Reuters: Công nhân Samsung Việt Nam trước làn sóng sụt giảm nhu cầu hàng điện tử toàn cầu
Reuters: Công nhân Samsung Việt Nam trước làn sóng sụt giảm nhu cầu hàng điện tử toàn cầu
Samsung Electronics đang thực hiện cắt giảm hoạt động sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam trong bối cảnh các nhà bán lẻ “vật lộn” với tình trạng hàng hóa tồn kho tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm.
Các kho chứa tại Mỹ đang vận hành với công suất tối đa. Nhiều nhà bán lẻ lớn của quốc gia này như Best Buy và Target Corp gần đây liên tục cảnh báo về việc người tiêu dùng đang bắt đầu “thắt lưng buộc bụng” sau quãng thời gian bùng nổ chi tiêu ngay sau đại dịch Covid-19.
Và tác động của hiện tượng này có thể phần nào được cảm nhận tại Thái Nguyên, nơi Samsung đặt hai tổ hợp sản xuất lớn, đóng góp khoảng 50% nguồn cung điện thoại thông minh mang thương hiệu này trên toàn cầu. Samsung cho biết tổ hợp nhà máy tại Thái Nguyên có công suất khoảng 100 triệu điện thoại thông minh mỗi năm.
Tồn kho các mặt hàng điện tử tăng cao tại Mỹ. Ảnh: Refinitiv.
“Chúng tôi hiện làm việc chỉ ba ngày mỗi tuần trong khi nhiều dây chuyền khác cũng được điều chỉnh số ngày làm việc từ 6 xuống 4 ngày. Tất nhiên, chúng tôi cũng không cần phải làm việc ngoài giờ”, Phạm Thị Thương, 28 tuổi, công nhân nhà máy Samsung Thái Nguyên, chia sẻ với Reuters.
“Hoạt động sản xuất trong năm ngoái bận rộn hơn nhiều, kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng nhất. Tình hình hiện tại khá ảm đạm”, cô nói.
Reuters chưa thể đưa ra kết luận liệu Samsung có đang chuyển hoạt động sản xuất sang các nhà máy khác trong khu vực hay không. Ngoài Việt Nam, hãng này cũng đang sản xuất điện thoại thông minh tại Hàn Quốc và Ấn Độ.
Samsung chia sẻ với Reuters rằng công ty này không có ý định cắt giảm sản lượng điện thoại thông minh tại Việt Nam. Hãng này cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng nhu cầu điện thoại thông minh toàn cầu trong nửa cuối năm nay.
Họ dự báo doanh số điện thoại gập của hãng sẽ vượt qua dòng sản phẩm Galaxy Note trong quý III và quý IV. Dòng sản phẩm điện thoại gập mới nhất của hãng dự kiến ra mắt vào ngày 10/8 tới.
Video đang HOT
Tuy nhiên, phần lớn công nhân được Reuters phỏng vấn bên ngoài khuôn viên nhà máy đều nhận định tình hình sản xuất hiện tại không mang nhiều tín hiệu khả quan.
Thương và một số người bạn, đã có 5 năm làm việc tại Samsung, cho biết họ chưa từng chứng kiến giai đoạn cắt giảm sản xuất nào “sâu” như hiện tại.
“Tất nhiên, trong năm sẽ có mùa thấp điểm, thường rơi vào giai đoạn tháng 6 và tháng 7. Nhưng thấp điểm ở đây là khi công nhân không phải làm việc ngoài giờ chứ không phải là cắt giảm ngày công như thế này”, Thương trả lời.
Cô được quản lý giải thích rằng số lượng hàng tồn kho đang tăng lên trong khi công ty không nhận về nhiều đơn hàng mới.
Công ty nghiên cứu Gartner dự báo doanh số điện thoại thông minh toàn cầu sụt giảm 6% trong năm nay do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và doanh số tại thị trường Trung Quốc giảm mạnh.
