Rau sắn – món ngon vùng trung du đất Tổ
Mỗi độ tháng Ba về, tiết trời ấm áp, ở nơi đồng quê trung du đất Tổ Phú Thọ lại có một món ăn vô cùng dân dã, quen thuộc mà đậm đà dư vị.
Đó là món rau sắn, món ăn đã có mặt trong mâm cơm của mỗi gia đình từ bao đời nay ở vùng đất này.
Nhắc đến vùng đất Tổ Phú Thọ, không thể không nhắc đến những món ăn đã trở thành đặc sản của vùng như cơm nắm lá cọ, thịt chua, cá thính, bưởi Đoan Hùng, rêu đá lam, gà cựa… và không thể thiếu món canh rau sắn.
Cứ đến độ tháng Ba dương lịch, khi những bờ rào cây sắn cắm từ mùa đông năm trước đã mọc mầm lên cao xanh tốt, những bà mẹ quê vùng trung du Phú Thọ lại mang rổ hay đeo giỏ ra vườn, hàng rào trước ngõ, hàng rào sắn bên bờ ao để hái rau sắn. Theo kinh nghiệm của người dân vùng trung du, muốn có những mẻ rau sắn ngon thì phải hái những ngọn non ở cây sắn bờ rào chứ không nên hái ngọn sắn ở bãi trồng. Vì rau sắn bờ rào ăn sẽ mềm, ngọt và không có vị chát như ở trên nương đồi.
Canh rau sắn chua nấu cá là món ngon của miền quê trung du Phú Thọ
Rau sắn hái về, không phải cứ thế là đã chế biến được món ăn mà phải trải qua một công đoạn là nhặt bỏ những cuống già, dùng tay vò cho rau mềm nát để nhựa sắn được tiết ra. Sau đó cho rau sắn đã vò vào chum vại sành ngâm với nước lã và chút muối hạt chừng 2-3 ngày là rau sắn ngấu chua, ngả sang màu vàng nhạt, có mùi hăng hăng của nhựa sắn là có thể lấy ra để chế biến món ăn.
Ẩm thực từ rau sắn ở nơi đồng quê đất Tổ rất phong phú và hấp dẫn. Món chính từ rau sắn bao giờ cũng là món canh rau sắn. Để nấu món này, những bà mẹ quê đã tích lũy bao kinh nghiệm từ bao tháng bao năm để nấu cho cả nhà bát canh rau sắn ngọt lành. Rau sắn ngâm chua ngon nhất là nấu với tép đồng, cua đồng hoặc một vài mớ tôm riu hay mấy con bống. Cả rau và tép đồng cho lẫn nhau, đổ xâm xấp nước rồi cho lên bếp đun. Khi nấu, cần chú ý đun đều lửa, không nên đun lửa quá to, nước sẽ bị tràn ra ngoài, không được để tắt bếp vì theo người dân vùng trung du, khi bếp tắt, rau ngừng sôi sẽ rất độc vì ngọn rau sắn vốn chứa nhiều độc tố. Đun chừng 2-3 tiếng là rau và cá tép đã mềm, nêm thêm gia vị là có thể múc canh ra thưởng thức.
Món canh rau sắn nấu tép đồng mang lại cho người ăn những cảm nhận trong sự đậm đà và ngọt lành. Có độ mềm, bùi bùi của rau sắn, vị ngọt và chua thanh của nước, vị thơm của tôm cua, tép đồng hòa quyện vào rau làm nên một dự vị thơm ngon và lạ miệng. Ngon nhất là ăn canh lúc còn nóng hổi, mồ hôi toát ra, cơ thể trở nên nhẹ nhõm lạ thường. Người dân vùng đất Tổ còn sáng tạo thêm khi nấu canh rau sắn với khoai sọ, với măng chua cùng móng giò lợn ăn vừa béo vừa lạ miệng và hấp dẫn.
Ngoài món canh rau sắn, ẩm thực nơi đồng quê đất Tổ còn có món rau sắn tươi luộc nhừ chấm với muối vừng ăn rất thơm và bùi. Những trưa hè oi ả, để thay đổi khẩu vị cho món ăn, những bà mẹ quê còn trổ tài làm nộm rau sắn. Rau sắn luộc nhừ, vắt kiệt nước rồi trộn với nước chanh, muối, vừng lạc là đã có món nộm rau sắn ngon lành. Cũng là món dưa sắn chua, người nấu bếp vắt khô nước rồi cho lên chảo mỡ sôi xào liên tục không ngưng tay tạo thành món rau sắn xào vừa săn giòn vừa lạ miệng. Bên bếp than hồng, các bà cụ còn lấy những niêu đất để kho cá với dưa sắn. Bao nhiêu vị thơm ngọt của cá ngấm vào dưa sắn nên ăn cá kho mà dưa sắn bao giờ cũng hết trước, ngon miệng, dễ ăn.
Món ăn rau sắn theo năm tháng mà đi vào kí ức tuổi thơ đằm ngọt của biết bao người sinh ra và lớn lên ở nơi đồng quê vùng đất Tổ. Dù có đi đến chân trời góc bể, xa quê bao tháng, bao năm vẫn nhớ về hương vị rau sắn tuổi thơ. Những trưa hè oi ả, bọn trẻ quê rủ nhau ra đồng lặn ngụp, be bờ, xúc tát để bắt được những con cua đồng, những mẻ tôm riu để mang về cho mẹ nấu canh rau sắn. Bữa cơm chiều mùa đông hay trưa hè oi ả, bát canh rau sắn mẹ nấu ngọt lành vị quê vẫn đậm sâu trong kí ức. Cả một khung trời tuổi thơ sống mãi trong tâm hồn.
Ngày xưa, nơi thôn quê nghèo khó, món rau sắn vốn dĩ chỉ dành cho nhà nghèo, cho người dân nơi đồng quê. Nhưng ngày nay, rau sắn đã trở thành món ăn đặc sản của người dân nơi phố thị, trở thành linh hồn trong ẩm thực đồng quê vùng đất Tổ. Món ăn dân dã, quê mùa ngày nào đã nức tiếng về đặc trưng ẩm thực, thuộc những món ăn nên thưởng thức khi đặt chân đến Phú Thọ.
Phiên chợ quê bên gốc đa làng nơi miền trung du, bên những nong tằm chín vàng ruộm, những sàng bánh đúc nóng hổi, những chậu rau dưa sắn ngấu vàng được những bà mẹ quê bày bán. Khách xúm lại mua về nấu canh, chỉ độ 5 ngàn một bát là được cả một nồi canh rau sắn ngon. Người phố thị qua chợ quê cũng dừng xe, mua vài bát dưa rau sắn về nấu cho có dư vị làng quê.
Bởi thế, ai sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, đến mùa rau sắn mọc, dù bận đến mấy cũng cố gắng nấu một vài bữa canh để thưởng thức. Ai ở nơi khác đến vùng đất Tổ cũng gọi món canh rau sắn như để cảm nhận được hương vị ẩm thực đặc sản của vùng này./.
Tổng hợp 15 đặc sản Phú Thọ nhất định bạn phải thử khi đến nơi đây
Bạn đang có dự định đi du lịch Phú Thọ? Theo dõi ngay bài viết sau để cùng tìm hiểu 15 đặc sản Phú Thọ nhất định bạn phải thử khi đến nơi đây bạn nhé!
Phú Thọ là vùng đất nổi tiếng với nhiều địa điểm du lịch đẹp và hấp dẫn. Bên cạnh các khung cảnh thơ mộng, đẹp mắt, Phú Thọ cũng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước bởi các món đặc sản thơm ngon, độc đáo. Sau đây, hãy cùng Bách hóa XANH điểm qua 15 đặc sản Phú Thọ ngon nức tiếng mà bạn không nên bỏ lỡ khi đến đây du lich nhé!
1 Chè
Bạn có biết Phú Thọ là nơi có diện tích trồng chè lên đến khoảng 15.720ha, xếp thứ 4 cả nước? Chè là một trong những đặc sản trọng yếu của Phú Thọ được nhiều du khách yêu thích. Các giống chè ở Phú Thọ cũng rất đa dạng, nổi bật có thể kể đến như chè xanh, chè đen, chè ô lông, chè ướp hương,...
Video đang HOT
Giá tham khảo:
Chè búp tươi: 4.500 - 4.700đồng/kg
Chè khô: 45.000 - 50.000 đồng/kg
Địa chỉ tham khảo: Xã Thái Ninh, Hanh Cù của huyện Thanh Ba
2 Bánh tai
Bánh tai là một món bánh đặc sản cực kỳ phổ biến tại Phú Thọ, nhất là tại thị xã Phú Thọ. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, thịt heo và một ít nguyên liệu phụ khác. Bánh có hình dáng nhìn giống như một cái tai màu trắng. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vỏ bánh dai mềm cùng nhân bánh đậm đà, thơm ngon.
Giá tham khảo: 4.000 đồng/cái
Địa chỉ tham khảo: 83, Bạch Đằng, Phong Châu, thị xã Phú Thọ
Tham khảo thêm: Cách làm bánh răng bừa (bánh tẻ) mềm thơm, công thức đơn giản, có thể trổ tài ngay tại nhà.
3 Búp khoai kho
Búp khoai kho là một trong những món ăn truyền thống, dân dã mà nổi tiếng của Phú Thọ. Sau khi sơ chế sạch, búp khoai sẽ được kho rim cùng một ít gia vị và nguyên liệu phụ. Món ăn này không những hấp dẫn du khách bởi hương vị dân dã, thơm ngon mà còn bởi giá trị dinh dưỡng rất cao.
Địa chỉ tham khảo: Xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy
4 Rau sắn
Rau sắn chính là phần lá ở ngọn của cây sắn, miền nam còn gọi là cây khoai mì. Khi vào mùa, người dân Phú Thọ sẽ chọn những lá lớn vừa phải, không quá già hoặc quá non để ngắt mang về chế biến món ăn. Rau sắn có thể dùng để nấu canh, xào hoặc muối chua đều rất ngon, hương vị thanh mát mà dân dã khiến người ăn khó mà quên được.
Giá tham khảo: 40.000 đồng/túi 1,2kg
Địa chỉ tham khảo: Hầu hết các chợ ở Phú Thọ đều có
5 Cọ ỏm
Những vườn cọ xanh um, tươi tốt ở Phú Thọ vẫn luôn được nhiều du khách yêu thích. Đến nơi đây, bạn chớ bỏ qua cơ hội ăn thử những quả cọ ỏm bùi ngậy, thơm ngọt. Bạn cũng có thể mua một ít quả cọ sống về để tự nấu hoặc tặng cho bạn bè, người thân. Món quà thơm ngon, lạ miệng này nhất định sẽ rất được yêu thích đấy!
Giá tham khảo: 50.000-60.000 đồng/kg
Địa chỉ tham khảo: Sơn Nga, Thanh Nga, Phùng Xá
6 Bánh tẻ mật
Bánh tẻ mật là một món bánh đặc sản của Phú Thọ được nhiều người ưa thích. Khác với những loại bánh tẻ thông thường, bánh tẻ mật Phú Thọ không có nhân, bột bánh được pha từ bột gạo tẻ, mật mía và nước. Khi ăn, bạn chấm bánh vào mật mía, vừa mềm dẻo vừa ngọt dịu lại mang đậm mùi thơm của mật mía.
Giá tham khảo: 15.000 đồng/cái
Địa chỉ tham khảo: Xã Đào Xá, Phú Thọ
7 Rêu đá người Mường
Rêu cũng có thể ăn? Đó là sự thật. Rêu đá người Mường được thu hoạch từ các mỏm đá cạnh những dòng suối trong veo, thanh mát miền trung du. Rêu đá sau đó sẽ được sơ chế sạch, trộn cùng tỏi, ớt và một ít gia vị rồi gói trong những lớp lá đu đủ. Món ăn đặc sản này có một vị thanh mát vô cùng đặc trưng và giá trị dinh dưỡng cao.
Địa chỉ tham khảo: Xã Đồng Sơn, huyện Thanh Sơn và xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn
8 Xôi nếp gà gáy
Nếp gà gáy là một giống gạo nếp quý được trồng tại Phú Thọ. Xôi nếp gà gáy chính là dùng loại nếp đặc biệt này để nấu. Những hạt nếp dẻo thơm ăn cùng với muối vừng tạo nên hương vị thơm ngon, mộc mạc vô cùng đặc trưng.
Địa chỉ tham khảo: Nhà hàng Thảo Béo ở Nguyễn Du, Việt Trì
9 Xáo chuối Lâm Thao
Xáo chuối Lâm Thao là một món ăn truyền thống thường thấy vào các dịp lễ, đám cưới, đám giỗ,... Món ăn đặc biệt này được làm từ các nguyên liệu chuối, xương heo, tương, riềng và một số gia vị và nguyên liệu phụ khác. Đến Phú Thọ du lịch, bạn chớ bỏ lỡ cơ hội nếm thử món ăn dân dã, đặc biệt này nhé!
Địa chỉ tham khảo: Làng Vĩnh Tề, xã Cao Xá
10 Bưởi Đoan Hùng
Một loại đặc sản khác của vùng đất Phú Thọ là bưởi Đoan Hùng. Giống bưởi này đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong khắp cả nước. Bưởi Đoan Hùng có hương thơm thanh mát, những tép bưởi mềm ngon với vị chua ngọt hấp dẫn.
