Ra đề kiểm tra học kỳ nên để Trường hay phòng giáo dục?
Các nhà giáo, quản lý cho rằng, nếu là đề thi chung cho toàn huyện, thành phố thì tổ ra đề cần cân nhắc sao cho phù hợp nhất. Việc ai ra đề quan không quan trọng bằng việc đánh giá đúng về kiến thức, kĩ năng của học sinh.
Trước đó ngày 12/12, toàn bộ học sinh lớp 9 của quận Thanh Xuân phải thi lại môn Toán học kỳ I vì tỷ lệ điểm dưới trung bình trong lần thi đầu lên tới 70%.
Sau khi nhận kết quả, nhiều học sinh, phụ huynh phản ứng đề quá khó, dẫn tới tỷ lệ điểm dưới trung bình cao. Buổi thi lại được tổ chức vào ngày 17/12 và phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân chịu trách nhiệm ra đề.
Đề thi Toán lớp 9 vừa gây phản ứng đề quá khó, dẫn tới tỷ lệ điểm dưới trung bình cao
Để giáo viên, nhà trường tự quyết?
Cô Huyền Thảo giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng việc phòng giáo dục ra đề kiểm tra học kỳ nên có thể đo được chất lượng của học sinh trên địa bàn. Nhưng điểm bất cập là không nắm và hiểu được sức học nên ra đề thi có phần” duy ý chí” dễ làm cho kết quả không như ý.
Chính vì lẽ đó, cô Thảo cho rằng, việc thi lại ở quận Thanh Xuân là điều tất yếu vì điểm không đạt được phổ điểm. Theo ma trận đề thi, phổ điểm chủ yếu của học sinh cần đạt mức sàn từ 5 trở lên theo hình tháp, như vậy đề thi mới đạt yêu cầu. Trong khi đó, đề vừa qua ở quận Thanh Xuân có tới 70% điểm dưới trung bình.
Việc kiểm tra học kỳ chỉ đơn giản đánh giá học sinh trong một học kỳ, nhằm đo lường và đánh giá chất lượng dạy và học nên không nên gây áp lực quá lớn. Vì thế cô Thảo cho rằng, bài thi kiểm tra học kỳ của học sinh thì để trường ra đề là phù hợp nhất bởi lẽ giáo viên trực tiếp dạy biết được năng lực của học sinh nên sẽ biết cách ra đề sao cho đạt được phổ điểm phù hợp và đo được năng lực học sinh.
Tuy nhiên, cần bồi dưỡng cho giáo viên để biết cách ra đề thi đánh giá đúng năng lực của học sinh. “Hiện nay, phần lớn các đề thi vẫn còn theo lối mòn nghĩa là chưa đo năng lực mà phần lớn vẫn như” luyện gà” nên khó đạt được mục tiêu”- cô Huyền Thảo nêu quan điểm.
Muốn thử nghiệm đề hướng mới
Video đang HOT
Về việc học sinh phải làm bài kiểm tra lại vì nhiều học sinh dưới điểm trung bình, trả lời báo chí, Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, giải thích là do chuyên viên ra đề theo hướng mới nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10.
Về vấn đề này, một nhà quản lý tại Hà Nội cho rằng, việc ra đề theo hướng mới thì nên ở kì kiểm tra đánh giá riêng, nó có thể không liên quan đến điểm của học sinh. Đó đơn thuần chỉ là kiểm tra kiến thức, không lấy điểm chứ không nên là bài kiểm tra học kì.
“Việc ra theo đề mở, mới, thử nghiệm thì chỉ phù hợp với kì thi thử, kì thi đánh giá chất lượng của học sinh. Theo tôi, nếu với học sinh lớp 9, thời điểm ra đề kiểm tra nên vào tháng 3 năm sau, thì lúc đó học sinh ôn tập các dạng bài tốt rồi chứ không nên làm sớm hơn”- vị quản lý này cho biết.
Cũng theo vị quản lý này, việc ra đề kiểm tra học kì do Phòng GĐ&ĐT hay trường ra đề đều không quan trọng, nên tùy theo quan điểm quản lý của từng quận huyện.
