Rạn nứt tình làng, nghĩa xóm: Ra tay vì chuyện nhỏ nhặt
Từ những mâu thuẫn, bực tức nhỏ nhặt, người ta sẵn sàng hành động nhẫn tâm để triệt hạ đường làm ăn của nạn nhân. Tình trạng tội phạm này đã được báo động từ lâu, nhưng chưa bao giờ trở nên bức xúc và gay gắt như hiện tại.
Thủ đoạn kinh sợ
Mới nhất phải kể đến vụ kẻ gian đổ thuốc trừ sâu vào trong bể nước dùng để sinh hoạt trong một đám cưới tại Hà Tĩnh khiến dư luận không khỏi sửng sốt trước sự liều lĩnh của các đối tượng. Theo đó, tối 1.9, trong khi gia đình ông Đào Quang Thọ (xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ) đang tổ chức đám cưới cho con trai thì dàn loa đài phục vụ văn nghệ trong đám cưới bỗng dưng im bặt. Kiểm tra, người nhà ông Thọ phát hiện dàn loa có nước đổ ở bên trong, đặc biệt, mùi thuốc trừ sâu từ nguồn nước này bốc lên nồng nặc.
Cùng thời điểm đó, một số người phụ giúp đám cưới cho nhà ông Thọ mang thịt bò ra bể nước rửa thì ngửi thấy mùi thuốc sâu bốc lên. Phán đoán có sự việc chẳng lành, mọi người kiểm tra phía trong bể nước thì phát hiện nước có màu trắng đục cùng một lọ thuốc trừ sâu WAVOTOX 58EC (100ml) đã bị mở nắp.
Chủ vườn và những gốc cây cam sành mới trồng bị chặt phá tan nát ở Vĩnh Long.
Ảnh: Nguyễn Hòa
Sự việc ngay lập tức gây chấn động vùng quê này. Lực lượng Công an xã Đức Dũng phối hợp Công an huyện Đức Thọ đã vào cuộc xác minh, điều tra sự việc.
Theo nhận định của cơ quan Công an huyện Đức Thọ, có thể đây là đòn trả thù dằn mặt của những đối tượng kinh doanh rạp đám cưới trên địa bàn vì gia đình ông Thọ tổ chức đám cưới cho con mà không thuê rạp đám cưới của những người trên địa bàn xã Đức Dũng, khiến chúng bực tức.
Cách đây không lâu, người dân Vĩnh Long bàng hoàng khi hơn 3.500 cây cam sành bị đối tượng lạ mặt chặt phá trong vòng một đêm. Đáng chú ý, thời điểm đối tượng ra tay là lúc gia chủ đang bận tổ chức đám giỗ và có thuê nhạc sống về biểu diễn (từ 5 giờ chiều đến 9 giờ đêm) nên hành vi phạm tội này đến sáng hôm sau mới bị phát hiện.
Video đang HOT
Nạn nhân của vụ án này là các ông Lê Văn Chính và Lê Hoàng Tươi (cùng ngụ tại ấp Ngãi Lộ B, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn). Theo đó, vào sáng ngày 2.9, ông Chính và ông Tươi phát hiện vườm cam đã bị chặt phá chỉ còn trơ gốc. Qua kiểm tra, toàn bộ vườn cây có tổng cộng 3.950 cây nhưng có tới 3.520 cây đã bị chặt phá, ước tổng thiệt hại ban đầu trên 70 triệu đồng. Theo hai chủ vườn, số cây này các ông mới trồng được gần 100 ngày thì xảy ra sự việc. Bà Nguyễn Thị Lan (vợ ông Tươi) cho biết gia đình bà có 2,5 công trồng cam sành vừa thu hoạch hồi tháng 3 và bán được giá rất cao (31.000 đồng/kg). Đến nay cơ quan công an tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa điều tra ra nguyên nhân và thủ phạm.
“Có mày thì không có tao”
Cần phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền, đề cao tình làng nghĩa xóm. Những người đứng đầu trong họ, trong làng xóm có uy tín, có tiếng nói ở địa phương luôn có vai trò rất lớn trong việc giải quyết những sự việc như vậy. Họ có vai trò như những người hòa giải, mặc dù có những chuyện nhỏ nhưng nếu không được sự quan tâm, xử lý kịp thời sẽ tránh được hậu họa về sau”.
Trung tá-TS Hà Thị Hồng Lan
Trao đổi với phóng viên NTNN, trung tá- TS Hà Thị Hồng Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) cho biết, những vụ việc nói trên chủ yếu là hành vi trả thù cá nhân. Theo TS Hồng Lan, đây là một vài trong số rất nhiều vụ việc, nhưng chưa phải mang tính chất phổ biến. Có một điều ghi nhận là những vụ việc này không chỉ xảy ra ở những vùng nông thôn mà xảy ra cả ở những vùng giáp ranh nông thôn – thành thị. Các vụ việc đơn thuần đánh vào lợi ích kinh tế của cá nhân, có thể là vụ việc trả thù do xâm hại tới lợi ích cá nhân.
Theo bà Lan, trường hợp chặt phá hơn 3.500 gốc cam sành ở Vĩnh Long là minh chứng cụ thể nhất cho việc đánh vào kinh tế của “đối thủ”. Hay việc bỏ thuốc sâu vào bể nước, có thể lúc đầu chỉ xác định để làm hỏng đồ đạc của đối thủ mà chưa tính đến hậu quả sau này, như việc bỏ thuốc sâu vào bể nước có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. “Có thể lúc ra tay, đối tượng chỉ có ý định đe dọa, cảnh cáo, dằn mặt chủ nhà, ý là để lần sau có làm gì cũng phải “vuốt mặt phải nể mũi” – trung tá Lan phân tích.
Theo quan điểm của TS Hồng Lan, hành động tư thù cá nhân, xuất phát từ nhận thức còn hạn chế của các đối tượng. Đối tượng gây ra hành vi này chỉ nhìn thấy những việc trước mắt mà không nghĩ đến những cái lâu dài. Ngoài ra, phần nào hành vi cũng thể hiện những sự cạnh tranh không lành mạnh. Có thể do nhận thức về làm ăn kinh tế còn kém nên mới gây ra các hành vi này. Người dân chưa nhận thức được các phương pháp cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật.
Để giải quyết được tình trạng này, trung tá Hà Thị Hồng Lan cho rằng, các cơ quan chức năng phải có những hình phạt thích đáng để giáo dục, răn đe, trừng trị thích đáng đối tượng vi phạm. Chỉ khi nào có những chế tài xử lý nghiêm khắc thì mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa những vụ việc, hành vi tương tự sau này. Bên cạnh đó cần phải nâng cao nhận thức cho người dân về pháp luật, về cạnh tranh trong kinh doanh. “Phải cung cấp cho họ những kinh nghiệm, bí quyết, kiến thức trong kinh doanh để họ vẫn khẳng định được mình, cạnh tranh một cách hợp pháp, không thế làm ăn theo kiểu dẫm đạp lên nhau, “có mày thì không có tao” – TS Hồng Lan nói./.
Ông Nguyễn Anh Chất – Giám đốc Trung tâm tư vấn An việt Sơn:
Pháp luật phải tăng tính răn đe
Ngày xưa sống trong làng xóm nên tình làng nghĩa xóm thân thiết lắm, đúng theo nghĩa “tối lửa tắt đèn có nhau” nên họ rất dễ cảm thông và vị tha cho nhau những khúc mắc trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, họ bị ràng buộc bởi những luật tục bất thành văn, họ sợ “dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng”, sợ bị xóm làng cô lập không qua lại nữa nếu dùng những thủ đoạn tàn ác để trả thù những người thân, hàng xóm láng giềng. Hơn nữa, ngày trước, mối quan hệ chỉ gói gọn trong làng xã, tầm hiểu biết có giới hạn nên họ không dễ dàng tiếp xúc với những hóa chất độc hại để làm hại người khác.
Tuy nhiên, bây giờ thì khác, mối quan hệ của con người không còn quanh quẩn ở làng – xã nữa. Cũng chính vì điều này mà sự thân thiết láng giềng, chòm xóm không được như xưa. Hơn nữa, người ta chỉ cần đi vài bước chân cũng có thể mua được thuốc độc, thuốc trừ sâu. Trong lúc nóng giận vì mâu thuẫn, họ chỉ biết làm theo bản năng, làm thế nào để đối phương bị hại để thỏa mãn bức xúc của mình. Vì vậy những sự việc làm hại hàng xóm “đáng ghét” như: Hạ độc vào bể nước, thả độc xuống ruộng lúa, ao cá, chặt hoa quả… diễn ra nhiều hơn. Chính vì vậy, pháp luật cần phải có sự răn đe, giáo dục phù hợp. Mặt khác truyền thông cũng cần có cách tiếp cận thông tin phù hợp, tránh việc vô tình tiếp tay cho kẻ ác trong việc học theo, làm theo những việc làm xấu. Ông Đinh Đoàn – Chuyên gia tư vấn tâm lý: Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn kém Việc mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng là điều không tránh khỏi, nhất là ở các làng quê. Tuy nhiên, hiện nay những mâu thuẫn bé không được giải quyết nên tích tụ thành vấn đề lớn. Trong khi đó, kỹ năng hóa giải, giải quyết mâu thuẫn của người dân kém nên họ thường có tâm lý bột phát kiểu “phải đập cho nó chết luôn” hoặc “cho nó biết tay”. Bản thân họ cũng không có suy tính kỹ càng, hành động theo sự xúi giục của đám đông mà không lường trước hết hậu quả nghiêm trọng, thậm chí phải ngồi tù về việc mình làm.
Minh Nguyệt (ghi)
Theo Danviet
"Thấy bở thì cứ đào"
Trung tá, Tiến sĩ Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân nhận định như vậy về tình trạng tội phạm nông thôn gia tăng cả về quy mô và số lượng.
