Quy trình biên soạn, xuất bản sách giáo khoa
Trước khi được phát hành khắp cả nước, sách giáo khoa được in thí điểm, dạy ở một số vùng miền trong 2 năm, sau đó chỉnh sửa, hoàn thiện.
Luật Giáo dục quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
Thực hiện Nghị quyết số 40 (năm 2000) của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 và chỉ đạo thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2002-2003 đến nay.
Để tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành bộ sách giáo khoa hiện hành, Bộ Giáo dục đã quyết định danh sách chủ biên, tác giả và tổ chức biên soạn sách giáo khoa; quyết định thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và tổ chức thẩm định sách giáo khoa các môn học; giao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên tập, xuất bản, in và phát hành.
Học sinh đọc sách trong thư viện. Ảnh: Quỳnh Trang.
Các bước biên soạn, phát hành sách giáo khoa
Bước đầu tiên trong quy trình là Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn sách giáo khoa. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sau đó sẽ tổ chức biên tập qua nhiều vòng, từ biên tập minh họa, thiết kế, chỉnh sửa và hoàn thiện bản thảo.
Sau khi bản thảo mẫu được hoàn thiện và Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua, lãnh đạo Bộ phê duyệt, nhà xuất bản sẽ in sách giáo khoa thí điểm. Sách này được dùng để dạy thí điểm ở một số trường trên các vùng miền trong 2 năm. Sau khi lấy ý kiến góp ý từ các trường dạy thí điểm, cơ quan, tổ chức, cá nhân, sách giáo khoa thí điểm được hoàn thiện.
Hội đồng quốc gia sẽ thẩm định sách giáo khoa thí điểm theo 2-3 vòng. Các tác giả phối hợp với biên tập viên, họa sĩ chỉnh sửa, hoàn thiện sau thẩm định rồi in thử sách giáo khoa để tập huấn giáo viên và gửi đọc góp ý của các Sở Giáo dục, Viện nghiên cứu, nhà khoa học… Bộ sách hoàn thiện sau bước này sẽ được trình Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thông qua và trình Bộ trưởng phê duyệt.
Khi lãnh đạo Bộ Giáo dục duyệt và ký ban hành chính thức sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ nhận nhiệm vụ và tiến hành khâu cuối cùng trong quy trình là in, phát hành.
Theo quy trình, sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua và Bộ trưởng ký ban hành, sách giáo khoa không được chỉnh sửa nội dung nếu không được Bộ Giáo dục phê duyệt. Bất kỳ chỉnh sửa nội dung nào đều phải thông qua Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa xem xét và Bộ trưởng quyết định. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không được quyền tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm nội dung của sách giáo khoa.
Video đang HOT
Trường hợp có những thay đổi lớn về quản lý Nhà nước hoặc những phát hiện mới trong khoa học có ảnh hưởng sâu rộng cần điều chỉnh liên quan đến kiến thức trong sách giáo khoa một số môn học, Bộ Giáo dục sẽ chỉ đạo chỉnh sửa, cập nhật nội dung.
Ví dụ, năm 2006 các nhà khoa học xác định Diêm Vương tinh không được xem là một hành tinh, nên sách giáo khoa Vật lý đã điều chỉnh. Năm 2008, Chính phủ điều chỉnh mở rộng địa giới Hà Nội bao gồm cả tỉnh Hà Tây nên sách giáo khoa Địa lý phải viết lại bài Thủ đô Hà Nội. Tất cả điều chỉnh này đều được Hội đồng quốc gia thẩm định xem xét thông qua và Bộ Giáo dục phê duyệt.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo là chủ sở hữu. Chức năng chính của nhà xuất bản là tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nâng cao dân trí, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo khoa…, xuất bản phẩm điện tử. Đơn vị đồng thời sản xuất, cung ứng thiết bị giáo dục và đồ dùng dạy học.
60 năm từ khi thành lập (năm 1957) đến năm 2017, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được cấp phép xuất bản sách giáo khoa. Mỗi năm, đơn vị này xuất bản hơn 100 triệu bản để phục vụ nhu cầu người học. Số tiền phụ huynh, học sinh phải bỏ ra để mua số sách giáo khoa này khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sách giáo khoa lại có phần bài tập để học sinh có thể trả lời vào luôn và thực tế nhiều học sinh đã làm vậy, khiến sách không thể sử dụng lại, gây lãng phí.
