Quê nhà đón phi công Trần Quang Khải
Giây phút quan tài đại tá phi công Trần Quang Khải được đưa vào ngôi nhà cấp 4 ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang), cụ Trần Văn Phùng đứng không vững, liên tục lấy khăn lau những giọt nước mắt.
Để chuẩn bị cho lễ tang đại tá Trần Quang Khải, phi công hy sinh khi chiếc Su-30MK2 rơi ở biển Nghệ An, Quân chủng Phòng không không quân đã cử lực lượng về quê nhà phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang tiến hành các thủ tục nghi lễ. Trước đó 7h sáng 20/6, lễ viếng và truy điệu anh Khải đã được tổ chức tại Nhà tang lễ Quân khu 4, TP Vinh, Nghệ An.
Bàn thờ đặt di ảnh đại tá Khải được 9 người chị gái chăm chút, cài rất nhiều hoa lan vàng. Theo chị Tiến (cách anh Khải 16 tuổi), vì sinh sau đẻ muộn nên bố mẹ và các chị đều dành tình yêu cho anh. Thuở nhỏ anh hiền lành, học hành chăm chỉ, rất tình cảm. Từ ngày anh Khải vào quân đội, thời gian dành cho gia đình ít đi, nhưng mỗi lần về đều hỏi thăm không trừ một ai.
Mẹ mất cách đây 4 năm, anh Khải ấp ủ kế hoạch xây nhà ở quê để bố an hưởng tuổi già và vợ chồng, con cái về chơi cho thoải mái. Tuy nhiên, kế hoạch đó chưa thể thực hiện thì anh ra đi.
16h ngày 20/6, linh cữu đại tá Trần Quang Khải được đưa về ngôi nhà 5 gian ở thôn Tân Văn, xã Tân Dĩnh.
Video đang HOT
Giây phút quan tài con trai được đưa vào nhà, cụ Trần Văn Phùng đứng không vững. Người đàn ông 90 tuổi, từng là giám đốc một doanh nghiệp địa phương, đã không cầm được nước mắt khi con trai cả của ông, niềm tự hào của gia đình, đã nằm xuống ở tuổi 43.
Cụ Phùng có 11 con (9 gái, 2 trai), anh Khải là con thứ 10, cũng là người mà cụ mong mỏi nhất. “Mấy ngày qua bố không ăn được gì, người yếu đi rất nhiều. Cụ không nói ra nhưng con cháu ai cũng biết cụ đau nhiều lắm. Em tôi mất đi, chẳng khác nào cha tôi mất đi da thịt”, chị Tiến, chị gái thứ ba của đại tá Khải, sụt sùi nói.
Bé con anh Khải được người thân thay nhau chăm sóc. Mãi 40 tuổi anh Khải mới nên duyên vợ chồng với một cô giáo quê Bắc Giang và sinh được một con gái.
Hiện vợ anh Khải thuê nhà sinh sống ở Hà Nội, còn anh công tác tại Thanh Hóa. Nhằm tri ân những đóng góp, hy sinh của phi công Trần Quang Khải đối với quân đội và đất nước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quyết định tuyển dụng vợ anh vào dạy tại trường THPT Chu Văn An theo nguyện vọng cá nhân.
Trong mắt người thân, anh Khải hiền lành, kín tiếng. “Gia đình chỉ biết em làm phi công, chứ không biết cụ thể thế nào, lập nhiều chiến công ra sao. Tận đến lúc cậu ấy mất, chúng tôi mới biết được cậu ấy có nhiều thành tích như vậy”, một người chị gái chia sẻ.
Đại tá Trần Quang Khải là phi công cấp 1, Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không – Không quân. Anh từng được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba.
“Mỗi lúc cậu ấy về nhà, đều bị tôi sai nọ, sai kia. Có lúc cậu ấy đùa ‘Trong quân đội em chỉ huy cả nghìn quân, thế mà về nhà bị chị mắng’. Tôi hay nói lại &’Chẳng biết cậu trong đó thế nào, chứ về nhà vẫn cứ là em của chị’. Mà có mắng gì cậu ấy đâu, chỉ là mắng ít về thăm bố, mắng lấy vợ muộn”, người chị gái chia sẻ.
Lễ tang của đại tá Trần Quang Khải tại quê nhà diễn ra từ 16h tới 21h đêm nay. Dự kiến sáng 21/6, thi hài của đại tá Khải sẽ được hỏa táng ở nghĩa trang Văn Điển, sau đó chôn cất tại nghĩa trang quê nhà xã Tân Dĩnh, Lạng Giang.
Giang Huy – Phan Dương
Theo VNE
Hà Nội tuyển dụng đặc cách vợ phi công Trần Quang Khải
UBND TP Hà Nội quyết định tuyển dụng vợ của đại tá Trần Quang Khải, phi công hy sinh khi chiếc Su-30MK2 gặp nạn lúc huấn luyện sáng 14/6.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và ban ngành liên quan tuyển dụng đặc cách vợ phi công Trần Quang Khải vào ngành giáo dục.
Lãnh đạo Sở Giáo dục cho biết, vợ phi công Khải có bằng thạc sĩ, đang là giáo viên hợp đồng, chưa được biên chế ở trường nào. Chị sẽ được tuyển dụng vào dạy ở trường THPT Chu Văn An theo nguyện vọng. Việc này nhằm tri ân những đóng góp, hy sinh của phi công Trần Quang Khải đối với quân đội và đất nước.
Do anh Khải lập gia đình muộn ở tuổi 40 nên con gái của anh còn nhỏ. Vợ con anh thuê nhà để sinh sống và làm việc tại Hà Nội trong khi anh công tác tại Thanh Hóa, gia đình nội ngoại đều ở Bắc Giang.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi vợ con phi công Trần Quang Khải.
Sáng 14/6, đội hình tiêm kích Su-30MK2 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đến 7h29, chiếc Su-30MK2 mất liên lạc cùng hai phi công là thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi). Một ngày sau, anh Nguyễn Hữu Cường được tàu cá của ngư dân cứu sống tại vùng biển Nghệ An.
Chiều 17/6, ngư dân Nghi Lộc (Nghệ An) phát hiện thi thể phi công Trần Quang Khải quấn trong vải dù, cách đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) khoảng 33 hải lý. Ngay trong đêm, anh Trần Quang Khải được tàu biên phòng đưa về đất liền.
Anh Trần Quang Khải, 43 tuổi, là phi công cấp 1, Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, từng được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba. Ngày 18/6, phi công Trần Quang Khải được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng truy phong quân hàm từ cấp thượng tá lên đại tá.
Lan Hạ
Theo VNE
Dang dở một ngôi nhà nhỏ Phi công Trần Quang Khải ra đi mãi mãi khi mong ước xây cho vợ con một ngôi nhà nho nhỏ, không phải sống cảnh thuê nhà, vẫn còn dang dở. Đồng đội đón thi thể thượng tá Trần Quang Khải về đất liền.ẢNH: KHÁNH HOAN Sau 8 giờ đồng hồ di chuyển trong điều kiện trên biển có gió to và sóng...