Quảng Nam nơi thừa, nơi thiếu cầu treo
Nơi vùng cao người dân đang phải dùng săm ôtô qua sông vì không được xây cầu, trong khi huyện trung du có địa hình không thích hợp lại được đầu tư 9 chiếc.
Tỉnh Quảng Nam mới khánh thành 12 cầu treo do Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Các công trình này nằm trong đề án 381 cầu treo do Bộ Giao thông phê duyệt với nguồn vốn hơn 8.000 tỷ đồng ở 28 tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung – Tây Nguyên.
Mục đích của đề án là phục vụ người dân, đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong khi ở một số huyện vùng cao đang có nhu cầu cấp thiết nhưng không được xét duyệt làm cầu thì huyện trung du Tiên Phước được xây tới 9 cầu.
Nhiều ngôi làng ở Nam Trà My vẫn phải vượt sông bằng săm ôtô nhưng lại không được xét duyệt làm cầu. Ảnh. Tiến Hùng.
Đơn cử như làng Tắk Rối và làng Tu Nương (xã Trà Tập, Nam Trà My) nằm bên cạnh tuyến đường Nam Quảng Nam, bị ngăn cách bởi sông Tranh nên nhiều năm nay dân làng phải dùng săm ôtô vượt sông mỗi ngày nếu như không muốn đi vòng ít nhất 4 tiếng. Chủ tịch huyện Hồ Quang Bửu cùng lãnh đạo Sở Giao thông Quảng Nam nhiều lần khẳng định sẽ làm cầu và đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm nay, nhưng đến nay vẫn chỉ là lời hứa.
“Lỡ hứa với họ rồi giờ trong các cuộc họp dân, lãnh đạo địa phương không biết phải giải thích như thế nào. Người dân cứ mòn mỏi chờ đợi”, ông Nguyễn Thanh Lũy, Bí thư Đảng ủy xã Trà Tập chia sẻ.
Video đang HOT
Còn Tiên Phước là huyện trung du, những khu vực có cầu treo địa hình khá bằng phẳng. Do đó, theo một lãnh đạo huyện, cái người dân nơi đây cần là cầu bêtông để các loại xe cơ giới có thể qua lại vận chuyển hàng hóa. Cầu treo nếu không có bà con bên kia sông vẫn có đường đi lại bình thường.
Lý giải nghịch lý nơi cần thì không có, nơi chưa thật sự cần lại có quá nhiều cầu, lãnh đạo một huyện vùng cao cho rằng địa hình miền núi cách trở, tốn thời gian và chi phí vận chuyển vật liệu cũng như chi phí xây dựng nên chủ đầu tư ngại xây cầu tại các nơi xa xôi. Hơn nữa, làm cầu treo “huyện nào nhanh tay thì được”, chứ không vì nhu cầu dân sinh.
Trong khi đó cầu treo Thôn 2, xã Tiên Lãnh (Tiên Phước), vừa mới khánh thành gần một tuần đã hư hỏng nặng. Ảnh. Tiến Hùng.
Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết sau khi có đề án do Bộ Giao thông phê duyệt, Sở đã yêu cầu các huyện đề xuất địa điểm cần có cầu treo để xét duyệt. Hàng trăm địa điểm được đề nghị nhưng chỉ chọn làm 12 cái vì không đáp ứng đủ tiêu chí. “Chúng tôi đi khảo sát hết, chắc chắn không có chuyện ưu ái huyện nào cả. Đội ngũ đi khảo sát thực tế gồm nhiều đơn vị đã làm đúng quy trình”, ông Nhân nói.
Theo tiêu chí, muốn làm cầu phải đảm bảo chiều rộng lòng sông không quá 120 m, mỗi ngày có trên 50 lượt người qua lại… “Làng Tắk Rối và Tu Nương cùng một số ngôi làng khác đủ tiêu chí này nhưng ở đó không có đường và địa hình cũng dốc quá. Vốn chỉ đầu tư làm cầu, không có tiền làm đường cũng chịu”, ông Nhân nói và cho hay sẽ đề xuất làm cầu ở những nơi này trong đợt sau.
Tiến Hùng
Theo VNE
Cầu treo vừa khánh thành nửa tháng đã bị lở mố cầu
Cầu treo có kinh phí đầu tư gần 3,2 tỉ đồng, vừa khánh thành, bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng hôm 11.11, nhưng chỉ vài ngày sau đã xuất hiện tình trạng sụt lở ở mố cầu, nhiều khối bê tông nứt toác...
Sụt lở tại mố cầu treo thôn 2 Tiên Lãnh gây trở ngại lưu thông cho người dân - Ảnh: C.T.V
Ông Nguyễn Duy, Ban quản lý dự án giao thông, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, khẳng định chất lượng hạng mục chính của cầu treo ở thôn 2 xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) không bị ảnh hưởng, dù mố cầu bị sụt lở.
Đây là công trình thuộc nhóm 12 cầu treo dân sinh trên địa bàn Quảng Nam do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư, thuộc đề án xây cầu treo ở 28 tỉnh miền núi trên cả nước được Bộ GTVT phê duyệt với tổng kinh phí lên đến hơn 8.000 tỉ đồng.
Riêng cầu treo ở thôn 2 Tiên Lãnh có kinh phí đầu tư gần 3,2 tỉ đồng, vừa khánh thành, bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng hôm 11.11. Nhưng chỉ vài ngày sau đã xuất hiện tình trạng sụt lở ở mố cầu, nhiều khối bê tông nứt toác... gây trở ngại lưu thông cho người dân địa phương.
Theo ông Nguyễn Duy, sự cố có nguyên nhân từ thiết kế, không có mặt bảo vệ áp mái taluy.
Sụt lở tại mố cầu treo thôn 2 Tiên Lãnh gây trở ngại lưu thông cho người dân - Ảnh: C.T.V
"Phía Tổng cục Đường bộ chỉ đầu tư kinh phí cho hạng mục chính là 2 trụ tháp để treo dây văng, còn phần đường dẫn do các địa phương lồng ghép. Tại cầu treo thôn 2 Tiên Lãnh, phần mố cầu và đường dẫn cao dễ gây sụt lún, lại chịu tác động của mương dẫn nước gây xói mạnh sau mấy ngày mưa lớn vừa qua", ông Duy giải thích.
Hiện nhà thầu thi công (đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng) đang vào hiện trường để nghiên cứu khắc phục, còn Sở GTVT Quảng Nam gợi ý với các địa phương xử lý kết nối dự án đường dân sinh để hoàn thiện toàn bộ công trình (cầu, đường dẫn).
Ông Duy cảnh báo nguy cơ xói lở tại các mố cầu treo sẽ còn xảy ra ở nhiều công trình khác trong mùa mưa, nhưng trấn an về chất lượng hạng mục chính với 3 năm bảo hành theo quy định.
Tại Quảng Nam, hiện vẫn còn 1 công trình nữa, trong tổng số 12 cầu treo, đang trong quá trình hoàn thiện, bàn giao tại huyện Hiệp Đức.
Hứa Xuyên Huỳnh
Theo Thanhnien
Cầu treo khánh thành được một tuần đã hỏng Sau trận mưa đầu mùa, khối bê tông đầu cầu treo vỡ vụn, mố cầu nứt toác dù công trình mới khánh thành chưa được một tuần. Cầu treo gần 6 tỷ đồng hư hỏng chỉ chưa đầy một tuần đưa vào sử dụng. Ảnh: Tiến Hùng. Cầu treo thôn 2, xã Tiên Lãnh (Tiên Phước, Quảng Nam) dài 90 m, rộng 2...