Quét laser, ‘thung lũng ma’ 30.000 dân hiện ra giữa rừng Amazon
Được mô tả là một phát hiện ‘không thể tin nổi’, ‘ bóng ma’ khổng lồ của rừng Amazon là một thung lũng của các thành phố 2.500 năm tuổi.
Theo AP, phát hiện gây sốc về “thung lũng ma” này đến từ một mối hoài nghi từ hai thập kỷ trước của nhà khảo cổ học Stephen Rostain (Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp) khi thám hiểm rừng Amazon.
Đó là những gò đất và con đường bị chôn vùi được phát hiện rải rác ở phần rừng Amazon thuộc Ecuador.
“Thung lũng của các thành phố bị mất tích” giữa rừng Amazon qua hình ảnh LiDAR – Ảnh: SCIENCE
Để có thể khám phá bí ẩn của một trong những khu rừng dày đặc và khó khảo sát nhất thế giới, TS Rostain và các cộng sự đã sử dụng LiDAR, một công cụ viễn thám ứng dụng tia laser để lập bản đồ 3D các cấu trúc ẩn.
Những gì hiện ra giữa cánh rừng hoàn toàn gây choáng váng: Đó là một mạng lưới định cư cổ đại gồm nhiều thành phố được kết nối với nhau.
Các khu định cư này đã được chiếm lĩnh bởi người Upano trong khoảng thời gian từ năm 500 trước Công nguyên cho đến khoảng những năm 300-600 sau Công nguyên.
Theo nhà khảo cố học Antonie Dorison, đồng tác giả, các cấu trúc cho thấy toàn bộ thung lũng ma này từng là nơi sinh sống của ít nhất 10.000 người trong khoảng 1.000 năm. Vào các giai đoạn cao điểm, dân số có thể đạt mức 15.000-30.000 người.
TS Rostain gọi đây là một phát hiện “không thể tin nổi”, trong khi nhà khảo cổ học Michael Heckenberger từ Đại học Florida, người không tham gia nghiên cứu, bình luận: “Đối với khu vực, nó thực sự ở đẳng cấp riêng, xét về thời đại của nó”.
Bình luận của TS Heckenberger ngụ ý trình độ xây dựng và tổ chức xã hội của các thành phố thuộc “thung lũng ma của rừng Amazon” phát triển vượt trội so với các nền văn minh trong khu vực và cả trên thế giới.
Các bằng chứng còn sót lại cho thấy họ có mạng lưới nghề nghiệp dày đặc và một xã hội cực kỳ phức tạp.
Nhà khảo cổ học Jose Irarte, người cũng đứng ngoài cuộc nghiên cứu, giải thích rằng sẽ cần một hệ thống lao động có tổ chức và phức tạp để xây dựng một mạng lưới đường sá bên trong và kết nối các thành phố cũng như các công trình đa dạng khác.
Chưa kể những người này còn phải đối diện với một thử thách lớn hơn, đó là xây dựng các thành phố bằng gạch bùn bởi không có sẵn lượng đá dồi dào như nơi người Maya hay Inca sinh sống.
Tất cả đã đảo lộn hoàn toàn quan điểm lâu đời cho rằng Amazon là một vùng hoang dã nguyên sơ, chỉ có những bộ lạc nhỏ sinh sống trong quá khứ.
'Soi' bằng vệ tinh, 100 bóng ma 3.500 tuổi hiện ra giữa đồng
Phân tích hình ảnh vệ tinh và ảnh chụp trên không, các nhà khoa học Ireland, Serbia và Slovenia đã tìm thấy hơn 100 cụm cấu trúc chưa từng biết, hứa hẹn vén màn bí ẩn Trung Âu cổ đại.
Cuộc khảo sát vệ tinh diễn ra ở lưu vực Carpathian phía Nam Trung Âu, nơi các nhà khảo cổ tin rằng chứa đựng rất nhiều tàn tích của các nền văn hóa thời đại đồ sắt.
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi PGS Barry Molloy từ Đại học Dublin (Ireland) đã lần theo manh mối các "bóng ma" mà vệ tinh tiết lộ, thực hiện khảo sát thực địa và thăm dò địa vật lý và xác định đó đúng là hơn 100 di chỉ khảo cổ rất lâu đời.
Một cụm cấu trúc cổ đại hiện ra lờ mờ giữa đồng - Ảnh: ĐẠI HỌC DUBLIN
Theo Heritage Daily, phần lớn các địa điểm được xây dựng từ năm 1600 đến năm 1450 trước Công nguyên và hầu như đều đã sụp đổ từ khoảng năm 1200 trước Công nguyên, bị bỏ hoang hàng loạt.
Các địa điểm này chứa cả những cấu trúc mang tính rào chắn, là hệ thống phòng thủ sơ khai và có thể là tiền thân của các mô hình phòng thủ mà những pháo đài châu Âu nổi tiếng sau này áp dụng.
Nói cách khác, các "bóng ma" còn thể hiện cách mà kỹ thuật xây dựng của người Trung Âu cổ đại dần phát triển qua nhiều thời kỳ.
Một số địa điểm lớn hơn liên quan đến mạng lưới này đã được biết đến trước đây, là các pháo đài sơ khai cỡ lớn. Tất cả cho thấy đó là một phần của cả một mạng lưới nhiều cộng đồng nhỏ cùng tồn tại và phụ thuộc lẫn nhau.
Trong bài công bố trên tạp chí khoa học PLOS One, các cộng đồng trong khu vực này trải dài bên sông Tisza, được gọi chung là Nhóm địa điểm Tisza (TSG), mỗi cộng đồng nằm cách nhau 5 km, là một mạng lưới hợp tác.
TSG đóng vai trò quan trọng như một trung tâm đổi mới ở châu Âu thời tiền sử, là bước ngoặt trong việc xây dựng hệ thống xã hội cổ đại cho khu vực.
Trong thời kỳ TSG suy tàn - khoảng năm 1200 trước Công nguyên - các kỹ thuật quân sự, công nghệ đào đất phức tạp của họ đã phổ biến khắp châu Âu, đi kèm với sự lan tỏa của nền văn hóa.
Bộ dữ liệu khổng lồ ẩn chứa trong các "bóng ma", nay đã nằm lẫn khuẩn bên dưới các cánh đồng trù phú ở lưu vực Carpathian, sẽ là cơ sở cho một loạt các nghiên cứu khác về các nền văn minh và sự phát triển khoa học kỹ thuật ở châu Âu cổ đại.
Ai Cập: Dùng laser quét kim tự tháp 2.400 năm, chuyên gia phát hiện phán đoán 200 năm trước trở thành sự thật Nhờ sử dụng laser, các chuyên gia phát hiện bí mật bất ngờ trong kim tự tháp 2.400 năm ở Ai Cập. Năm 1836, nhà Ai Cập học John Shae Perring đang tiến hành khai quật kim tự tháp Sahure (hay còn gọi là Sahura) thì phát hiện ra một lối đi đầy mảnh vụn. Là một chuyên gia về sơ đồ mặt...