Quảng Trị: Trúng tuyển cùng lúc 5 trường đại học, nam sinh mồ côi cha trăn trở trước ngày học
Xuất thân từ vùng quê nghèo khó, cha mất sớm, mẹ hay ốm đau nên mặc dù đủ điều kiện trúng tuyển cùng lúc 5 trường đại học thuộc hàng danh giá trong nước, nam sinh Nguyễn Đình Sáng (quê ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) vẫn mang nhiều nỗi lo khi ngày nhập học đang đến gần.
Trường hợp của em Sáng là thí sinh hiếm hoi tại tỉnh Quảng Trị, bởi sau vinh dự đạt giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa học, Sáng được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh tham dự kỳ thi quốc tế nên em được miễn tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Nỗi lo trước ngày nhập trường của nam sinh nghèo Quảng Trị
Với những thành tích nổi bật ấy, Nguyễn Đình Sáng đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 5 trường đại học theo diện tuyển thẳng. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn buộc em phải có sự cân nhắc, lựa chọn. Em luôn lo lắng về mẹ hay ốm đau, trong khi cả mấy chị em đều học xa nhà.
Học trò nghèo rạng danh xứ cát
Ở vùng quê nơi em Sáng sinh ra và lớn lên cũng như ngôi trường nơi em theo học, không ai xa lạ gì với hình ảnh Sáng đạp xe đạp đi học mỗi ngày. Thầy, cô, bạn bè đều khâm phục tinh thần hiếu học của em Sáng. Dù gia đình khó khăn nhưng em vẫn quyết tâm vươn lên trong học tập và đạt nhiều thành tích cao ở các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng chị em Sáng luôn nỗ lực học tập, được thưởng hàng loạt tấm Giấy khen, Bằng khen.
Nhắc đến con trai, đôi mắt chị Trần Thị Phượng ánh lên vẻ tự hào. Chị Phượng cho biết Sáng là cậu con trai sống có trách nhiệm, biết lo lắng, quan tâm đến người thân.
“Cha Sáng mất khi cháu học lớp 8 nên có lẽ Sáng đã phần nào ý thức được trách nhiệm của bản thân và sống tự lập. Biết hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, Sáng chưa bao giờ đòi hỏi gì ở mẹ. Trái lại, cháu luôn quan tâm đến sức khỏe của tui, động viên tui cố gắng. Cháu rất ngoan hiền và chăm chỉ học tập. Tui rất tự hào về con, dù khó khăn nhưng thấy con hiếu học, tui cũng mừng.”
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng em Nguyễn Đình Sáng
Chị Phượng kể, từ bé Sáng đã biết đọc và nhận biết rất nhanh. Khi lớn lên, cháu thường trốn vào góc khuất, đọc lén sách vở của các chị. Nhờ tính nhanh nhẹn, ham học mà cháu luôn đạt kết quả tốt, kỳ thi nào cháu cũng đạt giải cao.
Hoàn thành chương trình THCS, Sáng dự định thi vào trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn tại TP Đông Hà để thử sức. Không ngờ, em trúng tuyển và trở thành thủ khoa của trường này.
“Lúc ấy, tui động viên cháu học ở gần nhà cho đỡ tốn học phí vì nhà nghèo, đi lại cũng gần. Nhưng rồi cháu quyết tâm nên tui cũng xuôi theo. Tui sợ cháu sẽ mặc cảm, bởi bạn bè đều là con nhà có điều kiện, còn mình không có gì. Thế nhưng, tui cảm thấy vui khi biết cháu không hề lấy sự khó khăn ấy làm ái ngại để tập trung vào việc học tập”, chị Phượng kể.
Trong 3 năm học cấp ba, Sáng phải đạp xe từ nhà đến trường gần 30 km để học tập. Thầy cô, bạn bè biết được hoàn cảnh của em cũng khuyên em ở lại ký túc xá của trường để tiện cho việc học, nhưng Sáng không bao giờ thôi lo lắng về mẹ.
Em Sáng không quản ngại vất vả để đỡ đần việc nhà cho mẹ
Chị Phượng – mẹ Sáng thường hay ốm đau, bị thoái hóa cột sống, suy nhược thần kinh tim,… nên không làm được việc nặng. Nhiều lúc, chị kiệt sức rồi ngã quỵ giữa nền nhà. Đã từng thấy mẹ rơi vào tình trạng kiệt sức, Sáng luôn canh cánh trong lòng và tranh thủ việc học để ở gần chăm sóc. Để có kinh phí học tập, Sáng còn nhận dạy kèm cho bạn. Buổi nào được nghỉ, Sáng đạp xe về nhà giúp mẹ việc gia đình.
Tuy vậy, trong 3 năm học THPT, ngoài việc đạt thành tích xuất sắc, các giải học sinh giỏi cấp tỉnh, em Nguyễn Đình Sáng cũng vinh dự 2 lần đạt giải Nhì quốc gia môn Hóa năm lớp 11 và lớp 12.
Hoàn cảnh còn khó khăn, song chị Phượng đã chịu đựng đắng cay, vất vả, gồng gánh nuôi 3 đứa con đi học. Con gái đầu của chị học Đại học Luật TPHCM sắp ra trường. Cháu thứ hai học Quản trị Kinh doanh – ĐH Nông lâm TPHCM năm thứ 3. Còn em Sáng chuẩn bị bước vào đại học.
“Khi cha các cháu mất, cháu gái lớn bắt đầu học đại học, cháu Sáng mới học lớp 8. Những tưởng đường học của các cháu đứt đoạn, nhưng nhờ sự giúp đỡ của mọi người nên các cháu mới học đến hôm nay”, chị Phượng nói.
Nỗi lo trước ngày nhập trường
Sau đợt xét tuyển vừa qua, em Nguyễn Đình Sáng đã trúng tuyển vào 5 trường đại học trong nước theo diện tuyển thẳng gồm: Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở phía Nam), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Y dược TPHCM và Trường ĐH Y Hà Nội.
Sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, Sáng quyết định nhập học tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) để ở gần các chị, khi cần chị em có thể hỗ trợ nhau.
Hai mẹ con suy tư, đắn đo trước quyết định chọn trường học
Cầm trên tay tấm giấy báo nhập học nhưng hai mẹ con cứ suy tư, lo lắng. Để trấn an mẹ, Sáng cứ động viên mẹ yên tâm, em sẽ tự lo việc học tập và gắng thu xếp đi làm thêm để kiếm tiền trang trải học tập.
Dù nói vậy cho mẹ vui chứ em cũng chưa xác định cụ thể mình sẽ làm gì để có tiền lo các chi phí. Sáng đặt cho mình mục tiêu trước mắt sẽ kiếm được học bổng để đỡ chi phí.
Chia sẻ về quyết định của mình, Sáng nói rằng, em chọn ngành Kỹ thuật Hóa học của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) vì cũng sát với niềm đam mê Hóa học của em. Hơn nữa em đã có kiến thức cơ bản về nó. Trong khi hoàn cảnh của em không cho phép để học những ngành đào tạo lâu năm.
Không để cho ước mơ của con dang dở, chị Phượng quyết định đi mượn tiền hàng xóm cho con đóng học phí nhập trường. Nhờ người bạn của cha cháu giúp đỡ, chị Phượng đã vay được một khoản cho chị em Sáng.
“Tui chưa biết sẽ lấy gì để trả lại, nhưng đành chấp nhận để cho con đi học. Tui ở nhà nhịn ăn, nhịn mặc chút ít để dành tiền cho cháu đi học cũng được. Mong rằng, sau này các cháu học xong, tốt nghiệp và có việc làm thì chúng kiếm tiền để trả. Tâm nguyện của tui cũng như chồng lúc còn sống cũng quyết tâm cho các con đi học chu đáo. Dù nhà không có tài sản gì đáng giá, nhưng có được cái chữ, tui cũng mãn nguyện”, chị Phượng tâm sự.
Dữ liệu về kết quả tuyển thẳng của em Sáng đối với 5 trường Đại học
Tiếp chuyện phóng viên, ánh mắt của hai mẹ con em Sáng thể hiện rõ sự ưu tư. Là một học sinh tài năng, ngoan ngoãn, có ý thức trách nhiệm, nhưng hoàn cảnh khó khăn buộc em Sáng phải trăn trở để quyết định bước đi phù hợp nhất với gia cảnh của mình.
Còn mẹ em cũng không khỏi lo lắng cho các con trong những năm học xa nhà, bởi chị em Sáng phải tự bươn bả để kiếm tiền học tập. Với đồng lương trợ cấp phụ nữ đơn thân hơn 500 ngàn đồng của chị thực sự không đủ lo chi phí học tập cho các con và thuốc thang cho mình lúc ốm đau.
Em Nguyễn Đình Sáng cho biết, em đã quyết tâm là sẽ sớm lên đường để kịp tiến độ học tập vào ngày 18/8 tới. Tuy vậy, Sáng vẫn mang nặng băn khoăn phải xa quê học tập, để mẹ em ở một mình.
“Em rất lo lắng cho mẹ em, bởi bà hay đau ốm, sẽ không có em ở bên chăm sóc. Trong khi đó, chúng em học xa nhà, mỗi khi mẹ ngã bệnh không có ai đưa đi khám”, Sáng nói.
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đối với em Nguyễn Đình Sáng, xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại của em: 0888 433 051. Trân trọng!
Đăng Đức
Theo Dân trí
Bạn đọc viết: Nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia lại càng nảy sinh tiêu cực
Nếu giao kỳ thi về cho các địa phương, sẽ có sự khác nhau giữa các địa phương trong việc ra đề, tổ chức thi, dẫn đến kết quả là khác nhau, mất đi sự công bằng giữa các thí sinh ở các địa phương. Nếu giao kỳ thi về các trường đại học thì càng nảy sinh tiêu cực vì mỗi ĐH, CĐ có thể coi là một "ốc đảo"...
Nếu giao kỳ thi THPT cho địa phương hay đại học tổ chức lại càng nảy sinh tiêu cực
Một giảng viên đại học, hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Australia cho biết, những ngày vừa qua, tôi đọc khá nhiều bài báo viết về Kỳ thi THPT quốc gia, tuy nhiên, tôi nhận thấy cần có cái nhìn khách quan và khoa học hơn về Kỳ thi THPT quốc gia.
Một số giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia giáo dục... đưa ra ý kiến việc tuyển sinh Đại học Bộ GD&ĐT nên để các trường tự chủ, kết quả kỳ thi không tuyển được những sinh viên đáp ứng yêu cầu của các trường, việc thi tốt nghiệp THPT nên giao về các địa phương.
Tuy nhiên, theo nhận định của cá nhân tôi, nhiều ý kiến cho thấy cái nhìn chưa được toàn diện và chưa sát với thực tế.
Theo Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ hiện nay, các trường ĐH, CĐ tự chủ trong phương án tuyển sinh. Các trường tự xây dựng phương án tuyển sinh dựa trên các điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giảng viên...(các trường có thể chọn xét tuyển, hay tự tổ chức thi tuyển). Vì vậy việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia không ảnh hưởng gì đến quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh.
Nên giữ kỳ thi THPT quốc gia
Việc nên bỏ hay giữ kỳ thi THPT quốc gia, ý kiến cá nhân tôi là chúng ta nên giữ Kỳ thi THPT quốc gia với một số lý do sau:
1. Nếu giao về các địa phương, sẽ có sự khác nhau giữa các địa phương trong việc ra đề, tổ chức thi, dẫn đến kết quả là khác nhau, mất đi sự công bằng giữa các thí sinh ở các địa phương.
2. Học sinh được đánh giá bởi các địa phương sẽ dẫn đến một số địa phương buông lỏng kỳ thi như đã từng xảy ra trong các giai đoạn trước. Việc này sẽ có thể dẫn đến học sinh có tâm lý chủ quan, ý thức học tập giảm sút.
Quá trình học tập ở trường được đánh giá bởi các thầy cô trong khi đó với tâm lý dễ dãi, cả nể, thương học trò của một bộ phận thầy cô giáo sẽ dẫn đến tiêu cực trong kiểm tra đánh giá, thi cử. Hiện tượng chạy điểm có thể sẽ trở nên phổ biến.
3. Công tác tổ chức thi hiện tại được tổ chức tại các địa phương với sự tham gia của các cấp chính quyền, từ tổ chức thi tới chấm thi, chỉ có khâu ra đề được thực hiện ở Bộ GD&ĐT, điều này đảm bảo cung cấp một thước đo chung trong toàn quốc. Đồng thời cách tổ chức hiện tại đề cao yêu cầu trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thi và chấm thi.
Vừa qua xuất hiện hiện tượng tiêu cực tại một số địa phương, tuy nhiên nếu nhìn trên diện rộng, kỳ thi đã được tổ chức rất tốt, nếu lãnh đạo tại các địa phương sâu sát chỉ đạo trong việc thực hiện nghiêm túc quy chế thi thì các tiêu cực có thể đã không xảy ra. Việc điều chỉnh quy chế trong các kỳ thi tiếp theo sẽ hạn chế được các tiêu cực đã phát sinh.
4. Cá nhân tôi đã công tác tại trường Đại học và tham gia công tác khảo thí và một số công tác khác, tôi biết là có tiêu cực tại kỳ thi ĐH, CĐ trước đây, nhưng mỗi ĐH, CĐ có thể coi là một "ốc đảo" nên những tiêu cực trong tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây rất ít báo chí và dư luận nắm được. Do vậy, việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia sẽ giúp các trường có một kết quả công bằng và chính xác hơn.
Ngoài ra, nếu các trường ĐH, CĐ tự tổ chức một kỳ thi riêng, việc có kết quả từ Kỳ thi THPT quốc gia với một thang đo chung sẽ giúp giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra tại các trường ĐH,CĐ do sẽ rất dễ bị phát hiện (như một số thí sinh có kết quả thi thử và thi THPT quốc gia cao bất thường đã được báo chí và dư luận phát hiện).
Đề xuất hướng nâng cao chất lượng Kỳ thi THPT quốc gia
1. Kỳ thi THPT Quốc gia vẫn do các tỉnh chủ trì. Tuy nhiên sẽ có một số thay đổi trong việc bố trí đội ngũ cán bộ. Trưởng điểm và trưởng ban thư ký các điểm thi sẽ là cán bộ ĐH, CĐ. Chủ tịch hội đồng chấm thi, trưởng ban thư ký hội đồng chấm thi là cán bộ ĐH, CĐ. Phó trưởng điểm thi, phó ban chấm thi và một số cán bộ khác tham gia công tác tổ chức thi và chấm thi do địa phương cử nhằm sắp xếp các công tác hậu cần cho kỳ thi.
2. Thí sinh thi tự do được sắp xếp trộn cùng với nhau, không phân theo đối tượng dự thi.
3. Lắp camera tại phòng họp các hội đồng thi để kiểm soát quá trình sắp xếp giám thị phòng thi, giám thị hành lang đảm bảo bốc thăm bố trí cán bộ là ngẫu nhiên vì trong quá trình bốc thăm giám thị có thể xảy ra tình trạng sắp xếp cán bộ coi thi.
4. Việc chấm thi các môn trắc nghiệm thì vẫn sẽ thực hiện tại các tỉnh, trưởng ban chấm thi, trưởng ban thư ký là cán bộ ĐH, CĐ, phó trưởng ban chấm thi, và một số thành viên khác của ban chấm thi là cán bộ địa phương. Khu vực chấm thi được bố trí bởi các địa phương. Địa điểm này là khu vực cách ly như khu vực làm đề với tính bảo mật cao. Ngoài ra, để tăng cường công tác giám sát, khu vực này được bố trí một số camera giám sát tại mỗi phòng chấm trắc nghiệm (ít nhất 5 camera: 4 ở các góc phòng và 1 ở giữa phòng), đồng thời sắp xếp cán bộ giám sát quá trình chấm thi qua camera từ các địa phương khác hoặc các trường ĐH, CĐ. Riêng đối với môn Ngữ văn thì tổ chức chấm thi theo cụm.
5. Túi đựng bài thi ngay sau khi bóc sẽ đưa vào máy quét, dữ liệu quét ngay lập tức được lưu trữ tại một thư mục online có lưu vết mọi hành động ghi, xóa, sửa file, đảm bảo việc truy vết (Có thể quy định không được phép sửa file tại thư mục quét này, việc hiệu chỉnh sẽ được diễn ra tại một thư mục sao với biên bản kèm theo).
Tóm lại, hình thức tổ chức thi hiện tại phù hợp với điều kiện thực tiễn của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy Bộ GD&ĐT nên tiếp tục duy trì tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, nên có một số điều chỉnh để công tác tổ chức thi được tốt hơn.
Thứ nhất, cần hoàn thiện các khâu kỹ thuật để kỳ thi tốt hơn; tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn, đảm bảo chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia.
Thứ hai, hoàn thiện phần mềm chấm thi, tăng cường công tác bảo mật.
Thứ ba, thực hiện các thay đổi trong khâu chấm thi nhất là với các bài thi tự luận, có thể tiến hành chấm thi theo cụm.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra ở các địa phương.
Thứ năm, lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi phải là những cá nhân có tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, tập huấn đầy đủ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ. Về mặt lâu dài, nên thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, các trung tâm này sẽ tổ chức thi thành nhiều đợt trong năm bằng hình thức thi trên máy tính.
Một giảng viên đại học, hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Australia.
Theo Dân trí
Thủ khoa các trường ĐH ở phía Nam được bao nhiêu điểm? Sau khi công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển, nhiều thủ khoa đầu vào của các trường đại học ở phía Nam đã lộ diện. Ảnh minh họa Thông tin từ Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết thủ khoa của trường đạt là 28.3 (chưa tính điểm ưu tiên). Theo đó thí sinh này trúng tuyển vào...