Rào cản lớn nhất là tư duy phản biện
GD&TĐ – 80% học sinh trả lời trong bài viết Văn của mình không có tính sáng tạo, sức thuyết phục chưa cao, hoặc chưa từng có hay rất ít khi vận dụng phản biện trong bài viết.
Đó là kết quả của một khảo sát do thầy Bùi Thế Nhưng – Giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hưng Yên) cùng đồng nghiệp thực hiện. Bằng cách sử dụng phiếu lấy thông tin học tập trên khoảng 1000 học sinh, kết quả thu được khá bất ngờ.
Học sinh yếu năng lực vận dụng
Theo kết quả khảo sát trên, khoảng 20% học sinh được hỏi thú nhận rằng mình yếu mọi mặt (cả kiến thức và kĩ năng hành văn); khoảng 30% công nhận mình còn yếu kém, hổng về kiến thức bộ môn và 37% thừa nhận kĩ năng hành văn còn yếu.
Qua lấy thông tin thực tế bằng phương pháp khảo sát, thầy Bùi Thế Nhưng cho biết, đa số học sinh học Văn chỉ nhớ và hiểu được kiến thức cơ bản từ những bài giảng của thày cô – theo kiểu ghi nhớ máy móc mà chưa có ý thức vận dụng sáng tạo trong làm bài thi cũng như trong cuộc sống.
Video đang HOT
Nói cách khác là năng lực vận dụng của các em rất yếu. Nhiều em thường xuyên lệ thuộc tài liệu cả trong khi học lẫn trong khi làm bài thi. Nhiều em nói không dám nêu ý kiến riêng vì sợ sai, sợ giáo viên trừ điểm.
Rào cản lớn nhất là tư duy phản biện
Nhận định của thầy Bùi Thế Nhưng, hiện nay, có rất nhiều thuận lợi để học sinh phát huy tư duy phản biện. Chương trình môn Ngữ Văn ở THPT có độ mở tương đối. Nó thể hiện ngay ở sự phong phú của nội dung và kiểu bài học. Nhất là có sự bổ sung của phần nghị luận xã hội.
Mục tiêu dạy học của bộ môn Văn cũng khá phức hợp. Thêm vào nữa là tính chất đặc thù bộ môn Văn – vừa khoa học, vừa nghệ thuật. Điều đó có thể mở ra trước mắt người học cả một chân trời tri thức và khả năng liên tưởng so sánh, cảm nhận, thẩm bình, đánh giá không giới hạn.
Thêm nữa, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá của bộ môn Ngữ Văn gần đây làm sống dậy mạnh mẽ ý thức cá nhân người học. Họ có thể thoải mái bộc lộ quan điểm riêng của bản thân mà không sợ “chệch” ý thầy.
Tiêu chí đúng, sai được thay bằng lập luận có thuyết phục hay không? Đây là cơ hội để học sinh phát huy tối đa khả năng học tập, hiểu biết của mình.
Không khí học tập đầy ắp tính dân chủ của nền giáo dục hiện đại cũng tạo nhiều cơ hội cho người học phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân.
Và, trong bối cảnh hiện nay, toàn ngành đang thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thì tính sáng tạo của học sinh càng có điều kiện thăng hoa.
Đó là chưa kể, sự tương tác học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên trong quá trình dạy học nhiều khi làm lóe sáng trong người học những ý tưởng kì diệu.
Điều này khó có thể có đối với người nằm ngoài quá trình dạy học. Tài liệu tham khảo của bộ môn ngày càng phong phú, dễ tìm. Phương tiện đọc, lưu trữ cũng rất dễ dàng. Điều này giúp học sinh mở rộng kiến thức cần thiết cho những phản biện khi có thể.
Tuy nhiên, theo thầy Bùi thế Nhưng, rào cản lớn nhất cho những phản biện của học sinh trong dạy học nói chung và dạy học Văn nói riêng có lẽ là tư duy phản biện ở cả thày và trò.
Phần lớn giáo viên hiện nay, khi đứng trên bục giảng đều không muốn học sinh phản biện lại những gì mình nêu ra. Có nhiều lí do khác nhau: Danh dự, uy tín, hạn chế về chuyên môn (ở một bộ phận giáo viên)… Thậm chí, có người gay gắt hơn thì coi phản biện của học sinh là hành vi vô lễ (cãi thầy).
Giáo viên cũng dường như chưa có thói quen nhận lỗi trước học trò (khi có lỗi) mà chỉ quen “luôn đúng”, duy nhất đúng trước chúng. Vì lẽ đó mà học sinh cũng ít biểu hiện (ít dám) phản biện, chưa kể phản biện gay gắt…
Bên cạnh đó, ngày nay không có nhiều học sinh thật sự yêu thích, say sưa môn Văn. Mà không đam mê thì không có động lực, hứng thú để tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo. Vì vậy, thầy nói sao thì nghe thế.
Không những thế, điều kiện kiến thức, môi trường học tập, thời gian tiết học, bài học cũng còn nhiều bất cập. Chương trình vẫn ôm đồm, nặng tính hàn lâm, nhiều đơn vị kiến thức không cần thiết những vẫn phải học, gây nhàm chán.
Tình huống bỏ ngỏ luôn là xuất phát điểm của tìm tòi
Thầy Bùi Thế Nhưng chia sẻ: Tôi có thói quen kết thúc mỗi tiết học bằng một câu hỏi: Có em nào còn băn khoăn, thắc mắc hay hỏi thêm gì về vấn đề/ bài này nữa không? Ánh mắt của ông lão Sơn tràng đầy vẻ lo lắng khi nhìn ra ngoài mặt phá (lúc này chỉ còn duy nhất một chiếc thuyền vó) nói lên điều gì? Nguyễn Minh Châu có gửi gắm gì ở ánh mắt ấy không? Trong Đây thôn Vĩ Giạ có những dấu hiệu của thơ tượng trưng, siêu thực không? …
Đã không ít lần tôi nhận được những câu hỏi rất hay từ học sinh. Chẳng hạn: Gọi vẻ đẹp của người vợ nhặt (trong truyện ngắn Vợ nhặt – Kim Lân) là “vẻ đẹp khuất lấp” liệu có gượng gạo, bởi vì đó là vẻ đẹp vượt lên trên hoàn cảnh cơ mà?
Do hạn chế về thời gian cũng như đặc thù của môn Văn nên không phải vấn đề nào đưa ra cũng giải quyết dứt điểm trong giờ học được. Và thầy Nhưng cho rằng, những tình huống còn bỏ ngỏ trong các bài học luôn là xuất phát điểm cho những tìm tòi, khám phá, sáng tạo của học sinh, nhất là những học sinh yêu thích và say mê môn Văn.
Theo GD&TĐ