Quảng Nam: Phụ huynh góp củi, góp công với trường để nuôi dạy trẻ
Ở huyện miền núi Nam Trà My, nhiều điểm trường mẫu giáo nằm xa trung tâm xã, xa khu dân cư nên nhiều phụ huynh đưa con đến trường và ở lại chăm sóc cả tuần. Cứ thế, các phụ huynh thay phiên nhau chăm sóc cho con cháu của mình.
Phụ huynh vùng cao chăm sóc con em của mình ở trường
Từ trung tâm huyện Nam Trà My – Quảng Nam, mất gần 1 giờ đi xe máy chúng tôi mới đến được điểm trường Man Dí thuộc trường thuộc trường mẫu giáo Trà Nam, xã Trà Nam. Trường nằm trên đỉnh đồi, bên cạnh tuyến đường lên vùng sâm Ngọc Linh. Đây là một điểm trường được coi là gần trung tâm xã nhất.
Điểm trường Nam Dí, trường mẫu giáo Trà Nam
Điểm trường này có 40 em học sinh mẫu giáo người đồng bào Xê-đăng do cô Dương Thị Hồng Vy phụ trách. Cô Vy cho biết, các em ở đây được nhà nước chu cấp mỗi tháng 120 ngàn đồng, trong đó mỗi tháng cô trích ra 50 ngàn đồng để lo ăn uống cho các em. Cuối năm, nếu số tiền nhà nước cấp còn dư, trường sẽ trả lại cho phụ huynh.
Các em học sinh ở điểm trường
Với số tiền 50 ngàn đồng thì sẽ không đủ để các em ăn uống trong tháng nên cô Vy kêu gọi thêm các mạnh thường quân, nhà hảo tâm. Tổng cộng, chi phí ăn uống mỗi tháng cho 40 em học sinh này khoảng trên dưới 4 triệu đồng đều được cô huy động từ các nhà hảo tâm.
Phụ huynh chuẩn bị bữa trưa cho các em
Điểm trường này chỉ có một mình cô Vy phụ trách nên rất vất vả. Thấy được điều này nên các phụ huynh có con em đang học tại đây thay phiên nhau ra lớp phụ giúp các cô. Mỗi tuần, ở lớp có từ 5-7 phụ huynh tự nguyện ở lại nấu ăn cho chừng đó học sinh. Đến tuần khác thì có phụ huynh khác thay phiên. Cứ thế, đã hai năm nay lớp học được duy trì nhờ vào sự giúp đỡ này.
Dãy nhà để phụ huynh và học sinh ở lại trong tuần
Cô Vy cho hay, khi các phụ huynh đưa con ra lớp, họ mang theo củi để góp với nhà trường nấu nướng cho các em. Nhiều phụ huynh cách điểm trường 3-4 tiếng đi bộ thì ở lại với con cả tuần lo cho con mình và con của những phụ huynh khác, cuối tuần mới dẫn con về. Do đó, điểm trường này lúc nào cũng có phụ huynh chăm sóc các em.
Gạo, mắm, muối… đã được các cô mua sẵn; hàng ngày, cứ đến bữa các phụ huynh tự động nấu cho các em tùy theo số học sinh đi học thực tế ngày đó. Sau khi nấu cơm cho các cháu, các phụ huynh tổ chức nấu ăn cho mình với lương thực tự mang ở nhà đến.
Củi của phụ huynh mang tới để nấu ăn cho con cháu của mình
“Có nhiều phụ huynh cứ sáng thứ 2 dẫn con lên và chiều thứ 6 dẫn con về; đồng thời chăm sóc cho những em học sinh của phụ huynh khác một cách tự nguyện nguyên cả tuần. Còn họ có trả công không thì tôi không biết”, cô Vy chia sẻ.
Bữa trưa của các em có món xào và trứng
Ở điểm trường này tuy gần trung tâm xã nhưng có khi quá xa với nhiều gia đình. Có gia đình phải đi bộ nửa ngày đường mới đến trường nên học sinh đi học cũng không đều. Theo cô Vy cho biết, trời nắng thì các em đi học đều hơn, còn trời mưa thì vắng nhiều em vì miền núi, vào mùa mưa đường sá rất khó đi, người dân lại ở xa điểm trường.
Mặc khác, vào mùa nắng thì các em học sinh đi học đỡ vất vả hơn, còn mùa mưa thì hầu hết các em phải ở lại trường. Nếu ở lại, các em đã có phụ huynh tự nguyện nấu ăn và chăm sóc. Ở điểm trường này, ngoài phòng học sinh còn có hai gian nhà bên cạnh, có giường chiếu đầy đủ, các cháu ở lại cũng có chỗ ăn, ngủ.
Một người bà chăm sóc 2 cháu của mình tại điểm trường
Trao đổi với PV Dân trí, cô Lê Thị Hồng Thanh – Hiệu trưởng trường mẫu giáo Trà Nam – cho biết, toàn trường có gần 200 em học sinh, có 7 điểm trường và 8 lớp. Do địa bàn là xã vùng cao, con em là đồng bào Xê-đăng nên nhà trường tổ chức bán trú cho toàn bộ các em.
