Quảng Ngãi: Thiếu giáo viên do cắt giảm hợp đồng lao động
Sau khi cắt giảm số hợp đồng lao động theo chủ trương chung, nhiều huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi rơi vào tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp. Đây là nỗi lo của ngành Giáo dục tỉnh này trong năm học mới 2018 – 2019.
Bắt đầu từ năm học 2018 – 2019, ngành Giáo dục các huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi không được ký hợp đồng lao động với giáo viên (GV) ngoài biên chế. Đây là chủ trương chung nên ngành Giáo dục phải thực hiện nghiêm túc. Điều này dẫn đến nhiều huyện miền núi xảy ra tình trạng thiếu GV đứng lớp khi số GV biên chế không đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy tại các điểm trường.
Ông Phạm Sơn – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tây Trà cho biết: Năm học mới 2018 – 2019, huyện Tây Trà có khoảng 5.900 học sinh ở 3 cấp học.
Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, toàn ngành cần thêm 41 GV ngoài biên chế. Trong đó, bậc Mầm non cần 16 GV, Tiểu học 15 GV và Trung học cơ sở cần thêm 10 GV.
“Năm học trước chúng tôi phải ký hợp đồng với 167 GV mới đủ số GV đứng lớp ở tất cả các điểm trường. Riêng năm nay không được phép ký hợp đồng với GV nữa nên chúng tôi đang rất lo lắng vì không biết phải giải quyết tình trạng này như thế nào”, ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, khó khăn nhất hiện nay là tình trạng thiếu GV dạy môn tiếng Anh. Đây là môn mà GV cùng trường không thể dạy thay, trong khi mỗi điểm trường chỉ có 1 GV phụ trách giảng dạy từ 8 đến 9 lớp.
Sau khi cắt giảm hợp đồng lao động, nhiều huyện miền núi rơi vào tình cảnh thiếu giáo viên đứng lớp
Huyện miền núi Trà Bồng cũng đang “đau đầu” với nỗi lo thiếu GV. Theo thống kê, toàn huyện sẽ thiếu 47 GV đứng lớp nếu không được ký hợp đồng giảng dạy, trong đó có 8 GV tiếng Anh và 5 GV Tin học.
Theo ông Trần Minh Diệp – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trà Bồng, nếu không được ký hợp đồng để bổ sung số GV còn thiếu thì phòng buộc phải giảm quy mô bán trú để đưa GV về các điểm trường còn thiếu.
Video đang HOT
“Làm vậy là đi ngược với chủ trương chung của ngành và sẽ kéo chất lượng giáo dục đi xuống. Tuy nhiên nếu không làm vậy, các điểm trường sẽ không có GV đứng lớp”, ông Diệp nói.
Nhiều huyện miền núi đề nghị tỉnh cần có cơ chế ưu tiên hoặc tiếp tục thi tuyển để đáp ứng đủ số lượng giáo viên đứng lớp
Trước thực trạng thiếu GV khiến ngành Giáo dục rơi vào thế khó, UBND huyện Trà Bồng đã có văn bản kiến nghị cấp trên có cơ chế riêng đối với lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Xuân Bắc – Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết, hiện nhiều trường thiếu GV trầm trọng, nếu không được ký hợp đồng với GV đứng lớp thì nhiều điểm trường sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ trong năm học sắp tới.
“Huyện Trà Bồng đã kiến nghị với UBND tỉnh cần có cơ chế ưu tiên cho ngành Giáo dục được ký hợp đồng với GV, hoặc luân chuyển GV từ địa phương khác đến, nếu không thì tiếp tục cho thi tuyển nhằm đáp ứng đủ số lượng GV đứng lớp”, ông Bắc cho biết.
Quốc Triều
Theo Dân trí
Giáo viên bị xem xét cắt hợp đồng ở Cà Mau có cơ hội giảng dạy
Cà Mau cho chủ trương các trường còn thiếu giáo viên lựa chọn, hợp đồng lại với hơn 1.400 giáo viên thuộc diện hợp đồng.
Chủ tịch UBND Cà Mau Nguyễn Tiến Hải tại cuộc họp chiều 15/8. Ảnh: Phúc Hưng.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chủ trì cuộc họp chiều 15/8, thông tin kết quả rà soát bước đầu về việc sắp xếp trường, lớp và đội ngũ giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn (năm học 2018 - 2019).
