Quyết định của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc loại Nga khỏi UNHRC có tác động ra sao?
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 7/4 đã thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) sau những cáo buộc liên quan đến cuộc chiến Nga-Ukraine.
Mỹ dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy cuộc bỏ phiếu này sau khi Ukraine cáo buộc quân đội Nga sát hại dân thường tại thành phố Bucha của Ukraine. Tuy nhiên Nga đã bác bỏ cáo buộc và cho đây là “một hành động khiêu khích khác” của Ukraine.
Màn hình hiển thị kết quả bỏ phiếu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ hôm nay. Ảnh: AFP.
Nghị quyết đã được thông qua với 93 phiếu thuận, 24 phiếu trống và 58 phiếu trắng. Sau cuộc bỏ phiếu, một số quốc gia thành viên cho rằng quyết định nói trên của Đại hội đồng liên Hợp Quốc là quá vội vã vì các cuộc điều tra về cáo buộc tại Bucha vẫn đang được tiến hành.
Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Gennady Kuzmin tuyên bố đây là “bước đi bất hợp pháp và mang động cơ chính trị” và thông báo rằng Nga quyết định rút khỏi hội đồng này.
Vai trò của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là một cơ quan gồm 47 thành viên, có nhiệm vụ “thúc đẩy và bảo vệ tất cả quyền con người trên toàn thế giới”. Cơ quan này thường tiến hành cuộc họp tại văn phòng Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sỹ để thảo luận về các vấn đề nhân quyền và những tình huống phát sinh trong năm.
47 thành viên nói trên được bầu thông qua hình thức bỏ phiếu kín với nhiệm kỳ 3 năm. Số ghế được phân bổ dựa trên tính chất địa lý, chẳng hạn như khu vực Mỹ Latin và Caribe có 8 ghế thành viên, còn châu Phi có 13 thành viên. Nga – một trong 6 nước thành viên ở khu vực Đông Âu sẽ hết nhiệm kỳ vào năm 2023. Mỹ được bầu trở lại vào Hội Đồng nhân quyền vào tháng 10/2021.
UNHRC tổ chức ít nhất 3 phiên họp thường kỳ mỗi năm và có thể tổ chức những phiên họp đặc biệt nhằm xử lý các vụ việc vi phạm nhân quyền cấp bách. Trong các phiên họp, các thành viên thảo luận và tranh luận về những vấn đề nhân quyền theo từng chủ điểm hoặc ở từng quốc gia riêng biệt, đàm phán và soạn thảo nghị quyết, cũng như thông qua các báo cáo.
Vào năm 2021, cơ quan này đã triệu tập một loạt phiên họp đặc biệt để thảo luận về “những lo ngại nhân quyền và tình hình ở Afghanistan” vào tháng 8, “các vụ vi phạm nhân quyền ở lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng” vào tháng 5 và “ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Myanmar đến nhân quyền” vào tháng 2.
Video đang HOT
UNHRC cũng làm việc chặt chẽ với Cơ chế đặc biệt của Liên Hợp Quốc – gồm các chuyên gia độc lập về nhân quyền, được giao nhiệm vụ tới thăm các quốc gia để báo cáo, đánh giá và tư vấn về nhân quyền. Một trong những nhiệm vụ chính của UNHRC là phân tích hồ sơ nhân quyền của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Công việc này được thực hiện bởi một nhóm chuyên trách, có sự tham gia của tất cả 47 thành viên trong UNHRC.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng có một Ủy ban Cố vấn gồm 18 chuyên gia về nhân quyền đến từ các khu vực khác nhau trên thế giới, đóng vai trò là “cơ quan tư vấn” của tổ chức này.
Một quốc gia bị loại khỏi UNHRC khi nào?
Để đình chỉ tư cách thành viên của một quốc gia trong UNHRC cần phải có 2/3 số phiếu ủng hộ của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên, không tính phiếu trắng.
Nghị quyết thành lập của UNHRC 60/251 đã trao quyền cho Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đình chỉ quy chế thành viên khi phát hiện một quốc gia “vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng và có hệ thống.
Nghị quyết nêu rõ: “Đại hội đồng Liên Hợp Quốc xác định rằng tư cách thành viên của UNHRC sẽ được để ngỏ cho tất cả các nước thành viên của Liên Hợp Quốc. Khi bầu chọn thành viên của hội đồng, các nước sẽ tính đến sự đóng góp của ứng cử viên trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, cũng như nhưng cam kết tự nguyện của họ. Với 2/3 số phiếu tán thành, Đại hội đồng có thể đình chỉ tư cách thành viên của một quốc gia vi phạm nhân quyền một cách thô bạo và có hệ thống”.
Các thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bỏ phiếu bằng cách trả lời “có”, “không” hoặc “bỏ phiếu trắng” khi tên quốc gia mà họ đại diện được điểm danh. Hình thức biểu quyết có thể là giơ tay, đứng lên. Việc điểm danh sẽ được thực hiện theo bảng chữ cái tiếng Anh. Khi gọi đến tên quốc gia này, đại diện của họ sẽ phải trả lời. Kết quả của cuộc biểu quyết sẽ được ghi vào hồ sơ.
Xe quân sự Nga di chuyển trên một tuyến đường ở Crimea sau khi Tổng thống Putin ra lệnh phát động chiến dịch quân sự tịa Ukraine ngày 24/2. Ảnh: Reuters
Đã có bao nhiêu quốc gia bị loại khỏi UNHRC?
