Quý bà xuất ngoại săn ‘xuân dược’
Gom một lúc hơn 30 gói thuốc dùng để ngâm rượu, sắc nước uống để tăng cường sinh lực, một nữ khách TP HCM hào hứng nói cho rằng, nghe nói thuốc này ông uống bà khen, bà uống thì ông kêu trời…
Cuối tuần, dòng khách Việt hướng sang Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đông như trẩy hội. Không như nhiều người qua Mộc Bài, sang cửa khẩu Bavet của nước bạn, thẳng tiến vào Nam Vang (tên gọi ngày trước của thủ đô Phnôm Pênh) nhằm vùi thân trong sòng bạc Naga sầm uất, nhóm 4 phụ nữ xuất ngoại với mục đích săn “tiên dược” phục vụ cho chốn khuê phòng.
Ở mình, lâu nay muốn tuyển mấy món bổ dưỡng, bà con thường ghé phố thuốc Đông y Hải Thượng Lãn Ông tại quận 5 (TP HCM). Ngặt nỗi, đông trùng hạ thảo, nấm cổ linh chi, nhân sâm, các loại cao voọc, cao hổ, cao trăn… ở phố thuốc nếu không là hàng đểu thì là hàng gốc Tàu… nên dân tình không còn “kết” như trước. Bởi vậy, họ chịu khó xuất ngoại tuyển chắc ăn hơn.
Khi xe lăn bánh đến cầu Sài Gòn – cửa ngõ dẫn vào Phnôm Pênh (gọi cầu Sài Gòn vì dưới chân cầu có nhiều cư dân Việt sinh sống), người đàn bà tên Xuân, trưởng nhóm, vỗ đùi cái đét, nói huyên thuyên cái vụ “luyện nội công”: “Thời buổi nam nữ bình quyền nên cái gì mấy ổng lao vào thì chị em mình cũng có quyền dấn thân. Mấy ổng gọi là tráng dương thì với chị em mình là cường âm. Ông bà dạy rồi, có tiền mua tiên cũng được, nói chi mấy cái món tăng lực”.
“Chết là hết – có tiền mà chết trên đống tiền, chẳng được hưởng gì thì nhiều tiền để làm gì”, với suy nghĩ ấy, ngày càng nhiều quý bà như bà Xuân và nhóm bạn lao vào tận hưởng cuộc sống. Bà Xuân lại oang oang giọng: “Hổng như bên mình, bên này mấy cái món biệt dược giúp chị em mình bài thải độc tố, làm cho da dẻ tươi nhuận, khí sắc hồng hào… vừa nhiều vừa rẻ lại vừa chất lượng. Nguyên do bởi Campuchia là quốc gia lắm núi nhiều rừng, mà rừng nguyên sinh chứ hổng phải “rừng” cà phê, rừng tiêu, rừng điều như ở ta. Vì rừng còn dày, cây còn rậm nên các loài dược thảo, thú hoang bổ dưỡng còn nhiều, giá rẻ lắm”.
Luận về cái khoản ăn chơi, bà Xuân được đám chị em đi cùng phong là “từ điển sống”. Có chồng làm sếp suốt ngày lo tiếp khách với ký tá, mỗi chữ ký nghe đâu được phần trăm bằng cả gia tài, con thì đi du học ở Mỹ nên bà Xuân “rảnh lắm”. Vợ chồng sống theo kiểu mạnh ai nấy sống, tiền nhiều lại chẳng vướng bận chuyện con cái… nên bà Xuân dành thời gian rảnh để tiêu tiền, dồn tâm huyết vào sự nghiệp ăn chơi để được trẻ, được khỏe dài lâu đặng hưởng lạc thú trên đời.
“Cái vụ sang Nam Vang “uýnh” bài, xem bói… mình trải qua hết rồi. Càng dấn vào càng mệt mỏi, khổ lụy mà thôi. Để sướng để khỏe cớ sao không chăm chút cho bản thân, thương bản thân mà bồi bổ cho nó những thứ gọi là cao lương mỹ vị”, bà Xuân bày tỏ quan điểm trong tiếng vỗ tay rần trời của đám bạn.
Có quý bà mê nhậu, có quý bà thích làm đẹp bằng việc uống bột ngọc trai, có quý bà thích “lái máy bay” với phi công trẻ… thì cũng có những quý bà như bà Xuân, đam mê săn lùng các món mà dân gian gọi nôm na là “biệt dược”, “ xuân dược”. Khi sang tới Camphuchia, mọi người tách nhau ra.
Nằm giữa thủ đô Phnôm Pênh, chợ Urussây, tập trung đông khách du lịch quốc tế lưu trú kiểu như khu phố Tây ở TP HCM, chợ được dân Việt gọi là “chợ Cây Tre”. Vì đông khách du lịch lui tới nên hàng hóa, sản vật ở chợ Cây Tre rất phong phú như khô cá có nguồn gốc sông Mekong, gạo lúa ma, gạo lúa nổi, đồ thủ công mỹ nghệ hoàng gia chạm vàng dát bạc, đường thốt nốt, mắm bò hóc… Quần khắp chợ, đi đến chồn chân, kiếm tìm đến mỏi mắt nhưng chẳng thấy khu phố bày bán “siêu dược” như mách bảo của bà Xuân cùng nhóm bạn.
Video đang HOT
Đang giữa lúc nản thì chị Siêu Phênh, người Campuchia gốc Việt (32 tuổi) nhà trên đại lộ Bonivoong chỉ: “Nó nằm ở phía sau chợ, trên đường 116 ấy”. “Chợ siêu dược” ở đây không khác gì phố thuốc Đông y Hải Thượng Lãn Ông ở TP HCM với hàng loạt cơ sở kinh doanh cây thuốc, động vật làm thuốc nối tiếp. Mùi của hàng trăm loại cây thuốc với rễ, bột, vỏ cây tươi lẫn khô hòa quyện tạo nên mùi thuốc đặc trưng thơm nức phố. Ở phiên chợ này, mặt hàng nổi bật nhất là những tai nấm khổng lồ mà dân Việt sang đây mua sắm tin là “nấm cổ linh chi”.
Quầy hàng nào cũng bày la liệt nấm cổ, nấm chất trên giá, nấm được cho vào bọc treo lủng lẳng và có quầy hàng, nấm nhiều quá chất không hết, gia chủ đổ tràn dưới nền đất. “Đây là nấm cổ linh chi thứ thiệt chứ hổng phải nấm giả cổ như ở mình đâu. Nấm này có nguồn gốc tại núi Tà Lơn, một ngọn núi thiêng theo truyền thuyết là “anh em” của dãy Thiên Cấm Sơn (núi Cấm, An Giang). Vì sinh trưởng ở nơi thiên linh như vậy nên nấm cổ ở đây toàn dược chất, mà giá lại rẻ nên dân mình đổ sang đây lớp mua chữa bệnh nan y, lớp tuyển về để dành uống thải độc cho da dẻ tươi mịn giữ thần lắm”, người phụ nữ ăn vận tân thời tên Hoa, thỏ thẻ bật mí nguồn gốc của biển nấm cổ cũng như lý do vì sao chị này thường xuyên cùng chồng cất công xuất ngoại mua nấm cổ Nam Vang.
Theo hướng dẫn của chị, những gói cây thuốc với bao bì xanh đỏ lòe loẹt mà chỉ cần nhìn hình ảnh trên bao là biết ngay công dụng. Có gói thuốc in sêri hình cụ ông chống gậy rồi sau đó đứng thẳng, quăng gậy bước phăng phăng. Có gói thuốc rõ hình cô gái cười toe toét bên anh chàng gồng tay khoe cơ bắp cuồn cuộn. Và có nhiều, rất nhiều gói thuốc in hình các bà các chị tươi như hoa, hừng hực sức sống bên mãnh hổ đang gầm thét…
Gom một lúc hơn 30 gói thuốc dùng để ngâm rượu, sắc nước uống để tăng cường sinh lực với giá dao động 10.000 – 40.000 rieal (40.000 – 160.000 đồng) mỗi gói, một nữ khách TP HCM hào hứng nói: “Nghe đâu những gói thuốc này cũng có nguồn gốc từ núi Tà Lơn nên chất lượng lắm, nam uống tốt và nữ dùng cũng Ok. Dân bên này bảo đây là thuốc ông uống bà khen, bà uống thì ông kêu trời… đó!”.
Không chỉ có Urussây bán “xuân dược”, chợ Chba Om Pau ở quận ngoại thành Miêng Chay, cách trung tâm thủ đô Phnôm Pênh khoảng 7km, cũng bày bán cao đơn hoàn tán như ma trận. Ở đó, một số người bày xương cốt, bào thai của các loại thú hoang như mèo rừng, cheo, mễn… trên những tấm bạt. Rồi sừng của những loài quái thú, dị thú như sừng dinh rắn, đậu hút nọc, da con nưa (trăn rừng khổng lồ), dương vật chúa sơn lâm và rắn hổ chúa…
Theo Sây Keo, một người bán hàng biết tiếng Việt, nếu đem các loại kia phối hợp với nhau và ninh cao tinh chất thu được sẽ giúp đàn ông lẫn đàn bà bài thải độc tố, khí sắc tươi nhuận, sung mãn lạ thường!
