Hé lộ đường dây xuất khẩu lao động “chui” sang Nga, Kỳ1: Nỗi ol gánh nợ cho một lần xuất ngoại
Mơ ước cháy bỏng là được đi Tây, để thay đổi cuộc sống. Thỏa như người vớ được vàng khi biết thông tin anh Nguyễn Văn Nam, người gọi mẹ của Thỏa bằng mợ có đường dây đưa người đi xuất khẩu lao động sang Nga.
Khát khao cháy bỏng của người dân nghèo ở các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang chính là thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên do thiếu thông tin, nhẹ dạ cả tin vào những lời hứa “chạy chọt” đi nhanh, việc nhàn, lương cao, họ đã trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ lừa đảo đưa người xuất khẩu lao động “chui” sang Nga. Tình cảnh càng trở nên bi đát khi họ trốn thoát cảnh “nô lệ” nơi miền đất hứa trở về và thành con nợ với tiền lãi nhân lên hàng ngày.
Sau hơn 4 tháng sống khổ cực nơi xứ người và gần 1 tháng chờ đợi “giải cứu”, nhờ sự can thiệp kịp thời và tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, 31 lao động ở các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang bị mắc kẹt tại một xưởng giày da – may mặc ở thành phố Ekaterinburg (thủ phủ tỉnh Sverlov, Liên bang Nga) đã trở về với ký ức kinh hoàng và nợ nần chồng chất.
Mẹ con anh Đỗ Văn Thỏa đang lo lắng với món nợ đi xuất khẩu lao động. Ảnh: PV
“Địa ngục” ở miền đất hứa
Gần nửa tháng trở về nước, những người đi xuất khẩu lao động “chui” Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang vẫn nhắc đến tháng ngày sống đói rét, cơ cực, ốm không được nghỉ, không có ngày chủ nhật, làm việc 13-15 tiếng/ngày trong cái giá lạnh âm 39C của nước Nga.
Anh Nguyễn Văn Thi, ở xóm 8, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam rùng mình nhắc lại chuỗi ngày cơ cực trên đất Nga, nơi mà trước khi xuất cảnh anh được hứa hẹn có việc làm tốt, có tiền gửi về trả nợ, nuôi bố mẹ già và có đồng vốn lập gia đình… Theo lời anh Thi: “Vào tháng 7-2011, anh Nguyễn Văn Nam là người cùng xã thông tin có người nhà bên Nga đang cần tuyển lao động, 3 tháng đầu thử việc lương trả 250 – 300 USD/ tháng. Từ tháng thứ 4 trở đi, 500USD/tháng trở lên”.
Nghe vậy, gia đình anh Thi chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay đủ 20 triệu đồng đặt cọc cho anh Nam. Đầu tháng 1-2012, anh Thi cùng 31 người được đưa sang Nga theo đường dây lao động bất hợp pháp. Thực tế trên xứ người khiến anh Thi vỡ mộng. Anh Thi kể: “Sang đến nơi, em vào làm bốc vác. Cuộc sống cơ cực. Ngày làm 13-15 tiếng không có ngày nghỉ, làm việc như khổ sai. Chưa hôm nào được ăn trọn vẹn một bữa cơm ngon, hầu hết đang ăn dở mà có hàng về thì cũng phải bỏ đĩa cơm đó xuống, bốc hàng xong về mới được ăn tiếp. Mà bốc hết một xe container hàng (mũ, dày, đế dày) nhanh nhất cũng phải mất 2 tiếng đồng hồ. Bữa sáng ăn cháo loãng, còn 2 bữa chính thì quanh năm khoai tây nấu thành canh, họa hoằn lắm mới có một quả trứng nấu cà chua. Để khỏi bị đói, em nghĩ cách lúc nào cũng mang trong người một cái thìa để bốc hết xe hàng là vào ăn ngay không xe khác đến là không được ăn nữa. Thế mà có khi một đĩa cơm ăn làm mấy lần mới xong”.
Cùng chung hoàn cảnh, anh Đỗ Văn Thỏa, trú tại xóm 9, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, là con út trong gia đình có ba anh em trai. Bố mất sớm, anh trai cả bị bệnh não nằm liệt giường đã 26 năm. Mơ ước cháy bỏng là được đi Tây, để thay đổi cuộc sống. Thỏa như người vớ được vàng khi biết thông tin anh Nguyễn Văn Nam, người gọi mẹ của Thỏa bằng mợ có đường dây đưa người đi xuất khẩu lao động sang Nga. Chiều lòng cậu con trai, người mẹ cũng sấp ngửa lo chạy giấy tờ và tiền đặt cọc cho con trai của mình thực hiện ước mơ.
Anh Thỏa cho biết: Xuống đến sân bay Moscow chúng tôi phát hiện Visa của chúng tôi đều có hạn 3 tháng, biết mình bị lừa nhưng “ngoảnh đi mắc núi, ngoảnh lại mắc sông”. Làm được gần 2 tháng thì tôi bị ốm vì kiệt sức và không chịu được cái rét gần âm 39C nên đã bị sốt cao, người co giật. Anh em cùng phòng báo quản đốc và gọi cho anh Nguyễn Văn Dũng (người của Cty Hoa Việt đã đưa lao động sang thành phố Ekaterinbua và “bán” các lao động này với giá 500 USD/người, rồi rũ bỏ trách nhiệm) vậy mà không một ai đến đưa đi viện hay cho một viên thuốc nào.
Hơn 4 tháng qua đối với những người đi xuất khẩu lao động “chui” là chuỗi ngày kinh khủng. “Điều kiện ở đây khắc nghiệt, ăn không đủ chất để làm việc, sinh hoạt bẩn thỉu. Thời tiết có khi âm 14C nhưng không có hệ thống nước nóng và nguồn nước trong ống rất lạnh do vậy không thể tắm rửa được. Ốm không được nghỉ, không được khám chữa bệnh. Ai tự ý nghỉ bị phạt 800 rúp. Thậm chí đi vệ sinh cũng bị phạt tiền. Làm việc như khổ sai thời trung cổ”- anh Trịnh Đình Quỳnh, trú tại xóm 8, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, người đi cùng anh Thỏa bức xúc.
Video đang HOT
Anh Nguyễn Văn Thi bên vật dụng kỉ niệm thời gian khốn khổ ở nước người. Ảnh: PV
Ngày trở về ngập trong nợ nần
Nhờ người thân ở Việt Nam cầu cứu Bộ Ngoại giao, các lao động mới có ngày đoàn tụ với gia đình. Những người này trở về đều tay trắng 4 tháng làm việc cực nhọc không được trả một đồng tiền lương. Mỗi tháng chỉ được tạm ứng 1.000 rúp (tương đương 630.000 đồng). Trước khi đi mỗi người cũng đã nộp cho Nam và chi phí các khoản cá nhân cần thiết khoảng 50 triệu đồng. Nhìn chung số tiền này đều vay nợ lãi ngày.
Chị Nguyễn Thị Hảo, vợ của anh Lê Trung Kiên, trú tại thôn Thượng Cát, xã Duy Hải, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam lo lắng: “Để lo cho chồng đi nước ngoài nên gia đình tôi đang nợ nần chồng chất. Trước đây, tôi đã vay sáu cây vàng cho chồng đi Hàn Quốc nhưng không thành, nay vay thêm bốn chỉ vàng cộng tiền mặt để đi Nga kiếm tiền trả nợ thì xảy ra sự cố. Nợ nần chồng chất thế này không biết làm thế nào để sống được đây?”. Sau bốn tháng làm việc, anh Kiên được người chủ cho ứng 2.000 rúp (khoảng 1,4 triệu đồng), nhưng khi biết anh Kiên muốn về nước, ông chủ đã thu hồi lại khoản tiền này.
Anh Trần Văn Cảnh, bố của Trần Văn Trọng (xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) nói: “Thấy bản hợp đồng và mức lương hơn 500 USD/ tháng tôi nghĩ chỉ cần một năm lao động là con có thể trả nợ được, còn lại 2 năm làm là có ít vốn về học nghề. Nên cũng cố vay mượn gần 50 triệu đồng để đặt cọc, đổi tiền mang theo phòng thân, mua sắm thuốc thang, đồ dùng cá nhân đủ trong 3 năm sống bên đó đề phòng không biết tiếng không mua nổi. Số tiền đó đều vay lãi ngày vì nói cho con đi xuất khẩu lao động nên họ mới tin tưởng mỗi người cho vay một ít. Giờ thì làm gì để trả đây”.
Phần lớn những người đi lao động ngước ngoài đều ra đi từ những vùng quê nghèo. Khoản tiền nộp cho Cty môi giới phần nhiều là tiền đi vay. Cơ cực với những tháng ngày xa quê hương nay trở về, những đôi vai kia lại oằn xuống vì nỗi lo cơm áo gạo tiền và cộng thêm gánh nợ cho một lần xuất ngoại…
Theo PLXH
Thiếu xăng bán nhưng dư xăng xuất ngoại
Tình trạng cây xăng bán hàng nhỏ giọt đang lặp lại và lan rộng. Các doanh nghiệp (DN) đầu mối tuyên bố cung cấp đủ hàng, trong khi đại lý nói thiếu.
Ách tắc nằm ở đâu khi mặt hàng này thuộc diện kinh doanh có điều kiện, Nhà nước kiểm soát cả giá bán lẫn quy trình bán? Mặc dù nghị định số 84/2009/NĐ-CP quy định khá chặt chẽ về quy trình kinh doanh từ đầu mối đến tổng đại lý, đại lý nhưng có thể nói các đầu mối đã đánh mất quyền kiểm soát.
Lỗi từ đầu nguồn
Theo quy định, một tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng mua hàng với một thương nhân đầu mối nhưng trên thực tế các tổng đại lý có đủ cách để lách qua "khe hẹp" này. Chồng đứng tên một công ty làm tổng đại lý, vợ đứng tên công ty khác là một ví dụ. Nhờ cách "phân thân" mà hai tổng đại lý này - thực chất là một - có thể mua được hàng từ hai nguồn khác nhau rồi "đá qua đá lại" mỗi khi thị trường biến động, gây khó khăn cho việc kiểm soát.
Một cây xăng ở huyện Vĩnh Hưng (Long An) đóng cửa lúc 17g ngày 8-5
Phó tổng giám đốc một DN đầu mối lớn khẳng định: "Các đầu mối biết hết nhưng thường chẳng làm gì vì một phần do mối quan hệ, một phần cốt làm sao vẫn bán được hàng!".
Ngoài ra, tình trạng mua bán phiếu xuất kho xăng dầu khá phổ biến nhưng không ai lưu ý. "Nhà nước không mất nguồn thu thuế vì chỉ căn cứ vào hợp đồng giữa các bên và hóa đơn bán hàng là đủ nên không cần biết ai là chủ của cái phiếu kia. Vì thế lơi lỏng việc kiểm tra, kiểm soát.
Tôi từng kiến nghị xử lý việc này nhưng dường như chẳng ai để tâm" - tổng giám đốc một DN đầu mối lớn nói. Ông này thừa nhận có tình trạng các tổng đại lý được cấp phiếu xong nhưng cố tình không lấy hàng mà lưu lại rất lâu trong kho của DN đầu mối, chỉ đến khi nào bị hối thúc hoặc thời điểm tăng giá đến gần mới lấy hàng ra.
Các đầu mối hoàn toàn có thể trưng bằng chứng với cơ quan chức năng bằng những chứng từ thật nên rất tự tin tuyên bố luôn cấp hàng đầy đủ, còn thực tế hàng đi đâu họ không biết hoặc người có trách nhiệm làm ngơ vì lợi ích cá nhân.
Khó quản xe bồn
Theo quy định, các DN đầu mối và tổng đại lý phải có đại lý thuộc quyền sở hữu và ký hợp đồng với đại lý bán hàng hưởng hoa hồng. Tổng đại lý được ký hợp đồng với một DN đầu mối, còn đại lý được ký hợp đồng với một tổng đại lý hoặc trực tiếp với một DN đầu mối. Quy định này nhằm đảm bảo việc phân phối xăng dầu từ đầu mối đến tổng đại lý, đại lý và cửa hàng phải cùng một hệ thống.
Xăng lậu trên đường qua Campuchia
Nhưng trên thực tế vẫn xảy ra chuyện mua bán chui, không hóa đơn do không kiểm soát được tình trạng các đại lý, tổng đại lý mua bán phiếu xuất kho. Nguồn hàng bị tuồn ra ngoài hệ thống phân phối chính thống. Điều này không chỉ được đầu mối mà cả một số tổng đại lý và đại lý thừa nhận là thực tế hiện nay. Khi quyết toán thuế, các tổng đại lý sẽ đổ thừa DN đầu mối cung ứng không đủ... Số hàng này hoặc tiếp tay cho buôn lậu qua biên giới, hoặc trở thành nguồn hàng đầu cơ, gây nên tình trạng thiếu hụt ở một số nơi.
Chính vì các phiếu xuất kho chạy lòng vòng nên nguồn hàng chảy ra ngoài hệ thống phân phối chính thống. Bán các phiếu xuất kho này, các tổng đại lý hoặc đại lý có lãi hơn là mua hàng về bán tại cây xăng vì được "ăn" hai đầu. Một mặt, những đại lý mua nguồn hàng này không cần hóa đơn nên bán được giá cao, mặt khác các tổng đại lý lại bán được số hóa đơn đó cho những đơn vị sản xuất cần hóa đơn xăng dầu.
Một số tổng đại lý sẽ chỉ đạo xe bồn chở xăng dầu đến một địa chỉ nào đó để găm hàng thay vì về đổ cho cây xăng. "Sở dĩ lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra một số cây xăng đều thấy trống rỗng thật sự vì xe bồn đã đi trốn ở đâu đó chứ không về đúng địa chỉ để cấp xăng.
Lâu nay chúng ta thường thấy nói quản lý thị trường phát hiện các cây xăng nghỉ bán hoặc bán nhỏ giọt chứ chưa thấy nói phát hiện xe bồn chở xăng dầu đi sai địa chỉ" - phó giám đốc một công ty bán lẻ xăng dầu ở TP.HCM nhận xét.
Trong một hội nghị chống buôn lậu xăng dầu gần đây, giám đốc Sở Công thương Tây Ninh Đỗ Thanh Hòa đã nói thẳng: "Không có nguồn cung cấp, lấy gì họ buôn lậu qua Campuchia?". Ông cho biết lực lượng chức năng của tỉnh này đã phát hiện một số trường hợp xe bồn trốn trong rừng cao su để xuống hàng vào ban đêm. Vì thế ông đề nghị các đầu mối và tổng đại lý khi cấp hàng không cho các xe bồn đi vào ban đêm. "Lực lượng chức năng làm sao đủ để kiểm soát hoạt động của họ cả vào đêm khuya?" - ông Hòa nói.
Theo cửa hàng trưởng một cửa hàng xăng dầu ở Q.Bình Thạnh, hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn chặn những xe bồn chở xăng dầu tuồn hàng ra ngoài. "Tất cả kho hàng đều cấp phiếu xuất hàng khi xe đến lấy hàng với đầy đủ thông tin của nơi nhận hàng. Xe nào về tỉnh nào nhân viên trực kho biết hết.
Nhân viên trên xe bồn luôn thủ sẵn nhiều phiếu xuất kho để đối phó khi bị lực lượng chức năng "vịn". Nếu quản lý thị trường hay công an non tay, chỉ xem giấy tờ sơ qua thì khó phát hiện" - người trạm trưởng kinh nghiệm 25 năm trong ngành xăng dầu này phân tích. Theo ông, hoàn toàn có thể nghi ngờ những xe bồn chở xăng dầu kia hoặc cấp hàng cho bọn buôn lậu, hoặc găm lại để chờ tăng giá.
Lợi lớn nên liều lĩnh
Có những thời điểm bán 1 lít xăng qua Campuchia lời đến 3.000 đồng khiến không ít người liều lĩnh. "Trường hợp DN bị phát hiện găm hàng có thể bị phạt giỏi lắm vài chục đến 100 triệu đồng, nhưng nếu trót lọt, giá lên họ lãi đến 250 triệu đồng. Đây chính là mấu chốt của vấn đề quản lý hiện nay" - tổng giám đốc một DN đầu mối băn khoăn.
"Có thể kiểm soát, vấn đề là làm hay không thôi. Mỗi DN đầu mối đều có từng bộ phận, từng cá nhân phụ trách khách hàng nào, ở khu vực nào, số lượng bán của mỗi khách hàng. Tổng đại lý cũng tương tự. Đại lý, cây xăng nào bán tăng 5-7% thì bình thường, còn tăng đột biến 20-30% là phát hiện ngay sự bất thường" - lãnh đạo một DN đầu mối nói.
Theo ông, hiện nay có quá nhiều đầu mối không điều khiển nổi các tổng đại lý bởi đang quản lý theo kiểu các chành ở chợ mà không theo đúng nghị định và cũng chẳng khoa học. Theo các nhà bán lẻ xăng dầu, cần xem lại quy định về mức hoa hồng bởi trên thực tế họ không được thỏa thuận mà bị áp đặt.
Nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh là nếu hoa hồng thấp thì đại lý phải tăng bán hàng cho nhiều để "ăn về số lượng". "Trên thực tế, mức hoa hồng bị ép xuống quá thấp, bán càng nhiều càng lỗ lớn thì chẳng ai muốn bán nhiều cả" - chủ một cây xăng ở Hóc Môn nói. Hơn nữa, các cây xăng cũng khó có thể tăng lượng bán vì định mức bán hằng tháng đã bị DN đầu mối và tổng đại lý siết lại.
Theo Tuoitre
Bàng hoàng với clip tuyển vợ trần truồng Một video làm người xem gần như bàng hoàng ghi lại cảnh hàng chục cô gái đang e thẹn "trình diễn" cho những người... tuyển vợ "xem măt". Hai đoạn video có độ dài hơn 19 phút được quay một cách kỹ lưỡng, cho thấy hàng chục cô gái xếp hàng rồi lần lượt theo thứ tự trú bỏ lớp khăn quàng bên...