Quyền Linh: Không giỏi tiếng Anh vẫn được mời quảng cáo giá 2 tỷ đồng
Quyền Linh bình dân trên cả bình dân, dù đang thời đỉnh của đỉnh nhưng lúc nào cũng sợ làm ai đó buồn.
Nhận cú điện thoại của Quyền Linh thời gian này quý như vàng, bởi cuộc hẹn với anh đã 3 tháng qua giờ tôi mới gặp. Biết bạn giận, anh móc cuốn sổ nhỏ ghi lịch làm viêc rồi phân trần: “Ông nhìn đi, lịch quay, lịch đi tỉnh hết đến tháng 11 rồi, giờ tôi rảnh được nguyên buổi trưa nên mời ông cafe nè!”.
Quyền Linh là thế, bình dân trên cả bình dân, dù đang thời đỉnh của đỉnh, nhưng lúc nào cũng sợ làm ai đó buồn, anh xuề xoà trong cách ăn mặc, giản dị trong ăn nói với bạn bè, rất ít làm màu. Hôm nào nhà sản xuất “ép” mặc chỉnh tề với veston để lên hình là cứ như một cực hình với anh.
Quyền Linh bộc bạch: “Ông thấy cuộc đời tôi giờ dễ gì có được khoảnh khắc tự do, làm người nổi tiếng là sướng, OK tôi đồng ý, nhưng khi gặp chuyện khổ, chuyện khó không dám tâm tình cùng ai.
Tôi nói thiệt, 90% các bài báo đăng trên mạng là hầu hết “người ta” tự đăng, chứ có ai gặp tôi đâu. Tôi đi suốt các tỉnh, hoặc suốt ngày trong phòng ghi hình, làm gì có chuyện trả lời nhà báo. Vậy mà mỗi lần bị báo đăng là nhiều anh em phóng viên nói tôi chảnh, hẹn gặp nói là bận mà báo này báo kia cứ đăng hoài, cái này là oan cho tôi nhất”.
Quyền Linh cũng dẫn ví dụ điển hình vụ anh lên facebook tâm tình vài câu, gọi là tâm sự nỗi lòng với bạn bè giải khuây nhưng sáng hôm sau báo đăng anh tuyên bố bỏ nghề trong đó nhiều bạn nhà báo quen điện thoại hỏi liên tục khiến Quyền Linh hoảng không dám bắt máy luôn.
“Nghệ sĩ tụi tôi vẫn là con người bình thường, lúc vui, lúc buồn, lúc chán nản… vậy mà cứ chộp khoảnh khắc ấy gọi biến thành bài báo, khiến nhiều người thương mình cũng hoang mang và ngay cả chính mình cũng không rõ chuyện gì đang xảy ra” - Quyền Linh nói.
Vẻ mặt “nghịch ngợm” của Quyền Linh trong một gameshow.
- Tin anh “buông bỏ” làm chấn động hàng ngàn người yêu mến, anh có lời giải thích gì về “sự cố” này?
Ông bà mình nói: ” Hoạn nạn mới biết chân tình, qua lần này tôi cảm thấy mình quá hạnh phúc. Từ anh em trong nghề đến từng khán giả từ sang giàu đến nghèo khó luôn dành cho tôi những lời động viên hết sức quý báu.
Tôi đang tự hỏi: Hiện giờ ai hạnh phúc bằng mình?, có lẽ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với lòng tin yêu của mọi người dễ gì bỏ cuộc cho được. Tên tôi có được là từ lòng tin yêu của đồng nghiệp và khán giả, không thể vì một vài lời “chói tai” mà bỏ cuộc được.
- Gần đây trang cá nhân của anh tràn ngập thông tin hình ảnh Quyền Linh mở công ty làm giám đốc công ty nước… xà bông, rửa chén. Anh chuyển nghề kinh doanh một cách âm thầm?
Đúng, nhưng chỉ một nước thôi. Nói về kinh doanh không phải bây giờ mà cách đây 20 năm tôi đã từng mở quán cafe ngay trung tâm thành phố. Bạn bè kéo đến ủng hộ cũng đông nhưng sau đó cũng… dẹp tiệm. Vì sao? Mình là nghệ sĩ nên ngẫu hứng dữ lắm, ít có kế hoạch dài lâu, chỉ cần thích là nhích nên dễ tiêu tùng.
