Ra tòa vợ nói chồng yếu sinh lý
Người chồng thì cho rằng mình bình thường, việc người vợ kiên quyết đòi ly hôn có thể do chị này đã ngoại tình với người khác.
Mới đây TAND huyện Cái Bè , Tiền Giang đã xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn giữa chị V. với anh H. Theo đó, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu của chị V. cho chị ly hôn với anh H., giao hai con chung cho chị V. nuôi, anh H. không phải cấp dưỡng nuôi con .
Ra tòa mới nói về… chuyện ấy
Tại đơn khởi kiện, chị V. trình bày chị và anh H. xác lập quan hệ vợ chồng năm 2007, có đăng ký kết hôn theo quy định. Sau khi tổ chức đám cưới, vợ chồng chị sống hạnh phúc đến năm 2015 thì phát sinh mâu thuẫn và kéo dài đến nay.
Nguyên nhân theo chị V. là do vợ chồng bất đồng quan điểm sống, hay cự cãi nhau. Anh H. không lo làm ăn mà thường xuyên nhậu nhẹt về chửi mắng, đánh đập chị. Anh H. còn không tôn trọng cha mẹ vợ, dẫn đến cuộc sống hôn nhân của vợ chồng không hạnh phúc. Do không thể tiếp tục chung sống được nên vợ chồng ly thân từ cuối năm 2017 đến khi ra tòa. Nay chị xin ly hôn anh H. và yêu cầu được nuôi hai con chung, không yêu cầu anh H. phải cấp dưỡng nuôi con. TAND huyện Cái Bè thụ lý vụ kiện.
Tại tòa, anh H. trình bày: Anh và chị V. xác lập quan hệ hôn nhân và đăng ký kết hôn như chị V. nói. Nhưng hai bên phát sinh mâu thuẫn và ly thân từ tháng 4-2018 chứ không phải từ năm 2015. Nguyên nhân theo anh là do vợ chồng bất đồng nhiều quan điểm sống, có xảy ra cự cãi nhau nhưng chỉ là mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống vợ chồng. Do anh còn thương vợ nên không đồng ý ly hôn. Nhưng nếu tòa án giải quyết cho ly hôn thì anh đồng ý để vợ nuôi hai con chung theo nguyện vọng của chị V.
Tại phiên tòa, HĐXX đã giải thích cho hai bên về căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Lúc này, chị V. xin trình bày bổ sung về lý do ly hôn, nguyên nhân dẫn đến cuộc sống vợ chồng không còn hạnh phúc là do anh H. bị yếu sinh lý từ năm 2015 đến nay (biên bản phiên tòa thể hiện).
Cụ thể, theo chị V. thì trong sinh hoạt vợ chồng anh H. “không làm ăn được gì cả” nên giữa chị và anh thường xuyên bực tức dẫn đến cãi vã. Hậu quả của việc này là làm tình cảm vợ chồng ngày càng lạnh nhạt vì không có tiếng nói chung. Vì vậy, chị V. xác định không còn tình cảm với anh H. nên cương quyết xin ly hôn theo đơn khởi kiện.
Video đang HOT
Tòa cho ly hôn
Không đồng ý với ý kiến nói mình bị yếu sinh lý, anh H. cho rằng chị V. nói anh “không làm ăn được gì cả” là việc của chị V., anh không bàn luận gì thêm. Nhưng anh khẳng định mình không bị yếu sinh lý. Ngoài ra, anh H. cũng cho rằng lý do chị V. kiên quyết đòi ly hôn có thể là do chị đã ngoại tình với người khác.
HĐXX xét thấy chị V. và anh H. đã xảy ra mâu thuẫn kéo dài từ năm 2015 cho đến nay nhưng không hàn gắn, đoàn tụ được. Tại phiên tòa, anh H. mong muốn vợ chồng hàn gắn với nhau nhưng anh không đưa ra được giải pháp nào để vợ chồng hàn gắn, đoàn tụ. Phía chị V. cương quyết xin ly hôn và xác định không còn tình cảm và không thể sống chung với anh H.
Theo HĐXX, chứng tỏ tình cảm giữa hai người đã tan vỡ và không còn khả năng hàn gắn, đoàn tụ. Xét yêu cầu xin ly hôn của chị V. là có căn cứ cũng phù hợp theo xác nhận của ban quản lý ấp về tình trạng hôn nhân giữa chị V. và anh H. nên chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị V, cho chị được ly hôn anh H. là phù hợp với Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình.
Anh chị có hai con chung, tại phiên tòa chị V. vẫn giữ yêu cầu tiếp tục được nuôi hai con chung khi ly hôn, phía anh H. cũng thống nhất việc này. HĐXX xét thấy từ khi anh chị ly thân, hai con chung do chị V. nuôi dưỡng đã ổn định.
Hai bé vẫn phát triển tốt bình thường cũng phù hợp theo đơn xin xác nhận do chị V. cung cấp có xác nhận của ban quản lý ấp về hiện trạng nuôi hai con chung của chị V. Do vậy HĐXX xét thấy để tránh xáo trộn về mặt tâm sinh lý của hai con chung và đảm bảo cuộc sống của hai bé nên tiếp tục giao hai bé cho chị V. nuôi dưỡng là phù hợp Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình. Về cấp dưỡng nuôi con, chị V. xác định đủ khả năng nuôi con, chị không yêu cầu anh H. cấp dưỡng nên HĐXX không đặt ra xem xét giải quyết.
