Quảng Ninh đứng đầu về số vụ HS đánh nhau
Kết quả kiểm tra Phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại 12 tỉnh/thành phố thuộc 7 vùng thi đua cho thấy, trong 12 tỉnh thành có 384 HS đánh nhau. Đặc biệt nhất là Quảng Ninh khi có 169 em, kế tiếp là Tây Ninh với 126 em.
Về số lượng học sinh (HS) vi phạm và bị kỷ luật, Lạng Sơn đứng đầu với 151 em, tiếp theo là Bà Rịa Vũng Tàu với 132 em, Tây Ninh có 83 em. Tổng 12 tỉnh thành có 376 em đã bị kỷ luật vì vi phạm trong năm học 2011-2012.
Cũng theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2011-2012, tổng số bỏ học của kỳ I ở các tỉnh thành trên là 13.980 em. TP.HCM là địa phương có nhiều HS bỏ học nhất với 5.619 em. Bình Định, Quảng Ngãi, Sóc Trăng cũng có tới hơn 1.000 em không tiếp tục đến trường.
Những con số trên cho thấy một phần nào đó có sự xuống cấp đạo đức trong giới trẻ. Bên cạnh đó, mối quan hệ mật thiết giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục HS vẫn chưa thực sự bền vững. Theo dư luận xã hội, sở dĩ tình trạng HS đánh nhau trong thời gian gần đây ngày càng gia tăng là do giáo dục kỹ năng sống trong trường học chưa được chú trọng.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra phong trào cho thấy việc rèn luyện kĩ năng sống đã được đưa vào dạy ở chương trình phổ thông với hình thức tích hợp nội dung vào một số môn học và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Một số nơi đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kĩ năng sống, giá trị sống cho cán bộ, giáo viên (GV) cốt cán. Một số dự án giáo dục của Bộ đã tập huấn cho cán bộ, GV cốt cán về tổ chức và nội dung kĩ năng sống.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là cập nhật, bồi dưỡng dạy kĩ năng sống cho cán bộ, GV của nhà trường còn chưa đáp ứng được nhu cầu ở cơ sở. Tài liệu giáo dục kỹ năng sống cho các nhà trường còn chưa đủ. Qua trao đổi trực tiếp với GV cho thấy GV còn hiểu chưa đúng về việc tích hợp dạy kỹ năng sống cho HS vào các môn học. Phần lớn GV hiểu tích hợp là dạy thêm kiến thức về kỹ năng sống sau khi hết nội dung bài giảng, do vậy thường không đủ thời gian. Năng lực một số GV còn chưa đáp ứng được việc giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động tập thể (trò chơi, hát dân ca, hướng dẫn câu lạc bộ,…).
Việc phối hợp với giáo dục an toàn giao thông, phòng chống nghiện chơi game hoặc chơi game có nội dung không lành mạnh, đánh nhau trong và ngoài trường học được các nhà trương chú trọng. Kết hợp với năm An toàn giao thông, các nhà trường đã tích hợp, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, giao lưu để qua đó nâng cao nhận thức rèn luyện kĩ năng đảm bảo an toàn cho mỗi người và an toàn cho trường học. Tỉ lệ đánh nhau, vi phạm an toàn giao thông, tai nạn thương tích, vi phạm kỉ luật trong HS giảm. Thông qua rèn luyện kĩ năng phòng chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường, HS tự tin, chủ động ứng xử phù hợp và tốt hơn trong các mối quan hệ và xử lí công việc.
Ở vùng đô thị, đa số các gia đình chú trọng vào việc cho HS học thêm quá nhiều, ít thời gian tham gia hoạt động rèn luyện kĩ năng. Thậm chí có nhiều trường và cấp quản lí giáo dục ở một số nơi hầu như chỉ chú trọng đến kết quả thi chuyển cấp, thi HS giỏi, tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Kết quả giáo dục kĩ năng sống, lối sống, nhận thức xã hội, ý thức xã hội của HS không được coi trọng như điểm số học tập.