“Do ở miền núi khó khăn, gia đình các em ăn uống thiếu thốn, có khi ăn rau ăn muối. Buổi trưa về nhà thì bố mẹ các em đi rẫy, có khi các em về nhà cầm nắm cơm nguội ăn nên trường cố gắng tổ chức bán trú hết để các em ở lại”, cô Thanh cho biết.Theo đó, toàn bộ 7 điểm trường mẫu giáo của xã Trà Nam đều tổ chức bán trú cho các em và có sự trợ giúp của phụ huynh học sinh; nhờ đó các em ra trường thường xuyên. Mô hình này được trường tổ chức được hai năm nay.
Nói về mô hình bán trú dân nuôi này, ông Võ Đăng Thuận – Trưởng Phòng giáo dục Nam Trà My – cho biết, trường mẫu giáo Trà Nam làm rất hiệu quả và là điển hình của huyện. Huyện sẽ tổ chức nhân rộng mô hình này đến các xã khác trong thời gian đến.
Công Bính
Theo Dân trí
Quảng Nam: Cô giáo hơn 25 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo
Suốt hơn 25 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Thanh (SN 1961, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đã miệt mài dạy chữ miễn phí cho những trẻ em nghèo, khuyết tật trong xã và các xã lân cận. Cả đời hết lòng vì nghiệp trồng người, niềm vui duy nhất của cô là được nhìn thấy học trò của mình biết được con chữ, từng bước hiện thực hóa ước mơ của các em.
Cô Thanh nhớ lại, năm 1978 cô tốt nghiệp ra trường, cô xin về công tác tại các trường tiểu học Trà Nam, Trà Tập thuộc huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam).
Đến năm 1984, cô Thanh chuyển về công tác gần nhà dạy tại trường tiểu học Trần Ngọc Sương (bây giờ là trường tiểu học Tiên Thọ).
Tại đây, chứng kiến cảnh các em học sinh khuyết tật không được đến trường, không nhận biết con chữ, cô ấp ủ mở một lớp dạy học cho các em, đồng thời dạy bổ túc cho các em học sinh chậm tiến bộ, hoàn cảnh khó khăn.
Lớp học miễn phí hơn 25 năm qua của cô giáo Thanh. Học trò đến đây không cần đóng học phí mà còn được cô hỗ trợ bút viết hay ăn uống bằng tiền lương hưu của mình
Năm 1993, xin được vài ba bộ bàn ghế cũ, tận dụng khoảnh sân trong vườn, phòng khách, thậm chí cả phòng ăn để đặt bàn ghế, cô Thanh kêu gọi các em đến học. Ban đầu chỉ lác đác vài em, sau thấy cô dạy hiệu quả nhiều phụ huynh dắt con đến gửi. Dần dà, học trò của cô đông dần, có khi không đủ bàn ghế để ngồi.
Theo cô Thanh, mình không thể làm được những việc to lớn để giúp đời thì mình làm theo cách khác đó là "gieo" con chữ cho những học sinh khiếm khuyết, hoàn cảnh khó khăn để các em được tiếp thêm hành trang trên chặng đường thực hiện ước mơ tương lai
Cô Thanh chia sẻ: "Năm 1997, có đoàn từ thiện nghe tin về lớp học, họ đến xem xét thấy điều kiện dạy học khó khăn nên ngỏ ý giúp đỡ. Họ xây 2 phòng học ở trung tâm xã Tiên Thọ, động viên các em đến lớp và mời cô giảng dạy. Học sinh đến trường ngày một đông, tiếng tăm cô Thanh dạy miễn phí ngày một truyền xa. Có phụ huynh ở tận Tiên Châu, Tiên Lộc, Tiên Cảnh (thuộc huyện Tiên Phước) cách trường gần chục cây số cũng dắt con đến gửi".
Đến năm 2002, xã xóa bỏ lớp học vì có chủ trương cho các em khuyết tật học hòa nhập cộng đồng.
"Sau khi giải thể lớp, cô cũng theo sát các em khuyết tật, nhận thấy các em học chậm tiến không theo kịp bạn bình thường nên rất lo lắng. Thế là cô quyết định mở lại lớp học, lúc đó chỉ biết tận dụng tấm bảng đen cũ rồi vài ba bộ bàn ghế xin được, vậy là thành lớp học. Căn nhà lại vang lên tiếng học bài mỗi ngày, học sinh lại tìm đến cô ngày một đông" - cô Thanh bồi hồi nhớ lại.
Tủ sách cũ kỹ được cô dựng sát tường khỏi đổ, những quyển sách một phần do cô mua và một số được quyên tặng. Cô chia sẻ: "Các em rất ham học, yêu quý sách vở. Trong lớp có em Hoàng Oanh rất chăm ngoan, viết chữ đẹp đã giành được giải trong kỳ thi viết chữ đẹp của tỉnh. Đó là niềm tự hào của cô và của lớp học"
Đến với lớp học các em không chỉ được học thêm kiến thức, mà còn được học làm người. Cô Thanh vừa là cô giáo, vừa là người bạn tâm tình chia sẻ cùng các em điều hay, lẽ phải.
Nhiều em hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bận bịu làm ăn thì mang con đến gửi cho cô cả ngày. Cô cho hay, hơn 25 năm kèm cặp, dạy từng con chữ cho các học sinh mới thấu hiểu hoàn cảnh của từng em. Nhiều em vì điều kiện gia đình khó khăn, không thể tới lớp, cô phải đón đưa tới tận nhà. Có em khuyết tật, không chịu đi học, cô còn phải đến nhà dỗ dành, vận động ra lớp. Đôi khi cô còn lo cả sách vở, bút thước cho từng em, có nhiều em, cô phải dạy 4 năm ròng rã mới viết được chữ.
Chiếc bảng đen cũ kỹ, bàn ghế xiêu vẹo được cô cột vào lại với nhau để khỏi nghiêng ngả. Cô không mong gì hơn là học trò của mình có được bàn, ghế tốt hơn để ngồi yên tâm học.
"Nhiều em khuyết tật ngày hôm nay cô dạy, đến mai lại quên hết nên phải dạy lại từ đầu. Đối với những em này thì mình phải chịu khó, kiên nhẫn từng li từng tí. Các em bình thường thì mình dạy bổ túc thêm kiến thức, em học khá hơn sẽ kèm lại cho em học yếu để cùng nhau tiến bộ. Các em dù nghèo vật chất nhưng lại giàu tinh thần, em nào cũng siêng năng cố gắng; phụ huynh cũng luôn ý thức được tầm quan trọng của việc học, nên luôn cố gắng đưa các em đến lớp mỗi ngày" - cô Thanh cho biết thêm.
Thời gian được đứng trên bục giảng, được nhìn đám học trò ê a đọc chữ với cô là khoảng thời gian đẹp nhất. Giờ về hưu, nỗi nhớ trường, nhớ lớp khiến cứ khắc khoải trong cô. Nên lớp học miễn phí ra đời cũng giúp cô vơi đi nỗi nhớ thời gian cầm phấn.
Cô giáo hơn 25 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo
Hàng ngày, thấy các em ríu rít học chữ trong lòng cô thấy phấn khởi, dù có đau ốm cũng ráng mà dạy. Cô kể, nhiều học sinh của cô giờ ra trường có công việc ổn định, có em làm kế toán, xây dựng... đủ cả. Lâu lâu các em lại ghé lớp, hỏi thăm tình hình sức khỏe cô và lớp học. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến cô vui vẻ, càng thêm tâm huyết với sự nghiệp "đưa đò" miễn phí này.
Sau cuộc trò chuyện, chúng tôi chia tay cô Thanh để cô còn kịp giờ đến bệnh viện ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) tập vật lý trị liệu. Theo cô kể, năm 2016 cô gặp tai nạn giao thông khiến chân trái bị tổn thương nặng phải nằm viện một tháng điều trị, bác sỹ khuyên hạn chế cử động. Nhưng vì nhớ lớp, thương học trò cô lại cố gắng xin về tiếp tục dạy.
Cô Thanh chia sẻ: "Thương học trò quá mà cô lại xin về vì sợ mình cho lớp nghỉ lâu sẽ ảnh hưởng đến việc học của các em, nhất là các em khuyết tật. Mới đây cô lại bị vấp ngã, chân trái chưa kịp lành thì lại nứt xương nên phải tập trị liệu. Bây giờ mỗi ngày cô chỉ dạy buổi sáng, buổi chiều thì đến bệnh viện. Cô sẽ cố gắng để vào năm học mới mở lớp cả ngày, vì các em có thời khóa biểu khác nhau nên phải phân chia để không sót em nào. Cô sẽ cố duy trì lớp học cho đến khi không thể tiếp tục".
Nói về lớp học này, ông Nguyễn Văn Quý - Chủ tịch xã Tiên Thọ cho biết: "Hơn 25 năm nay, cô Thanh đã giúp đỡ rất nhiều trẻ em khuyết tật, nghèo khó ở địa phương bằng một cái tâm trong sáng. Cô đã đóng góp rất lớn cho công tác khuyến học của xã và đã được tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cùng huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh".
N. Linh
Theo Dân trí
20 năm, mơ ước một mái trường Nằm lưng chừng giữa ngọn đồi nhỏ tại thôn 3 (xã Trà Giang, H. Bắc Trà My, Quảng Nam), hằng ngày Trường Tiểu học Lê Văn Tám (cơ sở 2) vẫn vang vọng những bài giảng, tiếng cười đùa rôm rả của các em học sinh đồng bào dân tộc Cor. Thế nhưng, ẩn sâu trong những nụ cười đó là nỗi niềm...