Quảng Nam: Gặp thầy giáo Cơtu xém bị dân làng “chôn sống”
Đã hơn 15 năm nhưng câu chuyện về một người từng bị dân làng đem đi “ chôn sống” vẫn còn ám ảnh mãi trong tâm trí của người thầy giáo người Cơtu ở vùng cao Quảng Nam. May mắn thoát nạn, từ “cõi chết” trở về, thầy lại tiếp tục gắn bó với nghề giáo, rồi cùng chính quyền địa phương giúp đồng bào vượt qua hủ tục.
Đó là thầy Bríu Bằng, hiện là giáo viên trường Tiểu học xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam.
Giữa tháng 10 này, chúng tôi đến trường Tiểu học A Tiêng, huyện vùng cao Tây Giang khi học trò trong giờ ra chơi, may mắn có được ít phút ngắn ngủi trò chuyện về chuyện năm xưa.
Trường Tiểu học A Tiêng, nơi thầy Bríu Bằng gắn bó với các em học sinh Cơtu mấy chục năm nay
Là con thứ hai trong gia đình 8 chị em, lúc nhỏ thầy giáo Bằng cũng đói cơm, lạc muối và “mù” cái chữ. Năm 1984, học xong lớp 3 tại trường thôn, Bằng được chọn học tại trường Dân tộc nội trú huyện.
Hết lớp 9, Bằng rời trường về giảng dạy tại địa phương, theo chủ trương chung của ngành giáo dục huyện lúc bấy giờ. Năm 1994, Bằng đăng ký học hết chương trình phổ thông tại trường THPT Quang Trung (thị trấn P’rao, huyện Hiên cũ, nay là huyện Đông Giang và Tây Giang) và tiếp tục trở về quê hương làm nghề “gõ đầu trẻ”.
Thầy Bằng giờ đã mạnh khỏe, không còn bị gọi mà “ma nhập” như lúc thầy bị bệnh động kinh
Sau hơn một năm dạy học, thầy Bằng mắc một cơn đau đầu khủng khiếp khiến người co giật liên tục, miệng sủi bọt, tay chân cứng đơ… Dân làng không ai biết thầy mắc căn bệnh gì, họ chỉ làm lễ cúng giàng rồi ngồi… đợi.
Nhưng bệnh tình của thầy vẫn không thuyên giảm, dân làng nghĩ thầy bị “ma rừng” nhập nên đưa thầy lên rừng, đào sẵn huyệt mộ, sắp cây lên trên và đặt thầy lên đó. Đến khi nào thầy tắt thở thì rút cây và chôn thầy.
Thương đồng nghiệp, thầy cô ở trường đã đứng ra “bảo lãnh”, rồi thay nhau cõng và dùng võng đưa thầy Bằng lên Trạm y tế xã và đưa về Trung tâm y tế huyện để cứu chữa. Sức khỏe thầy có cải thiện dần, 3 ngày sau thầy tỉnh lại. Sau đó, thầy về tỉnh tiếp tục điều trị bệnh động kinh và nhận thuốc uống, đến nay đã dứt hẳn.
Thầy hiện là chủ nhiệm lớp 3/1, Trường Tiểu học A Tiêng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang
Ngày về của thầy cũng thật đáng nhớ. Thầy Bằng kể lại: “Sau khi từ bệnh viện về tìm nhà, tìm bố mẹ thì dân làng bỏ chạy vì tưởng mình là… ma”. Thầy Bằng cũng chia sẻ, những người đã từng xua đuổi, đem mình lên rừng để chôn sống cũng là bà con, người thân trong làng với nhau. Sau này thầy uống thuốc thường xuyên, mạnh khỏe trở lại thì dân làng đã tin không phải bị “ma nhập” mà là bị bệnh thật sự.
