Quảng Ngãi: Công trình tiêu tốn hàng chục tỷ đồng vẫn ngổn ngang sau nhiều năm
Sau 2 năm bị bỏ hoang, đầu năm 2016, Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu huyện Sơn Tịnh ( Quảng Ngãi) được bàn giao cho trường Cao đẳng Công thương TP. Hồ Chí Minh (chi nhánh Quảng Ngãi) tiếp quản và tiếp tục đầu tư. Thế nhưng đến thời điểm này, công trình vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Công trình tiêu tốn tiền tỷ vẫn ngổn ngang sau nhiều năm
Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu huyện Sơn Tịnh do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với kinh phí lên đến 37,8 tỷ đồng. Đây là 1 trong 10 trung tâm dạy nghề thí điểm trong giai đoạn 2012 – 2015 theo đề án 1956 của Chính phủ nhằm phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiến tới chuyển dịch cơ cấu lao động, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Công trình được khởi công vào tháng 8/2013, đến tháng 3/2014 thì “đứt gánh” vì thiếu vốn. Tính đến thời điểm đó, công trình này đã tiêu tốn hơn 10 tỷ đồng.
Cả bên trong và ngoài khuôn viên rộng gần 30.000 m2 của dự án vẫn um tùm cỏ dại.
Sau gần 2 năm công trình bị bỏ hoang, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định chuyển giao dự án cho trường Cao đẳng Công thương TPHCM (chi nhánh Quảng Ngãi). Quyết định này nêu rõ, trường Cao đẳng Công thương TPHCM phải tiếp tục thực hiện đầu tư, đảm bảo hoàn thành và đưa công trình vào phục vụ năm học 2016 – 2017.
Tuy vậy, hiện công trình vẫn còn ngổn ngang, khuôn viên rộng 30.000 m2 um tùm cỏ dại, một số hạng mục trơ sắt thép…
Dù được tiếp nhận từ tháng 2/2016 nhưng khối nhà này vẫn đang trong tình trạng trơ sắt thép.
Nhìn những khối nhà đồ sộ trên diện tích rộng lớn vẫn “trơ trơ” sau nhiều năm khiến người dân lắc đầu ngao ngán.
“Cái này lúc trước bỏ hoang nên nhiều người vào đây chăn thả trâu bò. Cách đây hơn 1 năm thì thấy treo bản vẽ dự án mới nhưng đến nay vẫn chưa xong. Không biết bao giờ mới được đưa vào sử dụng”, ông Nguyễn Công Tuấn (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) nói.
Chỉ có vài công nhân đang sửa chữa một số khối nhà, dù bên ngoài đã được sơn lại nhưng mái của khối nhà này vẫn chưa được hoàn thiện.
Liên quan đến dự án này, sáng 2/11, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoàng Ngọc Khôi – Giám đốc trường Cao đẳng Công thương TPHCM – chi nhánh Quảng Ngãi.
Sau gần 3 năm được bàn giao nhưng công trình vẫn đang trong tình trạng “vườn không, nhà trống”, một số khối nhà có dấu hiệu xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm. Thế nhưng, ông Khôi cho rằng thời gian thực hiện dự án không phải quá dài. Bởi, để tiếp tục đầu tư phải có kế hoạch và phải nhìn tổng thể vấn đề vì việc tiếp nhận bàn giao không đơn giản.
“Cứ nhìn mà nói hoang hóa, hoang hóa chỗ nào. Phải nhìn vào cái bây giờ với lúc mới bàn giao để so sánh. Còn thời gian kéo dài từ năm 2016 đến nay là do thủ tục tiếp nhận đã mất gần 1 năm. Trường sẽ cố gắng và cái nào cần đưa vào sử dụng ngay thì sẽ hoàn thành trước”, ông Khôi nói và cho biết đã cam kết với UBND tỉnh Quảng Ngãi đến tháng 1/2019 sẽ đưa công trình vào sử dụng.
Quốc Triều
Theo Dân trí
TP. Quảng Ngãi: Học sinh THCS làm bài kiểm tra 1 tiết bằng đề chung
Ngành Giáo dục TP. Quảng Ngãi đã chính thức thí điểm cho học sinh THCS làm bài kiểm tra 1 tiết bằng đề chung đối với 5 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý và Hóa. Đây là biện pháp nhằm hạn chế tiêu cực có thể phát sinh từ hoạt động dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, cách làm này vẫn còn một số khó khăn nhất định.
Sáng 25/10, trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP. Quảng Ngãi) tổ chức kiểm tra 1 tiết môn tiếng Anh cho tất cả học sinh khối 6. Khác với nhiều năm học trước, năm nay các em làm bài kiểm tra 1 tiết bằng đề chung.
Để làm đề kiểm tra chung, ban giám hiệu (BGH) nhà trường yêu cầu tất cả giáo viên trong tổ bộ môn ra một đề riêng. Sau đó, một cán bộ sẽ được giao nhiệm vụ tổng hợp, lựa chọn câu hỏi làm đề chung và hướng dẫn chấm bài. Đề kiểm tra này sẽ được BGH thẩm định, đồng thời gửi về Phòng Giáo dục để kiểm tra sau đó được in sao phục vụ buổi kiểm tra 1 tiết.
Tại buổi kiểm tra chung đề của trường THCS Nguyễn Nghiêm, mỗi phòng được bố trí 2 giáo viên coi kiểm tra. Quá trình kiểm tra được BGH giám sát chặt chẽ.
Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, học sinh THCS của TP. Quảng Ngãi làm bài kiểm tra 1 tiết bằng đề chung.
Dù hình thức đổi mới, buổi kiểm tra được thực hiện khá nghiêm túc nhưng đa phần học sinh vẫn khá thoải mái sau khi hoàn thành bài kiểm tra.
Theo em Nguyễn Tuấn Tú, bài làm của em được hướng dẫn đánh số báo danh cẩn thận. Trong quá trình làm bài các thầy cô giám sát chặt chẽ nên các bạn làm bài nghiêm túc.
"Em thấy đề chung không quá khó vì những dạng câu hỏi trong đề đã được ôn tập trên lớp. Kiểm tra chung đề nhưng em thấy cũng bình thường", em Nguyễn Tuấn Tú cho biết.
Về phía giáo viên, đa phần ý kiến cho rằng hình thức kiểm tra bằng đề chung sẽ hạn chế được tiêu cực phát sinh trong hoạt động dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, việc làm này cũng bộc lộ một số khó khăn.
Theo cô Phạm Thị Kim Đồng - giáo viên môn tiếng Anh, việc kiểm tra bằng đề chung là cần thiết nhằm hạn chế tiêu cực. Tuy nhiên, hoạt động này tạo ra một khối lượng công việc khá lớn cho giáo viên.
"Nhà trường phải huy động nhiều giáo viên coi kiểm tra, rồi rọc phách, chấm bài, ráp phách, tổng hợp điểm. Hình thức này tốn khá nhiều thời gian so với cách kiểm tra trước kia cho cả giáo viên và học sinh", cô Kim Đồng chia sẻ.
Bài kiểm tra của học sinh sẽ được rọc phách trước khi chấm nhằm đảm bảo tính khách quan
Trong khi đó, ông Lê Minh Hiền - phụ trách tổ chuyên môn THCS (phòng GD-ĐT TP. Quảng Ngãi), cho rằng, có thể việc dùng chung đề kiểm tra vẫn còn một số tồn tại nhưng đây là phương pháp hiệu quả để hạn chế tiêu cực, qua đó đánh giá đúng năng lực của học sinh. Xét một cách toàn diện thì ưu điểm nhiều hơn những hạn chế có thể phát sinh.
Theo ông Hiền, hiện các trường mới thực hiện thí điểm. Vì vậy, tùy điều kiện về cơ sở vật chất và cán bộ mà tổ chức kiểm tra chung đề cả 5 môn hoặc tối thiểu là 2 môn.
"Những khó khăn được phản ánh là có nhưng có thể khắc phục được. Số giáo viên tham gia coi kiểm tra chỉ tăng thêm một số tiết, việc này nhà trường có thể xem xét giải quyết. Tuy nhiên, đây là biện pháp hữu hiệu để đánh giá đúng năng lực của học sinh", ông Hiền nói.
Cũng theo ông Hiền, phòng Giáo dục TP. Quảng Ngãi sẽ kiểm tra, khảo sát việc thực hiện của các trường trong học kỳ I năm học 2018 - 2019. Trên cơ sở đó, Phòng sẽ có hướng chỉ đạo phù hợp nhất trong công tác ra đề, tổ chức thực hiện nhằm phát huy hết ưu điểm của hình thức kiểm tra 1 tiết bằng đề chung.
Quốc Triều
Theo Dân trí
Gắn khuyến học với đào tạo nghề lao động nông thôn Năm 2017, Hội Khuyến học Việt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc phối hợp giữa Hội Khuyến học với các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập gắn với các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), góp...