Quỹ lớp, quỹ trường: Thu chi tiền tỷ
Vừa đi họp phụ huynh cho con về, anh Vũ Mạnh H, ở Ba La (Hà Đông, Hà Nội) chìa các khoản thu cho vợ, rồi “báo cáo” thêm: “Còn khoản tiền 250.000 tiền quỹ lớp, quỹ trường/học kỳ nữa nhé, khoản này đóng riêng. Vị chi cả năm là 500.000 đồng”.
Giật mình vì tiền tỷ
Anh H kể: “Quỹ lớp quy định không quá 150.000 đồng, thì ban phụ huynh thu đúng 150.000 đồng; Quỹ trường, ban phụ huynh thu 100.000 đồng; tổng là 250.000 đồng/học kỳ. Lớp con mình có 59 cháu, tổng quỹ cả năm là gần 30 triệu đồng. Trường có 30 lớp, hơn 1.500 học sinh, riêng tiền quỹ lớp, quỹ trường là hơn 800 triệu đồng. Năm nào cũng thấy chị hội trưởng hội phụ huynh kêu thiếu”.
Nghe nói tới khoản tiền quỹ lớp, quỹ trường 500.000 đồng, chị Nguyễn Thị Hằng ở 27T2, Trung Hòa – Nhân Chính, Hà Nội thở dài: “Đấy là trường ngoại thành mới có mức thu “bèo” thế, ở trường con tôi, tiền 2 loại quỹ này là 1,2 triệu đồng/năm.
Nhà tôi có 2 con đang học ở đó, riêng tiền quỹ đã là 2,4 triệu đồng. Nhiều lúc phụ huynh chúng tôi ngồi họp nhẩm tính mà giật cả mình vì không ngờ quỹ nhiều đến thế: trường có hơn 1.000 cháu, số tiền quỹ lên tới hơn 1,2 tỷ đồng, không biết chi kiểu gì mà hết nhiều thế”.
Một trường tiểu học nổi tiếng khác ở Hà Nội là trường Đoàn Thị Điểm, phụ huynh công khai luôn khoản thu quỹ đầu năm học là 2 triệu đồng/học sinh/năm. Chị Lê Thị H. có con gái học lớp 4 trong trường bày tỏ: “Phụ huynh cả lớp nhất trí thì mình cũng phải đồng tình. Nói chung thì trường cũng có nhiều hoạt động, cần có quỹ”.
Nhiều phụ huynh ngỡ ngàng vì khoản quỹ lớp, quỹ trường (Ảnh minh họa)
Trên nhiều diễn đàn làm cha mẹ, các khoản chi đầu năm cũng được đưa ra bàn thảo sôi nổi, trong đó có khoản quỹ lớp, quỹ trường. Nhiều phụ huynh cho biết, dường như có mức “sàn” đóng quỹ bởi “không hẹn mà gặp”, ở nhiều trường- ban phụ huynh các lớp đều thống nhất thu khoảng 500.000 -600.000 đồng/năm. Không chỉ học sinh tiểu học, THCS mà tới cả học sinh lớp …mầm, chồi, lá của mẫu giáo cũng đóng tới 300.000 đồng/học sinh/năm.
Mông lung các khoản chi
Video đang HOT
Một trong nhiều thắc mắc của phụ huynh là “quỹ lớp, quỹ trường chi vào việc gì mà nhiều thế?”, chị Vũ Thị Mai – Hội trưởng phụ huynh lớp 3 trên địa bàn huyện Từ Liêm cho biết: “Cuối năm học, bao giờ chúng tôi cũng công khai các khoản chi, tiền quỹ lớp của các con được chi cho các khoản quà cho cô giáo chủ nhiệm, cô giáo bộ môn, Ban giám hiệu nhân ngày 20.10; 20.11, 8.3 và ngày bế giảng. Ngoài ra, tiền quỹ còn chi phần thưởng học sinh Giỏi, tiên tiến cho các con (bao gồm vở, màu), bữa liên hoan cuối năm”.
Theo chị Mai, với những khoản chi này thì thu quỹ lớp 150.000 đồng/học sinh/kỳ vẫn còn thiếu.
Cô Lê Thu Hà- Giáo viên tiểu học trên địa bàn huyện Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, ở cấp tiểu học, THCS, Hội trưởng Hội phụ huynh lớp thường là người cầm Quỹ lớp; Đại diện Ban phụ huynh cấp trường cầm quỹ trường. “Giáo viên không liên quan gì tới khoản thu chi quỹ này”- cô Hà nói. Chính vì thế, họp phụ huynh, đến khoản thu chi quỹ hội là cô giáo đi ra ngoài, cho đỡ “nhạy cảm”.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con học cùng lớp con chị Mai thắc mắc: “Quỹ lớp chi những khoản đó, vậy quỹ trường chi khoản tiền gì?” thì được chị Mai đọc một danh sách dài các khoản chi quỹ trường, trong đó cũng có khoản mua quà cho Ban giám hiệu, tặng quà cho trẻ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, chi tổ chức các hoạt động đoàn, đội, chưa kể tiền mua đồng phục đánh trống, mua trống.
Một phụ huynh khác cắc cớ đứng dậy hỏi tiếp: “Quỹ lớp cũng có tiền chi cho Ban Giám hiệu, quỹ trường cũng chi cho ban giám hiệu, liệu có chồng chéo; các khoản khác đã có tiền cơ sở vật chất, sao lại lấy quỹ ra chi?”. Chị Mai trả lời qua quýt: “Tiền quà cho Ban giám hiệu của quỹ lớp đáng bao nhiêu đâu. Các khoản khác là chi thêm”.
Một phụ huynh khác cũng có “chân” trong Hội phụ huynh thì tiết lộ, quà cho Ban giám hiệu ở các lớp nhân ngày lễ được các cô giáo … nhắc thường xuyên bởi: “Ở trường, Hiệu trưởng có quyền sinh quyền sát, lớp khác có quà cho BGH mà lớp mình không có quà, cô giáo lo lắm, thường phải gợi ý hội phụ huynh chi. Phụ huynh thì tặc lưỡi vì chi thêm 300.000-500.000 đồng cho hiệu trưởng thì cũng không quá lớn”. Tuy nhiên, cũng theo vị này, nếu 1 trường có khoảng 20-30 lớp, mỗi lớp có “quà” 500.000 đồng, cộng với “quà” từ quỹ trường thì mỗi ngày lễ, BGH cũng có khoản thu đáng kể.
“Tất nhiên, nhiều cô giáo không để ý khoản này, có cô từ chối không nhận. Nhiều khi phụ huynh vì chiều cô nên tặng quà cho BGH. Thành ra các lớp cũng đua nhau”- chị nói.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng- một phụ huynh bày tỏ: “Đóng vài đồng tiền quỹ cho con cũng chẳng ai tiếc. Nhất là để cho các con liên hoan, bánh trái vui vẻ với bạn bè một tý. Nhưng thu chi quỹ chúng tôi thấy cảm tính quá, cũng không giám sát nổi”.
Theo TNO
Phụ huynh quyết việc thu - chi
Phụ huynh sẽ được trực tiếp tham gia và quyết định các khoản thu - chi phục vụ giáo dục trong trường học và chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý giáo dục nếu có lạm thu...
Đó là mục tiêu trong "Đề án xây dựng Hội đồng giám sát cộng đồng trường học" sẽ được Hội Tâm lýgiáo dục Hà Nội triển khai trong năm nay.
Nhiều khoản thu... lạ đời
2 tuần đầu tiên của năm học 2013-2014, các trường học trong cả nước bắt đầu họp phụ huynh, thôngbáo các khoản thu. Nhận thông báo, rất nhiều phụ huynh còn băn khoăn nhưng chỉ dám... hỏi nhau chứ cũng ngại hỏi giáo viên.
Chị Nguyễn Thị M có con học lớp 1 Trường Tiểu học Tiên Hưng (Lục Nam, Bắc Giang) cho biết: Đầu năm học, được cô giáo chủ nhiệm gửi thông báo đóng tiền về nhà với 11 khoản thu, trong đó có những khoản thu rất lạ, có nghĩ nát óc cũng không biết dùng để làm gì, như khoản Xử lý rác thải: 15.000 đồng, rồi tiền bài tập các loại: 268.500 đồng.
"Tiền bài tập các loại có phải là tiền trả để thầy cô ra bài tập trên lớp và về nhà cho học sinh? Đến bài tập về nhà cũng phải mua thì còn gì là giáo dục nữa"- chị M bức xúc nói.
Đề án xây dựng Hội đồng giám sát cộng đồng trường học được kỳ vọng là một "liều thuốc mạnh" để chấm dứt nạn lạm thu tiền trường (ảnh minh họa)
Trong giấy mời họp phụ huynh đầu năm tại một trường mầm non ở Đông Anh, Hà Nội, chị Phạm Thị Thương - phụ huynh học sinh lớp mầm còn được "lưu ý" mang theo tiền đóng học cho con khoảng 3 triệu đồng khi đi họp.
Chị Thương cho biết: "Ngoài các khoản như học phẩm, trang bị ban đầu, tiền nước uống; tiền bán trú; tiền ăn, học phí... hiệu trưởng còn vận động phụ huynh đóng thêm các khoản: Điều hòa, thay tủ đựng đồ, các khoản khác... tổng cộng hơn 417.000 đồng nữa. Khi phải đóng khoản tiền này, chúng tôi hỏi nhau, nếu đã có các khoản này thì tiền học phẩm và trang bị ban đầu dùng vào việc gì nhưng không được giải thích".
Tương tự, học sinh Trường THCS Thượng Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội) cũng phải đóng tổng cộng 2.300.000 đồng, trong đó có khoản 250.000 đồng quỹ ủng hộ... vệ sinh (!?).
Liều thuốc mạnh?
Để chấm dứt lạm thu, theo Nhà giáo Ưu tú, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, chỉ có một cách duy nhất là cho phụ huynh trực tiếp tham gia và quyết định vào các khoản thu chi của trường.
Ông Lâm giải thích: Trước đây đã có Ban đại diện cha mẹ học sinh làm công việc giám sát chất lượng giáo dục trường học, giám sát thu chi, Bộ GDĐT còn ban hành cả Điều lệ cha mẹ học sinh để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức này. Tuy nhiên, Ban này lại bị "biến tướng" trở thành cánh tay đắc lực của trường, "đứng mũi chịu sào" trong việc thu tiền cho trường. Lý do là vì, con em họ đều nằm trong tay trường, họ bị yếu thế và không có tiếng nói...
"Đề án Xây dựng Hội đồng giám sát cộng đồng trường học sẽ được tiến hành thí điểm tại 5 trường công lập tại Hà Nội từ tháng 10.2013 đến hết tháng 7.2014. Kết thúc thí điểm sẽ đề nghị mở rộng ở 29 quận, huyện của Hà Nội. Chúng tôi hy vọng mô hình này sẽ là liều thuốc mạnh dẹp nạn lạm thu".TS Nguyễn Tùng Lâm
Đề án xây dựng Hội đồng giám sát trong trường học vẫn "trao quyền" cho phụ huynh, nhưng không chỉ là giám sát mà còn có quyền quyết định. Thành phần của Hội đồng tuyệt đối không có Ban giám hiệu nhà trường mà bao gồm phụ huynh và đại diện các ban ngành địa phương nơi trường hoạt động: Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học...
"Hội đồng này sẽ có tiếng nói quyết định trong việc thực hiện các khoản thu chi của trường học. Khi trường có kế hoạch thu - chi từ nguồn tiền đóng góp của phụ huynh sẽ phải có sự đồng ý bằng chữ ký của Hội đồng giám sát mới được làm. Chính vì vậy Hội đồng này cũng phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý nhà nước nếu có xảy ra lạm thu... dù chỉ một đồng" - ông Lâm cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội hy vọng: "Hội đồng giám sát sẽ giúp minh bạch các khoản thu chi, làm cho phụ huynh hiểu rõ món tiền đóng góp dùng để làm gì? Có phục vụ cho con em mình học tập hay không?... Làm được điều này, tôi tin rằng việc huy động xã hội hóa hay tự nguyện sẽ được xã hội ủng hộ".
Còn theo bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hoàng Mai (Hà Nội) - đơn vị tham gia thí điểm đề án này cho rằng: "Phải làm thế nào để hiệu trưởng các trường nhận thức được rằng đây không phải tổ chức ngáng đường mà là một tổ chức tiếp sức cho họ huy động nguồn lực, tìm sự đồng thuận ở phụ huynh, minh bạch tài chính, nâng cao uy tín chất lượng cho trường học".
Theo TNO
Chấm dứt 'thí điểm' - Kỳ 2: Tìm phương thức dạy học mới Với những ưu điểm trong việc dạy tiếng Việt, theo Bộ GD-ĐT, nếu áp dụng thành công công nghệ giáo dục, thì đây là một trong những phương thức dạy học hướng đến trong đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau năm 2015. Học sinh học tốt tiếng Việt là một trong những ưu điểm nổi trội của chương trình công...