Review máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2: Máy 1,4 triệu khác gì chiếc máy vài trăm nghìn, có nên mua một chiếc cho gia đình?
Với những người mắc COVID-19 khi trở nặng thường có biểu hiện suy hô hấp, máy đo SpO2 sẽ là một công cụ phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu để sớm có hướng xử lý cho bệnh nhân.
Một trong những thiết bị y tế được nhiều người lùng mua trong đợt dịch là máy đo SpO2. Đây là thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu, kết hợp đo nhịp tim thông qua đầu ngón tay.
Thiết bị nhỏ gọn này hỗ trợ theo dõi và kiểm tra các chỉ số sức khỏe, giúp bệnh nhân COVID-19 nhanh chóng phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu ngay cả khi cơ thể đang bình thường
Cũng vì lý do này, từ đầu năm 2021 đến nay, nhu cầu mua máy đo SpO2 của người dân tăng cao đột biến.
Kinh nghiệm tìm mua máy đo SpO2: Nhất định đừng ham rẻ
Trước khi đi vào review sản phẩm máy đo SpO2, có một điều phải khẳng định rằng quá trình tìm mua sản phẩm trên mạng khá là gian nan, tưởng dễ nhưng không dễ.
Nắm bắt được nhu cầu của nhiều người tiêu dùng, trên thị trường có rất nhiều tổ chức, cá nhân nhận cung cấp các thiết bị SpO2. Tuy nhiên, trong số đó có không ít sản phẩm “lởm”, đánh vào tâm lý lo sợ dịch bệnh COVID-19 của người mua để trục lợi.
Trên các hội nhóm Facebook và các trang thương mại điện tử, máy đo SpO2 được rao bán tràn lan với đủ mẫu mã, giá cả dao động từ chục nghìn đồng tới vài triệu đồng
Dù có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị giá rẻ thường không có tên thương hiệu mà chỉ được gọi chung chung Oximeter, hoặc thương hiệu lạ, nhái theo các thương hiệu uy tín khác.
Với mức giá rẻ chỉ vài chục ngàn đồng, những thiết bị này thường dùng cảm biến chất lượng kém, thậm chí chỉ là một vi mạch điện tử được cài sẵn các thông số ngẫu nhiên kèm màn hình và đèn LED để đánh lừa người dùng.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1), để an tâm, người dùng nên mua các thiết bị đo SpO2 có thương hiệu, giá bán ít nhất từ 400.000 đến 500.000 đồng. Không nên mua thiết bị giá rẻ bởi khả năng cao cho kết quả không chính xác, sai số lớn.
Đúc kết từ trải nghiệm bản thân khi tìm mua máy đo SpO2, lời khuyên cho bạn là hãy tìm đến các nhà thuốc lớn cũng như những đơn vị kinh doanh thiết bị y tế uy tín để được tư vấn và chọn mua được sản phẩm chất lượng.
Những lưu ý khi sử dụng máy đo SpO2
SpO2 là viết tắt của cụm từ “Saturation of peripheral oxygen” – “độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi”. Hiểu một cách khác, SpO2 là tỷ lệ hemoglobin oxy hóa (hemoglobin có chứa oxy) so với tổng lượng hemoglobin trong máu. Hemoglobin là một protein được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu, quyết định màu đỏ của hồng cầu.
Chỉ số SpO2 có thể được đo bằng phép đo xung – một phương pháp gián tiếp, không xâm lấn. Thiết bị đo SpO2 hoạt động bằng cách phát ra và tự hấp thu một làn sóng ánh sáng đi qua các mạch máu hoặc mao mạch trong đầu ngón tay, đầu ngón chân hoặc dái tai. Sự thay đổi của sóng ánh sáng xuyên qua ngón tay, ngón chân hoặc dái tai sẽ cho biết kết quả của phép đo SpO2 vì mức độ oxy bão hòa gây ra các biến đổi về màu sắc của máu.
Những lưu ý khi sử dụng thiết bị đo SpO2
Giá trị SpO2 bình thường dao động ở mức 95% – 100%. Nếu giá trị SpO2 xuống dưới 95%, đây là dấu hiệu cảnh báo oxy hóa máu kém, còn được gọi là tình trạng thiếu oxy máu. Các nghiên cứu chứng minh rằng chỉ số SpO2 từ 95% trở lên là bình thường, đảm bảo an toàn.
