Quảng Nam: Người dân không ra đường sau 20 giờ hôm nay để tránh bão số 5
Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, từ đêm 11/9 đến sáng 12/9, bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương Quảng Nam, gây ra gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua có gió bão mạnh cấp 8, cấp 9; giật trên cấp 9.
Các lực lượng cắt, tỉa cây xanh trên các tuyến phố tại thành phố Tam Kỳ để phòng tránh gãy đổ trước bão số 5. Ảnh minh họa: Phước Tuệ/TTXVN
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Trung Bộ nối với hoàn lưu bão số 5, trong 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh đã có mưa vừa, có nơi mưa to, đến mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 300mm.
Trên các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ nhỏ; nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối vùng núi các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn và một số xã miền núi của huyện Núi Thành; có nguy cơ xảy ra ngập úng tại thành phố Tam Kỳ, Hội An, thị xã Điện Bàn, thị trấn Nam Phước và thị trấn Núi Thành.
Để đảm bảo an toàn về người, tài sản, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm công tác ứng phó bão số 5 (tên quốc tế là Conson) và mưa lớn; tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, hoàn thành trước 17 giờ ngày 11/9, để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ cần duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tại Quảng Nam cần khuyến cáo người dân không ra đường từ 20 giờ ngày 11/9 cho đến khi bão tan. Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công, công trình biết thông tin về tình hình bão, mưa lớn để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình. Trường hợp không đảm bảo an toàn thì phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn trước 18 giờ ngày 11/9; tổ chức kiểm tra, thực hiện đầy đủ biện pháp neo giằng, hạ tháp, đảm bảo an toàn đối với công trình có sử dụng cần trục tháp, vận thăng, thang máy….
Để hạn chế các tình huống xấu có thể xảy ra, các địa phương, ngành chức năng trong tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương giúp dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Đặc biệt, người dân ven biển thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đang căng mình gia cố bờ biển Cửa Đại trước sự công phá của sóng to, gió lớn do ảnh hưởng của bão số 5.
Video đang HOT
Tàu, thuyền của ngư dân xã Tam Quang, huyện Núi Thành đã neo đậu chắc chắn, đảm bảo không bị va đập khi bão đổ bộ. Ảnh: Phước Tuệ/TTXVN
Hiện tại, từng đợt sóng cao đến 2m đang áp sát một số nhà hàng ven biển. Nhiều người bày tỏ sự lo sợ trước sức công phá dữ dội của sóng biển có thể khiến những đoạn kè tạm bợ bằng bao cát sẽ không trụ vững. Việc gia cố bờ biển đang được các chủ nhà hàng thực hiện hết sức khẩn trương vì sợ tối nay bão đổ bộ sẽ trở tay không kịp. Nhiều năm qua, cứ tới mùa mưa bão, bờ biển của Hội An lại được đặt trong tình trạng báo động, những chủ nhà hàng ven biển cứ nơm nớp lo sợ.
Còn tại huyện miền núi Phước Sơn chính quyền địa phương cũng đã vận chuyển 14 tấn gạo cho 3 xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc để phòng trường hợp bị cô lập nhiều ngày. Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết: Việc hỗ trợ gạo cho bà con trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền được chính quyền địa phương thực hiện sau khi rút kinh nghiệm từ trận mưa bão cuối tháng 10/2020 khiến 13 người chết và mất tích. Cơn bão năm ngoái đã khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng nên 3 xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc bị cô lập hơn 20 ngày, dẫn đến người dân thiếu thức ăn.
Cũng theo ông Lê Quang Trung, từ đêm qua đến chiều 11/9, tại huyện Phước Sơn có mưa to, nước trên các sông, suối đều dâng cao. Đoạn đường ĐH1 qua trung tâm xã Phước Thành bị chia cắt do nước ngập sâu. Chính quyền xã đã cử lực lượng chốt chặn, không cho phương tiện lưu thông.
Để ứng phó với mưa bão, cán bộ xã Phước Thành, huyện Phước Sơn đã tới từng hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở để vận động di dời đến UBND xã và các cawb nhà kiên cố để trú tránh. Xã đã di dời khẩn cấp hơn 100 hộ dân với 478 khẩu về nơi an toàn.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 5 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong hai ngày qua có mưa rất to, tại một số xã miền núi ở vùng cao của các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang đã xảy ra lũ nhỏ và sạt lở đất. Chính quyền địa phương đã ra thông báo cho người dân hạn chế đi lại tại các nơi nguy hiểm và được cắm biển báo. Đồng thời, các các đơn vị tuyến biển thuộc Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đang khẩn trương triển khai lực lượng xuống địa bàn giúp nhân dân chằng, chống nhà cửa, trường học, sắp xếp việc neo đậu tàu thuyền… mọi công tác phòng, chống bão số 5 phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 11/9, trước khi bão vào đất liền.
