Quảng Ninh: Chủ động ứng phó trước diễn biến phức tạp của bão số 2
Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, ngày 22/7, các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh, trú an toàn.
Các tàu cá đã về neo đậu tại điểm tránh trú phường Tân An, thị xã Quảng Yên. Ảnh: TTXVN phát
Chủ động ứng phó
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính đến 16 giờ ngày 22/7, trên địa bàn tỉnh, các tàu, thuyền đã được kêu gọi vào các khu vực tránh trú an toàn, đặc biệt là các tàu cá. Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi rà soát, điều tiết nước đảm bảo an toàn hồ đập. Tỉnh tổ chức 3 đoàn công tác đi chỉ đạo tại các địa phương, đặc biệt liên quan đến khu ngập úng, sạt lở ở các bãi thải, công trường xây dựng, rút hết công nhân ra khỏi vị trí đang thi công ở các khu vực nguy hiểm.
Các địa phương và lực lượng vũ trang của tỉnh Quảng Ninh, lực lượng hiệp đồng các đơn vị của Quân khu III đã huy động trên 2.600 cán bộ, chiến sỹ xung kích phòng, chống thiên tai cùng nhiều ô tô, tàu, xuồng, xe đặc chủng ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Trong ngày 22/7, ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp đi kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó bão số 2 ở một số địa phương. Qua kiểm tra, nhìn chung công tác phòng, chống bão được thực hiện chủ động, bài bản. Nhân dân chấp hành cơ bản tốt, một số nơi đang tiếp tục chằng chống lồng bè, dự kiến đến cuối giờ chiều, người dân sẽ lên bờ hết. Các tàu đã được kêu gọi về nơi tránh trú an toàn. Các địa phương chuẩn bị, rà soát phương án bố trí phương tiện, nhân lực sẵn sàng thực hiện ứng phó khi có tình huống.
Đến 16 giờ ngày 22/7 đã có 398 tàu du lịch hoàn thành việc di chuyển về nơi tránh trú; 5.556 chiếc tàu cá các loại, 5.229 chiếc tàu gần bờ hoạt động ven bờ đã neo đậu tại các bến cá, vùng kín gió trong tỉnh và hai khu bến cá Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng). Hiện còn 1.959 du khách trên các tuyến đảo (Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng) có nhu cầu ở lại, Sở Du lịch và địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tổ chức đón tiếp chu đáo.
Toàn tỉnh có 2.889 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển đã thực hiện gia cố và tổ chức di chuyển người lên bờ từ sáng 22/7. Dự kiến sẽ hoàn thành công việc trước 18 giờ cùng ngày.
Theo Văn phòng Thường trực phòng, chống thiên tai Quảng Ninh, Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức bắn pháo hiệu báo bão kêu gọi, thông báo cho tàu thuyền về nơi tránh trú tại Cô Tô, Vạn Gia, Ngọc Vừng từ tối 22/7.
Video đang HOT
Đến ngày 22/7, dung tích các hồ chứa lớn trên địa bàn đạt khoảng 271/319 triệu m3, các hồ chứa đầy đã cho tháo nước đệm từ ngày 21/7 để đón lũ. Công trình đê điều đã cơ bản hoàn thành các hạng mục gia cố phía biển. Ngành Giao thông đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ sẵn sàng bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí xung yếu. Ngành Than đã sẵn sàng phương tiện, nhân lực ứng phó với tình huống mưa lớn trên các khai trường, hầm lò do các đơn vị của ngành đang khai thác và sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.
Các lực lượng chức năng xã Vĩnh Trung (TP Móng Cái) kiểm tra đê điều trước khi bão số 2 đổ bộ. Ảnh: TTXVN phát
Dùng xuồng máy tuần tra, kiểm soát trên biển
Từ 4 giờ đến 11 giờ ngày 22/7, trên vùng biển Cô Tô có gió Bắc cấp 3-4, trời nhiều mây, mưa rải rác; từ 11 giờ 30 phút đến 16 giờ, có gió Bắc và Đông Bắc mạnh dần lên cấp 5-6, có lúc cấp 7; trời nhiều mây, lượng mưa tăng dần.
Với phương châm “Bảo đảm an toàn tính mạng người dân, giảm tối đa thiệt hại do bão gây ra”, các đồn Biên phòng tại đảo Cô Tô, Thanh Lân, đảo Trần đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 2.
Tính đến chiều 22/7, huyện Cô Tô có 796 tàu, thuyền đang neo đậu, tránh trú trong vùng an toàn. Các đơn vị đã bố trí các tổ cơ động thường trực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, Công an phối hợp với chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan, chủ phương tiện để nắm tình hình; tuyên truyền, vận động thông báo diễn biến, tình hình của cơn bão để có phương án di chuyển, phòng, chống bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn điều động các tổ công tác dùng xuồng máy tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, khu vực đơn vị quản lý, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh, trú an toàn.
Để chủ động phòng, chống thiên tai, huyện Cô Tô đã quán triệt, triển khai chỉ đạo của các cấp; ban hành các văn bản để chỉ đạo, chủ động ứng phó bão số 2 trên địa bàn từ thời điểm chưa hình thành bão. Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Phòng cháy, chữa cháy, Phòng, chống cháy rừng và Phòng thủ dân sự huyện đã thực hiện giao ban nhanh để cử các tổ công tác nắm tình hình, chỉ đạo địa bàn.