Video đang HOT
Thang đo chỉ số SpO2 tiêu chuẩn ở người bình thường không có bệnh nền như sau:
SpO2 dao động từ 97 đến 100% cho thấy chỉ số oxy trong máu tốt
- SpO2 từ 97 đến 100%: Chỉ số oxy trong máu tốt.
- SpO2 từ 94 đến 96%: Chỉ số oxy trong máu trung bình, cần theo dõi, kiểm tra tìm nguyên nhân và cân nhắc việc sử dụng oxy.
- SpO2 từ 90% đến 93%: Chỉ số oxy trong máu thấp, cần xin ý kiến của bác sĩ điều trị sớm.
- SpO2 dưới 90%: Một trong những dấu hiệu suy hô hấp nặng cần cấp cứu.
Chỉ số SpO2 ở trẻ sơ sinh:
Ở trẻ sơ sinh, chỉ số SpO2 an toàn giống như của người lớn, đó là trên 95%. Nếu chỉ số SpO2 của trẻ giảm ở mức 90% thì cần thông báo cho y, bác sĩ để được hỗ trợ can thiệp kịp thời.
Việc sử dụng thiết bị đo SpO2 cực kỳ đơn giản nhưng bạn cũng cần lưu ý một số chi tiết vì chúng có thể dẫn đến xảy ra sai số trong quá trình thực hiện.
Theo BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người dùng trước khi dùng thiết bị đo SpO2 nên xoa ấm bàn tay, cần để cố định bàn tay lên trên mặt bàn. Khi đo cố gắng không cử động trong vòng 1 phút để kết quả được chính xác hơn.
Lưu ý không được sơn móng tay, sử dụng móng tay giả hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo. Đảm bảo móng tay không quá dài, để đầu ngón tay có thể che kín bộ phận cảm biến trong khe kẹp
Đối với chị em phụ nữ, lời khuyên là nên tẩy sơn móng tay trước khi đo vì khi ngón tay đã được sơn, tín hiệu nhận biết trên đầu cặp SpO2 không chính xác nữa, nên có thể chỉ số này bị hạ dù thực tế bệnh nhân không thiếu oxy.
Ngoài sơn móng tay, một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới độ chính xác của máy đo SpO2 như người bệnh bị lạnh, huyết áp thấp, người bệnh cử động nhiều hay đo ở môi trường có ánh sáng chiếu trực tiếp.
* Cách đọc các thông số:
- Nhịp mạch sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí hình trái tim, hoặc vị trí ghi chữ PR. Đơn vị đo: lần/phút (beat per minute – bpm). Phạm vi đo: 0-254 lần/phút. Giá trị bình thường: 60-100 lần/phút (đối với người lớn, lúc nghỉ ngơi).
- SpO2 sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí ghi chữ SpO2. Đơn vị đo: tỉ lệ phần trăm (%). Phạm vi đo: 0-100%. Giá trị bình thường: 95-100%. Sai số khi đo: 2%.
Trải nghiệm nhanh hai máy đo SpO2
Trong bài viết này, mình sẽ thực hiện đo chỉ số SpO2 trên hai sản phẩm, một của thương hiệu Jumper có giá 1.400.000đ (xuất xứ Trung Quốc) và sản phẩm còn lại đến từ thương hiệu Chido có giá 650.000đ (xuất xứ Hong Kong, Trung Quốc).
Do đều là máy đo SpO2 cầm tay nên cả hai máy đo đều có thiết kế dạng kẹp, vô cùng nhỏ gọn và dễ sử dụng. Kích thước của 2 máy cũng khá tương đồng
Máy đo SpO2 có phần nhỉnh hơn về thiết kế khi trang bị màn hình sắc nét hơn, các chỉ số cũng có phần to hơn máy đo của Chido
Tuy nhiên, khác biệt cũng không đáng kể và không ảnh hưởng đến trải nghiệm khi sử dụng
Trước khi kẹp thiết bị đo SpO2, nên xoa ấm bàn tay trước để có được kết quả chính xác hơn. Tiếp đến, mở kẹp, đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng trong khe kẹp
Sau khi đã cố định ngón tay vào khe kẹp, hãy nhấn nút nguồn để khởi động máy. Không cử động tay trong khi đo. Vì khe kẹp có thiết kế để vừa khoảng 1 ngón tay và lực kẹp rất nhẹ nhàng, nên quá trình này diễn ra không hề đau đớn như trong tưởng tượng
Trải nghiệm với máy đo SpO2 của Jumper cho thấy, máy hiển thị kết quả khá nhanh chóng, chỉ chưa đến 5 giây. Trong khi đó, máy đo SpO2 của Chido lại có phần chậm hơn đôi chút.
