Quảng Nam: Vất vả trăm bề của giáo viên vùng cao mang tên “hợp đồng”
Giáo viên vùng cao đa số là khổ cực và vất vả; còn đối với những giáo viên chưa vào biên chế mà chỉ mới có “hợp đồng” thì vất vả trăm bề. Xa nhà, lương không đủ sống, đi dạy ở điểm trường xa… là những nỗi niềm của các giáo viên ở huyện miền núi Nam Trà My.
Toàn ăn đồ khô
Sau Tết, lên vùng cao huyện Nam Trà My, đến những điểm trường chênh vênh trên những ngọn núi cao, trò chuyện với các giáo viên ở đây nhưng chúng tôi cũng không thể diễn tả hết những vất vả mà các thầy cô ở vùng cao này đã và đang trải qua.
Một điểm trường nằm trên đồi ở xã Trà Nam, huyện Nam Trà My
Giáo viên vùng cao đã vất vả, mà giáo viên “hợp đồng” ở vùng cao càng vất vả gấp chục lần. Nếu giáo viên có “biên chế” thì cuộc sống đỡ hơn chút đỉnh, còn giáo viên “hợp đồng” thì giật gấu vá vai cũng không cách nào có thể đủ trang trải sinh hoạt cho cuộc sống của bản thân, chưa nói đến lo cho gia đình.
Trò chuyện với chúng tôi, hầu hết các cô đều không muốn đưa tên thật của mình vì ngại, sợ “nổi tiếng”… Tuy nhiên cũng có cô cũng sẵn sàng công khai tên thật của mình.
Cô H., một giáo viên dạy tại một điểm trường ở thôn 4 thuộc trường tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, Nam Trà My chia sẻ với chúng tôi rất nhiều về chuyện giáo viên “hợp đồng”. Bản thân cô H. là một giáo viên hợp đồng từ năm 2015. Lúc cô mới lên, lương chỉ được 2,8 triệu đồng/tháng. Đến nay đã tăng lên được 3,8 triệu đồng/tháng.
Cô hiện đang mang bầu và gần đến ngày sinh, cũng vì khó khăn nên cô phải xin nghỉ sớm để về quê ở huyện Thăng Bình nghỉ ngơi và sinh nở. Cô chia sẻ: “Khó khăn thì nhiều lắm, không kể hết đâu. Giáo viên leo núi đứng điểm thôn rất xa, đi bộ leo núi hơn 2 tiếng mới đến nơi dạy. Đồng lương hạn hẹp nên ăn uống, chi tiêu rất tiết kiệm; toàn ăn đồ khô với mua ít cá hoặc thịt lên kho mặn để ăn cả tuần”.
Cô cũng chia sẻ rất nhớ nhà nhưng cũng khó về thường xuyên được nên cứ vài tháng mới về thăm nhà một lần. Lý do đơn giản chỉ vì không có tiền và đường xa, khoảng cách từ điểm trường cô dạy chạy về nhà bằng xe máy hơn 100 cây số.
“Giáo viên vùng cao nhiều cái thiệt thòi lắm. Ngày nghỉ không thể trọn vẹn như dưới xuôi được vì phải tranh thủ lên sớm cho kịp hôm sau đi dạy. Nhiều cô có con nhỏ đem theo lên trên này ở, lỡ con đau phải đợi xe về tới dưới Tam Kỳ để khám. Có bầu thì không dám đi lại. Lỡ có bị gì cũng phải về dưới Tam Kỳ mới khám được”, cô H. nói.
Bản thân cô cũng xa gia đình, xa chồng để đi dạy. Như cô, lúc mới cưới nhưng chồng đi làm một nơi, vợ đi làm một nẻo; 2-3 tháng, có khi nửa năm mới về gặp nhau được.
Cô H. đang dạy là “hợp đồng huyện”, nghĩa là huyện trả lương cho cô nhưng cô nghe nói vài ngày nữa chuyển qua “hợp đồng trường” nên các cô càng hoang mang hơn. Nhiều giáo viên hợp đồng có ý định bỏ việc.
“Vì công việc, vì được “hợp đồng huyện” nên em nghỉ sẽ ổn định nên cố gắng. Với lại ở miết cũng có tình cảm với nơi mình dạy và ở, tình cảm với người dân và học sinh, học sinh không có gì ăn thì khi nào lên đi dạy cũng đem theo ít bánh kẹo lên làm quà, tuy khó khăn nhưng cũng vui. Nay nghe nói chuyển hợp đồng nên nhiều giáo viên rất nản. Tháng 6 này thi biên chế ở tỉnh nhưng cũng mong manh…”, cô H. chia sẻ.
Điểm trường Tăk Nầm thuộc trường Tiểu học Trà Don, xã Trà Don, huyện Nam Trà My
Đối với Phòng Giáo dục và huyện cũng rất tạo điều kiện để những giáo viên hợp đồng lâu năm như cô H. được vào biên chế, ổn định cuộc sống và đỡ khó khăn hơn nhưng giờ biên chế đang muốn tinh giản, các giáo viên “hợp đồng” càng tâm tư hơn.
Chúng tôi gặp cô Nguyễn Thị Thảo, phụ trách điểm trường Tăk Nầm thuộc trường tiểu học Trà Don, xã Trà Don. Cô Thảo một mình đứng 2 lớp ghép 1 và 2 chỉ với 9 học sinh. Hôm chúng tôi đến, 2 lớp này vắng hết 4 em vì ốm đau, chỉ còn lại 5 em mà trong đó có 1 em bị khiếm khuyết về thần kinh, gia đình đưa con đến trường chỉ để hòa nhập với cộng đồng.
Cô Thảo phụ trách điểm trường với 9 em học sinh 2 lớp ghép 1 và 2. Nhưng hôm chúng tôi đến, lớp chỉ có 5 em
Cô Thảo cho biết, nhà ở huyện Bắc Trà My, cô được cử tuyển đi học rồi về dạy đã được 2 năm và vẫn đang “hợp đồng” với mức lương chỉ 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Cô cho biết, chồng cô trước đây làm ở tận huyện Phước Sơn, cách xa cả trăm cây số. Trước tết, chồng cô xin nghỉ ở đó về huyện Nam Trà My xin việc để gần vợ.
Tuy nhiên, từ khi chuyển về huyện này, chồng cô thất nghiệp, xin vài chỗ nhưng chưa nơi nào nhận. Cô thuê căn phòng trọ giá 400 ngàn đồng ở trung tâm huyện để ở, hàng ngày cô chạy xe máy từ phòng trọ lên hơn 20 phút đến điểm trường. Ngày nào dạy 1 buổi thì trưa về, còn ngày nào dạy 2 buổi thì cô đùm cơm theo ăn.
Cô Thảo hiện cũng đang mang bầu, khó khăn chồng chất khi chồng không có việc làm, đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cho hai vợ chồng. Đến tháng 6 này, tỉnh tổ chức thi biên chế cho giáo viên nhưng lúc đó cô đã sinh nên cơ hội để được vào biên chế ngày càng trở nên xa vời.
Cô Thảo mong ước chỉ mong được vào biên chế để ổn định cuộc sống, tiếp tục cống hiến, tiếp tục đưa con chữ đến với con em đồng bào Xê-đăng ở huyện vùng cao Nam Trà My này.
Còn nữa…
Kì sau: Lãnh đạo các trường và ngành giáo dục nói về “giáo viên hợp đồng”
Công Bính
Theo Dân trí
Giáo viên mầm non làm thêm kiếm sống
Nhiều giáo viên mầm non ở trường công lập phải làm thêm kiếm sống vì thu nhập không đủ sống.
Theo VTV
"Soi" lương giáo viên: Quốc gia nào trả cao nhất, quốc gia nào trả thấp nhất? Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đưa ra bảng xếp hạng cho thấy sự chênh lệch giữa các quốc gia về việc trả lương cho giáo viên. Những ngày qua, giáo viên ở Los Angeles, Mỹ đã xuống đường đình công lần đầu tiên trong suốt 30 năm qua yêu cầu tăng lương, giảm sĩ số lớp...