Theo MINH KHÁNH
Pháp luật TP Hồ Chí Minh
Phía sau tòa án: Nỗi đau vợ chồng tâm thần ly hôn
Chồng bị rối loạn tâm thần - chậm phát triển nặng, vợ bị tâm thần phân liệt thể Paranoit - sa sút trí tuệ nặng đưa nhau ra tòa ly hôn
Mới đây, TAND TP Thái Bình đã xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của anh LQD, cho anh D. ly hôn với chị TTH. Tòa cũng tuyên giao con chung cho chị H. nuôi dưỡng, anh D. có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 500.000 đồng.
Chồng rối loạn tâm thần
Trong đơn khởi kiện nộp cho tòa trước đó, anh D. trình bày: Anh và chị H. tự nguyện kết hôn và có đăng ký kết hôn vào đầu năm 2015. Sau khi kết hôn, vợ chồng chung sống hạnh phúc đến tháng 8-2016 thì phát sinh mâu thuẫn, vợ chồng thường xuyên cãi vã, chửi nhau, có xô xát.
Nguyên nhân là do vợ chồng tính tình không hợp, bất đồng quan điểm trong cuộc sống, nhất là sau khi chị H. đi chữa bệnh tâm thần ở Hà Nội về hay nói là không thể sống với anh được nữa, dẫn đến mâu thuẫn ngày càng trầm trọng.
Đến tháng 11-2016, chị H. đã bỏ về nhà cha mẹ ruột sinh sống cho đến nay, vợ chồng cũng ly thân từ đó. Nay anh D. xác định tình cảm vợ chồng không còn, không thể đoàn tụ, cuộc sống hôn nhân không thể kéo dài nên yêu cầu ly hôn với chị H.
Theo anh D., hai vợ chồng có một con chung sinh năm 2016, hiện đang ở cùng với chị H. Anh D. đề nghị giao cháu bé cho chị H. nuôi dưỡng, anh không cấp dưỡng nuôi con vì anh là người tàn tật (rối loạn tâm thần - chậm phát triển nặng), mỗi tháng được hưởng trợ cấp đối với người tàn tật là 405.000 đồng nên không có khả năng kinh tế về cấp dưỡng cho con.
Làm việc với tòa, người đại diện theo pháp luật của anh D. là mẹ anh trình bày: Anh D. bị bệnh rối loạn tâm thần - chậm phát triển nặng bẩm sinh. Biểu hiện bệnh của anh là hay quên, thỉnh thoảng mất trí nhớ, thỉnh thoảng không minh mẫn như người bình thường nên anh không đi học, không biết chữ nhưng sống hiền lành, không la hét, không đập phá.
Mẹ của anh D. đề nghị tòa xử theo yêu cầu của anh D., đồng thời bà đề nghị không giám định pháp y tâm thần đối với anh D., không tuyên bố anh bị mất năng lực hành vi dân sự nhưng có đề nghị tòa cử trợ giúp viên pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh D.
Vợ cũng đang bệnh nặng
Trong khi đó, cha của chị H. trình bày: Hiện nay chị H. đang bị bệnh tâm thần phân liệt thể Paranoit - sa sút trí tuệ nặng, tỉ lệ tổn thương cơ thể là 65%, phải điều trị nên ông là người đại diện theo pháp luật của chị. Ông cũng xác định quan hệ vợ chồng giữa chị H. với anh D. có mâu thuẫn ngày càng trầm trọng như anh D. trình bày và đề nghị tòa xử cho anh D. ly hôn với chị H. Ông đề nghị giao cháu bé con chung của hai người cho chị H. nuôi dưỡng và phía gia đình anh D. phải có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật.
Tuy chị H. bị bệnh tâm thần nhưng cha của chị cũng không đề nghị giám định pháp y tâm thần đối với chị, không tuyên bố chị bị mất năng lực hành vi dân sự mà chỉ đề nghị tòa cử trợ giúp viên pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị H.
Tòa xác minh, được BV Tâm thần Thái Bình cung cấp tiền sử bệnh tâm thần của anh D. và chị H.
Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận định mâu thuẫn giữa anh D. và chị H. ngày càng căng thẳng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt. Từ đó tòa chấp nhận cho anh D. ly hôn với chị H., giao con chung cho chị H. nuôi dưỡng, anh D. có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung mỗi tháng 500.000 đồng.
Người bị tâm thần có mất năng lực hành vi dân sự?Điều 22 BLDS 2015 có quy định về người bị mất năng lực hành vi dân sự. Theo đó, khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.Như vậy, để được xem người bị bệnh tâm thần có bị mất năng lực hành vi không thì cần căn cứ vào bốn điều kiện sau:- Người bị bệnh tâm thần không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình.- Có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan;- Có cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần về việc người bị bệnh tâm thần không thể có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình;- Có quyết định của tòa án về việc tuyên bố người bị bệnh tâm thần không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình.Chỉ khi nào người bị bệnh tâm thần đáp ứng đầy đủ được cả bốn điều kiện trên thì người bị bệnh tâm thần mới được xem là người bị mất năng lực hành vi dân sự.
Theo P.V (PLO)
Cấp dưỡng nuôi con tiền tỉ để né nợ? Nhiều bản án ly hôn, bên tự nguyện cấp dưỡng nuôi con với số tiền khủng thường là người đang có nghĩa vụ phải thi hành án. Thời gian gần đây ở TP.HCM xuất hiện khá nhiều bản án ly hôn với số tiền yêu cầu cấp dưỡng một lần lên tới... hàng tỉ đồng . Theo các chi cục Thi hành án...