‘Thành phố Samsung’
Samsung là nhà đầu tư nước ngoài đồng thời là công ty có giá trị xuất khẩu lớn nhất Việt Nam với tổng cộng 6 nhà máy trên toàn quốc, trải dài từ các trung tâm công nghiệp phía Bắc như Bắc Ninh, Thái Nguyên cho tới TP HCM ở miền Nam, nơi doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất tủ lạnh và máy giặt.
Công nhân vào ca làm việc tại nhà máy Samsung Thái Nguyên. Ảnh: Reuters.
Tập đoàn này rót khoảng 18 tỷ USD vào Việt Nam, đóng góp lớn vào tăng trưởng của Việt Nam trong suốt thời gian qua. Riêng Samsung chiếm tới 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế.
Gần 10 năm trước, công ty này đầu tư xây dựng tổ hợp Samsung Thái Nguyên, cách Hà Nội khoảng 65 km về phía Bắc, góp phần đưa địa phương trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hàng đầu tại miền Bắc Việt Nam. Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Xiaomi Corp cũng được đặt tại đây.
Chính sách đãi ngộ hấp dẫn của Samsung như cung cấp bữa ăn, chỗ ở miễn phí, giúp thu hút hàng chục nghìn lao động trẻ đến với địa phương này. Nhưng động thái cắt giảm sản xuất gần đây khiến không ít người trong số họ cảm thấy lo lắng.
“Thu nhập của tôi giảm còn một nửa trong tháng trước vì chỉ làm việc bốn ngày mỗi tuần”, theo chị Nguyễn Thị Tươi, công nhân nhà máy Samsung Thái Nguyên.
Nhiều công nhân lo sợ công ty sẽ tiến hành sa thải lao động, nhưng chưa có bất cứ một thông báo chính thức nào được đưa ra.
“Tôi không cho rằng chuyện đó sẽ xảy ra. Công ty chỉ đang điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất nhằm phù hợp tình hình thế giới ở thời điểm hiện tại”, một trưởng nhóm sản xuất chia sẻ.
“Tôi hy vọng tình trạng hiện tại sẽ không kéo dài”, cô nói.
Chân dung TSMC - Hãng bán dẫn hàng đầu thế giới, mắt xích quan trọng của nhiều lĩnh vực chủ chốt từ TV, điện thoại đến ô tô
Thị phần sản xuất bán dẫn và chip của TSMC dẫn đầu toàn cầu trong nhiều năm, với con số luôn dao động từ 48 - 51%.
Với rất nhiều thế mạnh - trong đó có sản xuất chip nhớ - Đài Loan (Trung Quốc) đóng một vai trò vô cùng chiến lược trong nền công nghiệp điện tử toàn cầu. Trong bối cảnh nguồn cung chip trên toàn cầu đang khan hiếm, vai trò của Đài Loan càng được thể hiện rõ ràng hơn thông qua TSMC - một trong những hãng sản xuất bán dẫn và chip nhớ hàng đầu thế giới.
TSMC có tên đầy đủ là Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, chuyên sản xuất chip và các sản phẩm bán dẫn cung cấp cho toàn thế giới. Đây là công ty có tuổi đời không quá lớn (thành lập từ năm 1987), song đã có thị phần và doanh thu thuộc vào loại lớn nhất ngành công nghiệp bán dẫn.
Thị phần sản xuất bán dẫn và chip của TSMC dẫn đầu toàn cầu trong nhiều năm, với con số luôn dao động từ 48 - 51%. Điều này đồng nghĩa TSMC là nhà cung ứng quan trọng hàng đầu của các tập đoàn điện tử hàng đầu như AMD, Apple, ARM, Broadcom...
