Quảng Ngãi: Dạy cho học sinh vùng cao nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1
Thời điểm này, những điểm trường tiểu học ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi đã vang lên tiếng ê a của học sinh. Đây là những học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đến trường sớm để tập nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Tập cho học sinh vùng cao nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1
Cô Phạm Thị Bích Ngân (trường Tiểu học Sơn Dung, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) bắt đầu công tác giảng dạy sớm hơn đồng nghiệp gần 1 tháng. Cô Ngân cùng 4 giáo viên khác được phân công tập nói tiếng Việt cho 91 học sinh người dân tộc thiểu số chuẩn bị bước vào lớp 1 của trường Tiểu học Sơn Dung.
Theo cô Ngân, số trẻ em người dân tộc thiểu số từ 3 – 5 tuổi chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Đối với trẻ từ 5 – 6 tuổi có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, tuy nhiên phần lớn các em chỉ sử dụng tiếng Việt ở trường, khi về nhà vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ. Điều này khiến các em gặp nhiều hạn chế trong việc giao tiếp và khó khăn khi tiếp thu, lĩnh hội kiến thức khi bước vào lớp 1.
Giáo viên huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) hướng dẫn cho học sinh tập tô chữ cái tiếng Việt.
Chính vì vậy, cô Ngân có nhiệm vụ giúp các em có thói quen nói tiếng Việt thường xuyên, hướng dẫn các em cách phát âm chuẩn, cách nhận diện chữ cái, tập tô nét, nhận biết chữ số. Đồng thời rèn luyện để các em có thể nói được một câu hoàn chỉnh, biết chào hỏi thầy cô, bạn bè, người thân…
“Các em vốn quen nói tiếng mẹ đẻ nên cách phát âm, câu chữ, cách ứng xử không phù hợp với chương trình giáo dục trên lớp. Vì vậy giáo viên phải giúp các em nói được những câu hoàn chỉnh, phát âm chuẩn tiếng Việt. Sử dụng thành thạo tiếng Việt sẽ giúp các em tiếp thu bài tốt hơn và hòa nhập với bạn bè khi vào lớp 1″, cô Ngân chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Anh – Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây cho biết: Huyện Sơn Tây có trên 90% học sinh là người dân tộc thiểu số. Việc các em nói không rành tiếng Việt ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tiếp thu kiến thức trên lớp. Do đó, hoạt động tập nói tiếng Việt được đơn vị triển khai nghiêm túc theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT.
Trong năm học 2018-2019, huyện Sơn Tây có 497 học sinh được tập nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Đến thời điểm này tất cả các điểm trường tiểu học đã triển khai thực hiện.
“Để thay đổi thói quen giao tiếp, giúp các em làm quen với cách phát âm, chữ viết tiếng Việt trong vòng 1 tháng là khá khó khăn. Nếu không có biện pháp phù hợp và quyết tâm thì hiệu quả sẽ không cao. Vì vậy hoạt động này được phòng quan tâm kiểm tra thường xuyên”, ông Anh nhấn mạnh.
Theo bà Lê Thị Kim Ánh – Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi), hoạt động tập nói tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số đã được triển khai từ nhiều năm học trước. Tuy nhiên chỉ một số ít trường có điều kiện thuận lợi tổ chức thực hiện. Do đó còn nhiều học sinh gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Việt, riêng trong năm học 2017-2018 có 743 học sinh người dân tộc thiểu số không hoàn môn tiếng Việt.
“Các em còn hạn chế về tiếng Việt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiếp thu kiến thức, hạn chế về mặt giao tiếp. Vì vậy, hoạt động tập nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1 cần phải được triển khai bắt buộc ở tất cả các điểm trường có học sinh dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định 80 về triển khai đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025″, bà Ánh cho biết.
Học sinh người dân tộc thiểu số được tập nói tiếng Việt sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn khi vào lớp 1
Năm học 2018-2019 là năm đầu tiên triển khai hoạt động tập nói tiếng Việt ở tất cả các điểm trường tiểu học của 6 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng có học sinh người dân tộc thiểu số chuẩn bị vào lớp 1. Tổng số học sinh tham gia hoạt động này là 4.900 em.
Ngay từ trong hè, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức tập huấn cho gần 400 cán bộ, giáo viên tiểu học. Đảm bảo 100% giáo viên trực tiếp đứng lớp tập nói tiếng Việt cho các em phải nắm rõ nội dung, phương pháp thực hiện.
“Mục tiêu cuối cùng là giúp học sinh dân tộc thiểu số sử dụng thành thạo tiếng Việt, đây là tiền đề để có thể nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. Vì vậy, chúng tôi tổ chức kiểm tra chặt chẽ hoạt động này tại các điểm trường. Đảm bảo 100% điểm trường có học sinh dân tộc thiểu số phải triển khai thực hiện. Qua hoạt động kiểm tra chúng tôi cũng theo dõi, ghi nhận sự tiến bộ của các em để đánh giá hiệu quả thực hiện”, bà Lê Thị Kim Ánh nói.
Quốc Triều
Theo Dân trí
Nếu mắc phải 5 điều này, bố mẹ sẽ khiến con sợ đi học ngay từ "vạch xuất phát"
Lớp 1 được coi là "vạch xuất phát" cho hành trình học hành của mỗi bạn nhỏ, vì thế, sự chuẩn bị của bố mẹ cho năm học đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trẻ có yêu thích học tập hay thất bại ngay từ vạch xuất phát đều là do sự chuẩn bị tâm thế cho con vào lớp 1 của bố mẹ.
Con vào lớp 1 là cột mốc mà hầu hết các bố mẹ đều háo hức và hồi hộp chờ đợi, có lẽ vì thế nên bố dành rất nhiều sự quan tâm và đầu tư cho hành trang vào lớp 1 của con. Tuy nhiên, không phải sự chuẩn bị nào cũng tốt và phù hợp với trẻ. Có rất nhiều quan điểm cũng như sự chuẩn bị tâm thế cho con của bố mẹ là không cần thiết, thậm chí sai lầm, có thể khiến con gặp nhiều khó khăn ngay trong năm học đầu tiên của cuộc đời. Dưới đây là 5 sai lầm mà các bố mẹ có thể thường mắc phải.
1. Cho con đi học không đúng tuổi
Trào lưu giáo dục sớm và dạy con học đọc, học viết từ nhỏ khiến cho nhiều bố mẹ sốt sắng cho con đi học lớp 1 khi trẻ chưa đủ 6 tuổi vì muốn con "tiết kiệm" thời gian học hành, thế nhưng, nhiều cuộc khảo sát, đánh giá học sinh khi vào lớp 1 đã cho kết quả rằng, những bạn nhỏ đi học khi chưa đủ 6 tuổi thường gặp phải nhiều khó khăn và chậm chạp hơn so với các bạn khác.
Không chỉ thế, trước 6 tuổi, trẻ nhỏ vẫn cần được vui chơi và tự do khám phá thế giới, cho con đi học sớm là bố mẹ đã tước đi quãng thời gian vô cùng ý nghĩa đó của trẻ, khi trẻ có thể học hỏi và hấp thu rất nhiều kĩ năng cần thiết để chuẩn bị cho quãng đường học tập phía trước của mình.
2. Dạy con học trước chương trình sách giáo khoa
Theo các chuyên gia giáo dục, cho trẻ học trước bài học trong chương trình, sách giáo khoa lớp 1 là điều bố mẹ rất không nên làm. Ở trường mẫu giáo, hoạt động chủ yếu của trẻ là vui chơi, vì thế, nếu ngay lập tức bố mẹ ép trẻ phải học đánh vần, tập viết, làm toán trước thì sẽ khiến trẻ nhàm chán, mất hứng thú, thậm chí là có tâm lý chủ quan, sao lãng, mất tập trung ngay khi đi học vì cảm thấy các bài học không còn gì là mới mẻ và thú vị. Đó là chưa kể, việc bố mẹ thiếu kiến thức và kĩ năng dạy trẻ cách cầm bút viết, cách nhận biết âm, vần, từ, tiếng... còn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc khác.