Video đang HOT
Môi trường xã hội còn có nhiều hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng không tốt đến xây dựng môi trường thân thiện, tích cực trong trường học. Nạn tảo hôn ở một vài nơi đã ảnh hưởng đến việc đi học của HS, nhất là HS nữ.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, trong năm học tới tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” trong các nhà trường. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn cung cấp các kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cốt cán về một số nội dung của phong trào thi đua để có thể tập huấn lại trong các lớp tập huấn hè ở địa phương. Tăng cường giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa cán bộ, GV của các cơ sở giáo dục trong cả nước.
Thông qua đó để nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý và triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” trong các nhà trường một cách hiệu quả và bền vững Hướng dẫn và nâng cao năng lực GV làm công tác tư vấn năng lực vận dụng phương pháp kỷ luật tích cực trong dạy học và giáo dục giáo dục kỹ năng sống cho HS. Bên cạnh đó, hướng dẫn tổ chức câu lạc bộ cho HS tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, trò chơi dân gian trong trường học.
Nguyễn Hùng
Theo dân trí
Hài hước phiên âm sách giáo khoa
Trong quyển Ngữ văn 11 (tập 1), ghi: "Uy-li-am Sếch-xpia sinh tại thị trấn Xtơ-rét-phớt ôn Ê-vơn thuộc miền Tây Nam nước Anh". Thị trấn mà SGK đề cập nguyên bản là Stratford-upon-Avon.
Hiện cách phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt trong SGK thiếu tính đổi mới và gây nhiều tranh cãi
Việc phiên âm sang tiếng Việt các từ quốc tế trong sách giáo khoa (SGK) hiện hành gây nhiều tranh cãi và thể hiện sự lạc hậu, làm khổ giáo viên và học sinh. Trong chương trình phổ thông, 3 môn học có lượng từ ngữ quốc tế chiếm nhiều nhất là văn, sử, địa nhưng SGK mỗi môn lại có cách phiên âm khác nhau. Thậm chí, cùng một bộ môn thì cách phiên âm ở các khối lớp cũng khác nhau.
Xtơ-rét-phớt ôn Ê-vơn hay Stratford-upon-Avon?
SGK lớp 11 ghi phiên âm tên quốc gia có dấu gạch ngang, nối các âm với nhau như: Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia... nhưng SGK 12 thì các danh từ vừa nêu viết liền nhau mà không có dấu gạch ngang: Malaysia, Campuchia...
Đáng nói, có rất nhiều từ giữa nguyên bản và phiên âm tiếng Việt khó lòng xem là một. Trong quyển Ngữ văn 11 (tập 1), phần tiểu dẫn của trích đoạn Tình yêu và thù hận có đoạn: "Uy-li-am Sếch-xpia (1564-1616) là nhà thơ, nhà viết kịch thiên tài của nước Anh và của nhân loại thời Phục hưng, ông sinh tại thị trấn Xtơ-rét-phớt ôn Ê-vơn thuộc miền Tây Nam nước Anh". Thị trấn mà SGK phiên âm Xtơ-rét-phớt ôn Ê-vơn nguyên bản là... Stratford-upon-Avon.
Còn sách Lịch sử lớp 12, tên vị Tổng thống thứ 41 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là George Herbert Walker Bush được phiên âm thành G.Busơ.
Cách phiên âm "sáng tác" thêm các âm tiết khác xa với nguyên bản đã gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình học tập, giảng dạy và tìm hiểu thông tin. Ông Trần Phước Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4, TP.HCM), chia sẻ: "Khi cần tìm hiểu một vấn đề nào đó, giáo viên và học sinh thường tra cứu trên các công cụ tìm kiếm. Nhưng nếu không biết nguyên bản mà dùng từ phiên âm sẽ rất khó tìm được thông tin".
Cô Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu phó Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM), nói: "Bản thân tôi dạy môn địa lý, nhận thấy môn này có rất nhiều từ phiên âm quốc tế. Đơn cử như ở bài Hoa Kỳ (Địa lý 11) có các địa danh như Washington, New York... Khi dạy, tôi thường lấy nguyên bản để giảng cho học sinh chứ không dùng phiên âm tiếng Việt. Trước khi làm việc này, tôi đã lấy ý kiến của các em, đa phần đều tán đồng để nguyên bản".
Thui chột kỹ năng ngoại ngữ
Nhiều giáo viên cũng cho rằng hầu hết học sinh đã được học tiếng Anh từ đầu cấp 2 và hiện nay đang thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3, do vậy để nguyên bản là hợp lý. "Nếu các em quen với cách phiên âm tiếng Việt, khi nói chuyện với người nước ngoài, e rằng lúc phát âm các danh từ người ta sẽ không hiểu, không biết mình đang nói gì", ông Trần Phước Đức lo ngại.
Ông Chu Vĩnh Thành, chuyên viên Phòng Giáo dục quận 5, TP.HCM, cho rằng: "SGK Địa lý lớp 7 và 8 nghiên cứu về thiên nhiên và con người các châu lục nên có rất nhiều địa danh trên thế giới. Việc phiên âm làm cho người đọc có thể nhớ và phát âm các địa danh một cách dễ dàng, ví dụ:
Y-an-gun (Yangun - cố đô Myanmar), Xít-tơn (Seattle), Xin-ga-po (Singapore), Sicagô (Chicago). Nhưng theo tôi, những phiên âm này phù hợp với thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp đang cần được phổ cập. Ngày nay quá trình hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ, không thể tiếp tục sử dụng lối phiên âm tùy tiện. Phiên âm tùy tiện cũng góp phần thui chột các kỹ năng nghe nói khi học ngoại ngữ".
Cô Diễm Trang đề xuất: "Tốt nhất là phiên âm tiếng Việt và để từ gốc kèm theo trong ngoặc đơn. Làm như vậy, học sinh sẽ hiểu đúng, đầy đủ hơn về một từ quốc tế nào đó trong SGK".
Giá trị của việc viết đúng tên người nước ngoài
Trong một chương của cuốn sách nổi tiếng Đắc nhân tâm, tác giả Dale Carnegie (Mỹ) nói đến tầm quan trọng của việc gọi đúng tên và viết chính xác tên của một người nào đó. Theo ông, ai không theo quy tắc này tức là tự rước lấy thất bại.
Một số câu chuyện đáng lưu ý mà Dale Carnegie kể lại trong chương này như sau:
Jim Farley, người cổ động đắc lực cho ông Franklin D.Roosevelt được quốc dân bầu làm tổng thống, hiểu rằng hạng trung nhân đều thấy tên mình êm ái hơn hết thảy những tên khác. Nhớ được tên đó, đọc nó được một cách dễ dàng, tức là khen người đó một cách kín đáo và khôn khéo. Còn nếu quên hoặc viết sai tên đó tức là làm cho người ta khó chịu. Riêng tôi, tôi cho rằng người ta vô lễ với tôi, nếu trên bao thư gửi cho tôi người ta đã biên sai tên tôi.
Hoàng đế Napoléon III khoe rằng dù việc nước bề bộn nhưng ông vẫn có thể nhớ tên mỗi người ông đã gặp. Khi ông nghe không rõ một tên nào, ông nói: "Xin lỗi, tôi chưa nghe rõ". Nếu tên hơi lạ, ông bảo người ta đánh vần cho ông nhớ. Rồi trong khi nói chuyện với người đó, ông tìm cách nói tên người đó vài ba lần và ráng ghi trong trí nhớ hình dáng, vẻ mặt người đó để khi thấy người thì liên tưởng ngay tới tên được.
Theo Thanh Niên
Đưa mất cân bằng giới tính vào chương trình phổ thông Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục Đào tạo phải có chương trình cụ thể để khắc phục tình trạng này. Bộ GDĐT được yêu cầu nghiên cứu đưa nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh...