Quảng Nam: Cô giáo hơn 25 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo
Suốt hơn 25 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Thanh (SN 1961, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đã miệt mài dạy chữ miễn phí cho những trẻ em nghèo, khuyết tật trong xã và các xã lân cận. Cả đời hết lòng vì nghiệp trồng người, niềm vui duy nhất của cô là được nhìn thấy học trò của mình biết được con chữ, từng bước hiện thực hóa ước mơ của các em.
Cô Thanh nhớ lại, năm 1978 cô tốt nghiệp ra trường, cô xin về công tác tại các trường tiểu học Trà Nam, Trà Tập thuộc huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam).
Đến năm 1984, cô Thanh chuyển về công tác gần nhà dạy tại trường tiểu học Trần Ngọc Sương (bây giờ là trường tiểu học Tiên Thọ).
Tại đây, chứng kiến cảnh các em học sinh khuyết tật không được đến trường, không nhận biết con chữ, cô ấp ủ mở một lớp dạy học cho các em, đồng thời dạy bổ túc cho các em học sinh chậm tiến bộ, hoàn cảnh khó khăn.
Lớp học miễn phí hơn 25 năm qua của cô giáo Thanh. Học trò đến đây không cần đóng học phí mà còn được cô hỗ trợ bút viết hay ăn uống bằng tiền lương hưu của mình
Năm 1993, xin được vài ba bộ bàn ghế cũ, tận dụng khoảnh sân trong vườn, phòng khách, thậm chí cả phòng ăn để đặt bàn ghế, cô Thanh kêu gọi các em đến học. Ban đầu chỉ lác đác vài em, sau thấy cô dạy hiệu quả nhiều phụ huynh dắt con đến gửi. Dần dà, học trò của cô đông dần, có khi không đủ bàn ghế để ngồi.
Theo cô Thanh, mình không thể làm được những việc to lớn để giúp đời thì mình làm theo cách khác đó là “gieo” con chữ cho những học sinh khiếm khuyết, hoàn cảnh khó khăn để các em được tiếp thêm hành trang trên chặng đường thực hiện ước mơ tương lai
Cô Thanh chia sẻ: “Năm 1997, có đoàn từ thiện nghe tin về lớp học, họ đến xem xét thấy điều kiện dạy học khó khăn nên ngỏ ý giúp đỡ. Họ xây 2 phòng học ở trung tâm xã Tiên Thọ, động viên các em đến lớp và mời cô giảng dạy. Học sinh đến trường ngày một đông, tiếng tăm cô Thanh dạy miễn phí ngày một truyền xa. Có phụ huynh ở tận Tiên Châu, Tiên Lộc, Tiên Cảnh (thuộc huyện Tiên Phước) cách trường gần chục cây số cũng dắt con đến gửi”.
Đến năm 2002, xã xóa bỏ lớp học vì có chủ trương cho các em khuyết tật học hòa nhập cộng đồng.
“Sau khi giải thể lớp, cô cũng theo sát các em khuyết tật, nhận thấy các em học chậm tiến không theo kịp bạn bình thường nên rất lo lắng. Thế là cô quyết định mở lại lớp học, lúc đó chỉ biết tận dụng tấm bảng đen cũ rồi vài ba bộ bàn ghế xin được, vậy là thành lớp học. Căn nhà lại vang lên tiếng học bài mỗi ngày, học sinh lại tìm đến cô ngày một đông” – cô Thanh bồi hồi nhớ lại.
Tủ sách cũ kỹ được cô dựng sát tường khỏi đổ, những quyển sách một phần do cô mua và một số được quyên tặng. Cô chia sẻ: “Các em rất ham học, yêu quý sách vở. Trong lớp có em Hoàng Oanh rất chăm ngoan, viết chữ đẹp đã giành được giải trong kỳ thi viết chữ đẹp của tỉnh. Đó là niềm tự hào của cô và của lớp học”
Đến với lớp học các em không chỉ được học thêm kiến thức, mà còn được học làm người. Cô Thanh vừa là cô giáo, vừa là người bạn tâm tình chia sẻ cùng các em điều hay, lẽ phải.
Nhiều em hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bận bịu làm ăn thì mang con đến gửi cho cô cả ngày. Cô cho hay, hơn 25 năm kèm cặp, dạy từng con chữ cho các học sinh mới thấu hiểu hoàn cảnh của từng em. Nhiều em vì điều kiện gia đình khó khăn, không thể tới lớp, cô phải đón đưa tới tận nhà. Có em khuyết tật, không chịu đi học, cô còn phải đến nhà dỗ dành, vận động ra lớp. Đôi khi cô còn lo cả sách vở, bút thước cho từng em, có nhiều em, cô phải dạy 4 năm ròng rã mới viết được chữ.
Chiếc bảng đen cũ kỹ, bàn ghế xiêu vẹo được cô cột vào lại với nhau để khỏi nghiêng ngả. Cô không mong gì hơn là học trò của mình có được bàn, ghế tốt hơn để ngồi yên tâm học.
“Nhiều em khuyết tật ngày hôm nay cô dạy, đến mai lại quên hết nên phải dạy lại từ đầu. Đối với những em này thì mình phải chịu khó, kiên nhẫn từng li từng tí. Các em bình thường thì mình dạy bổ túc thêm kiến thức, em học khá hơn sẽ kèm lại cho em học yếu để cùng nhau tiến bộ. Các em dù nghèo vật chất nhưng lại giàu tinh thần, em nào cũng siêng năng cố gắng; phụ huynh cũng luôn ý thức được tầm quan trọng của việc học, nên luôn cố gắng đưa các em đến lớp mỗi ngày” – cô Thanh cho biết thêm.
Thời gian được đứng trên bục giảng, được nhìn đám học trò ê a đọc chữ với cô là khoảng thời gian đẹp nhất. Giờ về hưu, nỗi nhớ trường, nhớ lớp khiến cứ khắc khoải trong cô. Nên lớp học miễn phí ra đời cũng giúp cô vơi đi nỗi nhớ thời gian cầm phấn.
Cô giáo hơn 25 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo
Hàng ngày, thấy các em ríu rít học chữ trong lòng cô thấy phấn khởi, dù có đau ốm cũng ráng mà dạy. Cô kể, nhiều học sinh của cô giờ ra trường có công việc ổn định, có em làm kế toán, xây dựng… đủ cả. Lâu lâu các em lại ghé lớp, hỏi thăm tình hình sức khỏe cô và lớp học. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến cô vui vẻ, càng thêm tâm huyết với sự nghiệp “đưa đò” miễn phí này.
Sau cuộc trò chuyện, chúng tôi chia tay cô Thanh để cô còn kịp giờ đến bệnh viện ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) tập vật lý trị liệu. Theo cô kể, năm 2016 cô gặp tai nạn giao thông khiến chân trái bị tổn thương nặng phải nằm viện một tháng điều trị, bác sỹ khuyên hạn chế cử động. Nhưng vì nhớ lớp, thương học trò cô lại cố gắng xin về tiếp tục dạy.
Cô Thanh chia sẻ: “Thương học trò quá mà cô lại xin về vì sợ mình cho lớp nghỉ lâu sẽ ảnh hưởng đến việc học của các em, nhất là các em khuyết tật. Mới đây cô lại bị vấp ngã, chân trái chưa kịp lành thì lại nứt xương nên phải tập trị liệu. Bây giờ mỗi ngày cô chỉ dạy buổi sáng, buổi chiều thì đến bệnh viện. Cô sẽ cố gắng để vào năm học mới mở lớp cả ngày, vì các em có thời khóa biểu khác nhau nên phải phân chia để không sót em nào. Cô sẽ cố duy trì lớp học cho đến khi không thể tiếp tục”.
Nói về lớp học này, ông Nguyễn Văn Quý – Chủ tịch xã Tiên Thọ cho biết: “Hơn 25 năm nay, cô Thanh đã giúp đỡ rất nhiều trẻ em khuyết tật, nghèo khó ở địa phương bằng một cái tâm trong sáng. Cô đã đóng góp rất lớn cho công tác khuyến học của xã và đã được tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cùng huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh”.
N. Linh
Theo Dân trí
Quảng Nam: Cô giáo bị phụ huynh đánh thủng màng nhĩ yêu cầu giám định lại
Cô Nguyễn Thị Xuân Mai (21 tuổi, giáo viên tại cơ sở mầm non Sen Hồng ở thị Xã Điện Bàn, Quảng Nam), người bị phụ huynh đánh thủng màng nhĩ đã có đơn yêu cầu giám định lại thương tích.
Ngày 6/8, Cô Nguyễn Thị Xuân Mai cho biết, đã gửi đơn đến Công an và Viện kiểm sát Nhân dân thị xã Điện Bàn, yêu cầu giám định lại thương tích của cô, đồng thời xử lý hình sự người đã đánh mình.
Cô Nguyễn Thị Xuân Mai lúc đang điều trị tại bệnh viện
Theo cô Mai, sau một thời gian điều trị, bệnh tình của cô có phần thuyên giảm, các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cho biết khả năng tai sẽ tự lành, không cần phẫu thuật nên cho xuất viện. Tuy nhiên, sau khi về nhà, tai cô Mai vẫn bị đau nhức, có lần bị ngất xỉu.
Đến ngày 24/7, cô Mai tiếp tục bị ngất xỉu, tay chân co rút buộc phải nhập viện điều trị cho đến nay. Các bác sĩ tại Bệnh viện Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn) thông báo bệnh tình của cô Mai không thuyên giảm, máu không lưu thông lên não. Nếu 2 tháng nữa không tự lành thì phải phẫu thuật.
Cũng theo cô Mai, ngày 6/7, Công an thị xã Điện Bàn và cơ quan pháp y đã đến bệnh viện giám định thương tích của cô và thông báo tỉ lệ thương tích 9%. Tuy nhiên, cô Mai không đồng ý với kết quả như trên và xin được giám định lại.
Hiện sức khỏe của cô Mai chưa hồi phục, thường xuyên bị ngất xỉu. Ngoài đơn yêu cầu giám định lại, cô Mai cũng đã viết đơn yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự và xử lý trách nhiệm hình sự đối với những người đã đánh mình.
Công an thị xã Điện Bàn cho biết, vụ cô Mai bị đánh đã được giám định thương tích tạm thời. Chờ khi nào cô Mai khỏe mạnh bình thường trở lại mới giám định tỉ lệ thương tích chính thức để có hướng xử lý tiếp theo.
C. Bính
Theo Dân trí
Điểm thi thấp hơn, tỷ lệ tốt nghiệp vẫn cao Hôm qua (11.7), Bộ GD-ĐT chính thức công bố kết quả thi THPT quốc gia 2018. Theo thống kê từ các địa phương, tỷ lệ tốt nghiệp nhiều tỉnh, thành giảm so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn cao dù điểm thi thấp hơn. Thí sinh tại TP.HCM xem điểm thi qua mạng - ẢNH: NGỌC DƯƠNG Theo cán bộ khảo...