Dư luận do đó bức xúc, đặt nghi vấn có lợi ích nhóm trong việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa. Cuộc cạnh tranh thị phần sách giáo khoa – sản phẩm độc quyền 60 năm qua của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với các nhà xuất bản khác, khi thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa cũng được công chúng đặc biệt quan tâm.
Quỳnh Trang
Theo Vnexpress
Giải bài toán chấm dứt làm sách giáo khoa mỗi năm lỗ 40 tỷ đồng thế nào?
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng chấm dứt độc quyền biên soạn SGK và không nên thường xuyên bổ sung, chỉnh lý, đưa nhiều kiến thức vào SGK.
Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam vừa thông tin về một số vấn đề liên quan đến sách giáo khoa (SGK).
Một trong những nội dung đáng chú ý do ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cung cấp là, giá bán SGK trong 8 năm qua (từ năm 2011) đều không thay đổi. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào của SGK tăng cao, trong khi giá bán không thay đổi nên dù NXB Giáo dục Việt Nam đã tìm và thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhưng doanh thu phát hành SGK vẫn không thể đủ bù đắp chi phí, dẫn đến hoạt động xuất bản phát hành SGK luôn bị lỗ.
Doanh thu và lợi nhuận bán SGK của NXB Giáo dục Việt Nam từ năm 2015-2017
NXB Giáo dục Việt Nam đã sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ của hoạt động xuất bản phát hành SGK mỗi năm trên dưới 40 tỷ đồng. Điều này đã được các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra của Tổng cục Thuế... kiểm tra, xác nhận và kiến nghị NXB Giáo dục Việt Nam có giải pháp khắc phục, hạn chế việc bù đắp lỗ cho hoạt động xuất bản phát hành SGK.
Thông tin trên đã khiến dư luận lo lắng về việc tại sao trong nhiều năm NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được phép xuất bản SGK nhưng lại bị lỗ như vậy. Trong khi đó, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, mỗi năm, phụ huynh phải bỏ 1.000 tỷ mua SGK nhưng chỉ dùng một lần nên rất lãng phí.
Cần nhanh chóng chấm dứt độc quyền biên soạn SGK
Trước những thông tin trên, nhiều chuyên gia giáo dục đã có những ý kiến khác nhau về việc biên soạn, in ấn để giảm chi phí cho Nhà nước và nhân dân.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, từ trước đến nay, chỉ có NXB Giáo dục Việt Nam độc quyền biên soạn SGK nên đã có chuyện cố gắng để được trúng thầu.
Tuy nhiên, hiện nay, việc đơn vị nào trúng thầu có thể xảy ra tiêu cực mà không kiểm soát được. Hơn nữa, nếu chỉ có một nơi biên soạn SGK thì ngân sách Nhà nước phải bao cấp, hỗ trợ còn rất lớn. Những điều này cũng sẽ gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước nếu có sự thua lỗ. Vì vậy, cần nhanh chóng chấm dứt độc quyền biên soạn SGK.
Theo ông Viết Khuyến, việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK sẽ góp phần giảm kinh phí của của Nhà nước phải bao cấp cho việc in ấn SGK.
Nhiều nhà xuất bản được phép biên soạn, phát hành SGK sẽ góp phần chống độc quyền. Họ phải cạnh tranh về chất lượng nội dung, giá cả để biên soạn những bộ sách phục vụ các nhóm đối tượng học sinh khác nhau. Ví dụ như có sách vẫn cho học sinh làm bài tập luôn vào đó để phục vụ học sinh có nhu cầu. Ngoài ra, có sách sử dụng được lâu dài, học sinh năm sau có thể sử dụng được năm trước, không thể viết, làm bài tập vào đó được. Việc lựa chọn sách của nhà xuất bản nào thì nên cho nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh thực hiện.
Còn việc có bao nhiêu loại sách đảm bảo chất lượng được in ra thị trường phục vụ học sinh thì Bộ GD-ĐT và Hội đồng thẩm định SGK cũng như các đơn vị liên quan sẽ có trách nhiệm thẩm định, giám sát.
