Quảng Ngãi: “Chỉ mong có điện về để các em học tập thuận tiện hơn”
Tháng 5, cái nắng như thiêu đốt. Vậy mà, những đứa trẻ trên thảo nguyên Bùi Hui (xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) phải học tập trong những căn phòng ngột ngạt. Mùa đông, sương mù giăng kín thảo nguyên, đây là lúc những đứa trẻ phải lần tìm con chữ trong bóng tối nhập nhoạng.
Từ nhiều năm qua, những đứa trẻ trên thảo nguyên Bùi Hui đã “khát” điện như thế.
Thôn Bùi Hui (xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) nằm ở độ cao gần 700 m so với mực nước biển. Từ trung tâm xã phải vượt gần 10 km đường rừng mới đến Bùi Hui. Trong đó, khoảng 3 km là những con dốc dựng đứng, lởm chởm đá.
Nằm tách biệt trên thảo nguyên, địa hình hiểm trở nên Bùi Hui chưa có điện. Do vậy, từ bao năm qua người dân Bùi Hui luôn “khát” điện, đặc biệt là những đứa trẻ.
Những phòng học không điện tại thôn Bùi Hui
Thôn Bùi Hui có 2 điểm lẻ của trường Tiểu học & THCS và trường Mầm non xã Ba Trang với 36 học sinh. Trong đó, 3 học sinh lớp 1 và 5 học sinh lớp 2 được bố trí học chung trong một phòng. Phòng học cho 28 học sinh Mầm non nằm sát bên cạnh.
15 năm gắn bó với Bùi Hui là chừng đó thời gian cô Phạm Thị Tiên ước mong phòng học của những đứa trẻ có điện.
“Mùa nắng thì mở cửa ra đón gió nên cũng đỡ nóng, nhưng mùa mưa tội cho các cháu lắm. Sương mù giăng kín nên phòng học rất tối. Nhiều hôm tối đến mức đứng ở đầu phòng không nhìn rõ cuối phòng. Dù vậy nhưng không thể mở cửa lấy thêm ánh sáng vì gió rất mạnh, lạnh buốt”, cô Tiên nói.
Học sinh phải chịu cảnh nóng bức vào mùa hè, còn mùa đông sương mù giăng kín khiến phòng học tối om
Video đang HOT
Phòng học chung của 8 học sinh Tiểu học trống hoác. Phòng học của bậc Mầm non đỡ hơn vì mới được xây dựng cách đây 3 năm. Trong phòng có đầy đủ đèn điện, quạt máy nhưng chưa bao giờ hoạt động.
“Đời sống của người dân ở đây vô cùng khó khăn nên các cháu chịu nhiều thiệt thòi. Giờ chỉ mong có điện về để các cháu sinh hoạt, học tập thuận tiện hơn”, cô Tiên thở dài.
Những thiết bị điện như đèn, quạt chưa bao giờ hoạt động vì ở Bùi Hui không có điện.
Cô Phạm Thị Phê – Hiệu trưởng trường Mầm non xã Ba Trang cũng luôn ao ước điểm trường thôn Bùi Hui sẽ có điện. Có điện để điều kiện học tập của những đứa trẻ trên thảo nguyên tốt hơn.
“Không có điện nên không có giếng bơm nước. Mỗi ngày phụ huynh phải mang theo 10 lít nước đến trường dự trữ cho các cháu sinh hoạt. Đèn, quạt trang bị trong phòng 3 năm rồi mà có dùng được đâu. Mùa hè thì nóng, mùa đông tối lắm. Muốn mua cái tivi cho các cháu học tập, giải trí mà cũng đành chịu”, cô Phê nói.
Ở trường không có điện nhưng về nhà cũng chẳng khá hơn. Ban đêm, những đứa trẻ phải học tập, sinh hoạt trong ánh sáng yếu ớt từ những chiếc đèn pin.
Anh Phạm Văn Điết cho biết, địa hình ở Bùi Hui khá đặc biệt nên muốn lắp máy phát điện dưới suối rất khó khăn. Điểm đặt máy cách làng hơn 3 km, vậy nên khi điện về đến nơi cũng chẳng sử dụng được. Do đó, gần 100 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu tại Bùi Hui phải sống trong cảnh thiếu điện triền miên.
Chiếc máy phát này cung cấp nguồn điện cho 12 hộ gia đình. Mỗi hộ chỉ sử dụng 1 bóng đèn nhưng khi đêm đến cũng không đủ điện để sử dụng
“Ở đây chỉ có mấy nơi đặt được máy phát, lại cách xa làng nên điện rất yếu. Nhiều hộ chung nhau 1 máy nên mỗi nhà chỉ được sử dụng 1 bóng đèn. Đèn này chỉ sáng vào ban ngày, ban đêm nhiều người sử dụng cùng lúc là không sáng. Ăn cơm hoặc mấy đứa nhỏ học bài thì phải đội đèn pin”, anh Điết nói.