Rồi cũng qua thời gian khốn khó. Thầy Bằng trở lại với nghề giáo, trở thành gương mặt tiêu biểu của địa phương trong công tác tuyên truyền giúp đồng bào bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới. Bây giờ, mỗi lần nhắc lại về những đồng nghiệp của mình ngày ấy, thầy Bằng không giấu được cảm động: “Họ là ân nhân đã cứu mạng mình thoát khỏi hủ tục của dân làng. Có chết, mình vẫn không thể nào quên”.
Thầy Bằng đang dạy học sinh
Thầy Bằng kể, không phải bây giờ mà ngay từ khi mới từ “cõi chết” trở về, thầy đã xác định vừa dạy học vừa làm công tác tuyên truyền giúp dân bản xóa bỏ hủ tục. Ngày ấy, chuyện dạy học khó khăn đủ bề. Buổi sáng dạy học sinh, buổi chiều thầy lại tranh thủ dạy kèm phụ huynh; rồi lồng ghép công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật đến với từng người.
Nhìn dân làng biết chú tâm làm ăn, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống mới, thầy Bằng lại ứa nước mắt vì vui mừng. 25 năm dạy học ở vùng cao, cũng là chừng ấy năm thầy Bằng vượt chính mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng công tác tuyên truyền cho người dân bản địa.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng thầy Bằng vẫn quyết tâm đi học, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Liên tục từ năm 2005 – 2008, thầy Bằng đã hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên Cao đẳng Sư phạm.
Bao nhiều năm công hiến cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao, thầy Bằng luôn nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp từ huyện, tỉnh cho đến trung ương. Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục được Bộ GD-ĐT trao tặng vào năm 2011, luôn được thầy Bằng trân trọng như một kỷ vật của riêng mình.
Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Tây Giang nhận xét: “Thầy Bằng là một trong những thầy giáo Cơtu có những thành tích tốt nhất trong việc dạy học; có bề dày dạy học, siêng năng chăm chỉ, ham học hỏi và rất yêu nghề. Nhiều năm liền thầy được bầu làm là Bí thư Chi bộ của trường Tiểu học xã A Tiêng; là người thầy giáo xuất sắc, đảng viên gương mẫu. Dù hay ốm đau nhưng thầy Bằng vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong công tác dạy học; được nhiều thế hệ học trò tin yêu, đồng bào Cơtu yêu mến”.
Công Bính
Theo Dân trí
Thiết thực "Tủ sách hiếu học" cho học trò vùng cao
Nhờ có "Tủ sách hiếu học" với hàng trăm đầu sách có giá trị, ý nghĩa do Hội Phụ nữ cơ sở (PNCS) Công an huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam trao tặng mà các em học sinh THPT ở vùng cao này có cơ hội nâng cao tri thức lẫn kỹ năng sống để hoàn thiện bản thân trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Tại phòng thư viện của Trường THPT Quang Trung (thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi nhận thấy hàng chục em học sinh đang say mê ngồi đọc sách trong trật tự.
Em Alăng Thị Hạnh (học sinh lớp 12) cho biết em thường đến phòng thư viện để mượn sách tham khảo và một số loại sách tâm lý lứa tuổi trong "Tủ sách hiếu học" để đọc.
Với các em học sinh lớp 12 như Hạnh, những đầu sách tham khảo rất bổ ích, giúp em nâng cao kiến thức chuyên môn để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp đến, ngoài ra những đầu sách về tâm lý sẽ trang bị cho em kiến thức tâm lý vững vàng hơn trước khi rời xa mái trường cấp ba, trở thành người trưởng thành.
Cô giáo Đinh Ngọc Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, chia sẻ với chúng tôi Trường THPT Quang Trung hiện có 465 học sinh, trong đó 98% là học sinh người đồng bào thiểu số.
Đầu tháng 9-2018, Hội PNCS Công an huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã trao tặng "Tủ sách hiếu học" với hàng trăm đầu sách hay, bổ ích với các em học sinh.
Ngoài sách tham khảo, nâng cao các môn học, sách ngoại ngữ, Từ điển tiếng Anh, "Tủ sách hiếu học" còn có hàng chục đầu sách bổ ích về kỹ năng sống, các loại truyện hạt giống tâm hồn, những tấm gương sáng, nghiên cứu khoa học, giáo dục giới tính, văn hóa các dân tộc, lịch sử dân tộc Việt Nam, cuộc đời cách mạng của Bác Hồ...
