Quảng Trị: Học sinh ươm cây xanh trồng ở nghĩa trang, di tích lịch sử
Qua bàn tay chăm sóc của học trò, những cây giống thực nghiệm từ bài học đã trở thành những vườn ươm xanh tốt, được đưa đi trồng ở các di tích, nghĩa trang để tri ân các anh hùng, liệt sĩ, vừa tạo cảnh quan cho khuôn viên.
Học sinh (HS) cũng dành tiền bán cây để thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa: mua quà, chăn ấm tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn.
Học lý thuyết gắn với thực nghiệm
Mô hình “Vườn ươm thực nghiệm” là một trong những nội dung thể hiện bước đổi mới trong phương pháp dạy và học tại Quảng Trị. Hoạt động thực nghiệm sinh học đã được triển khai ở 6 trường THPT trên địa bàn trong năm học 2018-2019, gồm các trường THPT Cửa Tùng, THPT Chu Văn An, THPT Cam Lộ, THPT Đak rông, THPT thị xã Quảng Trị và THPT Hải Lăng.
Những vườn ươm thực nghiệm do học sinh tự chăm sóc.
Học sinh trồng cây xanh trong khuôn viên di tích bờ bắc sông Thạch Hãn
Dù triển khai trong thời gian ngắn nhưng mô hình này được đánh giá đã mang lại những hiệu quả bước đầu trong hoạt động giáo dục. Theo cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, triển khai mô hình “Vườn ươm thực nghiệm” đã phát huy quyền tự chủ cho các trường THPT, tính sáng tạo của cán bộ quản lý và giáo viên, phát triển chương trình nhà trường.
Mô hình có tác dụng tốt đối với mối quan hệ “dạy-học-đánh giá”. Dựa vào chuẩn đầu ra, giáo viên làm căn cứ để thiết kế nội dung bài giảng (lý thuyết, thực hành, thực nghiệm); lựa chọn phương pháp giảng dạy; xác lập quy trình, lượng hóa tiêu chí kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS.
Hoạt động dạy học không còn ở trong phạm vi lớp học mà gắn liền với thực tiễn sinh động. Vì vậy nguyên lý giáo dục “Học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội” được thực hành tối đa trong dạy học.
Hoạt động này giúp phát triển năng lực và phẩm chất của HS, tạo điều kiện để các em HS bộc lộ bản thân, thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Tạo ra môi trường để HS hình thành và rèn luyện kiến thức, bộc lộ năng khiếu bản thân, học từ cuộc sống mà còn giúp HS có điều kiện thể hiện ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng. Thực hiện chủ trương đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Mở ra cơ hội cho toàn xã hội có thể thực hiện việc giám sát hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo.
Tham gia các hoạt động này, nhiều học sinh ưu tú được kết nạp Đoàn viên.
Học sinh trồng cây xanh tai khuôn viên bờ bắc sông Thạch Hãn.
Trồng cây xanh ở nghĩa trang, việc làm đầy ý nghĩa nhân văn
Sau quá trình thực nghiệm, ươm giống cây tại vườn trường, HS đã đưa những sản phẩm mình chăm sóc để trồng trong khuôn viên Nghĩa trang Quốc gia đường 9, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn; Khu di tích Thành cổ Quảng Trị (bờ bắc sông Thạch Hãn), Khu di tích đôi bờ Hiền Lương, Công viên Phiđen…
Trồng cây xanh tại Nghĩa trang Quốc gia đường 9.
Những hoạt động trên của HS Quảng Trị mang ý nghĩa to lớn không chỉ trong hoạt động giáo dục, đào tạo mà cả về kinh tế – xã hội. Góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Làm “xanh – đẹp” cảnh quan các khu nghĩa trang, các di tích lịch sử, đường phố, các công trình công cộng.
Những cây xanh được học sinh tự tay ươm giống, trồng trong di tích.
Khi mô hình trải nghiệm nhân giống cây Chuỗi ngọc (Duranta repens) và cây bông trang (Ixora coccinea) hoạt động ổn định, hàng năm chỉ riêng trường THPT Cam Lộ sẽ cung cấp khoảng 15.000 cây con phục vụ làm cho cảnh quan xanh đẹp, đồng thời hạ giá thành cây giống xuống 50% so với giá thành hiện nay…
Tham gia trồng cây xanh tại khuôn viên di tích bờ bắc sông Thạch Hãn, em Phan Khánh Huyền – HS lớp 10A3, trường THPT thị xã Quảng Trị cho biết: “Hình thức thực hành trong học tập rất có ích đối với môn Sinh học và đặc biệt là môn Công nghệ. Khi tham gia trồng cây như thế này giúp HS chúng cháu có nhiều kinh nghiệm hơn trong đời sống cũng như rèn luyện tính cách siêng năng, vừa học tập vừa lao động.
Việc làm này rất ý nghĩa, những cây này ở trường chúng cháu dành rất nhiều tiết học để ươm giống. Và, bây giờ được trồng ở đây để làm đẹp thêm khuôn viên bờ bắc Thành cổ, đóng góp một phần tâm sức, thể hiện sự biết ơn của thế hệ HS hôm nay với các bác anh hùng, liệt sĩ.”
Hoạt động thực tiễn thu hút nhiều học sinh tham gia.
Anh Nguyễn Xuân Hiếu – chuyên viên Phòng THPT Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho hay, đây là mô hình trải nghiệm và có ý nghĩa giáo dục, tính nhân văn sâu sắc. Với mô hình này cũng cho thấy sự đổi mới về phương pháp dạy và học, bằng những tiết học thực tế, dễ dàng quan sát. Giáo viên không chỉ dạy lý thuyết trên lớp mà có thể thực hành trồng cây ở vườn thực nghiệm. Như vậy, việc dạy học gắn liền với thực tiễn, với hoạt động sản xuất kinh doanh thể hiện rất rõ.
Học sinh trồng cây ở nghĩa trang.
Theo anh Hiếu, mỗi trường đã xây dựng những vườn ươm thực nghiệm như thế này, nhân giống khoảng 4.000 cây xanh gồm bông trang và cây chuỗi ngọc.
Tại một số trường học, ngoài số cây xanh các em trồng ở di tích, nghĩa trang, HS đã bán sản phẩm mình nhân giống, ươm trồng để lấy tiền, thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa: mua quà, chăn ấm tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn.
Giáo viên và học sinh trường THPT thị xã Quảng Trị tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Đánh giá về hoạt động này, TS. Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho hay, những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn nói trên của HS các trường khi đưa cây trồng do các em tự ươm giống để làm đẹp khuôn viên di tích, nghĩa trang góp phần tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Điều này cũng thể hiện ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với những người đã cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngoài ra, từ những mô hình này sẽ giúp ngành GD&ĐT có góc nhìn chính xác đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động dạy học thông qua đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, giáo dục hướng nghiệp cho HS.
Đăng Đức
Theo Dân trí
Học sinh mong được thầy cô tôn trọng sự khác biệt
Nhiều học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đề nghị thầy cô cần tôn trọng sự khác biệt, cá tính, suy nghĩ của học trò, bớt việc học lý thuyết quá nhiều.
Linh Khánh, học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, mong rằng học sinh được tôn trọng và không phân biệt giới - ẢNH THANH HÙNG
Chiều nay, 10.1, Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức tọa đàm lấy ý kiến của học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam về những nội dung liên quan trực tiếp tới người học trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi.
Được ban tổ chức khuyến khích mỗi học sinh hãy tưởng tượng mình là đại biểu Quốc hội đang giữ trọng trách góp ý xây dựng luật, không ít học sinh đã nêu lên những suy nghĩ rất nghiêm túc và liên quan trực tiếp tới học trò. Nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề bình đẳng giới.
Tô Mai Anh, học sinh lớp 11 Sử, đề cập đến vấn đề không hiếm gặp hiện nay, đó là những học sinh có giới tính thứ ba. "Con biết có một số giáo viên khi phát hiện học sinh của mình đồng tính thì không cho các bạn này có những cơ hội học tập và phấn đấu như các bạn khác. Đây sắp trở thành vấn đề lớn", Mai Anh nói.
Còn Hạnh Nguyên, học sinh lớp 11 Sử, thì nêu băn khoăn về việc phân biệt giới tính vẫn còn tồn tại, nhất là về cơ hội học tập của các bạn học sinh miền núi. Ở những nơi này vẫn còn hiện tượng nam giới thì được ưu tiên đi học còn nữ thì bị giữ ở nhà, ép tảo hôn hoặc tham gia công việc gia đình.
Linh Khánh, một học sinh khác, thì chỉ ra rằng, việc bất bình đẳng giới trong giáo dục cần sửa đổi còn là hình ảnh trong sách giáo khoa: nam giới thì được làm bác sĩ, doanh nhân, những người thành đạt; còn nữ giới chủ yếu làm các công việc nội trợ, nữ công gia chánh nhẹ nhàng...
Hay như trong sách giáo khoa đạo đức hoặc giáo dục công dân thì mặc nhiên thường lấy ví dụ nghịch ngợm, chưa ngoan là học sinh nam và ngược lại,... trong khi thực tế không phải như vậy. Theo Linh Khánh, những bài học và hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa như vậy có thể dẫn tới việc khiến các bạn nữ khép mình lại, không phát huy hết khả năng của mình.
Thúy Hiền, học sinh lớp 11 Văn, đặt câu hỏi: Tại sao các nhà trường lại cấm học sinh nam để tóc dài, trong khi bạn nữ thì tóc ngắn hay tóc dài đều được? Thúy Hiền cũng bày tỏ sự không đồng tình khi lớp có buổi ăn liên hoan tại nhà cô giáo, các bạn nam thì được ngồi ở phòng khách xem ti vi, còn các bạn nữ thì vào bếp cùng cô.
Cũng quan tâm tới việc cần phải tôn trọng sự khác biệt của từng học sinh, một học sinh khác là Thùy Dương đề nghị khi sửa luật Giáo dục còn cần quan tâm tới chất lượng đào tạo các thầy cô giáo, không chỉ về chuyên môn mà cần cả những kỹ năng khác.
Theo Thùy Dương, dù ở Trường Hà Nội - Amsterdam là môi trường đặc thù nên các thầy cô đã khá tôn trọng cá tính của học trò nhưng bạn bè em ở nhiều trường khác nhau đều "kêu" rất nhiều về việc không được thầy cô tôn trọng cá tính, suy nghĩ riêng của học sinh. "Giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà cần tôn trọng cá tính của học trò. Thầy cô đừng bắt học sinh ở trong khuôn khổ quá lâu khiến các em bị cảm giác kìm kẹp", Thùy Dương nói.
Trương Văn Anh, một học sinh nam của trường, khi nhận định về sách giáo khoa phổ thông hiện hành đã cho rằng, sách giáo khoa hiện có ưu điểm là chứa đựng nhiều kiến thức nhưng vì thế mà đi sâu vào học lý thuyết quá nhiều, trong khi lẽ ra có những môn phải thực hành nhiều hơn. Ví dụ với các bộ môn lý, hóa, sinh hiện nay có bạn ví như là "một combo sách đang hủy hoại tuổi thanh xuân của học sinh".
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT), ghi nhận và đánh giá rất cao các ý kiến góp ý thẳng thắn, đầy trách nhiệm của học sinh liên quan tới những vấn đề thiết thân với các em. Ông Linh cho biết, tất cả những ý kiến góp ý sẽ được gửi tới Ban soạn thảo luật Giáo dục sửa đổi để xem xét trong quá trình xây dựng dự thảo luật này.
Theo thanhnien
Chỉ đội ngũ giáo viên bắt nhịp đổi mới là chưa đủ Đổi mới thành công hay không bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. Nhưng chỉ đội ngũ giáo viên bắt nhịp đổi mới thôi là chưa đủ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Ảnh: HUYÊN NGUYỄN Hiệu trưởng, cán bộ quản lý cấp phòng, cấp sở, cấp bộ phải thay đổi, kịp thời nắm...