Quảng Ngãi: Người thầy 11 năm kết nối giúp đỡ cho các học sinh nghèo
“Vận động một khoản tiền giúp các em vượt qua khó khăn trước mắt là điều cần nhưng chưa đủ. Cái quan trọng là phải giúp các em trưởng thành, bước qua những tháng năm gian khó trên giảng đường đại học”, thầy Ngô Khắc Vũ nói và tự nhận mình là người “vác tù và hàng tổng” bên cạnh học sinh nghèo.
Chỉ ít ngày nữa là em Vương Ban (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) chính thức trở thành tân sinh viên Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Những ngày cuối cùng còn ở Quảng Ngãi, Ban hay lui tới một tiệm photocopy nhỏ đối diện cổng trường THPT số 2 Mộ Đức – đó là nhà của thầy giáo Ngô Khắc Vũ.
Thấy Ban, thầy Vũ liền “nhường” việc cho vợ rồi cầm tập hồ sơ xin vào ký túc xá Cỏ May và hồ sơ xin học bổng mà học trò mang tới kiểm tra cẩn thận. Năm học mới 2018 – 2019, Ban là 1 trong 10 tân sinh viên được thầy Ngô Khắc Vũ giúp đỡ xin học bổng và chỗ ở miễn phí.
Thầy Ngô Khắc Vũ hướng dẫn em Vương Ban hoàn thiện hồ sơ xin học bổng và xin chỗ trọ miễn phí.
Ban là cựu học sinh trường THPT số 2 Mộ Đức, cha mất sớm, mẹ bệnh nặng khiến cậu học trò ốm yếu tưởng chừng không vượt qua được khó khăn để bước tiếp trên con đường học tập.
“Thầy giúp đỡ em từ năm lớp 10 đến tận bây giờ. Không chỉ vận động kinh phí hỗ trợ em học tập, thầy còn thường xuyên động viên lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhờ thầy em mới có động lực để có thể bước chân vào giảng đường đại học”, Ban chia sẻ.
“Thôi cứ vào nhập học. Mới đầu sẽ có mấy anh chị trong đó hỗ trợ. Còn hồ sơ để đây thầy nộp cho”, thầy Vũ nói với Ban rồi giải thích, 2 khóa trước thầy đã kết nối cho 8 sinh viên nghèo của huyện Mộ Đức vào ở miễn phí tại ký túc xá Cỏ May.
2 tuần trước, thầy Vũ đã vào tận TPHCM thăm và đưa các em số tiền vừa vận động được để sẵn trong tài khoản. Số tiền này được dùng hỗ trợ cho những tân sinh viên như Ban trong những ngày đầu còn bỡ ngỡ.
Khi chúng tôi kết thúc câu chuyện với em Vương Ban cũng là lúc thầy Vũ đến hẹn trao tiền cho 2 học sinh ở xã bên cạnh. Theo chân thầy, chúng tôi được nghe thêm những câu chuyện đẹp về “người vác tù và hàng tổng” này.
Nhận số tiền 1 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Xi (xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức) không khỏi xúc động. Chị Xi và con trai Nguyễn Hữu Lộc vừa về nhà sau đợt điều trị căn bệnh ung thư máu.
Chị Xi cho biết, cả ba con của chị đều được thầy Vũ giúp đỡ. Động lực từ sự quan tâm của người thầy đã giúp con gái đầu của chị bước chân vào giảng đường Đại học Kinh tế TPHCM. Riêng cháu Lộc không phải là học trò của thầy nhưng thấy cháu bệnh hiểm nghèo, gia đình lại khó khăn nên thầy thường xuyên vận động hỗ trợ kinh phí giúp cháu điều trị bệnh.
“Cháu nhỏ bị bệnh thì thầy hỗ trợ tiền, hai cháu lớn thì thầy hỗ trợ tiền mua sách vở. Một cháu đang học đại học được thầy nhận giúp đỡ từ năm lớp 10. Đến bộ áo dài mới của cháu trước khi vào năm học mới cũng được thầy mua cho. Tình cảm thầy Vũ dành cho mấy đứa tôi không bao giờ quên được”, chị Xi xúc động.