Với máy đo SpO2 của Jumper, mẫu máy này có ưu điểm là màn hình hiển thị chỉ số kỹ thuật một cách rõ ràng gồm nhịp tim, nồng độ oxy trong máu, chỉ số tưới máu (PI), lượng pin. Trong đó phạm vi hiển thị gồm: Chỉ số SpO2: 35% – 99%, Tốc độ xung: 25-250bpm. Độ sai lệch khoảng 2% khi SpO2 trong khoảng 70% – 100%. Chúng ta cũng có thể chủ động cài đặt cảnh báo âm thanh và cài đặt giới hạn chỉ số để cảnh báo. Sau 10 giây không sử dụng, máy sẽ tự động tắt nguồn
Còn với mẫu máy đo SpO2 của Chido, các thông tin cũng hiển thị chi tiết nên dễ dàng theo dõi. Trong đó gồm có chỉ số SPO2: độ bão hòa oxy trong máu; PRbpm: nhịp tim/phút; PI: chỉ số tưới máu chi. Độ sai lệch
Sau khi thử sử dụng cả hai máy để đo SpO2 qua ngón trỏ, mình nhận thấy kết quả từ hai mẫu máy cho thấy không có sự sai lệch nhiều, chỉ chênh lệch khoảng 1-2 đơn vị.
Tạm kết
Theo dõi chặt chẽ chỉ số nồng độ oxy trong máu sẽ giúp xử trí kịp thời các biến cố và tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân
Với công dụng nhanh chóng phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu ngay cả khi cơ thể đang bình thường, việc trang bị một thiết bị đo SpO2 trong gia đình để theo dõi là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần tìm đến những nơi uy tín và được cấp phép để mua máy, không nên mua trôi nổi trên thị trường vì máy nhái có thể cho ra những chỉ số sai.
Ngoài ra, cần lưu ý chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng. Bạn cần theo dõi sát các triệu chứng khác cơ thể, khi có bất thường cần báo nhân viên y tế ngay!
Máy đo SpO2 giá rẻ lừa người dùng
Văn Trung (TP HCM) mua máy theo dõi chỉ số oxy trong máu trên mạng giá 50.000 đồng, nhưng kết quả đo mỗi lúc một khác khiến anh hoang mang.
"Tôi đã thử đo SpO2 nhiều lần nhưng kết quả mỗi lúc một khác, lúc thì 98% và nhịp tim đạt 65 nhịp/phút, lúc lại 75% và nhịp tim 90 nhịp/phút. Theo những gì tôi tìm hiểu, chỉ số SpO2 phải đạt trên 94% nên tôi sợ sức khỏe mình có vấn đề", anh Trung kể. Anh đã tham khảo ý kiến bác sĩ quen và được khuyên nên theo dõi thêm vì thiết bị anh mua có thể không đáng tin cậy.
Trên các hội nhóm về thiết bị y tế và máy đo SpO2, một số người cho biết cũng gặp phải các tình huống "dở khóc dở cười" như anh Trung. "Tôi đã mua thiết bị đo chỉ số oxy trong máu SpO2 giá hơn 200.000 đồng trên mạng, nhưng chỉ số không đồng nhất và sai số rất lớn trong mỗi lần đo", tài khoản Facebook Viet Nguyen chia sẻ.
Một thiết bị đo SpO2 có giá 55.000 đồng cho kết quả phép đo chênh lệch lớn chỉ sau vài giây.
Những người mua cũng nhanh chóng nhận ra họ mua phải thiết bị chất lượng kém. "Chúng dường như được cài sẵn thông số và hiển thị ngẫu nhiên khi người dùng đo chứ không có tác dụng thực tế", tài khoản Nguyen Minh bình luận. "Tôi đã thử đo bằng chiếc máy SpO2 giá 100.000 đồng mua trên mạng và so sánh với thiết bị chuyên dụng trong bệnh viện và thấy chênh lệch về chỉ số rất lớn. Mọi người đừng để bị đánh lừa", tài khoản Lê Vân, người tự nhận là y tá một bệnh viện tại TP HCM, chia sẻ.
Không chỉ trên mạng xã hội, trong phần bình luận trên các trang thương mại điện tử, hầu hết các thiết bị đo SpO2 với giá dưới 300.000 đồng cũng nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng và tỷ lệ bị đánh giá 1 sao nhiều.
SpO2 là viết tắt của cụm từ Saturation of Peripheral Oxygen - độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM, SpO2 là chỉ số quan trọng. Một người khỏe mạnh bình thường, độ bão hòa oxy máu dao động trong khoảng 95 - 100%. Nếu chỉ số SpO2 thấp hơn 92%, bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp, phải nhập viện và theo dõi sát diễn tiến tình trạng suy hô hấp. Trong trường hợp chỉ số SpO2 của bệnh nhân lớn hơn 92% nhưng có các biểu hiện suy hô hấp như khó thở nhiều, người lớn thở nhanh trên 30 lần/phút, thở co kéo các cơ hô hấp phụ nhiều, vẫn cần được nhập viện để theo dõi và điều trị.
Thời gian qua, các thiết bị y tế liên quan đến theo dõi sức khỏe Covid-19, như máy SpO2, máy đo huyết áp, máy tạo oxy... nhận được sự quan tâm lớn. Máy đo SpO2 được bán nhiều trên các hội nhóm Facebook và trên các trang thương mại điện tử với giá từ 50.000 đồng tới vài triệu đồng, được mô tả là có thể dùng để đo chỉ số oxy trong máu tại nhà, thậm chí được quảng cáo là có thể phát hiện Covid-19.
Các mẫu máy đo SpO2 giá rẻ bán trên mạng thường được đặt tên theo mã số, như S2, ACE, Y2, SPTO2... với thương hiệu lạ, nhái theo các thương hiệu uy tín, như Eveny, Omroni hoặc tên chung chung là Oximeter. Chúng có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị này có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy.
Theo một người từng kinh doanh thiết bị y tế tại TP HCM, các mẫu máy đo được chỉ số oxy trong máu với tỷ lệ chính xác cao hiện nay thường có giá bán không dưới 500.000 đồng và có thể lên hơn 3 triệu đồng tùy chất lượng, tính năng, độ nhạy và thương hiệu. "Những thiết bị có giá rẻ là do dùng cảm biến chất lượng kém, thậm chí chỉ là một vi mạch điện tử được cài sẵn các thông số ngẫu nhiên kèm màn hình và đèn LED để đánh lừa người dùng", người này cho biết. "Với chi phí chỉ vài chục nghìn đồng mỗi chiếc, khó công ty nào có thể sản xuất được một thiết bị đo SpO2 chuyên nghiệp được. Chúng cũng bị bỏ qua các khâu kiểm định từ cơ quan y tế và các cơ quan quản lý".
Trần Hưng, một thợ sửa chữa thiết bị điện tử tại TP HCM, đã bóc tách một máy đo SpO2 giá 50.000 đồng. Anh nhận thấy thiết kế bên trong khá sơ sài, các linh kiện như chip, cảm biến đo, bo mạch có chất lượng kém. "Cảm biến chất lượng không cao dẫn đến sai số lớn khi đo. Theo tôi, không nên sử dụng các sản phẩm dạng này", anh Hưng đưa lời khuyên.
Mặt trước và mặt sau của bo mạch bên trong thiết bị đo SpO2 có thiết kế sơ sài.
Theo bác sĩ Vũ, nếu có điều kiện, người dân có thể trang bị một thiết bị đo SpO2 trong gia đình để theo dõi. Tuy nhiên, bác sĩ Vũ nhấn mạnh chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, phù hợp cho những ai đang theo dõi người thân đang là F0 tại nhà.
"Các thiết bị đo SpO2 cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải là dấu hiệu để phát hiện người mắc Covid-19", bác sĩ Vũ cho biết.
Cũng theo ông Vũ, các máy đo nồng độ oxy trong máu hiện rất nhiều và đa dạng, mọi người cần chọn lọc thông tin và lựa chọn phù hợp, tránh những quảng cáo "ăn theo dịch bệnh" gây hoang mang và không nên dùng các sản phẩm giá quá rẻ. Ngoài ra, người dùng cũng cần giữ liên lạc với nhân viên y tế khi có dấu hiệu trở nặng để được xử trí kịp thời.
Khám phá đồng hồ thông minh Huawei Watch 3 Pro Không chỉ mang trên mình thiết kế hiện đại với vỏ titan cao cấp và mặt sau bằng gốm, Huawei Watch 3 Pro còn trang bị một loạt tính năng giá trị cho những người quan tâm đến sức khỏe. Huawei Watch 3 Pro với phiên bản dùng dây đeo bằng da Huawei Watch 3 Pro có thân bằng titan cao cấp và...