Không nên thường xuyên bổ sung, chỉnh lý SGK
Hiện nay, có thực tế là đến năm học mới, phụ huynh học sinh đều được thông báo đăng ký mua SGK ở trường học. Việc kêu gọi đăng ký mua sách ở trường học đã phần nào tạo áp lực cho phụ huynh trong việc mua sách mới.
Mỗi năm có sự chỉnh lý, bổ sung kiến thức vào trong SGK tuy không nhiều nhưng phần lớn phụ huynh lại nghĩ là cần dành những gì tốt nhất cho con nên cố gắng mua sách mới. Tuy nhiên, một bộ sách có giá vài trăm nghìn mà có hàng chục triệu gia đình muốn mua sách mới cho con thì con số đó lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên thường xuyên bổ sung, chỉnh lý, đưa nhiều kiến thức vào SGK.
Theo GS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, chương trình giáo dục phổ thông mới với yêu phát huy năng lực, phương pháp, xử lý đồng thời khuyến khích sự tự học, sáng tạo và gắn với đời sống thực tiễn của học sinh chứ không phải là truyền đạt quá nhiều kiến thức.
Để tránh lãng phí tiền mua sách, việc biên soạn SGK mới không nên tiếp cận nhiều nội dung mà chỉ gồm những kiến thức cơ bản tối thiểu và nên giữ ổn định trong một thời gian tương đối ổn định. Như thế sẽ góp phần giảm bớt lo lắng cho những gia đình học sinh ở vùng miền khó khăn có thể sử dụng lại SGK cũ, không phải mất tiền mua sách mới.
Việc bổ sung thêm kiến thức thì giáo viên và học sinh có thể bằng cách thức giảng dạy, học tập ở những phương tiện khác như cập nhật Internet, theo dõi truyền hình...
Sắp tới, chúng ta sẽ có nhiều bộ SGK nên sẽ có nhiều nhà xuất bản in sách bằng chất liệu tốt, hình ảnh đẹp với giá thành có thể cao hơn hiện tại. Nếu SGK mà in ra để học sinh có thể viết, làm bài tập vào đó thì học sinh năm sau không thể sử dụng được sách của học sinh đã học và cũng rất lãng phí cho nhiều gia đình. Vì vậy để tiết kiệm cho phụ huynh, các nhà xuất bản cũng không nên in sách để học sinh viết, làm bài tập luôn vào trong đó.
Hãy để phụ huynh lựa chọn sách
Là lãnh đạo một trường THPT, ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng, việc bán SGK trong trường học có thể có sự chiết khấu giữa đơn vị bán sách với nhà trường nên một bộ SGK được bán ở trong trường có thể cao hơn so với phụ huynh mưa ở các đại lý. Điều này sẽ khiến phụ huynh phải nghĩ đến năm nào cũng mua sách mới.
Chúng ta không thể cấm đưa sách đến trường học bán cho học sinh mà cần phải có biện pháp quản lý hiệu quả. Để không gây áp lực cho phụ huynh phải mua sách mới thì việc đưa sách đến trường học phải có bảng giá niêm yết cụ thể, không được vượt quá quy định.
Ngoài ra, nhà trường không nên khuyến khích phụ huynh phải mua sách chọn bộ đóng gói với nhiều sách tham khảo, bài tập mà nên để phụ huynh được lựa chọn quyển nào phù hợp thì mua quyển đó./.
Tại "Báo cáo Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại NXB Giáo dục Việt Nam" ngày 26/01/2018 của Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận: Doanh thu SGK năm 2015 là 656,6 tỷ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK: lỗ 43,8 tỷ đồng. Doanh thu SGK năm 2016 là 735,2 tỷ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK: lỗ 43,3 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính năm 2017 đã được kiểm toán độc lập kiểm toán số liệu: doanh thu SGK: 703,9 tỷ đồng, lỗ 38,14 tỷ đồng.
Từ ngày thành lập năm 1957 đến năm 2017, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được cấp phép xuất bản SGK. Hiện nay, có thêm một số NXB mới được cấp phép xuất bản SGK như: NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP HCM, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Huế.
Theo vov
Bài 1: Xóa độc quyền sách giáo khoa LTS: Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông ra đời với mục tiêu khắc phục những bất cập của giáo dục phổ thông hiện tại. Học sinh vất vả tìm sách giáo khoa phù hợp khi mỗi môn có quá nhiều sách. Ảnh: Hoàng Hùng Trong đó, chương trình theo hướng...