Giá tham khảo:
Bưởi Đoan Hùng loại đặc biệt: Khoảng 80.000đ/quả
Bưởi Đoan Hùng nửa đời: Khoảng 25.000đ/quả
Bưởi Đoan Hùng loại già: Khoảng 35.000đ/quả
Bưởi Sửu vàng: Khoảng 50.000đ/quả
Địa chỉ tham khảo: Xã Chí Đám và xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng
11 Trám om kho cá
Nói đến những món ngon đặc trưng cho Phú Thọ, không thể không kể đến món trám om kho cá. Món ăn đặc biệt này có vị chua thanh của quả trám, vị ngọt đậm từ tương và sự bùi béo của cá. Nếm thử món ăn này một lần, bạn sẽ không bao giờ quên được hương vị tuyệt vời ấy.
Địa chỉ tham khảo: các quán ở bờ sông Việt Trì, Đền Hùng
12 Thịt chua
Thịt chua có lẽ là một cụm từ xa lạ với nhiều bạn. Tuy nhiên, ở Phú Thọ, đây lại là một món ăn vô cùng quen thuộc và được nhiều người yêu thích. Thịt chua bắt nguồn từ món ăn truyền thống của người Mường, thường được làm từ thịt heo rừng để có được hương vị thơm ngon và tự nhiên nhất.
Giá tham khảo:
Thịt chua bì: 40.000 đồng - 50.000 đồng/hũ 200g
Thịt chua ống nứa: 60.000 đồng - 70.000 đồng/ống 200g
Thịt chua tỏi ớt: 50.000 đồng/hũ 200g
Địa chỉ tham khảo: Tiên Lương, Cẩm Khê
13 Cơm nắm lá cọ
Cây cọ đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực Phú Thọ. Món cơm nắm lá cọ cũng là một đặc sản nổi tiếng tại vùng đất này. Cơm sau khi nấu chín sẽ được gói và lăn trong lá cọ để thấm đều hương thơm thanh mát của loài cây này. Bạn có thể dùng cơm nắm lá cọ để ăn cùng muối vừng, thịt nướng hoặc các món mặn khác.
Địa chỉ tham khảo: Làng cổ Phù Ninh, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh
14 Cá Anh Vũ
Cá Anh Vũ hay còn gọi là cá Tiến Vua là một loài cá vô cùng nổi tiếng và quý hiếm tại Phú Thọ. Cá có hình dáng khá lạ mắt, thịt cá dai mềm, thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, thời xưa thường được dùng để tiến cống cho nhà vua. Tuy nhiên, giá của loài cá này khá cao, số lượng ít nên không dễ tìm mua.
Giá tham khảo:
Từ 2 - 5 kg/con: 982.000 đồng/kg
Từ 5 - 7 kg/con: 1.350.000 đồng/kg
Trên 7kg: 1.530.000 đồng/kg
Địa chỉ tham khảo: Bạch Hạc, Thành phố Việt Trì
15 Mỳ gạo Hùng Lô
Mỳ gạo Hùng Lô là một trong những đặc sản được nhiều du khách lựa chọn làm quà mang về cho gia đình và bạn bè. Những sợi mỳ từ bột gạo được sản xuất thủ công kết hợp công nghệ hiện đại, vừa đảm bảo hương vị mộc mạc, giản dị vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Giá tham khảo: 35.000 đồng/gói 500g
Địa chỉ tham khảo: Xã Hùng Lô, Việt Trì
Vậy là Bách hóa XANH đã tổng hợp xong 15 đặc sản nổi tiếng tại Phú Thọ rồi. Mỗi một món đều có hương vị thơm ngon, độc đáo vô cùng riêng biệt. Nếu có dịp đến Phú Thọ du lịch thì hãy tìm cơ hội nếm thử và mua về làm quà bạn nhé! Cảm ơn các bạn đã theo dõi.
Cách làm sữa bí đỏ cho người muốn tăng cân Hướng dẫn cách làm sữa bí đỏ cho người muốn tăng cân Nguyên liệu làm sữa bí đỏ Bí đỏ: 500 gram Sữa tươi không đường: 1 lít Sữa đặc có đường: 250 gram (tương đường hộp .Nước cốt dừa: 50 ml. Muối ăn: 5 gram Dụng cụ cần có: máy xay sinh tố, nồi hấp, dao gọt Nguyên liệu chính để làm...