3. Không chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập cho con
Thiếu đồ dùng học tập và đồ dùng học tập không đúng với yêu cầu của nhà trường là một trong những tình huống khiến trẻ cảm thấy vô cùng phiền toái và gặp khó khăn khi học tập. Trẻ khi vào lớp 1 thường chưa có thói quen giữ gìn dụng cụ học tập, có thể thường xuyên làm hỏng, làm mất, vì thế, bố mẹ cần quan tâm đến con một cách kĩ càng để biết khi nào con cần bổ sung đồ dùng mới. Bố mẹ cũng không nên quát mắng con khi trẻ làm mất đồ dùng học tập, thay vào đó, hãy kiên trì hướng dẫn con những kĩ năng giữ gìn dụng cụ học tập gọn gàng, ngăn nắp ở nhà, dần dần, trẻ sẽ hiểu và có thói quen đó khi đi học.
4. Bố mẹ không trò chuyện thường xuyên với con về trường tiểu học
Do quá tập trung vào việc học chữ trước, học toán sớm mà nhiều khi bố mẹ quên đi việc trò chuyện cùng con về trường tiểu học, nơi con sẽ gắn bó trong suốt 5 năm đầu tiên của hành trình học tập, điều này có thể khiến trẻ cảm thấy hụt hẫng, xa lạ và khó thích nghi trong những ngày đầu tiên vào lớp 1.
Đừng đợi đến ngày đầu tiên đi học mới đưa con đến trường, từ trước đó, nếu có thể, bố mẹ nên đưa con tới trường thăm quan, trò chuyện và giới thiệu với con về địa điểm của trường, thiết kế của trường, về sân chơi, lớp học, thầy cô giáo... để con cảm thấy gần gũi hơn với ngôi trường của mình và tự tin hơn trong ngày đầu tiên đi học.
5. Con không được hướng dẫn con cách lập và sinh hoạt theo thời gian biểu
Sinh hoạt theo thời gian biểu là một kỹ năng rất quan trọng đối với trẻ khi vào lớp 1. Khi trẻ không được bố mẹ hướng dẫn cách tự lập và làm việc theo thời gian biểu, trẻ sẽ có xu hướng lề mề, không có ý thức về thời gian và thường xuyên không hoàn thành hết những việc mình cần làm, điều này vừa khiến bố mẹ mệt mỏi, ức chế vừa khiến trẻ bị mất động lực và sự tự tin vào bản thân mình.
Có một điều bố mẹ cần luôn luôn nhớ, đó là gần như những dấu ấn buồn vui, thành công hay thất bại ở lớp 1 có thể sẽ là những dấu ấn sâu đậm theo trẻ suốt trong chặng đường học tập về sau, vậy thế, ngoài việc có sự chuẩn bị tâm thế và tâm lý cho con chu đáo, phù hợp, bố mẹ còn cần đồng hành cùng con, giúp con nuôi dưỡng tình yêu đối với việc học và rèn luyện các kĩ năng học tập; đừng để con gặp phải những khó khăn, áp lực khiến trẻ cảm thấy sợ và không thích đi học.
Theo Helino
Các bộ sách bố mẹ nhất định nên "đầu tư" ngay khi con vào lớp 1 Đọc sách là một trong những thói quen đã được chứng minh là giúp trẻ có kết quả học tập tốt hơn ở trường. Dưới đây là những bộ sách bố mẹ có thể nên mua ngay khi con vào lớp 1. Nhiều bố mẹ nghĩ rằng, con vào lớp 1, trẻ đã có thể tự đọc thì không cần đọc sách cho...