Review ‘Ròm’: có xứng đáng được xếp vào hàng trải nghiệm điện ảnh ‘đã đời’?
Trước khi đến với người yêu điện ảnh Việt, Ròm (đạo diễn Trần Thanh Huy) gây xôn xao bởi 2 điều: ‘đoạt giải’ và ‘cấm chiếu’.
Phim được vinh danh tại Liên hoan phim quốc tế Busan – Hàn Quốc ở hạng mục New Currents (dành cho tác phẩm điện ảnh đầu tay hoặc thứ hai của đạo diễn châu Á). Trên hành trình ra mắt tại quê nhà, Ròm gặp loạt khó khăn mà điển hình là bị xử phạt 40 triệu do… ‘thi chui’. Đồng thời, không vượt qua vòng thẩm định, ban đầu Ròm đã không được Cục Điện ảnh cấp phép phát hành.
Hai lùm xùm này có thể là lý do Ròm tạo hiệu ứng tò mò từ đám đông, nhưng hoàn toàn không phải là nguyên nhân bộ phim xứng đáng được xếp vào hàng trải nghiệm điện ảnh ‘đã đời’.
Điểm sáng từ góc máy độc lạ
Ròm lấy bối cảnh khu chung cư mê số đề mà trọng tâm là cậu bé Ròm - mưu sinh qua từng con phố và những trò may rủi. Ở đó, nhiều thân phận đời hiện lên nhưng đều chung một điểm: phó thác số phận cho con số đỏ – đen. Nhằm tái hiện cảnh đời nghiệt ngã, toàn bộ thời thượng của bộ phim được gói ghém trong góc máy nghiêng. Khung hình chông chênh như chính cuộc đời người dân xóm liều: mông lung, vô định, tất cả đều bị xã hội xô đến mức chẳng thể vững vàng.
Mỗi thước phim, mỗi khung hình được nhà làm phim chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận, hoàn thành nhiệm vụ ‘nịnh’ mắt người xem. Các góc máy cận khá tinh tế, giàu tính thẩm mỹ, khi đứng riêng lẻ dễ chừng trở thành tấm hình thu về cả chục nghìn lượt thích trên Instagram.
Hình ảnh phần đầu lấy cảm hứng từ các kiệt tác Việt của đạo diễn Trần Anh Hùng – cũng là người thầy của Trần Thanh Huy. Đặc biệt là căn hộ của dì Ba, đậm chất hoài cổ, lại chấm phá chút mơ màng, nên thơ giữa cảnh tượng đề đóm hỗn loạn ngoài kia.
Ngược lại ở phần sau, phân cảnh rượt lại được máy quay theo sát tái hiện thật mượt mà, uyển chuyển, cuốn khán giả vào nhịp độ giờ đã tăng tốc. Sáng tạo nghệ thuật và kỹ thuật hình ảnh, chính là điểm cộng của Ròm.
Câu chuyện rời rạc, độ sâu ngang ‘cơi đựng trầu’
Bình tĩnh thưởng thức bộ phim, cứ ngỡ rằng đây là tác phẩm đáng ngạc nhiên của điện ảnh nước nhà. Thế mà, hụt hẫng Ròm liên tiếp mang lại khiến người xem ngộ ra: quá sớm để nhận định điều đó.
Câu chuyện số đề, mưu sinh đường phố, hay giải tỏa mặt bằng được kể rời rạc, trong một mạch phim yếu kém. Nhà làm phim đối đãi quá tệ với kịch bản vì không chịu phát triển cốt truyện, nên tổng thể Ròm hiện lên nhàng nhàng, chưng hửng.
Nếu chỉ đưa ra vấn đề mà không giải quyết, thì làm sao tạo dựng chiều sâu cho tác phẩm? Làm sao hiểu thấu được nỗi đau, phận đời cùng cực nhân vật phải trải qua? Cái gai góc bê từ đời vào nghệ thuật làm sao đủ mạnh mẽ để được đồng lòng, cảm thông?
Thước phim chân thực cần chinh phục bằng tính liên kết và phát triển để đẩy cảm xúc lên đến tối đa thay vì phơi bày cảnh đời hời hợt trên màn ảnh.
Phim cài cắm những tình tiết tạm gọi là nặng nề, một vài hình ảnh biểu trưng, thi thoảng kể bằng ngôn ngữ điện ảnh nhưng hầu hết tất cả xuất hiện chới với trong suốt 79 phút và không có sự liên kết chặt chẽ nào. Cộng thêm lối chuyển cảnh vụng về, Ròm khiến khán giả hình dung họ đang xem nhiều tập phim truyền hình được khiên cưỡng ‘nhét’ vào một tác phẩm điện ảnh. Đó là nguyên do vì sao Ròm giống như nồi cơm chưa được nấu chín mà lúc thưởng thức, khán giả nhăn mặt vì những hạt gạo sống sượng.
Liệu có nên cảm thông bằng lý lẽ qua khâu kiểm duyệt, Ròm buộc phải tiêu hủy bản trình chiếu tại Busan và biên tập lại? Thực tế, từ nguồn tin đã được xem bản chưa chỉnh sửa, bản đang trình chiếu chỉ thiếu đi hai cảnh vốn không ảnh hưởng hay liên quan tới không khí của bộ phim. Hơn nữa, tình tiết phim không chứa đựng nhiều bất ngờ. Nhân vật sẽ thoại câu nào, làm gì tiếp theo, hay thậm chí phim kết thúc ở đâu,… không khó đoán – đó là điều tối kỵ các bộ phim truyền hình Việt Nam hai thập niên trước từng mắc sai lầm.
Ròm có kết thúc mở – thủ pháp thường thấy ở phim nghệ thuật. Dù vậy, cái kết mở của Ròm không đủ khơi gợi suy nghĩ, phán đoán mà chỉ đọng lại ấn tượng về sự bí bách của đạo diễn, khi không tìm thấy giải pháp phù hợp cho số phận của nhân vật.
Lời khen dành cho diễn xuất
Dàn diễn viên của Ròm đã hoàn thành tốt vai trò của họ, dù là tay ngang như Trần Anh Khoa, Anh Tú Wilson hay người làm nghề lâu năm như Cát Phượng. Nếu Ròm của Anh Khoa cộc cằn nhưng ẩn sâu bên trong là chân chất, mộc mạc thì Phúc của Anh Tú lột tả thành công nét láu cá, luồn lách, lại phô diễn được các pha parkour đẹp mắt.
Thật tiếc vì nhân vật không được phát triển tính cách, giúp các diễn viên có cơ hội ‘bung’ hơn. Động lực đối với nhân vật cũng chưa được khắc họa rõ nét, vì thế, hành vi của họ chưa đủ thuyết phục. Điều này, một lần nữa lại đến từ kịch bản chưa tốt.
Trần Anh Khoa chính là cậu bé từng góp mặt trong 16:30 – phim ngắn của đạo diễn Trần Thanh Huy 8 năm trước, cũng là em trai ruột của anh. Đến với Ròm, Khoa ngày trước đã trưởng thành tiếp tục hóa thân sống động vào cậu bé cơ nhỡ, lang thang cùng đường cuối phố. Vài phân cảnh của 16:30 được đưa vào Ròm, nhưng không phục vụ nhiều giá trị cho tổng thể phim. Khán giả chưa thỏa mãn với dụng ý này, chỉ dừng lại ở ghi nhận tính chất quá trình. 8 năm trước là một phiên bản, 8 năm sau là phiên bản khác, vậy thôi!
Tạm kết
Có thể nói rằng, đội ngũ truyền thông của Ròm đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Từ ồn ào xung quanh bộ phim, thông điệp ‘thương phim Việt’ được đẩy lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, đừng tận dụng lòng thương của khán giả cho một tác phẩm chưa xứng với tràng pháo tay ngợi khen thỏa đáng nhất. Và phim đoạt giải, chưa chắc đã là phim hay, xét về yếu tố chuyên môn lẫn thị trường.
Trailer ‘Ròm’
Phim 'Ròm' thu hơn 10 tỷ đồng trong ngày khởi chiếu
Trong ngày 25/9, bộ phim của đạo diễn Trần Thanh Huy đạt con số doanh thu khả quan tại phòng vé khi chính thức ra mắt khán giả Việt Nam.
Theo nhà phát hành, Ròm bán được hơn 100.000 vé và cán mốc doanh thu 10 tỷ đồng trong ngày khởi chiếu 25/9. Đây là bộ phim của đạo diễn Trần Thanh Huy kể về cuộc đời nhân vật "cò đề" tên Ròm (Trần Anh Khoa) tại một khu chung cư sắp bị giải tỏa.
Doanh thu trong ngày 25/9 của Ròm hoàn toàn vượt trội so với các tác phẩm khác. Bộ phim nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các cụm rạp chiếu phim với số lượng suất chiếu đông đảo giữa bối cảnh không có phim bom tấn nước ngoài ra mắt cùng thời điểm.
Phim Ròm thu hơn 10 tỷ đồng trong ngày khởi chiếu 25/9. Ảnh: CJ.
Anh Nguyễn Hoàng Phương - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD - nhận định: "Đây là tín hiệu đáng mừng dành cho phim độc lập nói riêng và thị trường điện ảnh Việt Nam nói chung. Khán giả rõ ràng vẫn có nhu cầu ra rạp xem phim, và nhà rạp cần những bộ phim có thể gây nhiều sự tò mò cho công chúng".
"Thông thường, thời điểm tháng 9, tháng 10 hàng năm bị coi là mùa thấp điểm đối với phim chiếu rạp. Khi khán giả Việt còn chưa thực sự lấy lại thói quen ra rạp, thành tích của Ròm là rất đáng khích lệ", anh nói thêm.
Ròm là tác phẩm lận đận của điện ảnh Việt. Được phát triển từ phim ngắn 16:30 (2012), bộ phim sau đó giành giải New Currents tại Liên hoan phim Busan 2019. Song, do tham dự sự kiện khi chưa được cấp phép trình chiếu tại quê hương, đoàn phim bị phạt 40 triệu đồng.
Sau khi chỉnh sửa một số tình tiết theo yêu cầu của Cục Điện ảnh, Ròm được phép ra mắt khán giả và đặt lịch khởi chiếu từ 31/7. Song, làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 khiến kế hoạch đổ bể và phim bị hoãn chiếu tới 25/9.
Trên mạng xã hội, Ròm hiện nhận nhiều lời khen chê trái ngược. Sau buổi công chiếu hôm 23/9, phim được nhiều người nổi tiếng và báo chí ủng hộ nhờ câu chuyện gai góc và kỹ thuật làm phim chất lượng. Đa số cho rằng hành trình 8 năm của Ròm đã có cái kết viên mãn.
Tuy nhiên, một bộ phận khán giả hiện tỏ ra không hài lòng với nội dung bộ phim, đặc biệt là trước cái kết bị cho là còn chơi vơi.
Trailer Ròm
Trước doanh thu ngày khởi chiếu hơn 10 tỷ đồng của Ròm, một số người trong giới nhận định với Zing bộ phim hoàn toàn có khả năng cán mốc 20 tỷ đồng sau ba ngày đầu trình chiếu. Trước đó, tác phẩm được cho đã tiêu tốn hơn 11,5 tỷ đồng để thực hiện.
Câu chuyện đẫm nước mắt đằng sau những thước phim dữ dội và chân thật của 'Ròm' Phim "Ròm" tiếp tục tung clip hậu trường về hành trình thực hiện bộ phim, kể về những phân đoạn đánh nhau chân thật và dữ dội đầy nước mắt. Phải viết hơn 17 dàn ý, 12 cuốn kịch bản, đi rất nhiều hội chợ trong suốt khoảng thời gian 2013 - 2015 để kêu gọi đầu tư, nhưng đạo diễn Trần Thanh...