Chủ động ứng phó với bão Conson trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19
Để chủ động ứng phó với bão Conson và thiên tai trong điều kiện COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nhiều tàu thuyền đã về nơi trú bão an toàn. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN
Trong ngày 9/9, các địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa đang tích cực thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn và thường xuyên giữ liên lạc với thuyền trưởng, chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão, đồng thời kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến. Các địa phương sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch COVID-19 cho phương tiện và người trên các tàu thuyền, nhất là phương tiện từ các địa phương đang có dịch vào tránh trú bão trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tại Cảng Lạch Hới và Âu tránh trú bão tàu thuyền Bắc Trung Bộ (phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) chiều 9/9, tranh thủ nước thủy triều lên, hàng trăm phương tiện đang tích cực di chuyển về bến, cũng như tiến hành các công đoạn neo đậu, chằng chống tàu thuyền. Các vật dụng thiết yếu từ tàu thuyền cùng ngư lưới cụ được khẩn trương đưa từ thuyền lên bờ để đề phòng bão đổ bộ bất ngờ. Hệ thống tời dây được huy động tối đa để kéo tàu thuyền lên bãi tránh trú.
Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sầm Sơn (Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa) Lê Anh Sơn cho biết: Trước diễn biến phức tạp của bão Conson, hiện đồn đang huy động lực lượng để hướng dẫn, bố trí sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, đảm bảo an ninh, trật tự cũng như tăng cường phối hợp với các lực lượng và chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn ngư dân phòng, chống bão, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh.
Hiện tại thành phố Sầm Sơn có 1.735 phương tiện đã vào khu vực tránh trú bão an toàn, trong đó có 29 phương tiện/289 lao động đang hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình. Lực lượng chức năng đã liên hệ trực tiếp với các chủ tàu, thuyền trưởng, hiện các phương tiện đang trên đường vào nơi tránh trú.
Do ảnh hưởng của bão Conson, đêm 8 và ngày 9/9, trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã xuất hiện mưa vừa, mưa to kèm theo gió giật mạnh. Để giúp người dân thu hoạch lúa tránh mưa bão, đặc biệt là các hộ dân đang thực hiện cách ly để phòng chống dịch COVID-19, huyện Vĩnh Lộc đã huy động phương tiện máy móc, nhân lực để thu hoạch nhanh, gọn lúa vụ mùa theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" đặc biệt ở các vùng có khả năng bị ngập úng, để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra do mưa bão.
Ông Vũ Đình Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết: Để chủ động ứng phó với mưa bão Conson, huyện Vĩnh Lộc yêu cầu các ban, ngành, 13 xã, thị trấn triển khai phương châm "4 tại chỗ", chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn cũng như phòng, chống dịch COVID-19. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 50% diện tích lúa mùa. Đồng thời, huyện cũng chuẩn bị đầy đủ các phương án để chủ động bảo vệ an toàn các công trình đê, kè, cống xung yếu.
Nhiều ngư dân đã cho tàu thuyền đã về nơi trú bão an toàn. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa, tính đến 15 giờ ngày 9/9, Thanh Hóa còn 335 phương tiện/2.584 lao động đang hoạt động trên biển. Tất cả các phương tiện đều nắm được thông tin về bão số 5 (Conson) và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, gia đình và chính quyền địa phương với tần suất 1-2 lần/ngày.
Thanh Hóa hiện có 610 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có 270 hồ chứa đầy nước. Riêng 3 hồ chứa nước lớn là hồ Cửa Đạt, hồ sông Mực, hồ Yên Mỹ đều thấp hơn mực nước dâng bình thường. Tỉnh Thanh Hóa cũng rà soát 93 hồ chứa không đảm bảo an toàn trong đó có 5 hồ lớn, 6 hồ vừa và 82 hồ nhỏ. Tỉnh yêu cầu các địa phương kiểm tra, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt các trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, công trình đang thi công dở dang...
* Theo dự báo, đến ngày 11/9, cơn bão số 5 (bão Conson) có thể sẽ ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng. Trong buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng chiều 9/9, các đại biểu đã tập trung bàn luận về vấn đề ứng phó với mưa bão trong bối cảnh thành phố vẫn đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh lưu ý các quận, huyện dựa theo tình hình cụ thể, tạo điều kiện cho người dân di chuyển an toàn để sửa chữa, kiên cố nhà cửa chống bão. Đồng thời, các lãnh đạo quận, huyện cần có phương án đề xuất để UBDN thành phố thống nhất và có quyết định cụ thể về việc này.