Libya là quốc gia đầu tiên bị đình chỉ tư cách thành viên tại UNHRC vào năm 2011 sau khi chính phủ nước này bị cáo buộc đàn áp những người biểu tình không có vũ trang trong bối cảnh phong trào Mùa Xuân Arab lan rộng khắp khu vực. Tuy nhiên, quyết định đình chỉ đã được dỡ bỏ vào tháng 11/2011. Nga là quốc gia thứ 2 bị loại khỏi UNHRC.
Dưới thời chính quyền Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi UNHRC để phản đối cái mà Washington cho là “thành kiến cố chấp” chống lại Israel trong cơ quan này, đồng thời cáo buộc UNHRC “dung túng cho những thành viên vi phạm nhân quyền khác”.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley khi đó đã chỉ trích UNHRC có “sự thiên vị chính trị”, khi kết nạp CHDC Congo làm thành viên, cũng như không giải quyết cái mà Washington cho là tình trạng vi phạm nhân quyền tại Venezuela và Iran. Mỹ được bầu trở lại làm thành viên của UNHRC vào tháng 10/2021 dưới thời chính quyền Biden.
Nghị quyết ảnh hưởng ra sao đến Nga?
Khác với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các nghị quyết của UNHRC chỉ có ý nghĩa biểu tượng và không có tính ràng buộc pháp lý. Nhưng nó cho thấy Mỹ và các đồng minh đang đoàn kết để đối phó với Nga cũng như cô lập quốc gia này trên phạm vi toàn cầu.
Tổng thống Biden và nhiều nước châu Âu tuyên bố rằng, nghị quyết đã gửi thông điệp rõ ràng tới Tổng thống Putin rằng, những hành động của nước này tại Ukraine sẽ phải trả giá. Trước đó phương Tây đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga, đưa vào danh sách đen nhiều nhân vật mới trong đó có cả con gái của Tổng thống Putin.
Tuy vậy, nhiều quốc gia, trong đó có Triều Tiên, Iran, Venezuela, Brazil, Trung Quốc, Cuba, Senegal, Kazakhstan… đã phản đối các nỗ lực thúc đẩy cuộc bỏ phiếu của Mỹ.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân coi đây là “một động thái vội vàng. “Điều đó chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa, không có lợi cho việc giảm leo thang xung đột”, ông Trương Quân tuyên bố.
Còn Đại sứ Ấn Độ Tirumirti cho biết đã bỏ phiếu trắng vì “kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine, Ấn Độ đã ủng hộ hòa bình, đối thoại và ngoại giao”.
“Chúng tôi tin rằng không có giải pháp nào có thể đạt được bằng đổ máu và cái giá phải trả của sinh mạng vô tội. Nếu phải chọn bên, Ấn Độ sẽ lựa chọn hòa bình và mục tiêu chấm dứt bạo lực ngay lập tức”, ông Tirumirti nói./.
Đại hội đồng LHQ xem xét Nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền của Nga
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 7/4 đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng nhân quyền với các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Ukraine.
Kết quả cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 7/4 là 93 phiếu ủng hộ, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng, đủ để khai trừ Nga khỏi Hội đồng nhân quyền có trụ sở tại Genève.
Bảng điện tử tại phòng họp Đại hội đồng LHQ thể hiện kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 7/4 về việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền - Ảnh: AFP
Nga là quốc gia thứ hai bị khai trừ khỏi Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc kể từ khi cơ quan này được thành lập năm 2006. Trước đó, Libi bị tước tư cách thành viên năm 2011 với cáo buộc bạo lực đối với những người biểu tình chống lại các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Đây cũng là nghị quyết thứ 3 mà Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Hai nghị quyết trước lên án và yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.
Sau quyết định của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng về nhân quyền, Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Gennady Kuzmin tuyên bố, "Liên bang Nga đã quyết định sớm chấm dứt quyền thành viên của Hội đồng Liên Hợp Quốc về nhân quyền từ ngày 7 tháng 4 năm 2022".
Bộ Ngoại giao Nga đã gọi nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là một động thái phi pháp và có mục đích chính trị nhằm trừng phạt các thành viên Liên Hợp Quốc có chủ quyền đang theo đuổi một chính sách đối nội và đối ngoại độc lập.
Trong khi đó, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy cáo buộc các nước phương Tây cản trở luật pháp quốc tế và hợp tác đa phương.
Trước đó, tại phiên thảo luận về vấn đề này, các nước bày tỏ quan ngại trước tình hình hiện nay tại Ukraine và nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế.
Nhiều nước, trong đó có những nước bỏ phiếu trắng và phiếu chống đối với Nghị quyết, cho rằng trong bối cảnh các cơ chế điều tra quốc tế về tình hình nhân quyền tại Ukraine, gồm cơ chế điều tra được thành lập theo quyết định của Hội đồng Nhân quyền, vẫn đang diễn ra, việc đề xuất và xem xét Nghị quyết này là hành động vội vã trong khi chưa có thông tin cụ thể, khách quan.
Việc thông qua Nghị quyết được các nước này xem là có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực đàm phán, đối thoại giữa các bên liên quan, gây chia rẽ và làm giảm sự tín nhiệm đối với LHQ./.
Mỹ, Trung Quốc tìm cách thúc đẩy khởi động lại đối thoại với Triều Tiên Các đặc phái viên phụ trách vấn đề hạt nhân của Mỹ và Trung Quốc ngày 5/4 đã tiến hành hội đàm tại Washington về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasongpho-17 của Triều Tiên trước khi được phóng thử, tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, ngày 24/3/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN...