Quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu theo Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu xây lắp đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU ( EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len ( UKVFTA) được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bokwang Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN
Căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể, bên mời thầu đưa ra các yêu cầu phù hợp trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Hồ sơ mời thầu bao gồm đầy đủ các thông tin cần thiết để làm cơ sở cho nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Theo Thông tư, trong trường hợp bên mời thầu đăng tải hồ sơ mời thầu không đầy đủ thông tin hoặc thông tin không rõ ràng, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thầu thì hồ sơ mời thầu này là không hợp lệ. Bên mời thầu phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ mời thầu cho phù hợp và đăng tải lại hồ sơ mời thầu.
Bên mời thầu không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; không đưa ra yêu cầu nhà thầu đã từng ký kết thực hiện một hoặc nhiều hợp đồng với cơ quan mua sắm của một quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể hoặc nhà thầu phải có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ trong lãnh thổ của quốc gia, vùng lãnh thổ đó như là tiêu chí để loại bỏ nhà thầu.
Thông tư cũng nêu rõ, đối với trường hợp chỉnh sửa các quy định nêu trong mẫu hồ sơ mời thầu thì tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu phải bảo đảm việc chỉnh sửa đó là chặt chẽ hơn so với quy định nêu trong mẫu hồ sơ mời thầu và không trái với quy định của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA. Trong tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ mời thầu phải nêu rõ các nội dung chỉnh sửa so với quy định trong mẫu hồ sơ mời thầu và lý do chỉnh sửa để chủ đầu tư xem xét, quyết định.
Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà bên mời thầu đưa ra yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu cho phù hợp (số lượng, chủng loại, tính năng, công suất).
Video đang HOT
Trường hợp thiết bị mà nhà thầu kê khai trong hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, bên mời thầu cho phép nhà thầu làm rõ, thay đổi, bổ sung thiết bị để đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu trong một khoảng thời gian phù hợp. Đối với mỗi thiết bị không đáp ứng, nhà thầu chỉ được thay thế một lần. Trường hợp nhà thầu không có thiết bị thay thế đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì nhà thầu bị loại.
Trường hợp hồ sơ mời thầu có yêu cầu về cam kết, hợp đồng nguyên tắc thuê thiết bị, cung cấp vật liệu chính, bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng mà hồ sơ dự thầu không đính kèm các tài liệu này thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ hồ sơ dự thầu, bổ sung tài liệu trong một khoảng thời gian hợp lý để làm cơ sở đánh giá hồ sơ dự thầu.
Cùng với đó, hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với nhà thầu phải lấy theo mẫu hợp đồng, các điều kiện hợp đồng quy định trong hồ sơ mời thầu và các hiệu chỉnh, bổ sung do nhà thầu đề xuất được chủ đầu tư chấp thuận trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng nhưng bảo đảm không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu, quy định của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA đã mở thầu trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, việc đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu thực hiện theo quy định nêu trong hồ sơ mời thầu nhưng phải bảo đảm không trái với quy định của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA.
Đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA đã phê duyệt hồ sơ mời thầu trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng chưa phát hành hồ sơ mời thầu thì phải sửa đổi theo các mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2022.
Xuất khẩu gạo sang EU tăng mạnh nhờ EVFTA
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt.
Nhờ những ưu đãi về thuế quan, xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu (EU) được đánh giá cao và cho các kết quả tích cực.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt. Ảnh minh họa: TTXVN
Thống kê cho thấy, xuất khẩu gạo sang EU trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt trên 30.000 tấn, với kim ngạch 23 triệu USD. Riêng trong quý I/2022, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 22.500 tấn gạo sang thị trường này, thu về gần 18 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khối EU, Italy đã vươn lên dẫn đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu tăng 26 lần so với cùng kỳ. Một số thị trường chủ lực khác là Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển...
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ Hiệp định EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cước vận tải biển đi EU tăng mạnh và nhập khẩu gạo của thị trường này giảm trong năm 2021.
Cam kết từ Hiệp định EVFTA nêu rõ, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.
Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU. Do đó, với tấm vé thông hành từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này đã có kết quả khởi sắc.
Theo các chuyên gia thương mại, do thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,1% trong tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU nên Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Với mức giá cạnh tranh, chất lượng gạo ngày càng được cải thiện và những lợi thế từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU được kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.
Dự báo, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.
Vì thế, việc tận dụng lợi thế EVFTA để xuất khẩu gạo thơm với thuế 0% nằm trong tay các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn, được canh tác theo tiêu chuẩn cao như Lộc Trời, Tân Long, Trung An...
Phân tích nguyên nhân cản trở xuất khẩu gạo sang EU thời gian qua, các chuyên gia cho rằng bởi thuế suất EU áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao; đồng thời, Việt Nam chưa được EU dành hạn ngạch thuế quan nên rất khó cạnh tranh với gạo của các nước khác như Thái Lan, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Pakistan được phân bổ lượng hạn ngạch thuế quan và các nước như Lào, Campuchia, Myanmar được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch.
Tuy nhiên, theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm).
Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hằng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.
Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù vậy, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại châu Âu, cước vận tải biển vẫn duy trì ở mức cao có thể khiến việc khai thác các lợi thế của EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường EU gặp khó khăn trong năm 2022.
Tận dụng hiệu quả UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh Để có thể tận dụng hiệu quả hơn nữa những cơ hội do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo sản phẩm và quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn Anh. Hơn nữa, doanh nghiệp nên tuyển dụng sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại Anh và tham...