Các xã, thị trấn đã ban hành các văn bản chỉ đạo, sẵn sàng ứng phó bão, thông báo dừng hoạt động các bãi tắm trên địa bàn, hướng dẫn, kêu gọi các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có phương án đảm bảo an toàn cho khách lưu trú. Tính đến 16 giờ ngày 22/7, tổng số du khách có mặt trên địa bàn là 948 người, trong đó có 9 khách quốc tế. Các đồn Biên phòng phối hợp với địa phương và các ban, ngành, chức năng tổ chức hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch trên các bãi tắm thu dọn tài sản, chằng chống nhà cửa, sẵn sàng ứng phó với các tình huống do bão gây ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như du khách.
Đoàn UBND thị xã Quảng Yên kiểm tra công tác xả lũ tại hồ chứa nước Yên Lập, đây là hồ chứa lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN phát
Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên thông tin, địa phương đã kích hoạt phương án “4 tại chỗ”, rà soát các điểm đê xung yếu, phương án chằng chống nhà cửa cho người dân đã cơ bản ổn. Việc tháo nước đệm ở các vùng trũng đã được thực hiện, trong đó hồ chứa nước Yên Lập lớn nhất tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xả lũ theo kế hoạch. Các tàu, thuyền đã được kêu gọi về nơi tránh trú, các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên sông, biển đã được yêu cầu chằng chống và lên bờ trước 18 giờ ngày 22/7.
Tại thành phố Cẩm Phả, lực lượng đã rà soát phao cứu sinh, xuồng máy cứu hộ, các nhà bạt, bè composit, phao bè và các dụng cụ, vật tư phục vụ khác.
Lực lượng chức năng có phương án chủ động sẵn sàng huy động nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ sinh hoạt từ 6 kho hàng của các đơn vị trên địa bàn khi có tình huống; đồng thời cập nhật thông tin cho nhân dân sớm nắm bắt để chủ động phòng, chống bão.
Tại thành phố Móng Cái, dự báo bão đổ bộ vào rạng sáng 23/7, địa phương đã chủ động phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Thành phố chỉ đạo các xã, phường và lực lượng chức năng thông tin, kêu gọi trên 1.200 tàu, bè, mảng hoạt động trên sông, vùng ven biển và tàu thuyền của các tỉnh, thành khác đang hoạt động trên vùng biển Móng Cái về nơi tránh, trú an toàn.
Lực lượng chức năng thành phố đã triển khai các phương án phòng tránh, di chuyển dân ở những nơi có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, tốc mái…; chủ động kiểm tra, bố trí lực lượng quản lý vận hành, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa trong trường hợp mưa lớn, đồng thời theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước trên sông Ka Long.
Bão số 2 giật cấp 13 ảnh hưởng trực tiếp Quảng Ninh - Hải Phòng
Bão số 2 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng trên toàn miền Bắc.
Chiều 22-7, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Lúc 13 giờ chiều nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông. Với tọa độ này, bão đang ở ngay trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 120km về phía Đông.
Cường độ bão đã mạnh lên cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 13, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ.
Dự báo vị trí và đường đi của bão số 2. Ảnh: VNDMS
Dự báo khoảng đêm nay, bão số 2 còn cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 100km về phía Đông, cường độ bão mạnh cấp 10, giật cấp 13. Trong 13 giờ tiếp theo, bão số 2 sẽ đi sâu vào khu vực đất liền ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết do ảnh hưởng của bão, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 13, biển động rất mạnh, sóng biển cao 2,0-3,0m.
Ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định có triều cường cao (vào buổi chiều ngày 22-23/7). Thủy triều cao kết hợp với nước dâng do bão, mực nước tại Hòn Dấu cao từ 3,9-4,1m, tại Cửa Ông từ 4,7-4,9m, kèm theo sóng lớn có thể gây ngập tại khu vực trũng, thấp ven biển, ven sông và làm chậm quá trình thoát lũ trên các sông tại khu vực.
Trên đất liền, từ đêm nay, vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng sẽ chịu tác động gió mạnh nhất, với sức gió ở cấp 8, sâu trong đất liền cấp 6-7. Khu vực Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 5-6, có nơi cấp 7, giật cấp 8-9.
Về tác động mưa lớn, từ đêm nay đến ngày 24-7, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to.
Tổng lượng mưa khu vực phía Đông Bắc Bộ: 100-200mm, có nơi trên 300mm. Phía Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa: 50-100mm, có nơi trên 200mm.
"Với lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn như vậy, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, phía tây Thanh Hóa, tây Nghệ An có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Thủ đô Hà Nội dù không chịu tác động trực tiếp của bão số 2, nhưng chịu tác động hoàn lưu rìa cơn bão nên vẫn có mưa vừa, mưa to, lượng mưa từ 100 đến hơn 100mm, thời gian mưa tập trung vào đêm nay đến hết ngày 23-7" - ông Hưởng cho biết.
Quảng Ninh: Tìm thấy thi thể nạn nhân mất tích sau va chạm tàu và thuyền trên biển Ngày 19/7, ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết đã tìm thấy thi thể nạn nhân mất tích tại khu vực đầm Quả Xoài (xã Liên Hòa) do va chạm tàu và thuyền. Công tác tìm kiếm gặp khó khăn do thủy triều thay đổi. Ảnh: TTXVN phát Nạn nhân là anh Lê Văn Cương...