“Quy định ‘chính chủ’ chó, mèo khả thi”
Nhiều người băn khoăn mức độ khả thi của quy định chủ nuôi phải đăng ký nuôi chó, mèo với UBND phường xã, nhưng Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) Văn Đăng Kỳ cho rằng hoạt động này hoàn toàn khả thi.
Trao đổi với PV, ông Kỳ cho biết điều tra trên 1.200 hộ dân ở Phú Thọ cho kết quả 90% đồng ý với hoạt động này. Ông nói:
“Tổng điều tra ngày 1/4 vừa qua cho biết cả nước có 10 triệu con chó, mèo, nhưng cách đây mấy năm các chi cục thú y thống kê gửi lên thì chỉ có 6 triệu con. Ngay số lượng chó, mèo hiện có là bao nhiêu cũng chưa có con số chính xác.
Chúng tôi dự định đầu năm 2013 sẽ triển khai thực hiện quy định đăng ký nuôi chó, mèo tại các tỉnh. Trong đó, sẽ thiết kế một “phiếu đăng ký nuôi chó, mèo”, trưởng thôn, xóm hoặc thú y viên sẽ đi phát phiếu này đến các hộ gia đình.
Các gia đình nuôi chó, mèo sẽ đăng ký về thú nuôi của mình như loài, tên, giới tính, màu lông, đã tiêm phòng dại ngày nào và dưới phiếu đăng ký, chủ nuôi phải cam kết phòng chống bệnh dại bằng tiêm phòng theo lịch của cơ quan thú y. Ngoài ra, khi đàn chó, mèo của gia đình tăng, giảm do nuôi thêm hoặc thú nuôi bỏ đi, bị mất, có biểu hiện mắc bệnh dại, người nuôi cũng phải khai báo cho trưởng thôn hoặc trạm thú y gần nhất.”
Video đang HOT
Trưởng phòng dịch tễ (Cục Thú y) Văn Đăng Kỳ – ông Văn Đăng Kỳ – Ảnh: Quang Thế
Quy định việc đăng ký tên, giới tính, biến động tăng giảm… của chó, mèo nuôi liệu có khả thi, khi mà người dân còn rất nhiều việc khác phải lo?
Thật ra đây là việc các nước đã làm từ lâu, như khu vực Đông Nam Á thì Thái Lan, Indonesia, Philippines đều đã thực hiện, VN chỉ là đi sau. Vừa rồi chúng tôi điều tra 1.200 hộ dân ở ba huyện, thành phố thuộc tỉnh Phú Thọ, đến 90% hộ gia đình được hỏi đều cho rằng cần có quy định này. Lý do là nhiều gia đình nuôi chó, mèo nhưng không quản lý, không đảm bảo vệ sinh, không tiêm phòng đúng lịch dẫn đến kết quả là xuất hiện nhiều ổ dịch dại trên đàn chó và số người tử vong do bị chó dại cắn đã tăng trở lại trong mấy năm nay.
Sau khi có phiếu đăng ký, trưởng thôn, xóm, thú y viên sẽ mang ra UBND xã phường và tại đây sẽ có một sổ theo dõi nuôi chó mèo, bao gồm thông tin tổng hợp từ chó mèo của các gia đình. Trong số này còn có hướng dẫn kỹ về các hình thức xử phạt nếu phát hiện thả rông chó, mèo, nuôi không đảm bảo vệ sinh, không chấp hành tiêm phòng… với các mức phạt từ 60.000-1 triệu đồng. Ngoài ra, khi phát hiện chó mèo thả rông, cơ quan thú y có thể bắt nhốt để bảo đảm an toàn cho người. Tôi nghĩ quy định rõ các hình thức xử phạt sẽ tăng mức độ khả thi của quy định.
Thưa ông, TP.HCM là địa phương đầu tiên thực hiện đăng ký nuôi chó mèo và đến nay mới có một số phường, xã triển khai được, chứng tỏ quy định này sẽ khó khăn nếu mở rộng toàn quốc?
Tại TP.HCM hiện có 40 phường, xã an toàn bệnh dại. Chúng tôi đang muốn mở rộng ra toàn thành phố. Về việc mở rộng ra toàn quốc có khả thi không, tôi cho là hoàn toàn khả thi, vì không phải từng hộ gia đình đến UBND phường xã đăng ký nuôi chó mèo mà thông qua trưởng thôn xóm, thú y viên như tôi đã nói.
Theo 24h
Chó mèo "chính chủ": Thịt phải khai báo?
Theo quyết định của Bộ NN&PTNT, toàn bộ chó, mèo trên toàn quốc sẽ phải đăng ký để quản lý. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu về chó, việc thực hiện quyết định này còn nhiều bất cập và dễ nảy sinh tiêu cực.
Nhiệm vụ bất khả thi?
Theo Quyết định 2891 vừa được phê duyệt về kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012, tới đây, UBND cấp xã phải lập sổ theo dõi số lượng chó mèo nuôi, số hộ có nuôi chó mèo trên địa bàn xã. Cũng theo quyết định này, chủ vật nuôi phải thực hiện đăng ký chó, mèo với UBND xã và được cấp số.
Trước thông tin này, chuyên gia nghiên cứu chó nghiệp vụ, ông Nguyễn Mạnh Hà (Giám đốc Công ty kinh doanh chó nghiệp vụ PDS thuộc Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PDS) cho rằng đây là ý tưởng hay nhưng còn nhiều bất cập và khó thực hiện.
Theo vị chuyên gia này, việc đăng ký chó, mèo sẽ giúp việc quản lý tốt hơn, góp phần phòng chống bệnh dại. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ làm sao để chính quyền "đeo số" cho chó mèo khi có hàng triệu con vật này được nuôi khắp các gia đình. Ông Mạnh Hà nói: "Nuôi chó mèo trong nhà trở thành nét văn hoá của người Việt. Hơn nữa, loài vật này thường biến động liên tục. Vậy chính quyền có đủ sức để thống kê, đánh số liên tục hay không?".
Ông Mạnh Hà phân chia ra 3 loại chó là: chó bảo vệ, chó cảnh và chó thịt. Với loại chó bảo vệ thường ít thay đổi chủ nên có thể dễ dàng quản lý. Với chó cảnh, việc thay đổi chủ là thường xuyên, liên tục do việc mua bán, cho, biếu, tặng... Chó thịt cũng vậy, người Việt ăn thịt chó rất phổ biến, số lượng chó bị giết thịt hàng ngày cũng rất lớn. Cứ mỗi lần giết chó ăn thịt lại phải lên UBND xã, phường khai báo. Nhưng lỡ khai báo rồi, hoãn không thịt nữa, lại lên khai báo lại... Do vậy, theo ông Hà, quy định này rất khó để người dân thực hiện.
Một băn khoăn nữa của chuyên gia Nguyễn Mạnh Hà là vấn đề thủ tục hành chính khi người dân đến khai báo chó, mèo. Theo ông Hà, thủ tục hành chính rườm rà sẽ khiến người dân "ngại" hoặc trốn không đưa chó, mèo đi đăng ký. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa cán bộ thú y và người nuôi chó, mèo cũng cần được thay đổi. Hiện nay có tình trạng cán bộ thú y và người nuôi chó, mèo là quan hệ một chiều, người nuôi luôn ở "chiếu dưới" so với cán bộ. Do vậy, người nuôi chó và cán bộ thú y không chỉ là quan hệ một chiều mà phải là đối tác, chỗ dựa của nhau.
Những chú chó này phải được đánh số để quản lý
Sợ trộm chó lộng hành
Một quy định khác cũng rất được quan tâm, đó là việc UBND các cấp thành lập đội chuyên bắt giữ chó mèo thả rông hoặc chó mèo nghi mắc bệnh dại. Trạm thú y có trách nhiệm nuôi nhốt chó, mèo bị bắt, theo dõi sức khỏe và chờ chủ gia súc đến nhận sau 3 ngày, nếu không có người tới nhận, chó, mèo sẽ bị tiêu hủy.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, việc thả rông chó, mèo ngoài đường là việc làm không có lợi. Do vậy, cần hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, ở nông thôn việc thả chó mèo ra ngoài đường rất khó tránh khỏi vì không phải nhà nào cũng có sân vườn, cổng cao tường kín. Đặc biệt, việc nuôi mèo để bắt chuột mà nhốt lại thì mèo hết tác dụng.
Việc lập đội chuyên vợt chó, mèo thả rông sẽ khó cho cả người đi bắt và người nuôi. Ông Hà kể: "Tôi chứng kiến cảnh xe bắt chó, mèo bị người dân phản đối, ném đá khi họ bắt chó của một người dân. Người đi bắt chó mèo dễ rơi vào tình cảnh "khó xử" nếu gặp phải người chủ nóng nảy, không giữ được bình tĩnh".
Ông Hà cũng lưu ý, đội bắt chó của cơ quan chức năng phải có đồng phục riêng, có xe riêng... tránh trường hợp bọn trộm chó lợi dụng việc này để dễ dàng đi bắt trộm chó. Hiện nay, việc trộm đó đang diễn ra khá phổ biến, bọn trộm chó lợi dụng việc bắt chó thả rông đi trộm sẽ gây bức xúc lớn trong xã hội.
Chuyên gia Nguyễn Mạnh Hà lo ngại khi bắt được chó, cơ quan chức năng làm sao để nhốt lại? Như ở Mỹ có trung tâm nhốt chó rất hiện đại, nếu chó bị bắt, người dân đến tìm lại cũng yên tâm. Nhưng nếu chúng ta xây dựng những trung tâm như vậy sẽ rất tốn kém.
"Nếu chó, mèo bị dịch bệnh thật, việc tiêu huỷ là đúng. Nhưng cơ quan chức năng phải ghi hình lại, có bằng chứng về việc chó bị dịch để giải thích với người dân. Nếu chó, mèo không bị bệnh, phải giữ lại để trả người dân, không thể sau 3 ngày họ chưa đến nhận là tiêu huỷ được. Như vậy là thiếu nhân văn. Hơn nữa, việc tiêu huỷ làm sao để người dân biết rằng chó của mình thực sự là đã bị tiêu huỷ, không phải mang đi đâu khác, hay dùng vào mục đích khác", ông Hà băn khoăn.
Do vậy, theo các chuyên gia nghiên cứu chó, việc thực hiện quy định trên cần phải lấy ý kiến rộng rãi từ phía người dân. Kế hoạch thực hiện cũng cần chi tiết, cụ thể và phổ biến rộng rãi, tránh tình trạng "khó hiểu" như quy định về xe chính chủ như vừa qua. Nếu có thực hiện cũng nên thí điểm ở các vùng đô thị trước, sau đó nếu thấy hiệu quả mới áp dụng trên cả nước. Chuyên gia Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm, quy định này cũng giống như quy định chó, mèo và phải rọ mõm khi ra đường trước đây, ý tưởng hay nhưng khó thực hiện.
Theo Quyết định 2891/QĐ-BNN-TY của Bộ NN&PTNT vừa được phê duyệt về kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012, kèm theo đó là bản kế hoạch với những nội dung và hành động cụ thể. Tới đây, UBND cấp xã, phường phải lập sổ theo dõi số lượng chó mèo nuôi, số hộ có nuôi chó mèo trên địa bàn xã. Chi cục Thú y và Trạm Thú ý sẽ phải có sổ theo dõi số lượng chó nuôi, số hộ nuôi chó trên địa bàn tỉnh và huyện.
Theo lý giải của Bộ NN&PTNT, mục tiêu của việc yêu cầu chủ hộ đăng ký, UBND các cấp cấp sổ vật nuôi là để nâng cao chất lượng giám sát, nâng cao ý thức của người dân trước tác hại mà chó, mèo thả rông gây ra. Cụ thể, mục tiêu mà ngành nông nghiệp hướng tới là sẽ có 80% đàn chó nuôi được quản lý, được tiêm phòng vaccine. Giảm số ca tử vong do bệnh dại xuống còn 30% so với số tử vong trung bình của năm trước.
Cũng theo quyết định này, UBND các cấp chỉ đạo thành lập đội chuyên bắt giữ chó mèo thả rông ở các khu đô thị, nơi đông đúc dân cư hoặc chó mèo nghi bị mắc bệnh dại. Số chó mèo bị bắt giữ này giao Trạm thú y nuôi, theo dõi sức khỏe và chờ chủ gia súc đến nhận. Việc tiêu hủy chó chỉ thực hiện trong trường hợp không có người đến nhận sau 72 giờ.
Theo 24h
Sẽ sửa quy định chó mèo "chính chủ" Về quy định "tiêu hủy" chó, mèo vô chủ sau 3 ngày, dù chưa ở đâu thực hiện nhưng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết sẽ có ý kiến để sửa đổi bởi quy định này không mang tính nhân văn. Liên quan đến việc Bộ NNPTNT ra thông tư quản lý chó, mèo nhằm khống chế bệnh dại, trao đổi với...