của người dùng. GenK cũng hi vọng người dùng Việt Nam nghe nhạc có ý thức hơn và hợp tác cùng các đơn vị thu phí nhạc số có bản quyền hợp pháp.
Theo GenK
Hé lộ nguyên nhân MV Corp bỏ cuộc thu phí tải nhạc chỉ sau 6 tháng
Ngày 1/11/2012 đồng loạt thu phí tải nhạc trực tuyến và dự kiến đầu quý 2/2013 sẽ thu phí nghe nhạc trực tuyến. Thế nhưng hiện tại việc thu phí hầu như vẫn chỉ là ước mong.
Ngày 15/8/2012, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đã công bố Công ty Cổ phần Tập đoàn MV (MVCorp) là đối tác duy nhất đại diện cho hiệp hội trong việc quản lí quyền trên lĩnh vực Internet và điện thoại di động. Tại buổi này, năm trang mạng âm nhạc trong nước gồm: Zing, Nhaccuatui, Nhac.vui.vn, Socbay.com, Nghenhac.info đã cùng kí thỏa thuận hợp tác với MVCorp để đồng loạt thu phí tải nhạc trực tuyến.
RIAV muốn tập trung làm chuyện khác
Thời điểm thu phí tải nhạc trực tuyến được các bên công bố là ngày 1/11/2012. Đầu quý 2/2013 sẽ thu phí việc nghe nhạc trực tuyến. MV Corp dự tính cuối năm 2013 sẽ xong giai đoạn khởi động thu phí tải nhạc với việc chọn thu phí một số album chọn lọc. MV Corp cũng đưa ra dự kiến tỉ lệ người dùng trả phí cho đến hết năm 2013 sẽ vào khoảng 10% (trên tổng số 25 triệu người nghe nhạc qua mạng) và trong năm 2014 con số này sẽ tăng hơn nữa.
Hợp đồng kí kết giữa RIAV và MV Corp có hiệu lực trong vòng ba năm. Trong ba năm đó, 40.000 ca khúc thuộc sở hữu của hơn 20 đơn vị phát hành băng đĩa, nhà sản xuất... là thành viên của RIAV được bán trọn gói cho MV Corp. MV Corp sẽ toàn quyền sử dụng 40.000 ca khúc của các thành viên Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam để thu phí nghe, tải nhạc. Năm trang mạng nghe nhạc trực tuyến trên sẽ trả phí bản quyền bản ghi cho MV Corp.
Các thí sinh Vietnam Idol 2012 mặc áo quảng bá cho chương trình Nghe có ý thức. Ảnh: BHD.
Trước khi kí kết với MVCorp, RIAV tự làm việc trực tiếp với các trang mạng và tự thu phí bản quyền bản ghi của họ. Lí do RIAV kí kết với MVCorp được cho biết:
Chúng tôi đang bỏ trống việc thu phí bản quyền bản ghi từ nhà hàng khách sạn, đài truyền hình, phát thanh... Vì thế, chúng tôi bán khoán cho MV Corp để ban chấp hành hiệp hội có thời gian tiếp tục mở rộng thu phí những lĩnh vực bỏ trống đó.
Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch RIAV
Tuy nhiên, thực tế dù MV Corp có mua bản quyền của ai thì vấn đề vẫn thuộc về thói quen sử dụng của người dùng. Với 40.000 ca khúc của RIAV, MV Corp chỉ kí thỏa thuận hợp tác được với năm trang mạng lớn, còn rất nhiều trang mạng nghe, tải nhạc trực tuyến khác vẫn không thực thi việc thu phí bản quyền. Vì thế, người nghe nhạc sẽ tìm đến những trang mạng miễn phí này để nghe.
Tan rã sau sáu tháng
25 triệu người nghe nhạc qua mạng tại Việt Nam năm 2012, trong đó 6 triệu người nghe nhạc trên điện thoại di động. Thị phần nhạc số tại Việt Nam hiện rơi vào tay vài "đại gia": Zing MP3 (44%), nhaccuatui (27%), nhacvui.vn (20%) còn lại các trang: nhacso.net, nghenhac.info... chỉ chiếm từ 2% đến 5% thị phần.
"Lúc đó chúng tôi bán độc quyền ba năm. Việc thanh toán phí với chúng tôi theo từng kì. Tuy nhiên, sau thời gian thực tế tiếp cận việc thu phí MV Corp gặp khó khăn. Một phần do là công ty cổ phần nên để các thành viên đồng thuận với nhau trong việc chịu lỗ dài ngày không phải là chuyện dễ, bởi muốn thu phí nhạc trực tuyến phải chấp nhận đi đường dài. Đầu tiên phải vượt qua thói quen tiêu dùng là xài chùa của người dùng. Sau đó mới đến việc đầu tư vận hành một bộ máy cả kĩ thuật, nhân sự cho việc người dùng trả tiền. Giờ người dùng nghe nhạc muốn trả tiền nhưng trả ở đâu, như thế nào, cách nào... phía MV Corp vẫn chưa có phương thức cụ thể để khách hàng dễ dàng thực hiện việc tải trả tiền" - bà Dung nói.
Vậy là chỉ sau năm tháng thử nghiệm thu phí, đến cuối tháng 3/2013, liên minh RIAV và MV Corp bắt đầu trục trặc và đầu tháng 5 này, liên minh đã chính thức tan rã.
Theo lời bà Dung, MV Corp nhiều lần kéo dài thanh toán tiền theo thỏa thuận hợp đồng, RIAV cũng tìm cách hỗ trợ để đi đến cùng hợp đồng nhưng quá khó khăn. Vì thế MV Corp đã có văn bản xin thanh lí hợp đồng trước thời hạn.
Không dễ thu bạc cắc
Sau khi liên minh tan rã, RIAV lại tiếp tục hành trình tự đi đòi tiền phí bản quyền nhạc trực tuyến. Các trang mạng âm nhạc trực tuyến thay vì trả tiền cho MV Corp bây giờ sẽ trả trực tiếp cho RIAV.
Một đại diện của trang mạng nghe nhạc hàng đầu tại Việt Nam chia sẻ, trở ngại lớn nhất của thị trường nhạc trực tuyến là hệ thống thanh toán khó khăn. Có thể xem việc người dùng trả tiền nghe, tải nhạc trực tuyến là trả tiền lẻ. Bởi mỗi lượt tải ca khúc về giá chỉ 1.000 đồng/ca khúc, nếu tải hết album cao lắm cũng chỉ mất 10.000 đồng. Dù nhiều trang mạng áp dụng cách thức trả tiền qua thẻ cào điện thoại, trừ tiền bằng tài khoản điện thoại thậm chí trả bằng các loại thẻ thanh toán của ngân hàng nhưng với "số tiền quá nhỏ rất khó tạo thói quen phải trả cho người dùng" - ông Nhan Thế Luân, Giám đốc NCT Corporation (trang mạng nghe nhạc trực tuyến Nhaccuatui), cho biết.
Cũng theo ông Luân, "khi thỏa thuận hợp tác với MV Corp chúng tôi cũng xác định sẽ thực hiện việc thu phí này trong ba năm. Tuy nhiên, thực tế thói quen nghe, tải nhạc miễn phí của người dùng rất khó thay đổi".
Sau động thái thu phí nhạc trực tuyến của MV Corp trong năm qua, tiếp theo sau đó là phong trào Nghe có ý thức thì người dân phần nào có thói quen nghe nhạc trả tiền. "Dù sao cũng cám ơn MV Corp, vì nhờ đó mà người dùng từ thói quen không trả tiền đã đi đến ý thức trả tiền nghe nhạc, dẫu số tiền không nhiều. Còn muốn thực thi tốt việc thu phí bản quyền âm nhạc rất cần một sự hỗ trợ liên ngành. Nếu không thì không chỉ MVCorp mà tất cả đơn vị đều không dễ dàng thu phí người dùng vì phương thức thanh toán quá khó khăn" - bà Thu Dung khẳng định.
Giấc mơ thu phí tải nhạc qua điện thoại
Sau năm tháng thu phí tổng số tiền MV Corp thu được từ tải nhạc bản quyền các ca khúc, album khoảng vài trăm triệu đồng. Với hai hình thức thu phí nhạc: Thu theo từng bài và thuê bao tháng (từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng/tháng) thì hình thức thứ hai được nhiều người lựa chọn hơn.
Nguồn thu cao nhất của âm nhạc trực tuyến từ nghe, tải nhạc là qua điện thoại di động. Như tại Trung Quốc, trong 14 dịch vụ nhạc có thu phí thì ba dịch vụ đứng dầu về doanh thu thuộc về nhà mạng điện thoại di động chứ không phải các trang mạng nghe nhạc trực tuyến.
Chỉ có trên di động mới giải quyết được những khó khăn về phương thức thanh toán phí tải nhạc. Người dùng có thể thanh toán qua SMS, cổng wap... với tỉ lệ ăn chia ít nhất là 50-50. Trong đó, nhà mạng thu về 50% phí, 50% còn lại dành cho các trang mạng phân phối, ca sĩ, nhạc sĩ. Với tỉ lệ ăn chia này, hiếm nhà mạng nào chịu "nhả" ra cho các trang mạng thu phí trực tiếp với người dùng.
Theo Pháp luật TPHCM
MV Corp bỏ cuộc thu phí tải nhạc: 'Vì không chịu được lỗ dài hạn' Ngày 15-8-2012, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đã công bố Công ty Cổ phần Tập đoàn MV (MVCorp) là đối tác duy nhất đại diện cho hiệp hội trong việc quản lý quyền trên lĩnh vực Internet và điện thoại di động. Tại buổi này, năm trang mạng âm nhạc trong nước gồm: Zing, Nhaccuatui, Nhac.vui.vn, Socbay.com, Nghenhac.info đã...