Thưa bà, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ trộm cắp vật nuôi ở nông thôn gây thiệt hại lớn cho người dân và khiến xã hội lo lắng, hoang mang với mức độ tinh vi và rất liều lĩnh. Bà đánh giá thế nào về tình trạng này?
- Tình trạng trộm cắp phát triển ở nông thôn nổi lên như hiện nay thực sự là một thực trạng đáng lo ngại ở nông thôn. Hiện nay, nhu cầu về tiêu dùng vật chất tăng lên, đặc biệt với đối tượng thanh niên. Nhiều người để đáp ứng nhu cầu đó một cách nhanh chóng và dễ dàng đã "lựa chọn" cách trộm cắp tài sản. Ở nông thôn, tình trạng trộm cắp lại càng nhức nhối do dân cư ở khu vực này chưa có được ý thức bảo vệ tài sản và sự cảnh giác, có những khó khăn nhất định, có thể do địa bàn, diện tích quá rộng. Khi mà ý thức bảo vệ tài sản của người dân không cao, cộng với phương tiện kỹ thuật để đảm bảo an toàn tài sản không có thì đương nhiên đây là một cơ hội cho những kẻ lười lao động nhưng muốn hưởng thụ nảy sinh ý nghĩ trộm cắp. Chẳng hạn như ở thành phố người ta lắp được camera giám sát nhưng nông thôn thì không có.
Trung tá, Tiến sĩ Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học
và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân.Ảnh: H.N
Từ việc trộm với quy mô nhỏ, giờ các vụ trộm ở nông thôn ngày càng có quy mô lớn với giá trị cao (như vụ trộm 138 con lợn ở Bà Rịa-Vũng Tàu giá trị khoảng 300 triệu đồng; tháng 12.2015, hay nhóm đối tượng ở Nghệ An thực hiện gần 20 vụ trộm trâu, trị giá gần 1 tỷ đồng). Điều gì dẫn đến tình trạng này, thưa bà?
- Có thể nói nôm na là "thấy bở thì đào mãi". Nếu kẻ xấu thấy thực hiện các vụ trộm nhỏ trót lọt, dễ dàng thì sẽ thực hiện tiếp các vụ lớn hơn. Ở nông thôn, người dân lao động theo thời vụ, chỉ bận vào một khoảng thời gian vào mùa vụ. Thời gian nông nhàn, với những người lười lao động cũng dễ nảy sinh tâm lý "nhàn cư vi bất thiện". Hơn nữa là tình hình quản lý tài sản ở khu vực nông thôn cũng rất lỏng lẻo. Nhiều nơi, người dân thiếu trang thiết bị tối thiểu để bảo vệ tài sản. Nhiều vùng nông thôn đường xóm không có bóng đèn, nhà không có khóa cửa, rất dễ dàng để trộm cắp lợi dụng, xâm nhập.
Thêm nữa, công tác giáo dục tuyên truyền về ý thức bảo vệ tài sản chưa tốt. Ở nhiều nơi, sự kết hợp giữa các lực lượng an ninh nông thôn, thôn xóm, đoàn thể trong việc triển khai việc phòng chống tội phạm chưa thực sự hiệu quả.
Theo bà, cách nào để hạn chế được tình trạng đang gây nhức nhối trong khu vực nông thôn này?
- Đầu tiên phải nói đến ý thức bảo vệ tài sản của chính mình. Các cụ ngày xưa hay nói "mất bò mới lo làm chuồng". Công tác bảo về mới là quan trọng nhất, mình phải có ý thức bảo vệ tài sản của mình thì mới triệt tiêu được các điều kiện cho tội phạm lợi dụng. Ở quê thì cửa ngõ, chuồng vật nuôi nên có hệ thống cửa khóa kỹ càng, cẩn thận. Phải nâng cao được ý thức bảo quản tài sản, đó là điều quan trọng đầu tiên.
Thứ hai phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các lực lượng dân quân, các thôn xóm của trưởng thôn. Thường xuyên tuần tra để nắm bắt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Ví dụ vùng đó tập trung nhiều hộ kinh doanh nuôi heo, bò, đường sá tối tăm thì các lực lượng nên tăng cường việc cắm chốt tuần tra để góp phần răn đe các đối tượng có suy nghĩ phạm tội.
Thứ ba là công tác giáo dục tuyên truyền phải được tăng cường. Phải giáo dục cho cả người chủ sỡ hữu tài sản và có những cách răn đe các đối tượng có suy nghĩ phạm tội.
Xin cảm ơn bà!
Theo_Dân việt
Tạm giữ lô mô tô khủng ở "lò độ" nông thôn Kiểm tra một căn nhà ở xã Long Thượng, Công an huyện Cần Giuộc (Long An) phát hiện 11 mô tô phân khối lớn không có giấy tờ đang được sơn lại, 9 bình chứa axit loại 20 lít và một bộ đồ nghề chuyên đục số khung số máy... Lúc 16h30 chiều nay, Công an huyện Cần Giuộc đã kiểm tra hành...