Các em học sinh Trường THPT Quang Trung hăng say đọc sách trong "Tủ sách hiếu học".
Từ ngày được trao tặng và đưa vào hoạt động đến nay, mỗi ngày có hàng trăm lượt học sinh đến đây để mượn sách đọc. "Do chưa có phòng đọc sách bài bản nên tạm thời nhà trường để "Tủ sách hiếu học" ở phòng thư viện. Sắp đến, khi Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng của người đồng bào thiểu số) được hoàn thành trong khuôn viên nhà trường, chúng tôi sẽ dời "Tủ sách hiếu học" ra đó để các em có nơi đọc sách đàng hoàng hơn.
Mà không chỉ các em học sinh, nhiều giáo viên chúng tôi cũng thường đến "Tủ sách hiếu học" để tìm và đọc nhiều cuốn sách hay, bổ ích nhằm củng cố kiến thức của mình và ghi lại, chia sẻ với các em học sinh", cô Thúy chia sẻ.
Thiếu úy Nguyễn Thị Hà Ngân, Phó Chủ tịch Hội PNCS Công an huyện Đông Giang, cho biết Đông Giang là một huyện miền núi, có đồng bào dân tộc Cơ Tu chiếm phần đông dân số.
Nhận thấy bậc THPT rất quan trọng, là giai đoạn chuẩn bị thật tốt để các em học sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Đây là giai đoạn mà các em học sinh cần trao dồi cho mình những kỹ năng sống, kiến thức thiết yếu để bước vào môi trường xã hội nên Hội PNCS Công an huyện Đông Giang đã xây dựng kế hoạch, kêu gọi quyên góp của lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ Công an huyện và cá nhân Đại úy Nguyễn Thị Cẩm Nhung, giảng viên Trường Cao đẳng CSND 2, cùng một số Mạnh Thường Quân khác để xây dựng "Tủ sách hiếu học" trao tặng cho Trường THPT Quang Trung với mong muốn góp phần giúp cho các em học sinh có một góc tự học, tự nghiên cứu, tự trao dồi kỹ năng.
Mặc dù số lượng hội viên ít nhưng nhờ sự đoàn kết, nhất trí cao của các hội viên trong việc triển khai các hoạt động, đồng thời được sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy, lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ Công an huyện nên hội viên Hội PNCS Công an huyện Đông Giang luôn an tâm tư tưởng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cộng đồng, qua đó xây dựng hình ảnh đẹp, gần gũi của các nữ Công an nói riêng và Công an huyện nói chung trong lòng người dân địa phương.
Ngoài hoạt động trao tặng "Tủ sách hiếu học", thời gian qua Hội PNCS Công an huyện Đông Giang cũng đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an huyện thực hiện mô hình "Nồi cháo chiến sĩ", cấp phát hàng trăm suất cháo, sữa, bánh mì cho người nhà và bệnh nhân tại Bệnh viện huyện Đông Giang vào thứ sáu các tuần cuối tháng.
Ngoài ra, các hội viên Hội PNCS Công an huyện Đông Giang còn tích cực tham gia xuống tận nhà cấp phát CMND cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, những trường hợp không thể đi lại được và tham gia mô hình "Giọt hồng sẻ chia", qua đó kịp thời cung cấp máu để cứu chữa cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam.
Ngọc Thi
Theo cand
Chuyện bao gạo và cái chữ vùng cao Nhắc đến Lạng Sơn ngày nay, người ta thường nhắc đến những con đường cao tốc láng mượt, những cửa khẩu tấp nập hay những địa điểm du lịch hấp dẫn. Ít ai biết rằng, ở đâu đó trên vùng đất ấy, một vài bao gạo lại chính là bậc thang "nâng bước" cho những đứa trẻ đến gần hơn với "cái chữ"....