Còn vụ bán sản phẩm những ngày qua, nói thật đó là công ty của những người anh em thân thiết, muốn tạo nên một một dòng sản phẩm tốt cho người tiêu dùng. Nhưng vì bước đầu tiên còn nhiều khó khăn, cầu cứu Quyền Linh giống như tiếp thêm một sức mạnh.
Tôi nhìn trước ngó sau, cũng là chuyện tốt cho người làm ăn lẫn người tiêu dùng, nên tham gia trên tình thần nghĩa hiệp, nghĩa là khi nào sản phẩm có lời dùng tiền làm từ thiện sau đó mới tính lương. Chứ tên Quyền Linh của tôi tính đúng giá quảng cáo họ trả không nổi đâu, mà tôi cũng không có thời gian đi xuống nhà máy lo thủ tục giấy phép, lo chuyện đầu ra… tôi hết quỹ thời gian rồi!
- Cũng với sản phẩm này, người ta còn thấy anh lôi kéo hai kỷ lục gia thế giới Quốc Cơ, Quốc Nghiệp tham gia, vì sao vậy?
Lần đầu cả ê kíp đâu có biết sẽ bán được hay không, lời hay lỗ như thế nào. Nhưng chính hình ảnh hai anh em Quốc Cơ, Quốc Nghiệp trồng chuối ngược trao giải thưởng cho bà con và tôi cũng làm náo nhiệt trong mỗi lần xuất hiện nên sản phẩm bây giờ không đủ để bán. Có lẽ bởi họ thật sự yêu mến chúng tôi, tin tưởng nên ủng hộ nhiệt tình.
Quyền Linh bên Quốc Cơ, Quốc Nghiệp.
-Nhiều người nhận định “Quyền Linh là vua quảng cáo”, theo anh có đúng không?
Lại “vua” nữa, ca nhạc thì có “vua nhạc sến”, phim có “vua phòng vé” tôi không thích làm vua như thế đâu, thích bà con gọi là anh nông dân vui rồi. Riêng việc quảng cáo đúng là tôi nhận show nhiều lắm.
Hầu hết các hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao đều có tôi, bởi tôi thích ủng hộ hàng Việt Nam, và trong các lần hội chợ như thế, tôi đi đâu cũng được các doanh nghiệp vui mừng chào đón. Doanh nghiệp nào khoái làm từ thiện là tôi ok với họ cùng bắt tay nhau, kiếm thật nhiều quà ủng hộ bà con.
-Nghe đồn toàn bộ đồ dùng trong nhà anh đều là sản phẩn của quảng cáo?
Cũng có thể nói là như thế. Từ cái tủ lạnh, bộ bàn ghế, đồng hồ, ti vi, máy giặt cho đến sơn tường gạch men… đều là của các nhà quảng cáo tặng tôi hết. Ngay cả mì gói, nước mắn, xì dầu, bột giặt và bây giờ là nước lau sàn, nước rửa chén, xà bông cũng là hàng tài trợ.
Đây là điều đáng mừng và hãnh diện chứ không có gì phải lo, mình nhận của người ta, bù lại mình quảng cáo “nhẹ” lại ok tốt cho cả khách hàng, chủ doanh nghiệp và cả gia đình mình.
- Hậu trường việc nhận quảng cáo chắc cũng lắm chuyện vui buồn?
Vui nhiều lắm kể một ngày chưa hết. Có lần tôi nhận lời quảng cáo ti vi. Nhà sản xuất đưa xuống 5 cái tivi to đùng, xem rất đã mắt. Nhưng hôm đó trùng với ngày đội tuyển VN đá với tuyển Malaisia, theo tiến độ quay không được dừng thu hình, nhưng anh em nào mê bóng đá vẫn được xem.
5 chiếc ti vi lúc đó kẹt quay hình và 50 con người mê bóng đá trong ngày hôm đó phải xem bóng đá bằng chiếc điện thoại… iphone. Thiệt là đau lòng không tả được.
Đến vụ quảng cáo cho một trường sinh ngữ. Lần đó bạn đại diện nhà sản xuất mời tôi làm đại sứ cho trường, tôi tự chối ngay vì mình không rành tiếng Anh. Nhưng bạn ấy năn nỉ đến độ, nếu tôi không nhận lời sẽ bị đuổi việc vì ông sếp quá thích tôi. Thấy cũng hơi lạ nhưng nhìn số tiền gần 2 tỷ trong bản hợp đồng nên tôi cũng siêu lòng.