Thầy Ngô Khắc Vũ đã có 11 năm trên hành trình chia sẻ, kết nối yêu thương với học sinh nghèo
Vừa tròn 39 tuổi, thầy Ngô Khắc Vũ đã có hơn 11 năm gắn bó với công tác thiện nguyện. Suốt quãng thời gian đó, thầy Vũ không nhớ nổi mình đã kết nối giúp đỡ được bao nhiêu hoàn cảnh. Bởi với thầy, việc làm thiện nguyện không quan trọng ở con số mà ở những gì học sinh nghèo đạt được.
“Cái mình nhận được chính là khi các em trở về ngôi nhà nhỏ này. Được nghe các em báo cáo kết quả học tập, công việc. Thành công của các em chính là phần thưởng lớn nhất cho công việc của mình”, thầy Vũ nói.
Thầy tâm niệm, vận động một khoản tiền giúp đỡ các em giải quyết khó khăn trước mắt là cần thiết nhưng chưa đủ. Quan trọng là phải giúp các em trưởng thành, vượt qua được những tháng năm gian khó để tiếp tục học tập. Chính vì vậy, những học sinh nghèo được thầy quan tâm hỗ trợ từ khi còn đi học ở quê cho đến lúc vào đại học và ra trường.
Có hay không những khó khăn, thưa thầy? – tôi hỏi. Có, giọng thầy trầm lại rồi bảo đó chỉ là những hiểu lầm nhất thời. Quan trọng là mình làm bằng cái tâm nên rồi mọi người cũng hiểu và tin tưởng.
Để có được khoản kinh phí lớn hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, thầy Vũ phải lọ mọ kết nối với nhiều nơi. Từ Hội Cựu Sinh viên đến những doanh nghiệp lớn của tỉnh Quảng Ngãi. 11 năm trên hành trình kết nối yêu thương, có lúc công việc, sự vướng mắc khiến thầy cảm thấy mệt mỏi. Vậy nhưng, đứng trước những hoàn cảnh khó khăn, thầy Vũ không đành lòng dừng lại. Để rồi, hành trình “đi xin” để kết nối yêu thương lại tiếp tục.
Bây giờ, ngôi nhà nhỏ và facebook Vũ Ngô của thầy Ngô Khắc Vũ trở thành là địa chỉ tin cậy của nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm. Đó là nơi chia sẻ những hoàn cảnh học sinh, những cảnh đời cần hỗ trợ. Đó cũng chính là nơi truyền đi thông điệp đầy nhân văn về tình thầy trò, tình người của người thầy tự nhận mình là người “vác tù và hàng tổng”.
Quốc Triều
Theo Dân trí
Quảng Ngãi: Dạy cho học sinh vùng cao nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1
Thời điểm này, những điểm trường tiểu học ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi đã vang lên tiếng ê a của học sinh. Đây là những học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đến trường sớm để tập nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Tập cho học sinh vùng cao nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1
Cô Phạm Thị Bích Ngân (trường Tiểu học Sơn Dung, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) bắt đầu công tác giảng dạy sớm hơn đồng nghiệp gần 1 tháng. Cô Ngân cùng 4 giáo viên khác được phân công tập nói tiếng Việt cho 91 học sinh người dân tộc thiểu số chuẩn bị bước vào lớp 1 của trường Tiểu học Sơn Dung.
Theo cô Ngân, số trẻ em người dân tộc thiểu số từ 3 - 5 tuổi chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Đối với trẻ từ 5 - 6 tuổi có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, tuy nhiên phần lớn các em chỉ sử dụng tiếng Việt ở trường, khi về nhà vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ. Điều này khiến các em gặp nhiều hạn chế trong việc giao tiếp và khó khăn khi tiếp thu, lĩnh hội kiến thức khi bước vào lớp 1.
Giáo viên huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) hướng dẫn cho học sinh tập tô chữ cái tiếng Việt.
Chính vì vậy, cô Ngân có nhiệm vụ giúp các em có thói quen nói tiếng Việt thường xuyên, hướng dẫn các em cách phát âm chuẩn, cách nhận diện chữ cái, tập tô nét, nhận biết chữ số. Đồng thời rèn luyện để các em có thể nói được một câu hoàn chỉnh, biết chào hỏi thầy cô, bạn bè, người thân...