Một mẻ cao xuân tình đầy đủ món như vậy lên đến hơn 1.000 USD. “Chỉ ngần ấy tiền mà có được thứ gọi là siêu dược, hơn các thần dược khác như sừng tê giác, cao hổ cốt mà giá thì chênh nhau một trời một vực nên dân Việt mình rất khoái. Nhiều bà qua đây tậu một lúc 2-3 bộ nồi ninh cao mang về, tẩm bổ cho mình và cho ông xã” – chị Siu Len, bố người Việt, mẹ người Campuchia, sinh ra và lớn lên ở Phnôm Pênh, trò chuyện. Cũng theo Siu Len, khách Việt sang săn mấy món đồ bổ này, bổ nọ nữ nhiều hơn nam.
Trước khi rời chợ Chba Om Pau, chị Siu Len nói rằng đó là những chợ thuốc nam thông thường chẳng có lọc lừa gì, khách mua thì người ta bán mà thôi. Còn căn nguyên của những lời đồn “chợ xuân dược” xuất phát từ cửa miệng của một số dân chạy xe tuk tuk và hướng dẫn viên. Nắm bắt tâm lý sính ngoại của người Việt, những người này đơm đặt, đồn thổi và chài mồi dắt mối để được chia phần trăm, riết rồi thành “dịch”.
Ông Sên Bok (52 tuổi) minh chứng cho những lời đồn xằng bậy kia bằng tâm tình rằng dân Nam Vang có điều kiện khi lâm trọng bệnh đều sang TP HCM chữa trị. Nếu các loại thần dược đồn thổi kia có tác dụng và nếu tin tưởng điều ấy thì họ đâu cần phải nhọc công tốn kém như vậy.
Theo VNE
"Chuồng học" ở Huổi Chát
Huổi Chát là một bản Mông chừng vài chục nóc nhà ở huyện nghèo Mường Tè. Hôm chúng tôi có mặt, ngày hội khai giảng đã đến gần, nhưng những gì bày ra trước mắt thật đắng lòng.
Một căn lều tranh tre nứa lá gió thổi tứ bề, xiêu vẹo, ghế gãy bàn long, ủn ỉn trong đó một cặp lợn mán, được cô giáo cắm bản giới thiệu là trường học.
Khó từ viên phấn trắng
Đường lên Huổi Chát ngoằn nghèo bò dọc theo núi. Con đường mới vỡ chỉ rộng độ 3 gang tay, bé đến mức những chiếc xe máy chỉ có thể tiến chứ không thể quay ngang để lùi, nhiều đoạn đã thụt hẳn xuống khe sâu hun hút. Đương mùa trái gió trở giời, lúa nương cây trổ cây trụi. Đường núi thăm thẳm thi thoảng lại ngoi lên một khuôn mặt trẻ con cháy nắng lấm lem bùn đất. Những đứa nhỏ 5-6 tuổi đã phải chui rừng cắt suối bói măng mò cá kiếm cơm. Gùi có khi còn to hơn cả người.
"Chuồng học" ở Huổi Chát
Bấy giờ đã giữa trưa, bữa cơm nhiều nhà chỉ có đôi bát nước suối, mấy chiếc măng to bằng quả chuối, với đĩa muối ớt. Dường như cơm có vị cay, vị mặn. Đám trẻ vừa đi nương về áo quần xốc xếch, mặt mũi nhem nhuốc túm tụm sau lách liếp đầu bản giương cặp mắt trong veo như nước suối tò mò nhìn người lạ. Cô giáo Đinh Thị Vin nói bằng tiếng Mông, vẫy chúng xuống lớp. Lớp học là một căn chòi lá rộng độ bằng 4 chiếc chiếu đôi xiêu vẹo, vách tre vọc vạch, hở hoác. Bên trong bàn ghế gãy nát, đầy mạng nhện, ngổn ngang phân heo. Không biết đã từ bao giờ, trường học của lũ trẻ đã trở thành nơi trú ngụ cho một cặp heo mán với 4 heo con. Có người trong số chúng tôi gọi đùa, giọng không ít cay đắng: "Đây là chuồng học chứ đâu phải trường học". Bế theo một học trò người Mông, cô giáo Vin loay hoay tìm chỗ đặt chân. Lớp học vùng cao khó. Khó từ chiếc bảng đen, viên phấn trắng. Khó đến cả cái sự "bắc cầu Kiều".
7 năm trước, cô giáo Đinh Thị Vin từ Phú Thọ rừng cọ đồi chè lên Mường Tè theo tiếng gọi tình nguyện. 6 năm trước, cô mang con trai 3 tuổi lên núi, để sau đó chỉ 1 năm phải vội vã đưa con về xuôi vì đứa trẻ bấy giờ chỉ học tiếng người Mông. 5 năm trước, chồng cô mì tôm cá khô tấp tểnh lên thăm vợ, lần đầu và cũng là lần cuối, để chỉ nói một câu: Về. 4 năm trước, cô suýt bị dân bản bắt đền khi giữa đêm dám đem đứa trò nhỏ bấy giờ ốm thập tử nhất sinh vượt "ngang sông Đà". 3 năm trước, cô khóc cả đêm khi đứa con đứt ruột đẻ ra giờ không còn nhận ra giọng mẹ. Gia đình là thứ gì đó mơ hồ. Có khi chỉ là mười ngày phép mỗi dịp cuối năm và những đồng tiền chắt bóp tháng tháng gửi về quê xa.
Và giờ, cô giáo người Kinh đã trở thành đứa con của Huổi Chát, của Nậm Manh, nói tiếng Mông để dạy tiếng phổ thông, ăn mèn mén, sắn khô, măng rừng, với ước mơ giản dị là một ngày nào đó sẽ có một đứa trò nhỏ người Mông thi đậu vào đại học.
Cái chữ xa xỉ và rau cháo ngày thường
Ở Huổi Chát, ở Mường Tè, ở vùng cao, việc đầu tiên của những cô giáo trước ngày khai trường, không phải là nghĩ ra các khoản thu, nghĩ ra cách thu tiền mà là "dân vận" để cha mẹ học sinh đồng ý đưa con đến trường. Không thể có giáo dục nếu như không có những ngôi trường. Nhưng cũng không thể có những ngôi trường nếu như không có học trò. Chỉ buồn là giáo dục ở vùng cao không thể tách rời chuyện miếng cơm manh áo. Huổi Chát tất nhiên không phải ngoại lệ.
Trưởng bản Lầu Giống Sì khoát khoát cánh tay quanh tứ bề rừng nham nhở xung quanh. Đấy là ông đang giải thích chuyện miếng cơm. 100% hộ sống dưới mức nghèo đói. Cả bản, không một mét vuông ruộng nước, sống nhờ vào những nương lúa. Lúa nương trông cả vào ông giời. Năm nào mưa thuận gió hòa, Nậm Chát có gạo, có ngô ăn đủ trong nửa năm. Nửa năm còn lại thì sao? Thì trông cả vào rừng. Có nghĩa, đến ngay cả chuyện căng cái bụng cũng trông vào ông giời, đủ ăn cũng đã là một niềm mơ ước khi Nậm Chát đói quanh năm chứ không chỉ là mùa giáp hạt. Trong nhà người Mông Nậm Chát, những chiếc lông gà dán trên cây cột thiêng giờ bạc thếch, xác xơ. Lâu lắm rồi người Huổi Chát không có hội, không làm gà, thậm chí không cả xuống chợ Nậm Hàng phía bờ hữu sông Đà. Cuộc sống là chuỗi những mưu sinh không buồn, chẳng vui, không quá khứ, không tương lai. Miếng cơm manh áo thúc vào sườn họ đau và bức bối đến mức ước mơ đôi khi chỉ là bát cơm có miếng thịt. Và cái chữ, vì thế cũng là thứ gì đó xa xỉ, thậm chí xa lạ.
Chúng tôi đi từ Văn Chấn, Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, ngược lên Phong Thổ, Mường Tè, qua 9 điểm bản và nhận ra một điều rằng, ở bất cứ trường học vùng cao nào cái khó nhất của thầy trò nơi đây chính là bữa ăn. Vâng, đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, vẫn cứ phải nói đến chuyện miếng cơm manh áo khi mà bữa ăn phổ biến nhất của những đứa trò nhỏ vùng biên ải vẫn triền miên là cảnh "một nồi canh rau, 3 miếng đậu trắng".
Trường học là đây, khi ngày khai giảng năm học mới đã đến gần
Hôm chúng tôi đến Trường Tiểu học Huổi Luông, ở xã biên giới Huổi Luông thuộc huyện Phong Thổ, Lai Châu, điều không ai có thể quên được là bữa ăn của những đứa trẻ. Một bát tô nhựa, trong đó hổ lốn vừa cơm, vừa canh, và loi nhoi 2 miếng đậu trắng. Không thể gọi khác hơn là tô cơm tiêu điều và khốn cùng. Xin đừng ai đó trách các thầy cô giáo vùng cao. Ở những điểm trường vùng cao, cha mẹ học sinh tháng tháng góp 4kg gạo và 7.000 đồng tiền ăn mỗi tuần, thậm chí vì không có tiền, mỗi cuối tuần chỉ có 1 bó rau rừng được gửi tới. Người ta có thể mua gì khác cho lũ trẻ ngoài đậu, loại thực phẩm chỉ giúp lũ trẻ quên đi cơn đói?
Từ cách đây 2 năm, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ 120.000 đồng/tháng đối với trẻ em 5 tuổi. Tới cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ có quyết định (số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26.10.2011), theo đó: Trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn, hoặc cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, được ngân sách nhà nước hỗ trợ 120.000 đồng/tháng và được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học để duy trì bữa ăn trưa tại trường.
Hiệu lực thi hành của quyết định là từ 15.12.2011. Phải mất nhiều tháng sau đó, liên bộ: GDĐT, Tài chính, Nội vụ mới có thông tư hướng dẫn quyết định 60, thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo. Và cũng phải bắt đầu từ 1.9.2012, các trường mới bắt đầu làm thủ tục thống kê học sinh 3 - 4 tuổi đề nghị được cấp hỗ trợ. Danh sách này sẽ qua các nấc từ xã, huyện, tỉnh và nếu như tiến độ chính xác như quy định đến từng ngày như trong thông tư thì sau 80 ngày danh sách mới về đến Bộ Tài chính và Bộ GDĐT. Còn bao giờ tiền về được tới trường thì lại phải phụ thuộc vào "tốc độ cải cách hành chính" của các bộ, các sở, các địa phương.
Chỉ biết là 8 tháng sau quyết định của Thủ tướng, ngay trước thềm năm học mới 2012-2013, ở hầu hết trong 9 điểm trường mà chúng tôi đặt chân tới của các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, "độ trễ của chính sách" khiến cho những đồng tiền cơm lũ trẻ đáng được hưởng, thực ra vẫn bóng chim tăm cá. Câu hỏi "bao giờ" vẫn là niềm day dứt của những người làm giáo dục vùng cao. Và cái hậu của việc truy lĩnh, "dồn một cục", là các trường sẽ phải trả những đồng tiền ăn của các cháu cho cha mẹ. Không ai có thể cam kết sau đó những đồng tiền cơm 2 năm học của một đứa trẻ không biến thành một bữa nhậu của người lớn.
Chúng tôi ngồi bên mái lá Huổi Chát trong sự ngưng đọng của cả không gian và thời gian. Một lát, cô giáo tiểu học Nguyễn Thị Hường đội nắng leo núi đi tới. Hường 24 tuổi, đã lên Mường Tè 5 năm. Lớp học của cô có 18 học sinh, học từ lớp 1 đến lớp 4. Nấu ăn cho lũ trẻ ư? Hường hỏi, trong mắt có chút ngơ ngác. Chúng tôi hiểu được sự ngỡ ngàng của cô ngay sau đó. Chợ Nậm Hàng thì cách Huổi Chát vài tiếng đi bộ. Và điều quan trọng nhất là chính cô cũng triền miên rau cháo qua ngày.
Cũng còn may cho lũ trẻ vùng cao là còn có những cô giáo cắm bản, như Vin, như Hường. Một người đã từ lâu coi Huổi Chát là nhà. Một người khác đang tính chuyện xây dựng gia đình trên chính mảnh đất nghèo khó này, với người chồng, cũng là một thầy giáo cắm bản, đang ở xã xa nhất Huổi Manh, cách cô chừng 6 giờ leo núi.
Theo Vietbao
Trẻ bị lão hóa có thể do đột biến gene Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, phó khoa Thận - Nội tiết BV Nhi Đồng 2, TP HCM cho biết, đột biến gene tạo ra chất progerine khiến cơ thể trẻ già nhanh, tuy nhiên trẻ mắc bệnh này rất hiếm và Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào. Bé Trân ở Cà Mau có gương mặt già hơn tuổi. Ảnh:Thiên Phước...