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, qua rà soát, năm học 2018-2019, các trường thuộc Sở quản lý hiện còn thiếu 511 người so với quy định của Bộ giáo dục; còn 86 biên chế chưa tuyển dụng; hợp đồng lao động có 264 người.
Riêng bậc học từ mầm non đến THCS do các địa phương quản lý đang thừa hơn 670 giáo viên (thuộc diện hợp đồng) so với biên chế được giao.
Người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh xác định còn thiếu 1.858 vị trí việc làm ở ngành học mầm non, THCS và THPT. Song, lại có trên 1.400 giáo viên do các trường tự ý hợp đồng khi chưa được UBND tỉnh cho chủ trương đang được xem xét, sắp xếp lại.
"Nếu không hợp đồng thêm giáo viên, nhân viên ở các trường THPT sẽ không đảm bảo nhiệm vụ giảng dạy, hoạt động của trường trong năm học tới", ông Luân nói và kiến nghị tỉnh cho phép hợp đồng lại với 264 giáo viên thuộc diện hợp đồng ở các năm trước.
Đồng quan điểm, hiệu trưởng ở các trường THPT kêu khó vì thiếu giáo viên. "Trường có 16 lớp, cần 36 giáo viên (trong khi biên chế hiện có chỉ 17), nếu trường không hợp đồng thêm giáo viên làm sao giảng dạy", ông Võ Thanh Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Quách Văn Phẩm nêu vấn đề.
Thầy giáo này cũng bày tỏ băn khoăn, để đảm bảo công tác giảng dạy, buộc trường phải hợp đồng thêm giáo viên, nhưng lại bị quy trách nhiệm là tự ý hợp đồng khi chưa được cho phép.
Thầy Châu Văn Tuy, Hiệu trưởng trường THPT Đầm Dơi, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau sớm cho cơ chế để các trường còn thiếu chủ động hợp đồng lại với giáo viên trước ngày 27/8. Việc này nhằm đảm bảo cho công tác sắp xếp, phân công công việc cho từng giáo viên trong năm học mới.
Cà Mau giữ quan điểm xóa các điểm trường lẻ không còn phù hợp nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách. Ảnh: Phúc Hưng.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, chủ trương rà soát trường lớp, học sinh, giáo viên đã được Cà Mau thống nhất. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải thấu tình, đạt lý, sắp xếp sao cho phù hợp nhằm đảm bảo công tác giảng dạy.
Ngoài ra, ông Hải cũng thống nhất với phương án cho hợp đồng lại với giáo viên ở các trường còn thiếu. "Giáo viên hợp đồng lại phải được phân loại, rồi xếp theo thứ tự ưu tiên để làm cơ sở điều chuyển phù hợp", ông Hải yêu cầu.
Chủ tịch Cà Mau cũng chỉ đạo, sau khi xem xét, phân loại, những người không đạt yêu cầu phải cắt hợp đồng, ngay cả giáo viên trong diện biên chế.
Riêng các địa phương phải rà soát, kiểm tra lại số lượng học sinh, đặc biệt là khối tiểu học đang thiếu 623 em, so với số lượng năm học 2017 - 2018.
"Phải tìm hiểu thật kỹ, xem các cháu có khó khăn gì để sớm có biện pháp hỗ trợ, chớ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà bỏ học khi mới hết lớp 5 là không được", ông Hải nhấn mạnh.
Trước đó, Sở Giáo dục Cà Mau cho biết, có 148 điểm trường lẻ đã được xóa tính đến cuối tháng 7. Tổng số lớp sau khi sắp xếp lại so với cuối năm 2017-2018 đã giảm 691 lớp.
Theo ngành giáo dục, địa phương có hơn 1.400 giáo viên do các trường tự ý hợp đồng trong thời gian qua, nhưng chưa được UBND tỉnh cho chủ trương. Số giáo viên này sẽ bị xem xét chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới theo chỉ đạo của tỉnh.
Phúc Hưng
Theo Vnexpress
Cắt hợp đồng hơn 200 giáo viên, nhân viên: Trường lại thiếu giáo viên Mới đây, UBND huyện Ia Grai (Gia Lai) đã chi hơn 3,8 tỉ đồng để trả tiền hợp đồng cho hơn 200 giáo viên, nhân viên hợp đồng trong ngành Giáo dục. Nhưng cùng với đó, UBND huyện Ia Grai cũng đã chỉ đạo cắt hợp đồng với số lượng trên (trong đó có khoảng 155 giáo viên). Hàng trăm giáo viên, nhân...