Quy định quản lý tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng
Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và các ngân hàng thương mại (NHTM).
Theo đó, Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tại NHTM để thực hiện thu, chi ngân quỹ nhà nước. Do đó, Kho bạc Nhà nước phải lựa chọn NHTM để mở tài khoản chuyên thu đáp ứng các tiêu chí: Hoạt động an toàn, ổn định trong 3 năm liên tiếp tính đến thời điểm lựa chọn theo đánh giá bằng văn bản hàng năm của NHNN gửi Kho bạc Nhà nước; có hệ thống Core Banking đặt tại Việt Nam; hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu kết nối và trao đổi thông tin thanh toán song phương điện tử với Kho bạc Nhà nước, đảm bảo các tiêu chuẩn kết nối theo yêu cầu của Kho bạc Nhà nước; có chức năng thu nộp ngân sách nhà nước tại quầy và thu nộp ngân sách nhà nước qua kênh giao dịch điện tử.
Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tại NHTM để thực hiện thu, chi ngân quỹ nhà nước. Ảnh Thùy Linh.
Dự thảo cũng quy định, các NHTM phải có phần mềm thu ngân sách nhà nước tích hợp với Core Banking và có khả năng kết nối, trao đổi thông tin với Dự án Hiện đại hóa thu ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính. Đồng thời, các NHTM này phải cam kết tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc, quy trình, trách nhiệm trong thỏa thuận giữa hai bên…
Bộ Tài chính quy định, Kho bạc Nhà nước tổ chức điều hành số dư trên các tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng theo nguyên tắc: Đối với các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước cấp huyện tại các hệ thống NHTM, vào cuối ngày giao dịch, toàn bộ số dư trên các tài khoản này được chuyển về tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp của Kho bạc Nhà nước trung ương tại cùng hệ thống NHTM, đảm bảo các tài khoản này có số dư bằng 0.
Video đang HOT
Đối với các tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp của Kho bạc Nhà nước trung ương tại các hệ thống NHTM, cuối ngày giao dịch, toàn bộ số dư trên các tài khoản này được chuyển về tài khoản thanh toán tổng hợp của Kho bạc Nhà nước trung ương tại Sở Giao dịch NHNN, đảm bảo các tài khoản này tại Kho bạc Nhà nước trung ương có số dư bằng 0 (trừ các tài khoản thanh toán tổng hợp bằng những loại ngoại tệ mà Sở Giao dịch NHNN có văn bản từ chối mở tài khoản cho Kho bạc Nhà nước).
Đối với tài khoản thanh toán tổng hợp của Kho bạc Nhà nước trung ương mở tại Sở Giao dịch NHNN Việt Nam, cuối ngày tại Kho bạc Nhà nước trung ương luôn có số dư nợ.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra quy trình đóng, mở tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại NHNN và NHTM. Theo đó, tại Kho bạc Nhà nước trung ương và Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước, Tổng Giám đốc quyết định việc đóng, mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định.
Đối với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước cấp huyện, khi có nhu cầu mở mới hoặc mở thêm hay thay đổi nơi mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh hoặc Kho bạc Nhà nước cấp huyện trực thuộc tại ngân hàng, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh phải có văn bản đề nghị gửi Kho bạc Nhà nước trung ương, trong đó nêu rõ lý do mở mới hoặc mở thêm hoặc thay đổi nơi mở tài khoản.
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước trung ương căn cứ quy định tại thông tư này có văn bản trả lời về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị mở mới hoặc mở thêm hoặc thay đổi nơi mở tài khoản của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thu, chi ngân quỹ nhà nước.
Căn cứ văn bản chấp thuận của Kho bạc Nhà nước trung ương, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước cấp huyện làm thủ tục mở tài khoản theo quy định của ngân hàng nơi mở tài khoản.
Khi có nhu cầu đóng và tất toán tài khoản tại ngân hàng, các Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước cấp huyện có văn bản yêu cầu và phối hợp với ngân hàng nơi mở tài khoản làm thủ tục đóng tài khoản theo quy định của NHNN Việt Nam và NHTM nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản.
Thùy Linh
Theo baohaiquan.vn
6 tháng, giải ngân vốn đầu tư qua Kho bạc Nhà nước đạt hơn 31%
Theo báo cáo mới nhất của Kho bạc Nhà nước, dự kiến số giải ngân vốn đầu tư thuộc kế hoạch vốn năm 2019 đến ngày 30/6/2019 là 112.693,3 tỷ đồng, đạt 31,2% kế hoạch.
Trong đó, nguồn Chính phủ giao giải ngân được 112.086,2 tỷ đồng (đạt 31,2% kế hoạch), gồm: vốn xây dựng cơ bản giải ngân được 89.776,7 tỷ đồng; vốn trái phiếu chính phủ giải ngân được 6.210,5 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân được 16.099 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã từ chối thanh toán 20 tỷ đồng. Ảnh: Thuỷ Linh.
Nguồn thu để lại giải ngân là 607,1 tỷ đồng, đạt 29,9% kế hoạch Kho bạc Nhà nước nhận được.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã từ chối thanh toán 20 tỷ đồng. Số tiền từ chối này là do chủ đầu tư đề nghị thanh toán khối lượng phát sinh chưa được phê duyệt, một số khoản chi chưa đủ hồ sơ theo quy định....
Với nguồn chi thường xuyên, cũng báo cáo cho biết, dự kiến vốn thanh toán đến 30/6/2019 là 409.457 tỷ đồng, đạt 39,3% dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).
Thông qua công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, các đơn vị Kho bạc Nhà nước đã phát hiện ước khoảng 5.671 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 10,9 tỷ đồng.
Ngoài việc kiểm soát các nguồn chi, báo cáo từ Kho bạc Nhà nước còn cho biết, trong tháng 6/2019, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 3 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và huy động được 8.692 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển.
Như vậy, lũy kế đến 24/6/2019, tổng khối lượng huy động từ thị trường đạt 102.672,5 tỷ đồng, đạt 34,2% kế hoạch được giao.
Thùy Linh
Theo baohaiquan.vn
Phấn đấu đến năm 2025, 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh Nhằm góp phần thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng xanh, ngành Ngân hàng phấn đấu đến năm 2025, 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh. Một ngân hàng được coi là "xanh" khi thỏa mãn cả hai điều kiện: Về ngắn hạn, cung cấp các dịch vụ xanh; Về dài hạn, có một chiến lược kinh doanh dài hạn...