Lúc ký hợp đồng, anh ấy còn nói thêm: Lúc đầu trong danh sách chọn là không có tên anh, rất nhiều gương mặt nổi tiếng khác được giới thiệu với sếp đều bị lắc đầu, nhưng ngay lúc hết người thấy hình anh Quyền Linh nên em đưa đại cho sếp xem, không ngờ ông ấy đồng ý ngay lập tức, ổng bảo: “Người trong hình này (Quyền Linh) là người tốt luôn giúp đỡ người nghèo, nên chọn anh ấy là số 1″.
Vẻ mộc mạc chân quê của Quyền Linh.
- Anh mới nhận vai nhỏ trong một phim với cát-xê tiền tỷ?
Cũng đúng, nhưng tôi nhận lời một vai khách mời rất nhỏ trong một bộ phim có kinh phí sản xuất hơn 50 tỷ đồng. Tôi nghĩ đây là phim kỷ lục nhất từ trước đến nay. Đúng lý, tôi nhận tiền tỷ là có thật, nhưng nhà sản xuất hỏi tôi tính bao nhiêu, tôi chỉ trả lời: “Khi nào phim lời, anh phải trả tôi trên 1 tỷ để tôi làm từ thiện cho bà con nghèo, và anh ấy đã đồng ý trong nụ cười rất tươi.
Câu chuyện này nó cũng giống như tôi nhận lời quảng cáo cho xà bông, nước rửa chén vậy, lúc người ta mới khởi nghiệp tôi sẵn sàng không tính tiền vì chưa biết lời lỗ ra sao, nhưng khi họ có lời lập tức các bạn thấy tôi đã có 200 chiếc xe đạp và 200 phong bì 500 ngàn để tặng bà còn nghèo ở Sóc Trăng. Dường như tôi sinh ra đã là bạn của bà con nghèo nên mỗi lần gặp được họ tôi luôn cảm thấy mình sung sướng!
Theo Vietnamnet
MC Quyền Linh: "Tôi không thể bỏ cuộc vì thương người nghèo"
Dù không phải là "ngôi sao đang lên" nhưng hẹn gặp Quyền Linh cực khó, vì suốt ngày anh rong ruổi đến các vùng sâu làm từ thiện.
Có khi 2 tháng mới thấy anh ló dạng trở về thành phố, nước da đen nhẻm, mắt thâm quầng vì mất ngủ, đau cột sống hay vừa trải qua cơn sốt rét... Vậy mà ngay hôm sau, anh lại có mặt ở nhà đài để dẫn các gameshow.
Quyền Linh từng đặt chân tới những vùng xa heo hút trên bản đồ Việt Nam, giúp đỡ người nghèo và trẻ em cơ nhỡ. Những câu chuyện của họ ở các vùng đất xa xôi khiến nhiều đêm anh không ngủ được, mang ký ức ra giở lại và trăn trở: Tuổi 50 của mình sẽ làm gì đây, một bộ phim do mình đạo diễn, một vai diễn thú vị, hay tiếp tục làm công tác xã hội trong khi sức khỏe ngày một suy kiệt? Và rồi, câu trả lời lại lóe lên, là làm theo trái tim mách bảo. Bởi trái tim trong lồng ngực một người nông dân chính hiệu như anh không cho phép mình vô cảm với những người khốn khổ đang cần trợ giúp.
Về phía khán giả, họ ngạc nhiên vì "MC quốc dân" thành đạt lại không hề khoác lên mình bất kỳ scandal nào. Bản chất Quyền Linh là thế, luôn tốt, chân thật, tử tế để khiến người ta càng yêu mến anh hơn. Đặc biệt, hình như anh không thể khoanh tay đứng nhìn khi ai đó cần giúp sức. Có năm Liên hoan Cánh diều không ai chung tay tổ chức. Thế là anh nhảy vào làm MC, hậu đài, đạo diễn, nhà tài trợ... Đến khi tổ chức liên hoan thành công, lại chấp nhận bị mắng, bị chê...
Hỏi, Quyền Linh chỉ cười: "Có người nói tôi tài lanh, chuyện gì cũng nhảy vô. Tôi khổ vì sống tình cảm. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai? Tôi đang làm Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, tham gia Hội Điện ảnh TP.HCM, Hội Điện ảnh Việt Nam, Mặt trận tổ quốc... Những nơi đó không có lương, họ vào làm mình phải cảm ơn vì những cống hiến của họ".