“Quan trọng nhất đề kiểm tra phải đáp ứng được ma trận đảm bảo được mục đích kiểm tra là đánh giá về kiến thức, kĩ năng của học sinh”- vị quản lý này nhấn mạnh.
Việc phòng GD&ĐT chỉ đạo đứng ra ra đề kiểm tra học kỳ, theo vị quản lý này là họ “có ý”.
Thứ nhất, để nhằm tạo được một đánh giá chuẩn về học sinh trong một địa bàn quận huyện, họ lập một ma trận đề kiểm tra chung mà nội dung đề thi đảm bảo 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao để đánh giá học sinh.
“Đề này không phải đề thi mà chỉ là đề kiểm tra chuẩn kiến thức, kĩ năng nên cần đảm bảo 4 mức độ như vậy. Mà đề như vậy thì để phải có sự phân hóa cao, học sinh đạt điểm 5, phân vùng điểm 5 và điểm 6 là phổ điểm chủ yếu. Phổ điểm hình parabol chứ không thể có chuyện phổ điểm ngược quy luật như ở quận Thanh Xuân vừa qua được”- vị quản lý này cho biết.
ĐỖ HỢP
Theo Tiền phong
Khoảng 3 nghìn học sinh lớp 9 thi lại môn Toán: 6 lý do không nên lạm dụng đánh giá định kì
Khi tôi nói chuyện với giáo viên, nhiều người vẫn chưa tin rằng "những thứ vật chất kia là cần thiết để những đứa trẻ 13 - 14 tuổi khám phá, học và bắt đầu tập tành nghiên cứu".
Vụ việc gần 3 nghìn học sinh lớp 9 phải thi lại môn Toán ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa qua do "sự cố" đề "quá đổi mới" đã đặt ra nhiều vấn đề. PGS. TS Chu Cẩm Thơ - Phó trưởng ban phụ trách, Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chỉ ra nhiều lý do vì sao không nên lạm dụng đánh giá định kì.
Nhiều năm gần đây, "đánh giá định kì" trở nên phổ dụng, như là một công cụ giám sát chất lượng. Điều này rất khác với trước đây, khi chúng tôi còn đi học, chỉ có đến lớp cuối cấp mới làm một bài kiểm tra của phòng/ sở.
Nhưng bây giờ, ngay cả lớp 1, lớp 2, trẻ em đã phải làm bài kiểm tra học kì theo "đề của Phòng". Việc này hình như phổ biến ở hầu hết các địa phương chứ không phải chỉ ở Hà Nội. Một số đồng nghiệp cho biết, những lần thi ấy "trung thực" lắm, giống như kì thi đại học, kết quả cho thấy ngay chất lượng từng trường, xếp hạng cao thấp rõ ràng. Nếu để các giáo viên tự đánh giá, không biết đằng nào mà lần.
Tuy nhiên, ưu điểm ấy không thể là lí do để chúng ta có phần lạm dụng hình thức đánh giá này.
Thứ nhất, chất lượng giáo dục không được đại diện bởi "thành tích". Một lần tôi đến thăm trường THCS, cũng giống như ngôi trường cấp 2 tôi từng học, đây là trường đứng đầu một huyện trong các thành tích học tập. Khi tôi đề cập đến: Phòng thí nghiệm, sân chơi, nhà thi đấu, phòng nghệ thuật, phòng máy tính..., không ai chỉ ra cho tôi. Trường vẫn như 25 năm khi tôi đi học, chỉ có học toán, học văn... chay!!!
Cái gì luyện nhiều sẽ quen, dẫn đến kết quả tốt. Như vậy, kỳ thi sẽ không còn trung thực nữa. (Ảnh: Minh họa).
Khi tôi nói chuyện với giáo viên, nhiều người vẫn chưa tin rằng "những thứ vật chất kia là cần thiết để những đứa trẻ 13 - 14 tuổi khám phá, học và bắt đầu tập tành nghiên cứu".
