Quảng Ninh tiếp nhận 800.000 liều vaccine do Trung Quốc viện trợ
Chiều 22/10, tại Cầu Bắc Luân II, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng ( Trung Quốc), đại diện các ngành Ngoại vụ, Y tế và lãnh đạo thành phố Móng Cái phối hợp với Bộ Y tế thực hiện tiếp nhận hàng viện trợ của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Ông Đỗ Nam Trung, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh tham dự quá trình tiếp nhận.
Đại diện các ngành chức năng của hai nước Việt Nam – Trung Quốc trao nhận vaccine và vật tư y tế tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc). Ảnh: TTXVN phát
Theo đó, số vaccine và thiết bị vật tư y tế do Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc tặng các địa phương Việt Nam có tổng giá trị 62,55 triệu nhân dân tệ (khoảng 9,7 triệu USD), bao gồm 800.000 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm, một bộ máy thở ECMO cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế khác.
Đây là lô hàng viện trợ đối ngoại lớn nhất trong lịch sử Quảng Tây, thể hiện tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Tây đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương Việt Nam.
Vaccine và thiết bị, vật tư y tế được viện trợ lần này phần lớn sẽ được phân bổ cho các địa phương phía Bắc gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Đây là các tỉnh có chung đường biên giới và mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Quảng Tây. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ được phân bổ 200.000 liều, máy thở, một bộ hệ thống oxy, 16 thiết bị kỹ thuật số theo dõi bệnh nhân nặng cùng nhiều thiết bị, vật tư y tế khác.
Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất tỉnh Quảng Tây hỗ trợ cho tỉnh vaccine và thiết bị y tế để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, tỉnh Quảng Ninh Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc thường xuyên quan tâm, trao tặng vật tư y tế, hỗ trợ nhau chống dịch. Qua đó, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau, khẳng định quan hệ hữu nghị, hợp tác hiệu quả giữa các địa phương hai nước, góp phần bảo vệ khu vực biên giới ổn định, cùng phát triển.
Trước đó, ngày 11/9/2021, ngay sau Lễ trao tặng viện trợ được thực hiện giữa Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thực hiện các thủ tục cần thiết cho việc tiếp nhận viện trợ.
Video đang HOT
Công tác tiếp nhận được cơ quan chức năng của Bộ Y tế, tỉnh Quảng Ninh phối hợp thực hiện nhanh chóng, an toàn, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Vaccine Sinopharm của Trung Quốc hiệu quả với COVID-19 thế nào?
Vaccine COVID-19 Vero Cell của Sinopharm được Trung Quốc cấp phép ngày 24/12/2020 và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp tháng 5/2021.
Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm do Trung Quốc viện trợ và đang triển khai tiêm chủng từ tháng 7/2021. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên triển khai tiêm xong 88.100 liều mũi 1 và sẽ tiêm mũi 2 từ ngày 4/8. Riêng Bình Liêu, Quảng Ninh đạt độ bao phủ tiêm vaccine đối với 50% dân số toàn huyện. Hiện TP.HCM cũng nhận vaccine Vero Cell phục vụ tiêm chủng.
Vero Cell của Sinopharm (tên đầy đủ là Tập đoàn Y Dược Trung Quốc) nghiên cứu, sản xuất là loại vaccine được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm, mỗi liều 0,5 ml chứa với 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt. Tập đoàn Y Dược Trung Quốc là doanh nghiệp trung ương và là tập đoàn lớn nhất tại Trung Quốc trong ngành dược phẩm, y tế, sức khỏe, với chuỗi các ngành công nghiệp hoàn chỉnh.
Hiệu quả của Vero Cell
Khi COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, tháng 2/2020, Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm CNBG nghiên cứu vaccine COVID-19 bằng công nghệ bất hoạt. Sau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm thành công trên động vật, cuối tháng 4/2020, vaccine này được Cục Quản lý Dược Trung Quốc phê chuẩn thử nghiệm trên người.
Vaccine Vero Cell của Sinopharm.
Ngày 23/6/2020, vaccine bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Peru, Maroc và Argentina.
Ngày 9/12/2020, Bộ Y tế UAE chấp thuận cấp phép đăng ký chính thức vaccine COVID-19 của Sinopharm, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 86%.
Ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc cấp phép sử dụng có điều kiện với vaccine này, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 79,34%; tỷ lệ sinh ra kháng thể trung hòa là 99,52%.
Ngày 1/4/2021, Bộ Y tế Hungary giấy chứng nhận GMP EU, Sinopharm là doanh nghiệp vaccine đầu tiên của Trung Quốc được cấp chứng nhận này.
Ngày 7/5/2021, vaccine của Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78,2%, trở thành vaccine thứ 6 trên thế giới được xét vào danh sách này. Đây cũng là vaccine đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được lọt vào danh sách EUL của WHO.
Ngày 27/5, Sinopharm công bố kết quả nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn III trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ và nhiều quốc gia. Sau đó đưa ra kết luận vaccine Sinopharm đạt hiệu quả bảo vệ 78,1% sau hai mũi tiêm.
Ngày 31/5/2021, Sinopharm bắt đầu cung cấp vaccine cho chương trình COVAX, giúp các nước có thể tiếp cận với vaccine công bằng.
Tới nay, Sinopharm sản xuất hơn 450 triệu liều vaccine, trong đó 100 triệu liều được cung cấp thông qua hình thức viện trợ Chính phủ và bán thương mại cho các doanh nghiệp.
Vaccine của Sinopharm được bảo quản trong điều kiện từ 2-8 độ C, thời hạn sử dụng là 2 năm. Điều kiện bảo quản và vận chuyển dễ dàng sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển và lưu kho của vaccine này.
Vaccine Vero Cell của Sinopharm có hiệu quả bảo vệ đạt 78,2%.
Được phê duyệt tại Việt Nam
Ngày 4/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký phê duyệt có điều kiện vaccine COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn dược Sinopharm phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Vero Cell trở thành vaccine thứ 3 được Việt Nam phê duyệt sau AstraZeneca và Sputnik V.
Vero Cell được Việt Nam phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp cho Bộ Y tế tính đến ngày 29/5 và cam kết về tính chính xác của các tài liệu đã cung cấp.
Đến nay, vaccine Sinopharm được cung cấp tới rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó gồm các quốc gia Đông Nam Á như Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan...
Vaccine Sinopharm cũng được bán cho Pakistan, Mông Cổ và các nước Trung, Đông Âu. Ngoài ra, ít nhất hơn 100 quốc gia có nhu cầu đặt mua vaccine của Sinopharm.
Sau khi vaccine được phê duyệt, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp với nhà sản xuất, bảo đảm các điều kiện sản xuất vaccine nhập khẩu vào Việt Nam và bảo đảm an toàn, hiệu quả và chất lượng. Viện này cũng phải phối hợp Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cùng đơn vị có đủ điều kiện tổ chức thực hiện việc đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine.
Ngoài ra, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế, xây dựng kế hoạch kiểm định; cung cấp mẫu thử, nguyên vật liệu, hóa chất thử nghiệm và các vấn đề liên quan khác cho việc kiểm định các lô vaccine này trước khi đưa ra sử dụng tại Việt Nam.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng là đơn vị chịu trách nhiệm hướng dẫn việc bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine này cho các cơ sở tiêm chủng, đồng thời triển khai hệ thống cảnh giác toàn diện với vaccine Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 Ngày 20/10, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ đã có buổi gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với Đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu...