Quảng Nam tìm cách ngăn học sinh bỏ học dịp nghỉ Tết nguyên đán
Thời điểm trước và sau Tết nguyên đán dễ xảy ra trường hợp học sinh bỏ học nên ngành giáo dục Quảng Nam lưu ý các trường làm tốt công tác kiểm soát.
Ngày 7/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho biết, vừa có văn bản gửi các trường về việc cho học sinh nghỉ Tết nguyên đán Canh tý 2020.
Học sinh Quảng Nam được nghỉ Tết nguyên đán 8 ngày. Ảnh trên giaoduc.net.vn
Theo đó, học sinh các bậc học trên địa bàn tỉnh sẽ được nghỉ Tết nguyên đán Canh tý 8 ngày, từ 22/1 đến hết ngày 29/1/2020 (tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý).
Sở cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức những hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị.
Đồng thời, phối hợp với địa phương tổ chức cho học sinh chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử; thăm hỏi gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng mà đơn vị phụng dưỡng, thầy cô giáo nghỉ hưu có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tất; giúp đỡ học sinh nghèo có điều kiện đón mùa xuân mới vui tươi, ấm áp.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cũng yêu cầu các đơn vị trường học thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số học sinh trước và sau Tết.
Video đang HOT
Trong đó, vào dịp trước và sau Tết nguyên đán, tình hình học sinh bỏ học thường xảy ra.
Do vậy, các đơn vị phải tổ chức quán triệt để cán bộ, giáo viên nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc duy trì số lượng học sinh, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đến cuối năm học.
Các trường phải tổ chức điều tra, nắm chắc đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học để có những biện pháp động viên, giúp đỡ phù hợp, kịp thời.
Đối với những học sinh có học lực yếu, kém, nhà trường phải tổ chức phụ đạo, động viên giúp đỡ;
Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải chủ động đề xuất, phối hợp với các đoàn thể và chính quyền địa phương để có sự hỗ trợ về tinh thần, vật chất nhằm động viên các em không bỏ học giữa chừng.
AN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Thầy giáo "gieo mầm" thiện nguyện
Nhiều năm nay, người dân huyện Duy Xuyên, Quảng Nam đã quen với hình ảnh thầy giáo Phạm Phú Cường, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (Duy Xuyên Quảng Nam) đi bán nhang gây quỹ từ thiện cho các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.
Thầy giáo Phạm Phú Cường trao quà cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh nhân vật cung cấp
Sẻ chia với những số phận kém may mắn
Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, năm 26 tuổi, do đam mê âm nhạc, thầy Cường bỏ nghề kế toán thi vào ngành Sư phạm nhạc - Đoàn Đội, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Năm 2004, thầy về công tác tại Trường THCS Nguyễn Chí Thanh làm công tác Tổng phụ trách Đội (TPTĐ) và dạy nhạc. Đây là một xã miền núi của huyện Duy Xuyên. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu là làm nông, hộ nghèo nhiều.
Chứng kiến cuộc sống vất vả của bà con nơi đây, thầy Cường không khỏi xót xa. Những đôi chân trần đi trên nền đất lạnh, những tấm áo rách, sờn vai mà nhiều học sinh vẫn phải mặc mỗi ngày đến trường luôn hiện trong đầu. Điều khiến thầy trăn trở là cần phải làm gì đó cho bà con bớt khổ phần nào.
Năm 2005, thầy tham gia vào diễn đàn từ thiện "Chia sẻ tình thương" với các hoạt động thiện nguyện cho học sinh khắp cả nước. Mỗi chuyến đi đến các trường tại các huyện như Tây Giang, Nam Giang, Tiên Phước, Trà My... thầy càng tăng thêm lòng nhiệt tình và khát khao được sẻ chia với những phận đời kém may mắn. Đặc biệt từ khi làm GV TPTĐ, thầy có cơ hội kết nối với các đơn vị Đoàn để làm công tác thiện nguyện. Không chỉ giúp đỡ các em HS có hoàn cảnh khó khăn, mỗi dịp Trung thu, thầy còn lặn lội đến những vùng khó khăn để tổ chức cho các em những cái Tết Trung thu ấm tình người.
Cần mẫn, tích cóp để gây quỹ
Nhớ lại những ngày đầu tiên nung nấu ý tưởng thành lập quỹ từ thiện, thầy Cường cho biết: Một lần trên đường về quê, thấy bên nhà hàng xóm có mở một xưởng nhang, thầy lân la tìm hiểu, đề cập với họ nhận nhang mang đi bán lẻ kiếm thêm thu nhập gây quỹ. Với tổng vốn là 2 triệu đồng, cứ ngày nghỉ, thầy đi khắp nơi trong huyện Duy Xuyên tiếp thị, giới thiệu bán nhang. Từ năm 2017 đến nay, với sự cần mẫn, tích cóp để gây quỹ, thầy nhận được khá nhiều sự ủng hộ của các đồng nghiệp, bạn bè.
Sau những năm đi bán nhang khắp nơi, được nhiều người tin tưởng, đặt mua, nhưng thầy Cường vẫn chưa hài lòng với sản phẩm của nhà cung cấp. Trăn trở nhiều đêm, thầy quyết định mở cơ sở sản xuất nhang sạch Mỹ Sơn gồm nhang trầm và nhang quế. Yêu cầu đặt lên hàng đầu là sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của người tiêu dùng, an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Với 3 tiêu chí: 100% tự nhiên; không hương liệu, hóa chất độc hại; không bao bì ni lông, cơ sở sản xuất nhang của thầy "tiếng lành đồn xa". Hiện cơ sở nhang của thầy phát triển ngày càng rộng khắp. Các đại lý bán nhang của thầy đều là GV TPTĐ của các huyện trong tỉnh. Không chỉ bán trực tiếp, các đại lý còn bán hàng online rất thành công.
Từ ngày cơ sở sản xuất nhang đi vào hoạt động, các thầy giáo trong nhóm TPTĐ cũng có thêm nguồn thu nhập nho nhỏ ngoài đồng lương ít ỏi. Thông qua mạng lưới kết nối với các GV TPTĐ, thầy đã chia sẻ sản phẩm này đến cộng đồng các tỉnh, thành trên cả nước. Việc làm này giúp phát triển thương hiệu, cũng như chia sẻ lợi nhuận cho các GV TPTĐ khắp cả nước.
Thầy Cường tâm sự: Khi mới thành lập, cơ sở cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tài chính và đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, điều mang lại cho thầy niềm vui chính là làm nhiều việc ý nghĩa, giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên cuộc sống.
Tính đến nay, nhờ liên tục tổ chức thiện nguyện hằng năm, với sự chung tay của các GV TPTĐ khắp cả nước, thầy Cường đã giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn tại địa phương và các tỉnh miền núi. Thầy không nhớ nổi mình đã giúp đỡ bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn. Với thầy, mỗi chuyến đi tình nguyện, nhìn thấy các em hớn hở khi nhận được sách vở, quần áo là thầy cảm thấy vui, như có động lực tiếp thêm sức mạnh để thầy làm những việc có ý nghĩa cho xã hội.
Giáo dục học sinh biết yêu thương
Khi được hỏi về các hoạt động thiện nguyện giúp ích gì cho bản thân trong cuộc sống, công việc, đặc biệt là dạy học, thầy Cường chia sẻ: "Tổ chức thiện nguyện, bản thân tôi luôn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Tôi có nhiều dẫn chứng sinh động về con người, cuộc sống xung quanh để giáo dục học sinh biết yêu thương, biết chia sẻ với những người nghèo khổ xung quanh mình. Mọi sự cảm thông và chia sẻ của thầy cô giáo với học trò sẽ tạo nên một sợi dây buộc chặt tình thầy trò, từ đó hiểu được tâm tư, tình cảm của các em để có thể hoàn thành được sứ mệnh trồng người".
Với thầy, thiện nguyện để sẻ chia, để chung tay cùng cộng đồng giúp đỡ những gia đình, những hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống là hoạt động đã và đang được toàn xã hội tổ chức ở khắp mọi nơi. Đó cũng là điều thôi thúc và trở thành lẽ sống tự nguyện của thầy giáo Cường. Bởi lẽ, đó là những việc làm tử tế để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, cho mọi người gần gũi và yêu thương nhau hơn.
Trịnh Huyền
Theo GDTĐ
Ước mơ của Thúy Liên tiếp đạt học sinh xuất sắc trong 3 năm cấp ba và "rinh" nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, cô học trò Nguyễn Thanh Thúy (khối phố Tứ Câu, P. Điện Ngọc, TX Điện Bàn, Quảng Nam) mới đây lại khiến bạn bè, thầy cô ngưỡng mộ với kết quả thi đại học khá xuất sắc: 23,7 điểm. Đó là...