Khi tôi ra khỏi phòng nói chuyện, có vài giáo viên lớn tuổi nắm tay tôi cho rằng, giờ họ đã thấm bởi tư duy "giỏi" như họ đang nghĩ hiện nay là lạc hậu. Những đứa học trò ấy có thể giỏi nhưng chúng thiếu nhiều thứ lắm. Và phần lỗi ấy một phần thuộc về nhà trường.
Thứ hai, dùng kết quả thi định kì - một đánh giá ngoài nhà trường để đo lường chất lượng khiến giáo viên thiếu tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc dạy của mình.
Giáo viên và học sinh bị chạy theo kiểu đề mà quên đi việc hàng ngày của mình. Một cô giáo từng bình luận trên bài viết của tôi: "bây giờ giáo viên vào dạy, thường bắt đầu bởi câu hỏi "thi như thế nào, bài nào thường hay được thi"...
Nghiễm nhiên, giáo viên chỉ tập trung vào dạy/ học cái đó. Và tất nhiên, cái gì luyện nhiều thì sẽ quen, thì kết quả sẽ tốt. Điều đó dẫn đến: Kết quả định kì thiếu đi sự tin cậy (đáng lẽ là thế mạnh của một kì thi khách quan).
Ngay cả những học sinh có kết quả cao, chúng ta giờ đây cũng nghi ngờ, vì "em được luyện", nên "không có tư duy", điểm thì cao mà năng lực không cao là như vậy!
Để có một kì đánh giá với diện rộng hàng nghìn học sinh tham gia, phải có một ngân hàng đề tốt. (Ảnh: Minh họa).
Thứ ba, giáo viên không còn thực hiện đúng nhiệm vụ của mình: dạy những gì quan trọng, những gì cần cho thi thì làm gì còn tâm trí cho thể hiện tốt phương pháp, làm gì công bằng cho các môn, các nội dung khác.
Thứ tư, học sinh không học thực sự, mà chỉ họ những gì được "giới hạn để thi".
Thứ năm, để có một kì đánh giá với diện rộng hàng nghìn học sinh tham gia, phải có một ngân hàng đề tốt.
Ngân hàng đề không phải là một kho đề. Nó đòi hỏi các câu hỏi được định cỡ, được đánh giá có đạt yêu cầu hay không... cho nên tạo ra nó không phải chỉ bởi những bộ óc của "chuyên gia, giáo viên giỏi", mà còn ở tính phù hợp với thực tiễn.
Chúng ta không làm được, không đầu tư để làm được "ngân hàng đề" thì đừng mong "đề thi đánh giá định kì" đó chất lượng như trong "lí thuyết" đã nêu ra.
Thứ sáu, đánh giá là một khâu của quá trình giáo dục, khó và không nên tách rời. Thông tin nó mang lại sẽ phản hồi quá trình giáo dục, để các chủ thể của nó sẽ tự điều chỉnh để hướng tới đạt mục tiêu đề ra.
Thế nên, dùng đánh giá định kì nhưng không chỉ ra được những thông tin phản hồi mà chỉ dùng kết quả để xếp hạng, thì chẳng bao giờ thay đổi được chất lượng giáo dục.
Điều đó đã cho thấy hậu quả, khi chúng ta biết dùng đánh giá định kì cả gần 20 năm, thành tích của các kì đánh giá trên diện rộng quy mô quốc tế (chẳng hạn như PISA) của chúng ta cao nhưng thực sự những ngôi trường mà chúng ta theo học thời thanh xuân vẫn chẳng mấy thay đổi.
PGS. TS.Chu Cẩm Thơ
(Phó trưởng ban phụ trách, Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)
Theo Dân trí
Phòng GD&ĐT Thanh Xuân nói gì khi ra đề thi quá khó khiến 3.000 học sinh thi lại? Khoảng 3.000 học sinh lớp 9 trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa phải thi lại môn Toán do 70% bài thi của học sinh dưới điểm trung bình. Được biết, các học sinh này trước đó đã làm bài thi lần đầu vào ngày 12/12 nhưng vì điểm thi quá thấp nên phải thi lại học kì 1 môn Toán...