Quảng Ngãi: Học sinh lớp 12 chế tạo robot cứu hỏa giá rẻ
Robot cứu hỏa với chi phí chế tạo khoảng 20 triệu đồng của 2 học sinh trường THPT Trần Quốc Tuấn ( tỉnh Quảng Ngãi) đã đạt giải Nhì trong cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam năm 2019.
Em Phạm Hồng Thái và Võ Đặng Văn Thành hiện là học sinh lớp 12 trường THPT Trần Quốc Tuấn (tỉnh Quảng Ngãi). Với niềm đam mê sáng tạo cùng mong muốn chế tạo ra những sản phẩm hữu ích, 2 nam sinh đã cùng nhau nghiên cứu, chế tạo thành công robot cứu hỏa điều khiển từ xa.
Thái và Thành bên sản phẩm robot cứu hỏa
Em Phạm Hồng Thái cho biết, nhiều lần chứng kiến người lính cứu hỏa phải chiến đấu với “giặc lửa” vô cùng nguy hiểm. Do đó, hai em đã nảy sinh ý tưởng chế tạo robot có thể làm thay nhiệm vụ của người lính ở những khu vực nguy hiểm nhất.
“Người lính chữa cháy phải đối mặt với nhiệt độ cao, vật liệu khi cháy có thể phát nổ hoặc sinh ra khói độc gây nguy hiểm. Vì vậy chúng em nghĩ robot cứu hỏa sẽ rất cần thiết và hữu ích đối với những người lính làm công tác chữa cháy”, Thái nói.
Theo Thái, sản phẩm robot cứu hỏa hoàn toàn không mới nhưng giá thành rất cao. Do đó, Thái và Thành đặt ra yêu cầu là chế tạo robot phải đáp ứng được yêu cầu thực tế và có giá thành rẻ. Với ý tưởng đó, hai nam sinh bắt tay nghiên cứu thực hiện sản phẩm của mình.
Sau một thời gian nghiên cứu, chế tạo với nhiều lần gặp thất bại, mô hình Robot cứu hỏa của hai nam sinh trường THPT Trần Quốc Tuấn đã hoàn thành. Robot được làm hoàn toàn bằng thép với khả năng chịu được nhiệt độ lên đến 3000C.
Ngoài hệ thống cảm biến nhiệt, mạch điều khiển điện tử phức tạp, robot được gắn một xi lanh điện để thay đổi góc phun trong những điều kiện khác nhau. Với cơ cấu bánh xích, robot có thể di chuyển trên nhiều loại địa hình, kể cả những địa hình phức tạp mà con người khó tiếp cận.
Robot cứu hỏa hoạt động khá hiệu quả và giá thành chế tạo chỉ khoảng 20 triệu đồng.
Một camera với độ phân giải HD được gắn trên robot có nhiệm vụ thu hình ảnh liên tục giúp người điều khiển đưa ra phương án di chuyển tốt nhất để tiếp cận và dập tắt đám cháy.
“Chúng em phải mất 6 tháng chế tạo, thử nghiệm với không ít lần thất bại mới hoàn thành được sản phẩm”, Thái cho biết.
Video đang HOT
Nói về những khó khăn trong quá trình chế tạo sản phẩm, em Võ Đặng Văn Thành cho biết, khó khăn lớn nhất nằm ở bước tìm hiểu tài liệu liên quan đến robot cứu hỏa. Riêng hệ thống mạch điện chưa có nhiều tài liệu trong nước nên một số phần như lập trình mạch, cảm biến nhiệt độ, camera… đều phải tìm hiểu trong tài liệu bằng tiếng Anh.
“Vật liệu chế tạo robot cũng là một trở ngại. Nhiều loại phải đặt mua ở các thành phố lớn, một số phải mua từ nước ngoài”, Thành chia sẻ.
Không chỉ tạo ra sản phẩm hỗ trợ người lính cứu hỏa thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, Thái và Thành còn cố gắng nội địa hóa các thiết bị trong robot để giá thành thấp nhất. Do đó, toàn bộ chi phí chế tạo robot chỉ khoảng 20 triệu đồng.
Robot được điều khiển từ xa để tiếp cận, dập tắt đám cháy.
Theo Thiếu tá Nguyễn Hợp – Phó trưởng phòng cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi, robot cứu hỏa của Thái và Thành đã được thực nghiệm 3 lần tại phòng cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi. Đánh giá bước đầu cho thấy đây là sản phẩm khá hữu ích trong công tác chữa cháy.
“Qua thực nghiệm thì robot vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện hơn nhưng nhìn chung đây là ý tưởng hay. Robot hoạt động khá hiệu quả khi đã dập tắt được đám cháy trong những lần thực nghiệm”, Thiếu tá Hợp nhận định.
Quốc Triều
Theo Dân trí
'Thiếu, thừa, sai chi tiết nhỏ là các bạn khiếm thị không thể đọc'
Thước, bình đo thể tích, lực kế, nhiệt kế... với các vạch số nổi do hai nam sinh ở TP.HCM làm dành tặng học sinh khiếm thị đã giành giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật phía Nam.
Anh Khôi (trái) và Việt Đức cùng bộ dụng cụ cho học sinh khiếm thị Ảnh: TR.NHÂN
Sản phẩm của nhóm học sinh Trường THCS - THPT Tân Phú, TP.HCM là một trong 13 giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam và là giải nhất duy nhất của thành phố.
Bộ dụng cụ do Lê Nguyễn Anh Khôi (lớp 10A1), Nguyễn Việt Đức (lớp 11B3) thực hiện dưới sự hướng dẫn của cô Lê Thị Thủy Tiên.
Anh Khôi chia sẻ bộ dụng cụ là món quà mà nhóm muốn dành tặng các bạn học sinh khiếm thị của Trường phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu có thể tiếp cận với các môn khoa học, đặc biệt là vật lý, tốt hơn.
Vì các bạn khiếm thị
Bộ dụng cụ học tập gồm có thước thẳng, thước kẹp, bình đo thể tích, lực kế, được làm bằng nhựa cứng với các vạch và số nổi bên trên. Ngoài ra, hai thiết bị khác gồm cân và nhiệt kế được nhóm áp dụng công nghệ lập trình và điện tử có thể tự động phân tích và đọc to thông số trong mỗi lần đo.
Thước thẳng, thước kẹp được đánh số nổi với bội số của 5 kèm theo từng vạch chia tỉ lệ chuẩn từng centimet, trong khi lực kế được nhóm cẩn trọng ghi giới hạn đo, đơn vị đo ngay trên phần đầu dụng cụ.
Bình đo thể tích lại được các bạn sáng tạo bằng một ống hút gắn với quả bóng có thể dâng cao theo mực nước trong ống, đồng thời gắn với một kim chỉ số nổi giúp chỉ cần chạm là biết được thể tích cần tìm.
Với cân và nhiệt kế, giới hạn đo của cân là 1kg, còn nhiệt kế là từ 10C đến 100C. Cả hai vừa phải được gia công, lập trình và lắp mạch điện cẩn trọng để khi muốn đo chỉ cần đặt vật thể lên bề mặt hoặc dùng kim nhiệt kế đưa vào môi trường là máy sẽ tự động phát ra âm thanh thông báo kết quả.
Thầy Nguyễn Quyết Thắng - giáo viên dạy toán Trường phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) - nhớ lại nhóm nghiên cứu đã rất tâm huyết khi mỗi sản phẩm mới ra đều đem đến tận trường gặp thầy để nhờ xem trước, khi được góp ý chỉnh sửa thì phải về thiết kế lại.
"Đến khi thực nghiệm ở một lớp học, học sinh ai cũng bất ngờ vì lần đầu chạm được lực kế, nhiệt kế... trước đây chỉ nghe trong sách. Có em sờ đi sờ lại cái thước đo, có em còn thích thú bỏ hết vật này đến vật khác lên cân" - thầy Thắng kể.
Quần quật 4 tháng
Học sinh tại Trường Phổ thông Chuyên biệt trải nghiệm những dụng cụ thực hành vật lý mới do nhóm học sinh THCS - THPT Tân Phú thực hiện - Ảnh: TR.NHÂN
Anh Khôi kể trong một lần cùng nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đến Trường Nguyễn Đình Chiểu trao tặng bộ dụng cụ học tập môn toán; Khôi, Đức và cô Tiên nhận thấy dường như thiết bị thực hành chỉ có cho mỗi bộ môn toán là tương đối ổn, trong khi các lĩnh vực khác như vật lý hay hóa học còn thiếu rất nhiều.
Thế rồi, nhóm quyết định cùng nhau bắt tay thực hiện một bộ dụng cụ thực hành vật lý, kéo dài trong vòng 4 tháng mới được hoàn thành.
Khôi cũng chia sẻ trong môn vật lý cần rất nhiều dụng cụ, chẳng hạn ampe kế, vôn kế, đồng hồ, lăng kính... do đó nhóm nghiên cứu đã phải đọc lại hết tất cả các sách từ lớp 8 đến lớp 11 để có thể xác định được cần làm cái gì trước tiên.
Trong quá trình thực hiện, Khôi đảm nhiệm phần nội dung cũng như những thiết kế về phần chữ nổi và ký hiệu nổi trước khi đem in 3D.
"Tụi mình thiết kế rất nhiều lần bởi thiếu, thừa, hay sai một chi tiết nhỏ trên thiết bị là các bạn khiếm thị không thể đọc. Lần đầu tiên tụi mình đánh số nổi quá sát nhau, các bạn không phân biệt được, riêng lực kế phải sửa đi sửa lại ba lần, phải chú ý cả những chữ in hoa hay in thường" - Khôi nói.
Trong khi đó, Đức là "lập trình viên" của nhóm khi một mình giải quyết những khó khăn thiết kế cân và nhiệt kế điện tử. Dù đã học lập trình và điện tử từ năm lớp 8 đến nỗi trong phòng Đức toàn thấy các bo mạch, IC... nhưng thử thách lần này làm Đức phải "đau đầu" đến gần 2 tháng.
Đức cho biết mình đã lùng sục các diễn đàn trên mạng xã hội và học hỏi các "tiền bối" về công nghệ để biết cách kết nối giữa việc đo số chính xác rồi cho ra hiển thị trên màn hình LED và âm thanh tương ứng. Thậm chí, Đức đã làm cháy một số thiết bị bên trong dụng cụ này đến 5-6 lần mới có thể ra được sản phẩm hoàn thiện.
Theo cô Lê Thị Thủy Tiên, một vài thiết bị trong bộ dụng cụ của các bạn, chẳng hạn như nắp lực kế, gần như là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam, do đó các bạn sẽ xin đăng ký bản quyền trong tương lai gần. Cô Tiên cũng cho biết dù lịch học và làm việc của ba cô trò khác nhau nhưng cả ba đều cố gắng dành thời gian cho dự án vì lời hứa với các học sinh khiếm thị.
Mong tặng cho nhiều bạn khiếm thị hơn
Thầy Thắng cho biết Trường Nguyễn Đình Chiểu những năm gần đây nhận được nhiều quan tâm của các đơn vị trong việc thiết kế các dụng cụ học tập dành riêng cho học sinh khiếm thị. "Dẫu vậy vẫn chưa đủ, làm đồ dùng học tập cho các em phải đi từng bước một, chứ cũng không hi vọng một lần là có đủ mọi thứ" - thầy Thắng cho biết. Những phần thực hành các phản ứng hóa học luôn là thử thách với các em bởi chưa có đủ dụng cụ chuyên biệt.
Trong khi đó, Anh Khôi chia sẻ mình không mong các sản phẩm có thể được sản xuất công nghiệp. "Chỉ mong muốn có thể sử dụng sản phẩm dành tặng cho các bạn học sinh khiếm thị" - Khôi nói.
Theo tuoitre
Trao 13 giải Nhất cuộc thi KHKT khu vực phía Nam Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 khu vực phía Nam vừa kết thúc sáng nay 19/3 với 13 dự án được trao giải Nhất. Các dự án được giải Nhất của các nhóm lĩnh vực cũng đã tham gia phần thi bằng tiếng Anh để chọn đội tuyển dự thi...