"Đề nghị các quận, huyện rà soát, đánh giá lại các khu vực nguy cơ mất an toàn trong mưa bão. Với những các hộ dân có nhà cửa bị hư hỏng, xuống cấp, đang xây sửa gần hoàn thiện hoặc các công trình xây dựng để không lâu ngày... thì cần cấp giấy đi đường cho người dân tới công trình để gia cố, hoàn thiện chống bão. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị những kịch bản, phương án đưa người dân tránh trú bão đảm bảo an toàn, nhưng vẫn phải đảm bảo phòng, chống dịch. Sau khi tổng hợp ý kiến các quận, huyện, UBND thành phố sẽ có quyết định cụ thể trong ngày 10/9", Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.
Lo ngại về an toàn tại các chốt kiểm dịch nếu xảy ra mưa to, gió lớn, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, Đại tá Trần Đình Trung nhận định: Nếu bão Conson đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng thì sẽ có nguy cơ sập, bay các lán trại tại các chốt kiểm soát dịch, gây mất an toàn cho cán bộ, công nhân viên. Lãnh đạo Công an thành phố Đà Nẵng đề nghị, nếu dự báo bão đổ bộ thành phố thì trước đó ít nhất 6 tiếng, các quận, huyện phải tháo dỡ các khung lều bạt tại các chốt, cất thiết bị máy móc và cho nhân viên trực chốt kiểm soát dịch nghỉ. Nếu bão không vào trực tiếp nhưng bị ảnh hưởng, thì các địa phương vẫn phải có biện pháp gia cố các chốt để đảm bảo an toàn cho nhân viên trực chốt.
Bên cạnh công tác đảm bảo an toàn ứng phó với mưa bão thì công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng cũng được tập trung thảo luận. Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết: Chính quyền cần tạo điều kiện để nhân dân đi tiêm chủng ở nơi gần nhất, tránh di chuyển xa và tập trung đông người, tốt nhất là tổ chức các điểm tiêm chủng tại các phường, xã. Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến người dân phản ánh về các chính sách hỗ trợ, phần lớn chưa hiểu rõ được hưởng chính sách nào, dựa theo quyết định nào nên có dư luận chưa tốt. Đề nghị các địa phương tổ chức triển khai sớm, tuyên truyền, quán triệt cho các tổ trưởng dân phố, trưởng ban điều hành về các chính sách của thành phố để kịp thời thông tin cho người dân.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, từ 13 giờ ngày 8/9 đến 13 giờ ngày 9/9, toàn thành phố ghi nhận 35 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 21 ca có khả năng lây lan ra cộng đồng. Cộng dồn từ 10/7 đến nay, toàn thành phố Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 4.500 ca mắc COVID-19.
Trong ngày 9/9, thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận 204.354 liều vaccine, cộng dồn số tiếp nhận là 543.956 liều. Lực lượng y tế thành phố đã tiêm 296.536 liều; trong đó có 239.261 người tiêm mũi 1 và 57.275 người tiêm mũi 2.
Trong ngày 9/9 ghi nhận một ca mắc mới là lái xe của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Men hóa (Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng). Khi lái xe này đi qua chốt kiểm dịch Hòa Liên (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) thì làm xét nghiệm nhanh và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đáng chú ý, dù là lái xe liên tỉnh nhưng người này không thực hiện "3 tại chỗ" ở công ty mà buổi tối vẫn về nhà tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang). Điều này khiến cho xã Hòa Sơn vốn chuẩn bị chuyển từ vùng vàng sang vùng xanh vì 14 ngày không có ca mắc mới, nay tiếp tục là vùng vàng.
Về trường hợp này, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng kiểm tra, xử lý nghiêm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Men hóa vì không quản lý chặt nhân viên đang thực hiện "3 tại chỗ". Đồng thời, Ban quản lý tăng cường rà soát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch toàn bộ các công ty trong các khu công nghiệp, tránh xảy ra trường hợp tương tự.
Đà Nẵng: Mưa như trút nước, 60.000 người dân hối hả sơ tán trước giờ bão vào Chưa hết lao đao vì dịch, TP.Đà Nẵng hối hả sơ tán dân chạy bão. Muôn vàn khó khăn mà chính quyền và người dân phải vượt qua. Lao đao vì dịch, hối hả chạy bão Ngày 11/9, theo Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Trung Trung bộ, vị trí tâm bão số 5 (Conso) đang ở cách bờ biển Quảng Trị...