Quyền lực mềm Trung Quốc đe dọa vị trí số 1 của Mỹ
Trung Quốc đang tung ngàn tỷ USD để tài trợ tài chính, thương mại – đầu tư, xây dựng các định chế tài chính lớn, vốn do Mỹ, Nhật dẫn dắt. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và liên tiếp tung ngàn tỷ USD gây ảnh hưởng đến các nước Châu Á – Phi và Nam Mỹ… Điều này đã khiến Mỹ bị đe dọa mất đi vị trí số 1 thế giới
Chủ nợ của thế giới
Trung Quốc vừa xác nhận đã ký hợp đồng tín dụng đổi dầu với Venezuela. Phó Tổng thống phụ trách kinh tế của Venezuela Miguel Perez cũng thừa nhận các điều kiện, bao gồm kỳ hạn các khoản vay, lượng tiền và các điều kiện phi tài chính khác đã được 2 bên thông qua.
Đây được xem là một liều ô-xy cứu quốc gia Nam Mỹ này khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện hiện nay, đồng thời là một bước đi nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa 2 bên và là một bước tiến của Trung Quốc tại khu vực Nam Mỹ. Trong khoảng một thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho Venezuela vay khoảng 50 tỷ USD.
Venezuela có tiền để tìm cách thoát khỏi khủng hoảng. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ có dầu để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Tất nhiên, vào thời điểm giá dầu đang thấp như hiện nay, Venezuela sẽ phải trả nhiều dầu hơn cho Trung Quốc.
Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên thị trường tài chính toàn cầu.
Không chỉ Venezuela, các ngân hàng của Trung Quốc cho rất nhiều quốc gia Mỹ Latinh vay tiền, bao gồm cả Argentina và Ecuador. Đây đều là những quốc gia gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường tài chính toàn cầu.
Một báo cáo tháng 5/2016 trên CNN Money cho thấy Trung Quốc vẫn đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Trung Quốc đang nắm giữ khoản nợ của Mỹ trị giá khoảng 1.250 tỷ USD. Con số nói trên thực sự rất lớn nhưng xem ra không phải quá sức nếu nhìn vào kho dự trữ ngoại hối khoảng 3,3 ngàn tỷ USD của Bắc Kinh.
Nếu tính cả số trái phiếu mà Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) mua của Mỹ, Trung Quốc hiện nắm giữ số trái phiếu còn lớn hơn thế.
Với châu Phi, Trung Quốc đã tham gia sâu rộng vào công cuộc cải cách kinh tế của các quốc gia trong khu vực, thông qua cho vay, đầu tư và thương mại.
Theo BBC, tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – châu Phi hồi cuối 2015, Trung Quốc tuyên bố cung cấp cho châu Phi 60 tỷ USD vốn vay và viện trợ, bao gồm một số khoản vay không lãi suất, học bổng và hỗ trợ đào tạo, để giúp lục địa này phát triển.
Video đang HOT
AIIB là một bước tiến mới của Trung Quốc
Trước đó, Trung Quốc đã vượt qua cả Mỹ, Nhật, Pháp trong cả 2 lĩnh vực đầu tư và thương mại với lục địa đen. Riêng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có 7 chuyến thăm tới châu Phi, trong đó có 2 chuyến ở cương vị chủ tịch Trung Quốc.
Tấn công các định chế tài chính lớn
Song song với hoạt động cho vay, mua trái phiếu – làm chủ nợ của rất nhiều các quốc gia, từ nghèo tới giàu, trên thế giới, Trung Quốc cũng đã công khai bày tỏ ý định tăng cường “ quyền lực mềm” ở châu Á, thông qua ngân hàng “đối thủ” WB, ADB.
Sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng (hoạt động từ đầu 2016) đã khiến Mỹ bị đe dọa mất đi vị trí số 1 thế giới. Trung Quốc lập AIIB lôi kéo cả thế giới trong khi bỏ rơi Mỹ.
AIIB được nhiều nhà phân tích tài chính toàn cầu xem là đối thủ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Mỹ và Nhật Bản, hai nước có nền kinh tế thứ nhất và thứ 3 toàn cầu đã không tham gia vào việc thành lập AIIB, nhưng đổi lại một loạt các quốc gia có sức mạnh tài chính khác như: Anh, Đức, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Úc là các cổ đông lớn. Tại AIIB, Trung Quốc chiếm hơn 30% cổ phần, nắm giữ hơn 26% quyền biểu quyết.
Nhiều nước bắt đầu lo ngại về gánh nặng nợ Trung Quốc.
Hồi cuối 2015, Trung Quốc tuyên bố sẽ cung cấp một khoản vay trị giá 10 tỷ USD cho các nước Đông Nam Á (ASEAN) để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng. Những cam kết được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở các khu vực đang phát triển.
Trong khi Mỹ tỏ ra khó chịu vì các đồng minh xích lại gần Trung, thì Anh đã lặng lẽ tham gia AIIB, không tham vấn từ Mỹ. Nước Anh chủ trương thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc và hút thêm vốn đầu tư từ nước này.
Sự nổi lên của đồng Nhân dân tệ với việc được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, ngang hàng với USD, euro, bảng Anh và Yên Nhật cũng là một bước đột phá đối với Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Có thể thấy, sự chậm phát triển của một số khu vực tại châu Á, kém phát triển ở châu Phi và khủng hoảng tại Nam Mỹ và châu Âu đã tạo điều kiện Trung Quốc dễ dàng tung vốn làm chủ nợ khắp nơi với những điều kiện thuận lợi.
Tuy nhiên, nhiều cảnh bảo đã được các chuyên gia trên khắp thế giới đưa ra. Theo đó, nước Anh, hay các nước châu Phi, Mỹ Latinh nên thận trọng với những khoản vay, khoản đầu tư đến từ Trung Quốc.
Gần đây, một số nước châu Phi bắt đầu than phiền về lợi ích thực sự nhận về từ sự hợp tác với TQ. Nhiều nước cũng đã vỡ mộng và đã cảm thấy rõ gánh nặng của các khoản tài trợ của Trung Quốc.
V. Hà
Theo_VietNamNet
Nga dám vượt rào để lấy trọn 8 tỷ USD của Iran?
Dù Iran đang là khách sộp với Nga khi đồng ý chi tới 8 tỉ USD để mua vũ khí nhưng cả Moskva và Tehran có dám thực hiện thương vụ này?
Món hàng béo bở
Hãng tin Sputnik dẫn lời của Phó Cục trưởng Cục Hợp tác công nghệ quân sự Liên bang Nga Aleksardr Vasilievich Fomin khẳng định, Moskva sẽ không bán xe tăng và máy bay tiêm kích cho Iran.
Nguồn tin cho biết, khi được hỏi về vấn đề liên quan, ông Fomin cho rằng việc cung cấp các loại vũ khí tác chiến đang chịu sự hạn chế của lệnh trừng phạt Liên Hợp Quốc (LHQ) đối với Iran.
Theo ông Fomin, hiện nay lệnh cấm chỉ cho phép cung cấp cho Iran vũ khí phi sát thương, hệ thống phòng không, radar. Vì vậy, không có chuyện Nga bán xe tăng và máy bay tiêm kích cho Iran. "Việc này chỉ được đề cập tới sau khi lệnh trừng phạt (của LHQ) được dỡ bỏ", ông Aleksardr Vasilievich Fomin nhấn mạnh.
Được biết, đây là tuyên bố khá bất ngờ của Nga bởi trước đó Moskva khẳng khăng sẽ thực hiện thương vụ này trước sự phản ứng quyết liệt của Mỹ và Washington phải viện dẫn đến lệnh cấm cụ thể của LHQ với Iran. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon tuyên bố, việc Nga bán Su-30 và xe tăng cho Iran là vấn đề của LHQ chứ không phải của Moskva.
Tiêm kích Su-30SM Iran đang muốn mua của Nga.
Tuyên bố này được Thứ trưởng Thomas Shannon đưa ra trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ: "Sẽ chặn việc thông qua bán máy bay chiến đấu Su-30" nói trên, đồng thời lưu ý rằng bất cứ thương vụ nào dạng này đều cần có sự phê chuẩn của LHQ chứ không phải là vấn đề của Nga.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ tuyên bố sẽ ngăn việc Nga bán máy bay Su-30 cho Iran. Cụ thể, hồi cuối tháng 2/2016, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đưa ra tuyên bố tương tự khi khẳng định rằng Washington sẽ làm mọi cách theo luật để ngăn thương vụ này.
"Đây là vấn đề của LHQ, tuy nhiên, chúng tôi sẽ không chấp thuận thoả thuận này", Ngoại trưởng Kerry trả lời sau khi nhận được câu hỏi của truyền thông về quan điểm của Washington khi Nga bán máy bay chiến đấu và xe tăng cho Iran.
Trước đó, ông Hossein Dehqan, Bộ trưởng Quốc phòng Iran đã tuyên bố rằng nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ bỏ ra số tiền lên tới 8 tỉ USD để mua vũ khí của Nga, trong đó có tiêm kích Su-30, xe tăng... Tuy nhiên, ông này không cung cấp thông tin về thương vụ này, nhưng khẳng định Iran sẽ tham gia sản xuất máy bay.
Nga và Iran vượt rào?
Việc cả Nga - Iran có dám vượt qua lệnh cấm của LHQ để thực hiện thương vụ vũ khí này hay không cần phải nhìn lại cái giá Tehran đang đối mặt sau khi nhận được những hệ thống S-300 đầu tiên và Moskva đang thấm nỗi đau trừng phạt.
Cụ thể, chuyên gia người Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Gunes cho rằng, việc Iran nhận chuyển giao S-300 và có thể mua thêm vũ khí nữa của Nga sẽ đưa nước Hồi giáo này phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức mới.
Theo Hakan Gunes, việc Iran sở hữu S-300 như "một lời cảnh báo" gửi tới Israel và Saudi Arabia, các quốc gia đã nhiều lần đe dọa tiến hành tập kích bằng tên lửa nhằm vào Iran.
"Israel và Saudi Arabia đã không dưới một lần cảnh báo về khả năng sử dụng tên lửa tầm trung tấn công vào các cơ sở quan trọng của Iran. Mối nguy cơ này đã được giảm nhẹ khi Iran sở hữu S-300", chuyên gia H. Gunes nhận định.
Ông H. Gunes cũng chỉ ra những dấu hiệu chống Iran trong quan hệ Mỹ và các quốc gia đồng minh tại Cận Đông, trong đó có Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar, trong thời gian gần đây.
Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ dự báo, các quốc gia trên đang chờ kết quả của cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 này để tăng cường các hoạt động đối đầu với Iran. Trong vài tháng tới, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có thể bỏ qua bất đồng để xích lại gần nhau liên quan tới vấn đề Iran.
Israel hiện đặc biệt lo ngại về khả năng Iran đang âm thầm phát triển công nghệ hạt nhân để chế tạo bom nguyên tử. Việc quốc gia Cận Đông này sở hữu tổ hợp S-300 để bảo vệ các căn cứ hạt nhân hiện có sẽ là mối lưu tâm thường trực của Tel aviv.
Trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Israel có thể trở thành đồng minh với sự hậu thuẫn của Mỹ.
"Với xu hướng xích lại gần nhau của các nước có quan điểm chống Iran, làn sóng chống Iran mới có thể sẽ bùng phát sau cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 này", ông H. Gunes kết luận.
Không chỉ Iran, ngay cả khi Nga chưa thực hiện thương vụ vũ khí mới với Tehran, Moskva đã thấm thía nỗi đau từ lệnh trừng phạt của phương Tây. Đặc biệt, nếu tiếp tục bán vũ khí cho Iran, Nga còn vi phạm lệnh cấm của LHQ. Trong tình huống này, chắc chắn người Nga sẽ biết cách cân nhắc.
Mỹ Đức
Theo_Báo Đất Việt
Anh chặn 5 chiến đấu cơ Nga gần không phận Estonia Không quân Hoàng gia Anh (RAF) gần đây chặn 5 chiến đấu cơ Nga đe dọa không phận Estonia, Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm 17-5. Trong lúc tham gia thực hiện nhiệm vụ "Baltic Air Policing" của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), 2 máy bay chiến đấu Typhoon của RAF đã phát hiện tổng cộng 5 chiến...