Anh nghĩ sao khi có người nhìn thấy anh, tặc lưỡi bảo, ông diễn viên này hết thời, hoặc già rồi, mà chưa có vai diễn để đời...?
- Sân khấu điện ảnh là nghiệp của tôi, tôi được đào tạo chính quy, đã trải qua những năm tháng làm diễn viên, đạo diễn sân khấu. Bỏ lĩnh vực này thì đau lòng lắm, vì mỗi khi nhìn thấy bạn bè, đồng nghiệp xuất hiện trên sân khấu, tôi lại thấy nhớ như nhớ đứa con ruột của mình. Nhiều đêm tôi nằm nghĩ ngợi, chỉ mơ có một vai diễn nào đó, để được trở lại với sân khấu, điện ảnh.
Tuy nhiên, tôi bận ngập đầu với công tác xã hội, từ xây nhà, làm cầu, xây trường, mổ tim, mổ mắt, giúp nạn nhân chất độc màu da cam, bảo vệ trẻ em, lo sức khỏe phụ nữ, gia đình xã hội... Muốn làm phim thì phải có nhiều thời gian. Trước sau cũng phải làm, nhưng bây giờ chưa phải lúc.
Chuyến đi mới nhất của anh có gì thú vị?
- Hai tuần nay, tôi làm chương trình Nhà nông vượt khó (dành cho nhà nông), Mở cửa tương lai (dành cho bệnh nhân ung thư), Tiếp sức hồi sinh... Chuỗi các chuyến đi của tôi tới các các bệnh viện tỉnh đóng tiền cho các bệnh nhân, tìm bệnh nhân ung thư đang gặp khó khăn để hỗ trợ, giúp đỡ, cấp học bổng cho con em của họ...
Thường có những chuyến đi kéo dài 3 tuần, 1 tháng là chuyện bình thường. May mắn là tôi có sức khỏe, quen dầm mưa dãi nắng vì là nông dân gộc. 3-4h sáng đã phải dậy rồi, y như đi kháng chiến thời xưa, mà có phải ngồi xe hơi đâu. Có khi đi máy bay, đi tàu, rồi lại đi đò, đi bộ, trèo đồi, lội suối..., đâu phải ngủ dậy là có người nghèo bên cạnh?
Vừa rồi tôi đi Lao Bảo, cách thị xã gần 100km, đi xe vào trong rừng, sau đó đi xe máy, rồi phải đi bộ băng qua đồi... Hành trình đến với người nghèo không đơn giản, ngoài tấm lòng, còn phải có sức khỏe và sự kiên trì. Chuyến đi vừa rồi sức khỏe tôi cũng bị bào mòn. Tới đó tôi tìm những nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), những em bé bị bệnh tim bẩm sinh để hỗ trợ...
Có cảm giác, bà con còn quá khó khăn, vì chưa mấy ai đặt chân tới với họ. Tôi nghĩ mình sẽ đi để kết nối những số phận ngặt nghèo trong cuộc sống với các Mạnh Thường Quân. Đi suốt mười mấy năm qua, biết hoàn cảnh người dân từng nơi, tôi rất vui, ít ra tôi đã giúp đỡ rất nhiều người trong số họ.
Người ta hay nói, Quyền Linh phải bỏ tiền túi ra cho nông dân nghèo, hay tìm cách "gian lận" trong gameshow để giúp người chơi có một phần quà mang về...?
- Chuyện đó cũng bình thường thôi, nhiều người cũng sẽ làm như vậy. Với tấm lòng rộng mở, rất nhiều người hiện nay đều muốn chia sẻ cho người nghèo hơn mình. Tôi cũng vậy, họ khó khăn như thế, mà chương trình không đủ lực thì phải bỏ tiền túi ra thôi. Đừng nghĩ tôi là người này, người nọ, đơn giản tôi là người kết nối rất tốt mà thôi.
Trong các chuyến đi khắp Việt Nam, có nơi nào, số phận nào khiến anh bị ám ảnh?
- Chuyện cảm động thì nhiều lắm. Nhưng có một câu chuyện làm tôi nhớ mãi. Có em bé 16 tuổi ở miền Trung nói với tôi rằng em phải lo cho cả nhà, gồm ông bà, cha mẹ và hai đứa em. Ông bà già đi không nổi, cha thì bị thoát vị đĩa đệm, mẹ bị đau xương khớp, không còn sức làm việc. 3h sáng, em đã phải bơi thuyền thúng ra biển câu mực, vớt cá; đem về bán cho mối, sau đó đổi gạo, thức ăn về nấu cơm cho cả nhà, đưa 2 em đi học; rồi lại ra chợ phụ người ta kiếm chút tiền. Trưa, chiều về nấu cơm, chiều đi học. Một cô bé quá bản lĩnh.
Tôi hỏi: 3h sáng một cô gái bé nhỏ bơi ra biển có sợ không? Bé nói, con sợ chết lắm chứ chú Quyền Linh. Nhưng nếu con sợ chết một thì lại sợ gia đình chết 10, con không bơi ra biển thì gia đình lấy gì để ăn? Và cứ thế, cô bé cứ lầm lũi với cái thúng bơi ra biển để mưu sinh nuôi cả gia đình 6 người.
Ngay sau đó, tôi đã hỗ trợ cho cô bé một số tiền học bổng, sửa lại mái nhà và kêu gọi một số cơ quan hỗ trợ công việc cho cô ấy.
Trong các chuyến đi, có khi nào anh bị lăn ra ốm?
- Đi chương trình xã hội xong, tôi đi thẳng vào bệnh viện luôn. Có lúc, mặt tôi sưng vù vì bị muỗi cắn, rồi sốt rét, té vì lọt suối trật cổ mấy lần, rồi bị thoát vị đĩa đệm... Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi là một chàng trai nông dân với sứ mệnh kết nối. Không có tôi thì cũng có người khác, nhưng nếu có thêm tôi thì thêm một tấm lòng...
Phim truyền hình gần đây đang lên, một số đạo diễn cũng có đất để làm điện ảnh. Anh nghĩ sao về cơ hội của mình?
- Tôi có nhiều bạn làm đạo diễn, đầu tư điện ảnh có lỗ, có lời. Nhưng phim truyền hình là cuộc chơi của những người chuyên nghiệp, còn với tư nhân thì hơi khó vì không có đất để chiếu, không có sóng để phát. Tài trợ thì phải kêu một số đơn vị, mà khả năng thu hồi vốn chậm nên các nhà đầu tư cũng hơi ngần ngại...
Trong các vai diễn của anh, người ta nhớ nhất là vai Lãm trong "Người Hà Nội". Anh có thể nói gì về vai diễn đó?
- Trong các vai diễn, đúng là tôi thích nhất là vai Lãm trong phim "Người Hà Nội", ngoài ra còn có vai Huy trong "Đồng tiền xương máu"... Ngày xưa tôi đóng rất nhiều, gần như các phim truyền hình tôi đều có mặt. Ngay cả phim phía Bắc cũng mời cho được.
Nhân vật Lãm đánh thức tiềm năng trong mỗi con người, chúng ta có đầy đủ sức mạnh, niềm tin, nghị lực để làm một điều gì đó. Vấn đề là họ có dám bước qua giới hạn của mình hay không. Họ có đủ bản lĩnh, nghị lực để bước đi con đường của họ hay không. Nếu dám thì họ sẽ khơi dậy được tiềm năng. Không chỉ vai Lãm, nhiều vai diễn của tôi cũng nói lên điều này. Ngay cả khi làm MC, tôi vẫn đưa ra thông điệp: Chúng ta hãy cùng nhau kết nối, cùng nhau chia sẻ để cuộc sống này tốt đẹp hơn..
Làm sao anh vượt qua thị phi?
- Tôi đã đăng ký hiến tạng lâu rồi, nhưng mới đây tôi muốn lan tỏa thông điệp đó, muốn thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về chuyện hiến tạng. Cũng không phải muốn là hiến tạng được đâu, đơn giản là thay đổi hành vi, bản chất, coi đó là chuyện bình thường và rất nhân văn trong cuộc sống. Và khi ta hiến tạng, một người có thể cứu sống nhiều người, tại sao không làm? Nhiều người không hiểu nên đồn thổi những chuyện không hay về tôi.
Tôi nghĩ, chết cũng về với cát bụi thôi. Tại sao khi ta mất đi không để nhiều mầm sống ở lại, khi nhịp tim ta tắt đi thì để nhiều nhịp tim khác ươm mầm? Rồi đây, con cháu chúng ta sẽ hạnh phúc và tự hào vì điều mà cha ông mình làm được.
Chết đi không phải là mất hết, mà sự mất của chúng ta lại ươm mầm sống trỗi dậy... Và nếu trên cõi đời này ai cũng nghĩ được như vậy thì thật hay. Tôi không phải là con người hoàn thiện nhưng luôn muốn lan tỏa, hướng những gì tích cực, tốt đẹp nhất đến mọi người, dẫu rằng trong cuộc sống có thể mình sẽ chịu những nỗi đau khổ, hay khóc một mình.
Tuy nhiên, ở bên ngoài, đối với mọi người tôi luôn tỏ ra rất vui, và muốn cho mọi người thấy cuộc sống này tốt đẹp với những nụ cười trên môi, niềm tin vẫn ở phía trước. Cuộc sống này rất ít điều xấu, mình cứ nghĩ thế đi để vui hơn; sống để vui, để hạnh phúc chào nhau chứ không phải than thở hay kêu khổ... Nếu họ cố nỗ lực thì sẽ có mọi người xung quanh giúp đỡ.
Hình như những người tên Linh đều có gì đó rất đặc biệt...?
- Tôi là người sống hòa mình. Tôi tin cái tên mình đặc biệt. Về tâm linh, nếu mình nghĩ đúng thì là đúng, nghĩ tốt thì tốt. Thế giới này điều gì cũng có thể xảy ra, mọi thứ hiện diện xung quanh ta. Hãy tin điều đó, nhưng đừng mọi giá lạm dụng tâm linh để làm mọi việc.
Tôi luôn cúi đầu khi chơi với bạn bè. Trong cuộc sống tôi không muốn ngồi ghế, với showbiz, tôi luôn muốn nằm sát đất để được an bình. Từ xưa nay tôi không coi mình là người nổi tiếng, chỉ là người bình thường như bao người khác, yêu thích làm nghệ thuật. Trước một người nào đó, tôi luôn muốn thấp hơn họ.
Với một người quét rác, tôi thích nói chuyện với họ, thậm chí cúi đầu trước họ vì trân trọng điều họ làm. Với tôi, tình cảm quan trọng hơn tất cả. Có thể trên đường đời mình vô tình làm ai đó buồn lòng, làm ảnh hưởng đến họ mà không biết, tôi luôn muốn xin lỗi vì những điều đó.
Trong showbiz áp lực dữ dội lắm, một vai diễn như là làm dâu cả triệu khán giả, chắc chắn có người thích và không thích. Chơi với bạn, dù anh chưa thích tôi, tôi vẫn chơi với anh. Cho dù anh ghét tôi vẫn chào anh, chào đến lúc anh chào tôi thì mới thôi.
Có những lúc tôi cũng buồn lắm. Nhưng rồi tôi nghĩ, mình buồn có chút xíu thôi. Hàng triệu người buồn gấp hàng ngàn lần. Vậy thì thôi, mình cứ vui lên đi. Tôi muốn những điều tích cực đó luôn ở trong người mình để truyền năng lượng cho mọi người. Đôi khi báo chí hỏi vì sao tôi hay ôn cố tri tân, tôi nói muốn nhiều người thấy ông Quyền Linh ngày xưa còn khổ hơn họ, để mà vươn lên. Mọi hỉ, nộ, ái, ố tôi đều đã trải qua hết, nên giờ bắt đầu tập tính buông bỏ.
Có thể nói gì về hành trình từ một anh sinh viên nghèo ở quê lên TP, học xong thất nghiệp lại bỏ về nhà làm nghề nông...?
- Tôi chỉ là người quen của khán giả, xuất hiện cùng họ hàng ngày, trong gameshow, trong quảng cáo, trong công tác từ thiện. Về miền quê ai cũng thương. Mấy ông làm ruộng chân tay lấm lem bùn đất ôm chầm lấy tôi, mời về nhà, bảo "ê chụp với tao một tấm mày". Tôi thấy họ coi mình là người bạn.
Gần 20 năm làm các chương trình xã hội và thiện nguyện, tôi cảm nhận mình giàu nhất là tinh thần và nghị lực. Ngày trước tôi hay buồn, hay khổ, hay tự trách mình, đến khi đi thiện nguyện, tôi học ở những người khuyết tật một tinh thần quật cường ngoài sức tưởng tượng. Có người bị liệt nuôi 3 đứa con bị liệt, người vợ bị bệnh và nuôi 2 anh bị liệt. Người đó quá phi thường! Đôi khi người đó không dám khóc, đóng cửa ngồi một mình để người trong nhà không biết mình buồn.