Những đứa trẻ trên thảo nguyên Bùi Hui “khát” ánh điện
Trên đường tiễn chúng tôi qua thảo nguyên, anh Điết luôn miệng nói về ước mơ làng mình có điện. Có điện cho dân làng bớt khổ.
“Bao giờ có điện mình sẽ lắp thật nhiều bóng đèn trong nhà, mua tivi cho mấy đứa nhỏ xem. Nhưng làng mình nằm tận ở đây thì biết bao giờ mới có điện về”, anh Điết nói rồi quay xe về ngôi làng bắt đầu lọt thỏm trong bóng tối của cơn giông đang kéo đến.
“Thôn Bùi Hui có gần 100 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu. Thôn nằm tách biệt, địa hình hiểm trở nên chưa có điện. Do đó, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Chưa biết khi nào điện lưới mới về đến đây cho bà con sử dụng”, ông Phạm Văn Mang – Chủ tịch UBND xã Ba Trang nói.
Quốc Triều
Theo Dân trí
Đừng vì cảm xúc của người lớn
Một nhóm học sinh lớp 2 vì không nộp các khoản thu vận động đúng thời gian quy định đã phải đứng trong lớp chờ người nhà đến. Một phụ huynh ở TP Thanh Hóa đã chụp tờ giấy viết những khoản thu mà cô giáo cung cấp rồi đưa lên facebook kèm theo sự bức xúc.
(Ảnh minh họa)
Nhưng bởi áp lực nào đó, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi xuất hiện trên không gian mạng, status này đã được chủ nhân gỡ xuống. Cho dù là như vậy đi nữa thì nó cũng đã có rất nhiều người tiếp cận bằng những thái độ khác nhau. Người ủng hộ, người không, có cả người tranh thủ để lên án ngành giáo dục bằng lời lẽ ác ý.
Chỉ vài khoản tiền không quá lớn nộp chậm mà những đứa trẻ phải ngơ ngác đứng lên trong khi bạn mình thì được học. Có thể chúng chưa đủ suy nghĩ để cảm nhận hết sự tổn thương, nhưng người lớn thì khó nói rằng không day dứt.
Có nhất thiết phải đến mức như thế không, và nếu đúng như phụ huynh kia phản ánh thì rõ ràng đây là việc làm không phù hợp ở môi trường sư phạm. Thay vì bắt những đứa trẻ đứng lên, thì hãy liên hệ với người nhà của các em xem
có sự trục trặc nào không đã. Dường như sự nóng vội để đạt được kết quả đang khiến giáo viên đào thêm hố sâu ngăn cách với phụ huynh, không có lợi cho nhà trường.
Hãy dành cho trẻ những điều tốt đẹp nhất để tuổi thơ của chúng thêm trong sáng và vươn tới ước mơ. Đừng quá vì sự bực tức nhất thời của người lớn mà làm những điều không đáng. Dù status của phụ huynh nhận được nhiều ý kiến đồng tình, nhưng chưa hẳn đã là điều hay.
Trách nhiệm của phụ huynh là phối hợp với nhà trường để cùng xây dựng môi trường học tập tốt nhất cho con em mình. Và lẽ ra, khi gặp điều không mong muốn họ cần kiểm tra lại để điều chỉnh, thì lại phát tán thông tin lên không gian mạng.
Trong cuộc sống có những điều chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, nhưng đôi khi chưa hẳn đã là như thế. Bản chất của vấn đề ẩn sâu bên trong, và đều có căn nguyên, cần phải tìm hiểu kỹ rồi hãy quyết định, nhất là quyết định đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến con em mình, đến cơ sở giáo dục.
Sự việc rồi sẽ qua đi, nhưng điều ám ảnh chắc chắn còn lại. Với cách ứng xử như thế liệu rằng những người trong cuộc đã thực sự thể hiện trách nhiệm của mình đối với thế hệ tương lai, với học đường chưa, hay là họ đang chạy theo cảm xúc nhất thời của mình nhiều hơn?
Xung quanh việc dạy và học lâu nay đã có rất nhiều câu chuyện không hay xuất phát từ những việc làm có tính cá nhân của một số người làm công tác quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh. Trách nhiệm của chúng ta là phải cùng nhau xây dựng một môi trường sư phạm thật sự an toàn và thân thiện.
An Nhiên
Theo baothanhhoa
Giáo viên bị đình chỉ công tác vì bắt học sinh tự tát vào mặt Một giáo viên âm nhạc tại tỉnh Giang Tô của Trung Quốc vừa khiến nhiều phụ huynh nổi giận khi bắt những học sinh gây mất trật tự trong lớp tự tát vào mặt, trong đó có em tự tát 58 lần. Giáo viên trừng phạt những em quậy phá bằng cách bắt chúng tự tát vào mặt - CHỤP MÀN HÌNH SCMP...