"Các em vốn quen nói tiếng mẹ đẻ nên cách phát âm, câu chữ, cách ứng xử không phù hợp với chương trình giáo dục trên lớp. Vì vậy giáo viên phải giúp các em nói được những câu hoàn chỉnh, phát âm chuẩn tiếng Việt. Sử dụng thành thạo tiếng Việt sẽ giúp các em tiếp thu bài tốt hơn và hòa nhập với bạn bè khi vào lớp 1", cô Ngân chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Anh - Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây cho biết: Huyện Sơn Tây có trên 90% học sinh là người dân tộc thiểu số. Việc các em nói không rành tiếng Việt ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tiếp thu kiến thức trên lớp. Do đó, hoạt động tập nói tiếng Việt được đơn vị triển khai nghiêm túc theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT.
Trong năm học 2018-2019, huyện Sơn Tây có 497 học sinh được tập nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Đến thời điểm này tất cả các điểm trường tiểu học đã triển khai thực hiện.
"Để thay đổi thói quen giao tiếp, giúp các em làm quen với cách phát âm, chữ viết tiếng Việt trong vòng 1 tháng là khá khó khăn. Nếu không có biện pháp phù hợp và quyết tâm thì hiệu quả sẽ không cao. Vì vậy hoạt động này được phòng quan tâm kiểm tra thường xuyên", ông Anh nhấn mạnh.
Theo bà Lê Thị Kim Ánh - Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi), hoạt động tập nói tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số đã được triển khai từ nhiều năm học trước. Tuy nhiên chỉ một số ít trường có điều kiện thuận lợi tổ chức thực hiện. Do đó còn nhiều học sinh gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Việt, riêng trong năm học 2017-2018 có 743 học sinh người dân tộc thiểu số không hoàn môn tiếng Việt.
"Các em còn hạn chế về tiếng Việt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiếp thu kiến thức, hạn chế về mặt giao tiếp. Vì vậy, hoạt động tập nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1 cần phải được triển khai bắt buộc ở tất cả các điểm trường có học sinh dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định 80 về triển khai đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025", bà Ánh cho biết.
Học sinh người dân tộc thiểu số được tập nói tiếng Việt sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn khi vào lớp 1
Năm học 2018-2019 là năm đầu tiên triển khai hoạt động tập nói tiếng Việt ở tất cả các điểm trường tiểu học của 6 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng có học sinh người dân tộc thiểu số chuẩn bị vào lớp 1. Tổng số học sinh tham gia hoạt động này là 4.900 em.
Ngay từ trong hè, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức tập huấn cho gần 400 cán bộ, giáo viên tiểu học. Đảm bảo 100% giáo viên trực tiếp đứng lớp tập nói tiếng Việt cho các em phải nắm rõ nội dung, phương pháp thực hiện.
"Mục tiêu cuối cùng là giúp học sinh dân tộc thiểu số sử dụng thành thạo tiếng Việt, đây là tiền đề để có thể nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. Vì vậy, chúng tôi tổ chức kiểm tra chặt chẽ hoạt động này tại các điểm trường. Đảm bảo 100% điểm trường có học sinh dân tộc thiểu số phải triển khai thực hiện. Qua hoạt động kiểm tra chúng tôi cũng theo dõi, ghi nhận sự tiến bộ của các em để đánh giá hiệu quả thực hiện", bà Lê Thị Kim Ánh nói.
Quốc Triều
Theo Dân trí
Điểm thi thấp hơn, tỷ lệ tốt nghiệp vẫn cao Hôm qua (11.7), Bộ GD-ĐT chính thức công bố kết quả thi THPT quốc gia 2018. Theo thống kê từ các địa phương, tỷ lệ tốt nghiệp nhiều tỉnh, thành giảm so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn cao dù điểm thi thấp hơn. Thí sinh tại TP.HCM xem điểm thi qua mạng - ẢNH: NGỌC DƯƠNG Theo cán bộ khảo...