Quảng Trị: Lạ mắt chiếc xe “siêu độc” của cậu bé lớp 3 người Vân Kiều
Chiếc “siêu xe” đồ chơi của cậu học sinh lớp 3 ở xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị gây được sự chú ý bởi nó được thiết kế rất kỳ công, với bánh lốp cao su, người lớn cũng có thể ngồi trên xe.
Mặc dù tính cách khá nhút nhát trước người lạ, song em Hồ Văn Thiết – học sinh lớp 3C Trường TH-THCS Ba Tầng tỏ ra rất thông minh và linh hoạt. Đặc biệt, những sáng tạo của em cũng dành được sự khen ngợi của các thầy, cô giáo và bạn bè.
Em Thiết chế tạo xe đồ chơi vừa là thú vui và thỏa chí tò mò.
“Siêu xe” đồ chơi của cậu bé Vân Kiều.
Chiếc “siêu xe” đồ chơi do em Thiết chế tạo gần đây được nhiều người khen ngợi. Thiết cho hay, do gia đình khó khăn, không có tiền mua các đồ chơi đắt tiền nên em làm xe gỗ vừa để chơi, vừa ham thích khám phá. Chiếc xe làm bằng những vật dụng sẵn có trong cuộc sống: ván vụn, cây gỗ, vòng bi xe, lốp cũ… Dụng cụ làm xe cũng chỉ là chiếc rựa, cây cưa, búa.
Trong căn nhà của gia đình em ở thôn Cu Tiêng (xã Ba Tầng, huyện Hướng Hoá), không khó để tìm thấy những vật dụng dùng để chế xe.
Anh Lét và vợ cũng bất ngờ với những thứ con tạo ra.
Bố em Thiết là Hồ Pa Lét (40 tuổi, người Vân Kiều) nói rằng, hai vợ chồng có 3 đứa con, Thiết có người em sinh đôi và một em gái. Gia đình trồng lúa kết hợp với làm nương rẫy, trồng sắn nên điều kiện sống còn khó khăn. Hai vợ chồng cố gắng cho con đi học để biết cái chữ.
Theo lời của anh Lét, ngày thường Thiết nhanh nhẹn nhưng cũng rất nhút nhát. Cháu hay tìm tòi các thiết bị điện tử bị hỏng, xe cộ. Nhiều tháng trước, gia đình thấy cháu sưu tầm về nhà nhiều lốp xe, vòng bi, gỗ cũ và dây thép. Hỏi nhưng cháu không nói, chỉ mang búa, kìm, dao quắm, liềm ra góc vườn cặm cụi làm.
Chỉ với các vật dụng đơn giản, Thiết tạo xe đồ chơi cho chính mình.
Vài ngày sau, gia đình thấy cháu cưỡi trên một chiếc xe gỗ, thả từ đỉnh dốc của con đường nhựa trước mặt nhà, nhìn cũng rất bắt mắt vì có điểm gần giống với xe thật.
Chiếc xe cao khoảng 50 cm, dài 80 cm. Hai bánh xe làm từ miếng gỗ nguyên khối, giữa đục lỗ để đặt hai vòng bi, bên ngoài bọc 4-5 lớp cao su từ lốp xe cũ. Trục bánh xe làm từ thanh cây ổi tươi. Tất cả được đẽo bằng dao quắm, cưa vừa vặn rồi gắn kết bằng đinh, dây thép.
Em trai Thiết ham thích chiếc xe của anh làm.
Em Thiết cho biết, hàng ngày em nhìn thấy các phương tiện xe máy, xe ô tô tải thu mua sắn… đi qua trước nhà. Em chú ý các chi tiết và bắt đầu sưu tầm gỗ để chế tạo xe với mục đích vui chơi. Mỗi chiếc xe được cháu làm trong thời gian 2 ngày. Gỗ thì có sẵn, lốp đi xin lại đồ cũ, các chi tiết kim loại xin từ người cậu.
Chiếc xe hoàn chỉnh từ ván gỗ, cao su…
“Trước đó, Thiết có làm được chiếc xe tải và 2 chiếc xe máy đồ chơi. Sau hai chiếc xe máy đồ chơi được bán lại cho bạn với 20 ngàn đồng/chiếc để mua bánh kẹo. Bây giờ chỉ còn lại chiếc này. Khi bắt tay vào làm cháu rất tập trung. Thấy con làm được xe để chơi vậy miềng cũng vui”, anh Lét nói.
Thiết điều khiển “siêu xe” trên đường.
Sau một buổi đi học, Thiết lại về mân mê với vòng bi, dây cót, các thiết bị điện tử và ván gỗ để làm xe. Hai vợ chồng anh Lét cũng tỏ ra vui mừng vì thấy con thích khám phá. “Miềng (mình) thấy thú vị khi thấy con chế tạo mấy chiếc xe gỗ đồ chơi. Dù không có ai bày vẽ cho nó hết”.
Anh Pa Lét nói, cháu ham vui với việc chế tạo xe, việc học ở trường diễn ra bình thường. Vợ chồng tui cũng thường nhắc các cháu phải chú ý học tập.
Đ. Đức
Theo Dân trí
Hà Tĩnh: Không biết đọc, biết viết vẫn được lên lớp 3
Đã lên lớp 3, nhưng một học sinh ở Hà Tĩnh vẫn không đọc được, không biết ghép vần để viết, các phép tính cộng, trừ trong phạm vi 10 không biết làm.
Theo phản ánh của giáo viên đang dạy tại Trường Tiểu học Cẩm Sơn, nhiều học sinh ở trường này đang có hiện tượng "ngồi nhầm lớp", khi lên lớp 3, lớp 4 song đọc, viết còn kém.
Cá biệt là em Trần Cẩm T., học sinh lớp 3A. Em T. không thuộc diện học sinh hòa nhập, tuy nhiên, em không đọc được các bài tập đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, không biết ghép vần viết chữ cái, các phép tính cộng, trừ trong phạm vi 10 không làm được.
Lên lớp 3 song em Cẩm T. không biết đọc, biết viết
Nhận được phản ánh, chúng tôi nhờ em tập đọc một số câu đơn giản trong sách giáo khoa em chật vật đánh vần từng chữ nhưng đọc hoàn toàn sai, thậm chí không phân biệt được các dấu.
Ông Phan Hồng Cảnh, Hiệu phó thừa nhận, T. không thuộc đối tượng học sinh hòa nhập, dù lớp 3 nhưng em học quá yếu, không đọc được, viết được.
Bố em T., ông Trần Văn Ngư bộc bạch: "Cháu phát triển bình thường, không có khiếm khuyết trên cơ thể, tâm lý không có biểu hiện bất thường. Song, cháu học quá kém, không biết đọc, biết viết, và không nhớ những gì mình học.
Ông Ngư nói thêm, từ năm cháu học lớp 1 ở trường Cẩm Sơn, giáo viên chủ nhiệm có gọi cho gia đình nói cháu học rất kém, có hồ sơ khuyết tật mới đủ điều kiện lên được lớp. Tuy nhiên, gia đình tôi quá bận nên chưa đưa con khám hay làm đơn khuyết tật như giáo viên yêu cầu. Và cháu vẫn lên tới lớp 3".
Trong khi đó, học bạ của em Cẩm T. lớp 1, lớp 2 được giáo viên chủ nhiệm phê hoàn thành chương trình học, đủ điều kiện để lên lớp.
Bà Hoàng Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm em Cẩm T. cho biết: Cháu vào học lớp 3 tuy đọc, viết khó khăn và không nhớ kiến thức cơ bản ở lớp 1 và 2.
Trường Tiểu học Cẩm Sơn
Tuy vậy, cô Hương khẳng định, không có việc em T. ngồi nhầm lớp.
Theo cô Hương, khi em T. kiểm tra chất lượng cuối năm lớp lớp 2 môn Toán và Tiếng Việt, em chỉ làm được mức 4 điểm song nhà trường nói T. có danh sách khuyết tật nên đủ điều kiện học ở lớp 3.
"Cuối năm lớp 2, cháu không đủ điều kiện để lên lớp 3 song nhà trường đã gọi điện cho gia đình và phụ huynh đã đồng ý qua điện thoại sẽ làm đi làm hồ sơ khuyết tật cho con họ", bà Hương cho biết.
Học bạ lớp 2 của em T. được giáo viên chủ nhiệm phê hoàn thành chương trình học, đủ điều kiện lên lớp 3
Bà Trần Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Tiểu học Cẩm Sơn khẳng định, nhà trường luôn chăm lo chất lượng học sinh, và không hề có hiện tượng học sinh ngồi "nhầm lớp", còn trường hợp của em Cẩm T. là trường hợp "đặc biệt".
Bà Phượng giải thích, em T. có hộ khẩu ở ngoài Bắc, gia đình chuyển về làm ăn ở đây, học lớp 1 ngoài kia.
Năm học 2016- 2017, trường tiếp nhận T. vào học, em không hề biết đọc, phải tiếp tục học lại lớp 1. Trong quá trình theo dõi nhận thấy em học quá yếu. Tuy nhiên, gia đình đã đồng ý sẽ làm hồ sơ khuyết tật nên trường mới cho em lên lớp.
Đậu Tình
Theo vietnamnet
Gia Lai: Cậu học sinh 8 tuổi "liều mình" cứu bạn cùng lớp bị đuối nước Đang lang thang tìm bò lạc, bất ngờ em Gơng (8 tuổi, học sinh lớp 3, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa) thấy các anh chị cùng trường đang hốt hoảng kêu cứu. Thấy vậy, Gơng vội chạy đến thì thấy người bạn cùng lớp của mình đang chìm dần dưới hồ nước nên em đã liều mình nhảy xuống để cứu bạn...