Ra mắt tượng 4 danh tướng Việt Nam
Bốn bức tượng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Võ Nguyên Giáp vừa được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Hà Nội) thu hút nhiều sự chú ý của công chúng.
Việt quốc công Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những danh tướng đầu tiên được chọn đúc tượng trong dự án Huyền thoại Việt Nam.
Dự án được lập từ 3 năm trước với sự trợ giúp của nhiều tổ chức và chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, quân sự như GS Vũ Khiêu, GS Phan Huy Lê, nhà sử học Lê Văn Lan, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Nguyễn Huyên, Đại tá Nguyễn Huân, nhà báo Mỹ Lady Borton…
Tượng 4 danh tướng: Việt quốc công Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được đặt tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang.
Là thành viên hội đồng tư vấn lịch sử văn hoá của dự án, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết, 4 danh tướng được công bố tượng lần này đều là những vị tiêu biểu nhất trong hàng nghìn danh tướng của dân tộc. Còn nhiều tượng danh tướng khác như Ngô Quyền, Lê Lợi… sẽ ra mắt những đợt sau.
Thượng tướng cho rằng, triển lãm điêu khắc Danh tướng Việt Nam nhằm khơi dậy và giáo dục các thế hệ về truyền thống yêu nước, thượng tôn dân tộc, ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, để từ đó phát huy và làm tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ tổ quốc.
Triển lãm đồng thời gửi thông điệp đến nhân dân thế giới về truyền thống dựng nước, giữ nước, yêu hoà bình sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ độc lập chủ quyền của người Việt Nam.
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc nhận định, việc khắc họa hình ảnh các danh tướng Việt Nam là một cách để thế hệ sau hiểu hơn lịch sử nước nhà. “Những tác phẩm này mang ý nghĩa lớn về hình tượng anh hùng dân tộc Việt Nam. Đó vừa là nghệ thuật vừa là lịch sử, văn hóa và tinh hoa của người Việt”, ông Quốc nói.
Video đang HOT
Các bức tượng cao 1,24 m, làm từ nhiều chất liệu vàng, bạc, đồng, composite, gỗ… Ảnh: Quỳnh Trang.
Tượng Quang Trung và Trần Hưng Đạo được mô phỏng theo nguyên mẫu đang đặt tại gò Đống Đa và Nam Định. Tượng Việt quốc công Lý Thường Kiệt và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được sáng tác mới bởi nhà điêu khắc Trần Văn Thức.
Về mặt tạo hình, theo Thượng tướng Nguyên Huy Hiệu, 3 bức tượng Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt đã tái hiện tốt cái thần, vị thế của những danh tướng tài ba. Tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cầm ống nhòm thể hiện tầm nhìn của một thiên tài quân sự, tuy nhiên, Thượng tướng cho rằng, nên thay đổi cánh tay đang giơ thẳng của Đại tướng bằng cánh tay giơ nắm đấm đã đi vào lòng người, biểu hiện ý chí quyết đoán, phong cách của một Tổng tư lệnh.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho rằng, nên thay đổi bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo hình ảnh giơ nắm đấm thể hiện ý chí, quyết tâm, phong cách của nhà lãnh đạo quân sự tài ba. Ảnh: Quỳnh Trang.
4 tác phẩm được làm từ nhiều chất liệu: vàng, bạc, đồng, hỗn hợp composite, gỗ… với chiều cao tượng 1,24 m và bệ 75 cm. Theo anh Trần Thanh Tùng, sáng lập viên Hội quán di sản, một trong các đơn vị thực hiện dự án “Danh tướng Việt Nam”, sẽ có những tác phẩm điêu khắc tỷ lệ 1:1 (cao 1,7 m chưa kể bệ) được ra mắt sau này, phù hợp với không gian ngoài trời, hoặc trong nhà.
Tượng 4 danh tướng Việt Nam sẽ được triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đến hết ngày 24/2.
Quỳnh Trang
Theo VNE
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lời giới thiệu cuốn lịch sử Quân khu 4
"Các đồng chí viết sử phải thể hiện cho được sự phong phú của loại hình đấu tranh, truyền thống vẻ vang của các địa phương Quân khu 4 để làm bài học kinh nghiệm đấu tranh sau này", Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ, chiến sỹ Lực lượng vũ trang QK4 năm 1973 (Ảnh Bảo tàng Quân khu 4).
Lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn in rõ trong tâm trí Đại tá Nguyễn Công Thành - Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4. Với anh, đã hơn 20 năm trôi qua nhưng lần đầu tiên gặp Đại tướng và cũng là lần duy nhất cứ ngỡ như mới diễn ra ngày hôm qua.
Năm 1992, khi đó Thượng úy Nguyễn Công Thành đang là trợ lý viết sử của Phòng lịch sử quân sự Quân khu 4 cùng đoàn cán bộ quân khu ra thăm Đại tướng. Món quà mà đoàn mang theo là cuốn sách "Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)". Đồng thời, đoàn cũng có nhiệm vụ đề nghị Đại tướng viết lời đề tựa giới thiệu cuốn "Lịch sử kháng chiến chống Mỹ xâm lược" mà Quân khu đang biên soạn.
"Khoảng 5h chiều đoàn chúng tôi mới được vào gặp Đại tướng. Tôi vẫn nhớ như in Đại tướng mặc bộ quần áo trấn thủ của những người lính Điện Biên nhanh nhẹn bước ra và ôm hôn tất cả các thành viên trong đoàn. Đại tướng nâng ly trà lên đề nghị mọi người thay rượu chúc sức khỏe "quê hương Khu 4". Đó là "chén rượu" ngon nhất trong đời tôi, ngon hơn cả rượu sâm-panh. Một cử chỉ hết sức thân tình khiến chúng tôi nhớ mãi", Đại tá Thành kể.
Lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ở trong tâm trí của những người làm công tác bảo tàng như đại tá Nguyễn Công Thành.
Tại cuộc gặp gỡ, Đại tướng nói về tầm quan trọng của địa bàn Quân khu 4, truyền thống đấu tranh, phong phú về loại hình đấu tranh của các địa phương Qk4, đặc biệt là vị trí hậu phương đối với cả nước và của cả Đông Dương. Đại tướng căn dặn: "Các đồng chí viết sử phải thể hiện cho được sự phong phú của loại hình đấu tranh, truyền thống vẻ vang của các địa phương QK4 để làm bài học kinh nghiệm đấu tranh sau này".
Trước đề nghị viết lời giới thiệu cuốn sách "Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước", Đại tướng vui vẻ nhận lời và hứa sẽ tự mình chấp bút. Buổi trò chuyện đã hết, ai cũng muốn được chụp ảnh kỷ niệm với vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng cứ ngại ngần không dám đề đạt. Hiểu rõ ước muốn của các cán bộ chiến sỹ trong đoàn, Đại tướng vui vẻ: "Các đồng chí Quân khu 4 cũng là người nhà, chúng ta cùng chụp một bức ảnh kỷ niệm". Được lời như cởi tấm lòng, các thành viên đoàn nhanh chóng chỉnh sửa lại quân phục. Đại tướng đi lên gác, lát sau đi xuống với bộ đại lễ và gọi đồng chí Trần Hồng sang chụp ảnh.
Ngày 12/10/1994, đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết lời giới thiệu dài 5 trang giấy cho cuốn sách "Quân khu 4 - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)". Những nét chữ chân phương, rõ ràng, lời văn khúc chiết. Trong lời giới thiệu dài 5 trang giấy được viết tay này, Đại tướng đã khái quát một cách ngắn gọn và đẩy đủ nhất lịch sử truyền thống đấu tranh chống Mỹ cứu nước của lực lượng vũ trang, nhân dân Quân khu 4 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Lời giới thiệu viết tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho cuốn sách "Quân khu 4 - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975".
"Cuốn Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Quân khu 4 đã ghi lại được phần nào những tấm gương chiến đấu và phục vụ chiến trường, những thành công và thành tích chiến đấu và sản xuất dưới mưa bom lửa đạn, ghi lại phần nào những kinh nghiệm quý giá, để lại cho các thế hệ mai sau trong toàn quân và trong cả nước", Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết.
Đối với những người làm công tác di sản văn hóa như Đại tá Nguyễn Công Thành, lời căn dặn của Đại tướng luôn là một lời nhắc nhở trong quá trình làm việc, truyền thông để phát huy được các giá trị truyển thống qua các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng, đặc biệt là các di sản quân sự. "Làm sao để phát huy các giá trị, những chiến công của bao lớp người đã làm nên cuộc chiến đấu toàn dân, toàn diện trên địa bàn, đặc biệt là trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên chiến trường Quân khu 4 anh hùng luôn là những trăn trở thường trực của những người làm công tác di sản quân sự chúng tôi", Đại tá Thành cho hay.
Gian trưng bày tư liệu, hiện vật quý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Bảo tàng QK4
Bằng tấm lòng của người làm công tác di sản văn hóa và tình cảm của người lính đối với vị Tổng tư lệnh quân sự, cán bộ, chiến sỹ Bảo tàng Quân khu 4 đã dành một vị trí hết sức trang trọng trưng bày những hiện vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó có thể là chiếc đài, chiếc áo trấn thủ, chiếc ống nhòm hay những bức thư tay chỉ đạo công tác giao thông trên mặt trận Quân khu 4. Hiện tại, công tác sưu tập các kỷ vật của Đại tướng với quân dân Khu 4 vẫn tiếp tục được thực hiện. Đó là một cách tri ân của Đại tá Thành, của cán bộ chiến sỹ Bảo tàng và thế hệ trẻ Khu 4 đối với người anh Cả vĩ đại của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo Dantri
200 hình ảnh, tư liệu quý về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh Với gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, triển lãm đã khái quát toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của một trong những nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, một vị tướng tài ba lỗi lạc, một cán bộ tài đức vẹn toàn. Hôm nay 19/12, nhân kỉ niêm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí...