Quỹ Khuyến học Việt Nam giúp 10 triệu đồng đến 2 em học sinh mồ côi
Sau khi Dân trí đăng bài viết “Cảm phục nghị lực vượt khó của 2 trẻ mồ côi đồng bào Rục”, ông Phạm Huy Hoàn – Tổng biên tập báo điện tử Dân trí, Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam đã quyết định trao 2 suất học bổng, mỗi suất 5 triệu đồng tới hai em.
Ngày 15/12, ông Nguyễn Lương Phán – Phó Tổng biên tập báo điện tử Dân trí, đại diện Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình cùng PV Dân trí thường trú tại Quảng Bình đã vượt hơn 100km đường núi rừng hiểm trở để có mặt tại Đồn Biên phòng Cà Xèng (Đồn 585) và trao 2 suất học bổng, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng do Quỹ Khuyến học Việt Nam trao tặng tới hai em học sinh mồ côi vượt khó, đạt kết quả cao trong học tập ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).
Sau cuộc trao đổi nhanh tại Đồn Biên phòng 585, ông Nguyễn Lương Phán, Trung tá Trịnh Thanh Bình – Đồn trưởng Đồn Biên phòng 585 cùng đại diện Hội khuyến học tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp trao 2 suất học bổng tới em Cao Xuân Linh và Cao Thị Hành, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).
Ông Nguyễn Lương Phán (ngoài cùng bên trái) – Phó Tổng biên tập báo điện tửDân trí , Trung tá Trịnh Thanh Bình – Đồn trưởng Đồn Biên phòng 585 cùng đại diện Hội khuyến học tỉnh Quảng Bình trao học bổng tới em Cao Thị Hành.
Phát biểu trong buổi trao học bổng, ông Nguyễn Lương Phán hy vọng rằng, 2 suất học bổng này sẽ là nguồn động viên kịp thời để giúp các em vượt qua những khó khăn trước mắt trong cuộc sống để có thêm điều kiện được đến trường, tiếp tục phấn đấu để đạt thành tích cao hơn nữa trong học tập.
Xúc động sau khi nhận suất học bổng từ đoàn, hai em Linh và Hành đều xin hứa sẽ sử dụng số tiền học bổng này đúng mục đích và không ngừng phấn đấu trong học tập để đạt kết quả cao hơn nữa.
Em Cao Xuân Linh nhà ở bản Yên Hợp, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, hiện đang sinh sống cùng người anh trai là Cao Xuân Ngọc. Hàng ngày sau một buổi đi học trở về, Linh cùng anh trai lên nương làm rẫy để mưu sinh và trang trải việc học tập. Khó khăn là vậy nhưng Linh đã biết vượt khó vươn lên để học tập tốt. Kết quả 5 năm học vừa qua em đều đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Lương Phán trao học bổng tới em Cao Xuân Linh, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).
Còn em Cao Thị Hành ở bản Mò O Ồ Ồ cũng sớm mồ côi cha từ nhỏ nên mọi công việc gia đình em cũng phải chung tay gánh vác với mẹ là Hồ Thị Páy để nuôi các em nhỏ ăn học. Sau những buổi tan trường, Hành phải ở nhà trông em, dọn nhà, nấu cơm, rửa bát và giặt giũ quần áo cho mẹ của em lên nương về muộn. Sau Hành còn có hai em nhỏ nên em vừa đảm trách công việc của người chị, người mẹ trong việc chăm sóc các em. Dù phải chăm lo cho gia đình nhưng Hành đã biết cố gắng sắp xếp để học tập, 5 năm học vừa qua, em Hành đều được Ban giám hiệu Trường Tiểu học Yên Hợp trao tặng danh hiệu Học sinh tiên tiến.
Thay mặt đơn vị, Trung tá Trịnh Thanh Bình – Đồn trưởng Đồn Biên phòng 585 cảm ơn sự quan tâm, động viên kịp thời của báo Dân trí đến học sinh khó khăn trên địa bàn. Đây là phần quà có ý nghĩa rất to lớn giúp các em giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống và có thêm điều kiện trang trải trong học tập. Số tiền học bổng này hàng tháng sẽ được đơn vị cấp 500 ngàn đồng/em để các em mua áo quần, sách vở, giấy bút và đóng đậu các khoản ở trường. Những suất học bổng này cũng là nguồn động lực để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong học tập.
Qua đây, Trung tá Bình cũng mong rằng báo Dân trí báo Dân trí và Quỹ Khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục là chiếc cầu nối để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn để các em có thêm điều kiện được đến trường, viết tiếp ước mơ với con chữ, sớm thoát nghèo và cuộc sống ngày một xích lại gần hơn với đồng bào dưới miền xuôi.
Có mặt trong buổi trao quà, ông Đinh Xuân Bàng – Bí thư chi bộ bản Yên Hợp và anh Cao Xuân Hoàn – Bí thư Chi đoàn bản Mò O Ồ Ồ (đại diện phụ huynh em Linh và Hành) cũng chân thành bày tỏ lời cảm ơn trước sự quan tâm của báo Dân trí, đồng thời xin hứa sẽ sử dụng số tiền này đúng mục đích để không phụ lòng sự quan tâm của quý báo cũng như toàn thể xã hội.
Đặng Tài – Đăng Đức
Theo dân trí
"U50" đi học xóa mù chữ
Tối tối, khi mặt trời vừa khuất sau đỉnh núi nơi biên cương thì cũng là lúc lớp học xóa mù chữ cho đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) bắt đầu. Lớp có 20 học viên, trong đó số người từ độ tuổi 35 đến 50 chiếm gần một nửa.
Đa số họ đã có gia đình, có người đã trở thành bà ngoại, bà nội. Một điều đặc biệt nữa là lớp học này do những người lính Đồn Biên phòng Cà Xèng (Đồn 585) đứng lớp.
Lớp học xóa mù nơi biên cương
Đầu năm 2012, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình chỉ đạo mở lớp dạy chữ xóa mù cho bà con đồng bào Rục. Quyết định ban đầu đưa ra đã gặp rất nhiều khó khăn, bởi ngày trước vận động họ rời hang đá ra ngoài định cư còn gian nan thì bây giờ chuyện dạy con chữ cho bà con cũng khó khăn hơn gấp bội phần. Hơn nữa, người Rục quan niệm rằng "con chữ không làm no cái bụng" nên họ không chịu đi học. Không những thế, họ còn cấm luôn cả con em mình đến lớp. Nhưng với niềm tin, các cán bộ chiến sỹ Đồn 585 đã tích cực bám dân, vận động, thuyết phục họ đến lớp.
Qua khảo sát, Đồn Biên phòng Cà Xèngthấy ở bản Ón và bản Mò O Ồ Ồ vẫn còn nhiều người mù chữ và có nguy cơ tái mù. Trên cơ sở đó, đơn vị đã họp bàn và quyết định giao cho các cán bộ, chiến sỹ Đội vận động quần chúng phối hợp với Trung tâm GDTX huyện Minh Hóa lập danh sách và mở 2 lớp học ở hai bản nói trên để thực hiện việc xóa mù chữ cho bà con. Lớp học được tổ chức vào các buổi tối hàng tuần.
Lớp học xóa mù chữ của các chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Xèng cho đồng bào Rục.
Chị Hồ Thị Páy (42 tuổi), một học viên, phấn khởi: "Đi học vui lắm cán bộ ơi! Ngày trước bà con ở đây không ai biết đọc, biết viết nhưng vừa rồi được bộ đội biên phòng dạy cho cái chữ Bác Hồ nên bây giờ tụi miềng (mình) đã biết đọc chữ cái, có thể viết được tên mình lên bảng. Các thầy cũng nhiệt tình lắm, chữ nào bà con chưa hiểu, chưa đọc được là thầy chỉ bảo ngay, thầy còn nắn nót tập bà con viết từng chữ, cách đánh vần. Trên lớp biết rồi, về nhà miềng nói con bày thêm nữa là hiểu ngay thôi".
Còn chị Cao Thị Xinh (43 tuổi), người lớn tuổi nhất lớp học, hồ hởi nói: "Biết được chữ Bác Hồ, mình có thể hiểu thêm nhiều thứ khác nữa, biết tính tiền, biết cộng, trừ, nhân, chia. Ngày trước khi chưa biết chữ, mình không biết tính tiền, cán bộ nói gì cũng không hiểu, không biết ký tên khi đi nhận gạo, ai bán chi mình cũng luống cuống... Bây giờ thì mình đã biết đọc chữ cái, viết thành thạo rồi".
Tâm huyết của những người thầy mang quân hàm xanh
Để vận động được người dân ở đồng bào Rục cho trẻ em đến trường học chữ đã khó. Nay lại vận động phụ huynh học cái chữ càng khó hơn bội phần, bởi phần nhiều họ tỏ ra e thẹn, ngượng ngùng do tuổi đã cao. Hơn nữa do ban ngày đi rừng về mệt nên còn sức đâu mà lên lớp nghe giảng. Tuy nhiên, qua nhiều đợt vận động thuyết phục của các chiến sỹ biên phòng, người dân mới chịu đến lớp học chữ.
Thiếu tá Bùi Đức Sử tâm sự về kỷ niệm những năm đứng lớp: "Nhiều trường hợp học viên đã đi học nhưng sau đó không biết vì lý do gì lại bỏ lớp. Ngay sau đó, mình cùng mấy anh em trong đồn phải đến từng nhà để vận động họ tiếp tục đi học. Như trường hợp chị Hồ Thị Páy, chị Cao Thị Xinh... mình phải giải thích rất nhiều về tầm quan trọng của việc học chữ, biết chữ họ mới chịu quay lại lớp học".
Còn Trung úy Nguyễn Ngọc Thanh cũng không thể quên được cái ngày mà cả lớp đang say sưa học, bỗng có một người đàn ông luống tuổi đứng ngoài cửa sổ gằn giọng nồng nặc mùi rượu gọi vợ về. Thấy vậy, Trung úy Thanh buộc phải đồng ý cho học viên đó ra về vì sợ về nhà hắn đánh vợ.
Với Đồn Biên phòng Cà Xèng, việc mở lớp xóa mù chữ ở đồng bào Rục tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất gian nan, bởi các học viên sau một ngày lao động vất vả, muốn nghỉ ngơi để lấy sức bắt đầu cuộc sống mưu sinh vào ngày hôm sau. Đó là chưa kể đến chuyện nhiều người tuổi cao nên mặc cảm, ngại đến lớp.
Thiếu tá Bùi Đức Sử đang dạy từng phép tính, con số cho các học viên.
"Để bà con hiểu được những gì cần truyền đạt thì giáo án dạy phải phù hợp với trình độ người dân, bám sát phong tục, tâm lý của người dân. Chương trình dạy lớp xóa mù cũng khác rất nhiều so với chương trình phổ cập. Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn nhất hiện nay là thiếu sách giáo khoa phục vụ việc dạy học cho bà con. Ngoài ra, điều kiện học tập cũng đang rất khó khăn, phải mượn trường để dạy vào ban đêm", Thiếu tá Sử băn khoăn.
Đăng Đức - Đặng Tài
Theo dân trí
Ước nguyện đẹp của cậu sinh viên nghèo Căn nhà trọ không có bàn ghế để ngồi học, làm bài tập trên điện thoại di động vì không có máy tính, nhiều khi phải ôm bụng đói đi ngủ... nhưng Hak Meng-cậu sinh viên Học viện Ngoại ngữ ở Phnompenh (Campuchia) vẫn nuôi ý định mở quỹ từ thiện để hỗ trợ trẻ em nghèo. Hak Meng, đến từ tỉnh Kampong...