Quảng Ngãi: Hàng trăm học sinh bỏ học để kết hôn sớm
Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi vừa cho biết, trong 3 năm (2011-2013), 6 huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã có 500 học sinh THCS lập gia đình.
Ở 3 huyện miền núi: Trà Bồng, Minh Long và Sơn Tây, số người kết hôn dưới tuổi quy định của pháp luật chiếm tỷ lệ cao. Độ tuổi kết hôn sớm, khoảng từ 12-17. Trong số nữ sinh lập gia đình hầu hết đều mang thai ngoài ý muốn.
Trong năm 2014, riêng tại huyện Trà Bồng, qua khảo sát 2.400 trẻ vị thành niên thì phát hiện có 40 trường hợp tảo hôn. Nguyên nhân của tình trạng này là do tập tục hứa hôn ở địa phương. Trai gái trong làng lớn lên, hai bên gia đình đồng ý tổ chức cho cưới mặc dù chưa đến tuổi kết hôn theo Luật Hôn nhân gia đình. Hiểu biết về sức khỏe sinh sản vị thành niên ở địa phương cũng rất hạn chế và hủ tục vẫn còn tồn tại.
Theo Thái Thuy./Báo An ninh thủ đô
Cô học trò hai lần bỏ học
Buổi học đầu tiên trong năm học mới của lớp chọn 11A Trường THPT Nguyễn Huệ (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) bỗng trống một chỗ. Cô, trò trong lớp ngơ ngác nhìn nhau...
Cô giáo chủ nhiệm Lê Thúy Hằng tìm về nhà của em Ngô Thị Hồng Hạnh (thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) - người đúng ra ngồi ở chỗ trống đó.
Cô không gặp được Hạnh bởi từ hơn 10 ngày qua Hạnh đã xin đi học may ở Xí nghiệp may Lao Bảo, đóng tại thị xã Quảng Trị, cách nhà hơn 7km.
Video đang HOT
Cô Hằng lại chạy ngược về xí nghiệp may tìm Hạnh. Hạnh nói đã quyết định bỏ học để đi học nghề may. Dưới mái hiên của xí nghiệp may, cả cô và trò chỉ biết đứng trân người nhìn nhau nghẹn đắng. Đây đã là lần thứ hai Hạnh bỏ học.
Hạnh giúp mẹ làm việc nhà sau giờ học và làm thêm.
Thay đổi vào giờ chót
Hạnh không có ba. Mẹ Hạnh là bà Ngô Thị Nở bắt đầu câu chuyện một cách chậm rãi theo nhịp thở khó nhọc của người bị suy nhược cơ thể lâu ngày. Hạnh mới lên 2 tuổi, bà Nở phải gửi con cho bà ngoại nuôi để vào miền Nam làm thuê. Bà gồng mình tăng ca cả ngày lẫn đêm để kiếm đủ 2 triệu đồng/tháng gửi về cho cô con gái ở quê ăn học.
Bốn năm hành xác trong một cơ sở may tư nhân đã làm hao mòn hết sức lực của người mẹ trẻ. Bà Nở gầy dần, chỉ còn chưa đầy 40kg. Đến năm 2008, không còn đủ sức bươn chải nữa, bà quyết định về quê đi ở đợ nuôi con.
Được thêm vài năm, bà Nở ngã quỵ. Căn bệnh suy nhược cơ thể cùng chứng thiếu máu trầm trọng khiến bà chỉ còn có thể làm việc lặt vặt trong nhà. Không ai dám thuê bà làm ôsin nữa.
Học hết năm lớp 9, sau nhiều đêm suy nghĩ, Hạnh quyết định bỏ học. "Giờ mẹ bệnh, bà ngoại thì già, làm gì ra tiền để nuôi mình đi học nữa. Phải đi học nghề mới nhanh kiếm được tiền về nuôi mẹ" - Hạnh nghĩ. Bà Nở xót xa khi thấy con xếp sách vở cùng xấp giấy khen vào thùng. Nhưng bà không thể làm gì khác, chỉ biết khóc.
Hạnh nhờ một người bà con xin cho đi học nghề làm tóc ở TP Đông Hà. Xin mãi mới có một nơi chịu nhận vì Hạnh còn nhỏ tuổi quá. Chủ hiệu làm tóc hẹn Hạnh ngày ra nhận việc vào cuối tháng 6, tức sau thời điểm nhận bằng tốt nghiệp THCS. Đến ngày hẹn, bà Nở gói mấy bộ quần áo vào túi xách, nhét thêm cho con mấy chục ngàn đồng tiền ăn sáng vào tay để một người cậu chở ra Đông Hà.
