Rào cản ngăn Nga-Trung tăng cường hợp tác ở khu vực Trung Á
Trung Quốc và Nga cần thúc đẩy hợp tác ở khu vực Trung Á với sự thận trọng nhất định trên cơ sở đảm bảo lợi ích chính trị và kinh tế của các bên.
Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh và Moscow đã thể hiện nỗ lực mở rộng hợp tác đối với khu vực Trung Á trong thời gian qua. Tuy vậy, hai nước cần phải vượt qua một số trở ngại để thiết lập quan hệ đối tác trên một lộ trình vững chắc hơn trong tương lai.
Trung Á đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với sáng kiến một vành đai, một con đường (OBOR) của Trung Quốc, bởi khu vực đóng vai trò cửa ngõ trong Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa. Đây cũng là điểm đến quan trọng đối với các dự án đầu tư từ Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư lớn, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt chưa được Trung Quốc chú trọng ở Trung Á. Moscow với tư cách là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực có thể hỗ trợ Bắc Kinh xây dựng mối quan hệ đối tác cùng có lợi giữa Nga, Trung Quốc và các quốc gia Trung Á.
Thiết lập mối quan hệ đối tác với Nga cũng sẽ giúp đảm bảo nguồn vốn đầu tư dài hạn của Trung Quốc, so với những kinh nghiệm thất bại ở Myanmar và Libya.
Video đang HOT
Việc xây dựng một bản ghi nhớ lâu dài đảm bảo lợi ích chính trị và kinh tế của các bên ở Trung Á là cần thiết nhưng thực tế không hề dễ dàng.
Theo The Diplomat, Bắc Kinh và Moscow hiện chưa đạt được một tầm nhìn chung đối với Trung Á hay trong mối quan hệ đối tác giữa hai nước.
Điểm cốt lõi trong mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc của ông Putin là nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào phương Tây. Cùng với Trung Quốc và Trung Á, Nga sẵn sàng thúc đẩy EEU như một giải pháp thay thế.
Nhưng chiến lược này có thể không phù hợp với vị thế của Trung Quốc trong OBOR cũng như ở khu vực Trung Á. Bất chấp những căng thẳng thời gian qua, Trung Quốc không sẵn sàng đối đầu trực diện với Mỹ và phương Tây.
Quan trọng hơn, Nga coi Trung Á như một khu vực sân sau để phòng thủ chống lại sự bành trướng của phương Tây. Trong khi đó, Trung Quốc muốn thúc đẩy Trung Á để trở thành yếu tố xích lại gần hơn với châu Âu, cùng chia sẻ thịnh vượng và tính toàn diện trong một trật tự thế giới đang thay đổi.
Một thách thức khác đối với Nga và Trung Quốc đến từ hoàn cảnh địa chính trị trong khu vực. Khủng hoảng Ukraine và nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn đã tạo cơ hội để Trung Quốc giành ưu thế trong đàm phán về dự án khí đốt cũng như cơ hội tiếp cận nguồn năng lượng dồi dào của Nga.
Sự cạnh tranh thị trường cung cấp khí đốt giữa Trung Quốc, Nga và Trung Á cũng tạo ra thách thức đối với mối quan hệ đối tác trong thời gian dài. Châu Âu đã hạn chế nhập khẩu khí đốt từ Nga, dẫn đến cạnh tranh trực tiếp trong với tuyến đường cung cấp khí đốt Trung Á và Trung Quốc.Mối quan hệ đối tác Nga-Trung hình thành trong bối cảnh kinh tế Nga suy yếu và có thể trở thành khởi nguồn cho sự rạn nứt trong tương lai. Đó là lý do Bắc Kinh có thể sẽ không được chào đón sau những ngày tháng Moscow trải qua khó khăn.
Đường ống dẫn khí đốt mới ở Đông Siberia nếu hoàn tất sẽ giúp Nga cung cấp trực tiếp đến Trung Quốc cũng như các thị trường ở Nhật Bản và Hàn Quốc mà không cạnh tranh ở Trung Á.
Mặc dù các chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ cần tới nhiều khí đốt hơn trong tương lai, sự cạnh tranh trực tiếp giữa Trung Á và Nga có thể sẽ không đem lại lợi ích tốt nhất cho các bên.
Cuối cùng, việc tăng cường đầu tư vào khu vực Trung Á cũng sẽ tạo nên những rủi ro tiềm tàng. Đây là khu vực đang đứng trước nhiều thách thức về an ninh, như nạn buôn ma túy, tôn giáo cực đoan, chính phủ yếu kém và mối đe dọa khủng bố.
Nga vốn là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn đối với Trung Á từ thời Liên Xô. Trong bối cảnh thị trường kinh tế bị thu hẹp, Moscow có thể sẽ phải tập trung đảm bảo quyền lợi riêng và an ninh trong nước mà không quan tâm đến sự tham gia của Trung Quốc trong khu vực
Do vậy, Trung Á là mảnh đất giàu tiềm năng nhưng Nga và Trung Quốc cần tăng cường quan hệ đối tác trên cơ sở thận trọng bởi hai nước đều có những tham vọng và chiến lược vì lợi ích riêng.
Đăng Nguyễn (theo The Diplomat)
Theo_Người Đưa Tin
Tổng thống Kazakhstan bầu con gái làm phó thủ tướng
Tổng thống Kazakhstan hôm qua chỉ định con gái mình trở thành phó thủ tướng mới của đất nước, làm dấy lên nhiều đồn đoán về việc ai sẽ thay thế ông lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất Trung Á này trong tương lai.
Bà Dariga Nazarbayeva. Ảnh: Sputnik News
"Theo yêu cầu của lãnh đạo, bà Dariga Nazarbayev được bổ nhiệm làm phó thủ tướng nước Cộng hòa Kazakhstan", AP dẫn thông báo từ chính phủ Kazakhstan cho biết.
Bà Dariga, 52 tuổi, là con gái của Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev. Bà sẽ thay thế ông Berdybek Saparbayev và chịu trách nhiệm về các vấn đề chính sách xã hội. Trước khi được chỉ định làm phó thủ tướng, bà là phó chủ tịch Hạ viện. Bà đồng thời còn là một ca sĩ opera từng biểu diễn tại nhà hát Bolshoi ở thủ đô Moscow, Nga.
Ông Nazarbayev, 75 tuổi, làm tổng thống của Kazakhstan từ năm 1991 đến nay. Hồi tháng 4, ông tái đắc cử, qua đó tiếp tục đảm nhận vị trí lãnh đạo đất nước thêm 5 năm nữa.
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy ông đang cân nhắc tới việc thôi giữ chức tổng thống khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2020. Chuyên gia phân tích Dosym Satpayev nhận định bước thay đổi nhân sự lần này được xem như sự chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao quyền lực ở Kazakhstan. Đối với bà Dariga, lần thăng chức này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Nga - Trung là quan hệ đối tác chứ không phải "đồng minh" Với nhan đề "đối tác chứ không phải đồng minh", báo Độc lập Nga có bài bình luận nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin, trong đó nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc phụ thuộc vào những cải cách kinh tế của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận...