Quảng Trị: Khát khao trở thành cô giáo, nữ sinh nhà nghèo nuôi gà, bán cà phê gom góp tiền công để nhập học
Chỉ còn 5 ngày nữa là đến ngày nhập học Trường ĐH Sư phạm Huế, nhưng nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hương phải trăn trở suy nghĩ, lựa chọn giữa việc gác lại ước mơ làm cô giáo, ở nhà đi làm phụ cha mẹ, hay quyết tâm vừa làm vừa học.
Mang niềm khát khao trở thành cô giáo dạy trẻ, Nguyễn Thị Thu Hương (SN 2001, trú tại thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã luôn nỗ lực cố gắng suốt 12 năm học và vượt qua kỳ thi THPT quốc gia để chạm đến ước mơ trở thành tân sinh viên của ĐH Sư phạm Huế.
Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến nữ sinh nhà nghèo tại Quảng Trị phải đắn đo lựa chọn, bởi em lo sợ rằng, cha mẹ mình sẽ không đủ sức nuôi cả mấy chị em đi học trong những năm tới…
Đi làm thêm kiếm tiền nhập học
Hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi năng khiếu của trường ĐH Sư phạm Huế, Hương lại thu xếp thời gian đi bán cà phê.
Được người quen thuê, Hương đi bán cà phê, nhận lấy 50 ngàn tiền công mỗi ngày để có tiền nhập học.
Công việc của Hương bắt đầu vào mỗi buổi sáng và kéo dài đến trưa. Buổi chiều, em ở nhà phụ giúp gia đình những công việc trong nhà, chăn nuôi lợn, gà.
Dẫu số tiền công thu được mỗi ngày chỉ chừng 50 ngàn đồng, nhưng Hương luôn ấp ủ những đồng tiền kiếm được sẽ cho mình thêm cơ hội được đến trường.
Con đậu đại học, mẹ nghèo ngậm khóc trong nước mắt!
Gia đình Hương xuất thân từ nghề nông. Sau mỗi mùa ruộng nương, cha em là ông Nguyễn Văn Tám phải đi làm thợ hồ để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Mẹ em hàng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quần quật với mấy sào ruộng.
Tuy vất vả nhưng công việc của cha em cũng không được thường xuyên. Nguồn thu nhập mỗi ngày chừng 200 ngàn đồng không đủ trang trải mọi thứ. Thu hoạch mỗi mùa được vài tạ lúa cũng chỉ đáp ứng được lương thực cho cả gia đình.
Trong khi đó, cha mẹ Hương phải chăm sóc cho người cô ruột bị bệnh nhiều năm qua, thần kinh không bình thường, không có khả năng lao động.
Hương có 3 chị em, chị gái đầu hiện đang học Sư phạm tại TP Hồ Chí Minh, em trai chuẩn bị bước vào lớp 11.
Thời gian ở nhà, Hương giúp mẹ thái rau cho gà, vịt.
Thấu hiểu sự khó khăn của cha mẹ, 3 chị em Hương đều quyết tâm cố gắng trong học tập, mong đáp lại sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ mình. Các em luôn nỗ lực trong học tập với ước ao thay đổi số phận, cuộc sống về sau đỡ vất vả hơn. Nhờ sự cố gắng đó, cả 3 chị em đều đạt lực học khá giỏi.
Chông chênh giấc mơ đến giảng đường
Hoàn thành kỳ thi với tổng điểm 3 môn Toán, Văn và năng khiếu là 20,1 điểm, Hương ngày đêm kỳ vọng mình sẽ hoàn thành mục tiêu vào Đại học. Đến khi nhà trường công bố điểm chuẩn, đối chiếu với điểm thi của mình, Hương vui mừng khôn xiết.
Em vui mừng vì đã cầm trên tay giấy báo trúng tuyển nhập học, chạm đến mơ ước trở thành cô giáo.
Vậy là, sau bao năm trời cố gắng không mệt mỏi, em đã chạm đến ước mơ trở thành cô giáo dạy trẻ. Cổng trường đại học đã ở trước mắt, tương lai em dần mở ra với biết bao viễn cảnh tươi đẹp.
Trước niềm vui của con, bà Đào Thị Lý cũng thấy tự hào. Tuy nhiên, mấy ai hiểu được nỗi lo lắng trong lòng người mẹ nghèo. Bà không muốn con phải dừng lại, nhưng bản thân cũng chưa nghĩ ra cách gì để nuôi con trong những năm học tiếp theo.
Bao năm qua, vợ chồng bà không quản ngại khó khăn để chăm sóc cho chị của chồng không có khả năng lao động và nuôi dưỡng 3 đứa con đi học. Trong khi người con gái đầu chưa tốt nghiệp ra trường, con gái thứ hai lại thi đậu đại học khiến bà không khỏi suy nghĩ.
“Cháu thi đậu đại học, vợ chồng tui cũng rất mừng. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên hai vợ chồng cũng chưa biết có xoay xở được cho cháu đến trường hay không? Bởi, bản thân tui cũng thường hay đau ốm, một mình chồng phải vất vả làm thuê nuôi sống cả mấy miệng ăn”, bà Lý trăn trở.
Mừng vui với kết quả của con, bà Lý cũng không khỏi lo lắng. Thương con, bà không muốn con gái phải nghỉ học, nhưng chính bà cũng chưa tìm được cách nào để lo cho con học tiếp.
Thế nhưng, bậc làm cha, làm mẹ không một ai muốn con của mình chịu thua thiệt so với bạn bè. Nghĩ đến điều đó, bà Lý lại rơi nước mắt, nghĩ bụng phải quyết tâm cho con tiếp tục đi học.
“Vợ chồng tui vất vả bao lâu nay cũng chỉ mong cho các con được học hành đến nơi đến chốn, không thua kém bạn bè. Thấy các con hiếu học, chăm ngoan nên vợ chồng tui cũng vui sướng. Cháu Hương rất thích được vào trường Sư phạm, nếu bây giờ để cháu nghỉ học thì vợ chồng tui sẽ ân hận lắm. Vợ chồng tui sẽ động viên nhau cố gắng lao động, kiếm tiền để chu cấp cho con đến cùng. Tui sẽ cố gắng chạy vạy để vay mượn bà con lối xóm, thậm chí phải làm thêm để đóng học cho con”, bà Lý tâm sự.
Bản thân Hương luôn quyết tâm vượt khó, không quản ngại vất vả để vừa giúp gia đình vừa học tập tốt.
Chỉ còn 5 ngày nữa là đến ngày nhập học, nhưng Hương phải trăn trở suy nghĩ, hoặc là gác lại ước mơ ở nhà đi làm phụ cha mẹ, hay quyết tâm vừa làm vừa học. Những ngày này, bản thân Hương cũng đang cố gắng đi bán cà phê cho người khác để kiếm tiền công, cũng nhằm tìm kiếm cơ hội tiếp tục đến trường.
Nữ sinh cố gắng chăm đàn gà, vịt để bán lấy tiền đi học.
Gặp chúng tôi, Hương nói sẽ cố gắng hơn để có thể bước chân vào giảng đường Đại học. Hương nhẩm tính, chi phí nhập học ban đầu như nộp các khoản, thuê nhà trọ… cũng tốn không dưới 3 triệu đồng. “Trước mắt, em sẽ thuyết phục mẹ vay mượn cho em nhập trường. Sinh viên sư phạm như em đã được miễn học phí nên khi vào trường em sẽ đi làm thêm để trang trải các khoản sinh hoạt. Bốn năm đại học sẽ rất khó khăn, nhưng em tin rằng, bản thân mình sẽ làm được”, Hương bày tỏ.
Lời tâm sự của Hương khiến chúng tôi nghẹn ngào. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình mình, Hương đã chịu thương, chịu khó, ham học tập suốt bao năm với hy vọng thay đổi cuộc sống. Thế nhưng, chặng đường tương lai phía trước của nữ sinh này có thể còn gập ghềnh chông gai…
Đ. Đức
Theo Dân trí
Trăn trở của phụ huynh "già" có con vừa đỗ Đại học: Lúc con ra trường bố mẹ đã 70 tuổi, con phải cố gắng vì bố mẹ không thể theo con suốt cuộc đời
Khi nhắc đến công lao dưỡng dục của các đấng sinh thành thì không một mỹ từ nào có thể diễn tả hết được.
Đặc biệt, đến mùa thi cử nhập học của các sĩ tử, ta lại càng thấu hiểu thêm được tình thương bao la ấy khi chứng kiến những hình ảnh đầy lo lắng nhọc nhằn của các bậc phụ huynh.
Lúc giấy báo trúng tuyển đến nhà, cha mẹ ôm nhau mừng rỡ, nhưng sau đó là những đêm trằn trọc thở dài vì khoản học phí cho con nhập học sắp tới, theo đó lại là nỗi lo hành lý, chỗ ở đàng hoàng, giá cả phải chăng để con có thể yên tâm học hành. Và cũng không ít cha mẹ đứng ngồi không yên vì sợ con sẽ bị những cám dỗ ngoài đô thị rộng lớn phồn hoa kia làm cho vấp ngã, bởi từ trước đến nay con chỉ là cô cậu bé ngây thơ hiền lành quẩn quanh xóm nghèo nhỏ bé...
Lắng nghe những lời trăn trở của các bậc phụ huynh trong ngày nhập học cho con em mình tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội mới biết rằng: trong mắt cha mẹ con cái gì có trưởng thành và mạnh mẽ đến đâu, cũng chỉ là đứa con bé bỏng, chưa bao giờ cha mẹ hết canh cánh trong lòng!
Tân sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhập học từ 10-15/8.
Rất đông phụ huynh có mặt từ sớm tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội để tiến hành nhập học cho con em.
Chờ đợi con trong cái nóng oi bức.
Nụ cười tươi của một ông bố.
Một ông bố đọc lại thật kỹ hồ sơ của con.
Một người đỗ, cả nhà vui.
Muôn kiểu đợi con ngày nhập học.
Vẫn biết 4-5 năm đại học chính là bước khởi đầu để con tiến ra đại dương nhiều sóng to gió lớn hơn. Nhưng trong lòng cha mẹ vẫn không giấu nổi sự ưu tư, lo lắng.
Con đỗ đại học là ước mơ của cả gia đình
Đó là lời chia sẻ của ông Trần Đức Huy phụ huynh Đặng Đức Anh trúng tuyển vào Viện Ngoại ngữ, Đại học Bách Khoa Hà Nội: " Đây là mơ ước của ông bà, bố mẹ các cháu, ngày tháng cứ trông mong cho cháu đỗ đại học. Hôm nay thực sự ông rất phấn khởi, thấy cảnh sinh viên hồ hởi đăng ký nhập học, nhìn vào lớp chủ nhân tương lai của đất nước thực sự ông rất vui. Ông cũng động viên cháu nó cố gắng học tập, làm sao trở thành những sinh viên không xuất sắc thì cũng giỏi, phục vụ cho nước nhà.
Gia đình ông bà mong chờ lắm, chuẩn bị cho ngày nhập học ai cũng vui trong lòng, tính xem chuẩn bị cho cháu nó những gì rồi liên hoan một bữa cho nó phấn khởi, cho cháu nó tự tin thể hiện được cái mong muốn của bố mẹ, gia đình. Quan trọng nhất là khi vào học rồi, đến khi ra trường phải tích lũy được kiến thức, chứ không phải là học để trả bài. Chắc cũng không phải riêng ông đâu, mà là tâm lý chung của mọi bậc phụ huynh, ai cũng hi vọng con em mình thành tài".
Ông Trần Đức Huy phụ huynh Đặng Đức Anh trúng tuyển vào Viện Ngoại ngữ.
Học đại học không giống thời phổ thông, nếu con không bản lĩnh sẽ dễ bị cám dỗ
Chốn thành thị nhiều cám dỗ và cạm bẫy, điều này càng trở nên nguy hiểm với những bạn từ ở quê lên thành phố học - vốn hiểu biết về xã hội và cuộc sống nơi đây quá ít. Những trò lừa đảo bủa vây các bạn dưới đủ mọi hình thức, mà chỉ cần một chút bất cẩn hay một chút "thiếu bản lĩnh" thì bạn sẵn sàng bị sa chân ngay lập tức. Điều đó khiến không ít phụ huynh dè dặt và nơm nớp lo cho con khi bước chân lên thành phố nhập học.
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền phụ huynh em Nguyễn Minh Hiếu trúng tuyển ngành IT, Đại học Bách Khoa Hà Nội: " Trước khi nhập học cô xem rất kĩ thông tin của nhà trường rồi cách nhập học, nói chung ngày hôm nay hoàn thành khá nhanh bởi nhà trường hướng dẫn rất đầy đủ. Lúc ban đầu, thực sự cô rất băn khoăn trong việc cho con ở nội trú hay ở trọ bên ngoài, nhưng theo tìm hiểu các bạn sinh viên năm nhất hầu hết chưa quen đường, chưa quen nhịp sống nên cô đã đăng ký cho em ở ký túc.
Đây là lần đầu tiên các em tách khỏi gia đình, nên cô thực sự rất băn khoăn, và lo lắng. Nhưng từ trước đến giờ cô luôn tin tưởng con, đây chỉ mới là khởi đầu thôi hi vọng em luôn luôn giữ vững được tinh thần hiện tại".
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền phụ huynh em Nguyễn Minh Hiếu trúng tuyển ngành IT.
Cùng tâm trạng đó, cô Trịnh Thị Xuyên đến từ Thái Bình - phụ huynh của em Đặng Phương Nam đỗ ngành IT2 Kĩ thuật máy tính trải lòng: " Cô đến đây từ chiều hôm qua chuẩn bị cho ngày hôm nay em nhập học. Trước khi nhập học thực sự cô rất lo lắng, nhất là khoản học phí cô đã tìm hiểu rất kỹ, sau đó cô đã cùng em chọn một ngành phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình.
Cô cũng rất lo khoản tìm trọ cho các em, đầu tiên cũng có tìm hiểu qua về kí thúc xá, rồi cũng nhờ người quen hỏi thăm, cuối cùng là quyết định để em ở chỗ người quen. Vào thành phố rồi hi vọng em luôn bản lĩnh phân biệt được điều tốt sai, đúng xấu khi đã đạt được bước thành công đầu tiên trong cuộc đời".
cô Trịnh Thị Xuyên đến từ Thái Bình - phụ huynh của em Đặng Phương Nam đỗ ngành IT2 Kĩ thuật máy tính.
"Lúc con ra trường bố mẹ đã 70 tuổi, con phải cố gắng vì bố mẹ không thể theo con suốt cuộc đời"
4-5 năm học tập không phải là quá dài so với cuộc đời của một con người, nhưng cũng không phải là ngắn so với suốt chặng đường học tập của mỗi chúng ta. Suốt 18 năm con đang được sự chăm lo bao bọc của gia đình, được bố mẹ lo lắng từ bữa cơm giấc ngủ. Thậm chí có rất nhiều bạn năm cuối cấp bố mẹ không để đụng tay đụng chân vào việc gì, tất cả thời gian dành cho con học và nghỉ ngơi để lấy sức. Đã đến lúc con phải tự đi trên đôi chân của chính mình.
Đến từ rất sớm để đưa con nộp hồ sơ nhập học, cô Xuân phụ huynh của em Nguyễn Khoa Bằng trúng tuyển vào khoa Điện tử Viễn thông cho hay: " Vì em này là em út nên cô nghĩ cô đã hoàn thành nhiệm vụ khi em đã đỗ được đại học. Nhưng cũng lo lắng vì thấy thông tin rằng đỗ vào Bách Khoa thì rất nhiều sinh viên không ra được trường. Cô cũng có căn dặn em rằng nếu em không chăm chỉ học tập thì không thể ra được trường, cho con vào học nhưng cũng lo vì nếu con không chú tâm sẽ không thành công.
Trước khi đi học, cô chuẩn bị tư tưởng cho em rằng lên đại học phải học thật sự vì không giống các cấp học dưới. Cô vốn sinh em lúc rất già, cho nên muốn em phải có hành trang thật tốt để trở thành một công dân tốt, ra trường với tấm bằng giỏi và có công ăn việc làm. Cô luôn nói với em rằng: Lúc con ra trường bố mẹ đã 70 tuổi, con phải cố gắng vì bố mẹ không thể theo con suốt cuộc đời".
Cô Xuân phụ huynh của em Nguyễn Khoa Bằng trúng tuyển vào khoa Điện tử Viễn thông.
Bác Thành phụ huynh em Nguyễn Huy Hoàng (tân sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo): " Hôm nay bác đến đây là 7h45, trước khi nhập học bác chỉ nhắc em cố gắng học hành cho tốt. Khi mà biết điểm cả nhà rất vui mừng, quan trọng nhất đây là ngành mà em thích. Bách Khoa vốn là một trường hàng đầu ở Việt Nam, con mà theo học ở đây cả nhà rất tự hào. Sau khi đỗ vào BK thì cha mẹ nào cũng mong muốn thành tài. Bác không sợ em nó thật nghiệp, số liệu thống kê nó cũng chỉ là một con số thôi, còn phải phụ thuộc vào kỹ năng của mỗi người đó, và bác luôn tin rằng con bác sẽ thành công".
Bác Thành phụ huynh em Nguyễn Huy Hoàng (tân sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo).
Hoà nhập cũng trở thành nỗi lo
Hầu như các tân sinh viên ngoại tỉnh luôn có một chút thiếu tự tin khi hòa nhập trong môi trường mới, nhất là các bạn cảm nhận được cái gọi là "sự khác biệt về đẳng cấp" từ những chiếc điện thoại xịn, chiếc xe máy đắt tiền hay những bộ quần áo, túi xách hàng hiệu của "dân thành phố", gia đình khá giả. Chính vì cảm nhận này đôi khi tạo ra tâm lý e ngại, co cụm trong nhiều bạn tân sinh viên khi hòa nhập với môi trường ĐH. Từ đó, các bạn không dám mạnh dạn thể hiện năng lực bản thân.
Một mình lặn lội từ Thanh Hóa ra Hà Nội nhập học, ở trọ cùng họ hàng ở quận Long Biên cách trường hơn 10 cây số, cậu bạn Đức Anh (Thủ khoa khối A toàn quốc, theo học ngành IT1 - Đại học Bách Khoa Hà Nội) trải lòng trước ngày quan trọng nhất của cuộc đời: " Hôm nay không khí nhập học khá nhộn nhịp và các bác nhập học khá là đông. Mặc dù là thủ khoa toàn quốc khối A00, em mong mình sẽ cố gắng phát huy khả năng của mình giúp sức cho trường cho khoa, em không sợ thất nghiệp bởi nếu vào học cứ cố gắng theo được tiến độ của trường thì em nghĩ mình sẽ thành công".
Cậu bạn Đức Anh (Thủ khoa khối A toàn quốc) trải lòng trước ngày quan trọng nhất của cuộc đời.
Theo Trí Thức Trẻ
Đôi bạn thân bị teo cơ ở TP HCM dự thi THPT quốc gia Cùng ước mơ làm cô giáo, Kim Bông và Kim Luyến quyết tâm thi vào ngành Giáo dục đặc biệt của Đại học Sư phạm TP HCM. Chiều 24/6, Lâm Thị Kim Bông và Trần Thị Kim Luyến lọt thỏm giữa hàng trăm thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2019 tại điểm thi THCS Colette (quận 3, TP HCM)....