TMSC luôn chiếm khoảng 50% thị phần sản xuất chip nhớ trên toàn cầu trong nhiều năm (Ảnh: Statista)
Kể từ khi thành lập, TMSC liên tục có những bước phát triển mạnh mẽ cả về doanh thu, lợi nhuận lẫn danh tiếng, nhất là sau khi cổ phiếu của họ được đưa ra công chúng. Năm 1993, công ty lần đầu được niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Đài Loan. Chỉ mất 4 năm sau, họ trở thành doanh nghiệp Đài Loan đầu tiên có cổ phiếu xuất hiện trên sàn chứng khoán New York (NYSE).
Năm 2017, giá trị thị trường của TSMC lần đầu chạm mức 168 tỷ USD, vượt qua gã khổng lồ Mỹ là Intel (có giá trị lúc đó khoảng 166 tỷ USD). Doanh thu và lợi nhuận của công ty cũng tăng trưởng liên tục từ năm 1994 tới nay. Trong đó trong năm tài chính gần nhất, TSMC đạt doanh thu 1.587 tỷ TWD (tương đương khoảng 57 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm trước), còn lợi nhuận cũng ở mức 597 tỷ TWD (khoảng 21 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùngg kỳ).
Tới hết quý 2 năm nay, công ty thông báo mức lợi nhuận sau thuế tăng kỷ lục tới 76,4% so với thời điểm này năm ngoái, cho thấy sự tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ của TSMC. Kết thúc năm 2021, TSMC được Fortune xếp hạng 225 trong bảng Global 500 của họ, với giá trị thị trường rơi vào khoảng 426 tỷ USD.
Phần lớn doanh thu của TSMC tới từ khu vực Bắc Mỹ (chiếm 64% doanh thu năm 2021), trong khi đó các khu vực châu Á Thái Bình Dương và Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 12% - 15% doanh thu năm gần nhất của công ty. TSMC cũng dần mở rộng hoạt động của mình sang Nhật Bản, Hoa Kỳ và có thể là tại Đức.
Doanh thu của TSMC theo khu vực, trong đó Bắc Mỹ chiếm tỷ lệ lớn nhất (Ảnh: TMSC)
Sự tăng trưởng của công ty tới từ việc họ tập trung nhiều vào việc phát triển các công nghệ chip mới có tốc độ xử lý tốt hơn. Kể từ năm 2019 tới nay, công ty tập trung chủ yếu vào sản xuất các loại chip nhớ theo công nghệ 7nm và 5nm. Trong đó, từ năm 2020, họ bắt đầu chuyển sang công nghệ 5nm nhiều hơn và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều đối tác. Bên cạnh đó, dịch Covid - 19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng chip phần nào đó giúp cho TMSC tăng trưởng tốt hơn.
Cụ thể, giá của các chip nhớ do TSMC sản xuất tăng giá khoảng 20% vì đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ra hạn chế lớn về nguồn cung trong khi nhu cầu thực tế lại rất lớn. Rất nhiều hãng sản xuất điện thoại, ô tô, card màn hình... phụ thuộc nhiều vào việc sản xuất của TSMC, do đó sức ảnh hưởng của họ là rất lớn.
Chi tiết về các loại chip mà TSMC đang sản xuất, theo công nghệ (Nguồn: TSMC)
Với tầm quan trọng của mình, việc sản xuất chip và sản phẩm bán dẫn của TSMC đã và đang ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Bất kể một bước đi nào của họ cũng sẽ gây ra sự xáo trộn nhất định trên thị trường chip nhớ cho điện thoại, ô tô, card màn hình... trên toàn cầu.
Nhiều cá nhân thu nhập "khủng" hàng trăm tỷ đồng từ Google, Youtube, Tiktok Nhiều cá nhân có doanh thu được Google, Facebook hay Youtube trả vài chục đến cả trăm tỷ đồng qua các năm tại TP.HCM, Hà Nội. Bước đầu cơ quan thuế hai địa phương này đã truy thu hàng tỷ đồng tiền thuế. Truy thu, thu thuế từ thương mại điện tử xuyên biên giới tăng mạnh Theo báo cáo về số thu...