Những chuyến đi cho tôi sự trải nghiệm ở các vùng miền nông thôn. Nói đến người nghèo, người lao động là phải nói đến Quyền Linh. Có người nghệ sĩ nào bỏ ánh đèn sân khấu, bỏ bộ veston, bỏ màu mè sân khấu, bỏ cát sê không nhỏ để đến các vùng quê đầy nắng gió, bỏ kết nối với gia đình... Lúc đầu vợ con hơi buồn. Nhưng mỗi lần bà xã đọc báo, thấy mỗi cây cầu xây lên, ngôi nhà dựng lại, ngôi trường được lợp, có đứa bé được mổ tim..., lại cảm ơn tôi, bảo anh cứ đi đi. Con tôi 13 tuổi, đọc những bình luận trên mạng cũng hiểu ba hơn.
Gia tài của tôi không phải là tiền bạc, không phải sự nổi tiếng. Gia tài lớn nhất của tôi là tình cảm bà con dành cho mình. Gia tài đó không thể mua được, cũng không thể PR hay giả bộ... Hơn 20 năm thì ai cũng nhận ra điều đó. Tôi là người sống với nông dân, ăn ở ruộng, ngủ ở ruộng với họ, cũng ăn cơm hộp, bánh mì, thậm chí cả cuộc đời gắn với mì tôm, nên có biệt danh "Linh mì tôm".
Anh có câu nói rất hay rằng "ranh giới giữa cái thiện và điều ác vô cùng mong manh, làm người tử tế và kẻ lưu manh chỉ trong gang tấc...". Điều gì giúp anh vượt qua được hoàn cảnh khắc nghiệt thuở còn nghèo khó?
- Người ta nói bần cùng sinh đạo tặc. Có những lúc tôi tưởng mình gục ngã, có lúc tưởng mình làm đạo tặc, vì cuộc sống mưu sinh mình phải tồn tại và có thể sẽ làm việc xấu. Nhưng khi đó tôi nhắm mắt lại, nhớ đến mẹ, nếu mình làm việc xấu thì mẹ là người chịu khổ nhiều nhất. Khi mình về, cả làng sẽ nhìn mình thế nào. Mẹ là người đổ mồ hôi với đôi vai gầy gánh nặng nuôi mình khôn lớn, nay chỉ vì một chút thiếu đói, một chút danh vọng mà dính vào cái ác thì mẹ sẽ đau khổ ra sao.
Nghĩ đến mẹ, đến quê hương, tôi không thể làm điều xấu, cho dù có lúc một chân đã bước sang bên ác và một chân bên thiện. Từ bé tôi đã sống lang thang trong công viên... Tuy nhiên, những suy nghĩ tích cực là động lực để tôi không sa ngã.
Anh có thể chia sẻ ý tưởng làm phim của riêng mình?
- Tôi có ý định làm phim về hoa lúa, loài hoa lớn từ bùn đất, lớn lên từ sự nhọc nhằn của người nông dân, lớn lên từ vùng nông thôn cằn cỗi. Hoa lúa trắng , tinh khôi như hoa sen vậy. Bao nhiêu giọt mồ hôi của bao người mẹ, người cha đã đổ xuống đó để nuôi con thành đạt, nhưng đến bây giờ có ai biết hoa lúa là gì đâu. Hoa lúa gần như không tồn tại trong tâm trí người trẻ. Tôi muốn làm phim về hoa lúa để cho thấy hoa lúa như một vị cứu tinh, là điểm tựa, là nét đẹp, là người cha, người mẹ, là làng quê đã nuôi nấng hàng triệu đứa con, cho họ nhớ về gốc rễ của mình.
Thực sự tôi rất thương nông dân, yêu sự cần cù của họ, bao nhiêu năm tháng vẫn bám đất, giữ làng, vẫn bám cây lúa dù không ít người đã bỏ quê lên thành phố. Những cây lúa ngàn năm vẫn tồn tại với họ, và một lòng tri ân với họ thực sự lớn. Tôi nghĩ tất cả mọi người, kể cả người thành đạt hãy hướng về hoa lúa, về người nông dân vì chúng ta đang ăn những hạt ngọc họ làm ra.
Là một nghệ sĩ, anh có quan tâm đến thời cuộc?
- Tôi vẫn hướng về các chiến sĩ ngày đêm canh giữ từng tấc đất, đứng ở đầu sóng ngọn gió, làm chương trình biển đảo, hướng về gia đình các chiến sĩ Trường Sa. Nói gì thì nói, làm nghệ thuật vẫn phải quan tâm đến đời sống xã hội. Một người nghệ sĩ không quan tâm đến những điều đó thì không làm gì được đâu.
Góc nhìn của anh về điện ảnh hiện nay ra sao?
- Điện ảnh và truyền hình thực chất đang bão hòa. Kinh tế thị trường vô tình giết chết phim truyền hình. Có những người làm phim không phải vì nghệ thuật mà để kinh doanh. Đôi khi nhà nhà làm phim, người người làm phim, đài nào cũng làm, thậm chí xem phim này giống phim kia, số lượng nhiều nhưng chất lượng thấp, vô tình làm khán giả mệt mỏi. Bộ phim nào cũng có nội dung na ná, ít chắt lọc.
Khán giả bây giờ thông minh lắm, lại có quá nhiều lựa chọn trên truyền hình, chúng ta không thể làm như cách ngày xưa được. Phải nâng cao chất lượng phim. Ngay cả điện ảnh, nhiều người phải cảm ơn các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ nhiều tiền ra chấp nhận rủi ro để làm phim nhằm mang những thông điệp tốt cho đời, giúp cho điện ảnh đi lên.
Giai đoạn này đang gạn lọc những tác phẩm kết hợp cả kinh tế thị trường lẫn nghệ thuật. Người giỏi là biết cách kết hợp cả hai. Chạy theo nghệ thuật thì không có tiền, chạy theo thị trường thì kéo thẩm mỹ của công chúng xuống. Thời đại 4.0, không thể làm phim theo kiểu truyền thống không ai coi, chỉ để nghệ sĩ thì làm gì. Bây giờ, tư duy người làm điện ảnh cũng thay đổi, bắt kịp xu hướng thời đại và nhu cầu xã hội, suy nghĩ táo bạo, mong nâng tầm điện ảnh Việt.
Còn với câu hỏi "Tiền nhiều để làm gì"...?
- Đầu tiên có 2 việc phải lo là sức khỏe, và tình nghĩa. Cuộc đời này không ai chết đói, mà cái thứ không tìm được là cái tình. Có sức khỏe và có tình thì chúng ta luôn được giúp đỡ, chia sẻ, đồng hành, ủng hộ... Tôi may mắn có hậu phương vững chắc, là động lực, niềm tin để phấn đấu và là bình an, hạnh phúc trong đời.
Anh phản ứng ra sao trước những cái bẫy "phim giả tình thật"?
- Cuộc sống mà, không ai có thể không mắc sai lầm, không phải ai cũng lèo lái được đời mình. Làm diễn viên thì có nhiều người mê, nhiều người đẹp, giỏi, tốt hơn vợ mình nhưng nghĩ kỹ thì không ai lo cho con mình, không ai nấu cơm, chăm sóc khi mình bệnh... Đời thiếu gì cám dỗ, đừng nói tôi là đàn ông tôi không rung động, không rung động thì không đóng phim được, nhưng rung động chỉ là để thăng hoa trong công việc.
Cuộc đời là cuộc đời, sân khấu là sân khấu, điện ảnh là điện ảnh, tôi vẫn là tôi, bước ra khỏi màn nhung, tôi vẫn là Quyền Linh, rất rạch ròi. Trên sân khấu là vai diễn, ngoài đời là một Quyền Linh rất thật, và Quyền Linh luôn là người sống thật đến mức có thể. Trong giới nghệ thuật, tôi không phải là diễn viên giỏi, nhưng tôi nhiệt tình và cố gắng.
Xin cảm ơn nghệ sỹ Quyền Linh và chúc anh luôn thành công và hạnh phúc với những gì anh đã chọn lựa.
Theo Danviet.vn
MC Quyền Linh: "Người nghèo toàn gọi tôi là "mày - tao" rất chân tình" "Người nghèo không hề nghĩ tôi là nghệ sĩ hay ngôi sao. Họ chỉ coi tôi là người thân quen của họ, toàn gọi "mày - tao" rất gần gũi, cho tôi đồ ăn... một cách chân tình. Bản thân tôi cũng muốn làm người bạn nhỏ để thân quen với họ. Nếu ở cao quá, sang trọng quá thì mình không thể...