Xe vừa ra tới cổng thì bỗng thầy giáo chủ nhiệm cùng mấy thầy cô trong trường đến níu em lại. Sau cuộc nói chuyện nhanh giữa bà Nở với các thầy cô, việc Hạnh vào Đông Hà học nghề bị hủy bỏ.
Các thầy cô hứa sẽ trợ giúp cho bà Nở một phần chi phí trước khi Hạnh bước vào lớp 10. Hạnh mừng mừng tủi tủi vì được đi học trở lại nhưng cũng không ít lo âu, bởi chưa biết mình sẽ đủ khả năng đi học đến bao lâu. "Nếu các thầy cô không đến kịp thì chắc giờ em đã học xong nghề làm tóc rồi" - Hạnh nhớ lại.
Lần thứ hai được "cứu"
Lên lớp 10, Hạnh được vào lớp chọn của trường. Sức học của Hạnh cũng thuộc top năm của lớp. Nhưng Hạnh nghỉ học nhiều vì phải đi làm thêm mới đủ chi phí học tập. Hạnh xin đi phụ bán cà phê cho một quán ở thị xã Quảng Trị.
Ban ngày đi học, buổi tối đạp xe hơn 7km đến quán phụ bưng bê cà phê nên phải sau 11 giờ đêm Hạnh mới có thời gian học bài. Sức học của Hạnh vẫn không vì thế mà giảm sút. Hết năm lớp 10 điểm tổng kết của Hạnh vẫn đạt 7,7.
Nhưng rồi cơn ác mộng phải bỏ học lại ập đến với Hạnh khi sắp bước vào năm học mới. Sức khỏe bà Nở ngày càng xấu. Hạnh không thể đi phụ bán cà phê như mọi ngày được nữa. Lần thứ hai Hạnh quyết định phải bỏ học. Bà Nở dù không muốn cũng phải gật đầu. Lần này Hạnh nhờ cậu xin cho đi học nghề may.
Đầu tháng 8 vừa rồi, Hạnh được nhận vào học nghề tại Xí nghiệp may Lao Bảo đóng tại thị xã Quảng Trị. Hạnh nghĩ chắc mình sẽ không còn có cơ hội được tiếp tục đi học nữa. Ngày ngày cô bé cần mẫn đạp xe đi về chăm chỉ học nghề để nhanh đi làm, có lương về nuôi mẹ.
"Hôm đến ngày đi học, em cũng đạp xe đi cùng đường với nhiều bạn cùng lớp nhưng đến thị xã thì mỗi người rẽ một đường. Em không dám nhìn theo các bạn vì sợ tủi" - Hạnh nhớ lại.
Hạnh đi học nghề may được hơn 10 ngày thì cô Hằng chủ nhiệm lớp tìm đến. Hôm đó là ngày 26/8, đúng sau buổi học thứ hai trống chỗ của Hạnh.
Cô Hằng kể đã linh cảm thấy chuyện không lành về trường hợp Hạnh nên quyết định lên tìm: "Ngồi nghe em kể về hoàn cảnh của mình rồi về quyết định bỏ học, lòng tôi nghẹn đắng. Phải làm gì đó để đưa em trở lại trường".
Về, cô Hằng lẳng lặng đi mua một bộ sách vở mới cùng đồ dùng học tập dành cho học sinh lớp 11 đóng vào hộp. Chiều hôm sau, cô lại lặng lẽ cùng chồng chở lên tận nhà Hạnh. Bà Nở vui lắm vì đây là lần đầu tiên con có một bộ sách vở mới đi học. Nhưng rồi bà lại thở dài: "Có sách vở rồi nhưng tui ngồi một chỗ, phải làm sao với mấy triệu đồng nộp các khoản tiền trường lớp cho con được đây?".
Cô Hằng lại vò đầu tìm cách. Phải đưa Hạnh trở lại trường sớm, nếu không sẽ không theo kịp chương trình. Ngày sau đó, sau buổi dạy, cô lại đến nhà Hạnh. Cô cam đoan với bà Nở rằng cứ cho Hạnh đi học cho kịp bạn bè rồi sẽ tìm cách giúp Hạnh có tiền đóng học phí. Nghe lời cô, Hạnh đã bỏ xí nghiệp may để trở lại trường. Đây là lần thứ hai em được "cứu".
Theo Quốc Nam/Báo Tuổi trẻ
Cứ bỏ học rồi sẽ thành tỷ phú? Gần đây, các phương tiện thông tin truyền thông đăng tải hàng loạt những câu chuyện giật gân về những tỷ phú bỏ học giữa chừng khiến cộng đồng xôn xao, ai nấy đều muốn "bỏ học". Nhưng theo trang The Atlantic, mọi người đang bị cuốn theo sức hút của hai chữ "tỷ phú" mà quên rằng trong số 30 triệu người...