Quảng cáo nhà mạng ‘tấn công’ thuê bao trước giờ G
Đã từ chối thông tin quảng cáo từ các nhà mạng, nhưng nhiều thuê bao vẫn đều đều nhận tin nhắn rác mỗi ngày. Tần suất spam càng dày đặc khi sắp tới thời hạn Nghị định 77 có hiệu lực.
Đã từ chối nhận quảng cáo nhưng thuê bao vẫn nhận được tin như thường. Ảnh: Anh Quân
Ngày 1/1/2013, Nghị định 77 về chống thư rác sẽ có hiệu lực, thắt chặt hơn các quy định về việc gửi tin nhắn quảng cáo của các các đơn vị hoặc cá nhân quảng cáo, cung cấp dịch vụ quảng cáo đến các khách hàng. Tuy nhiên, càng đến gần thời điểm trên, người dùng di động lại than thở chuyện bị nhà mạng làm phiền nhiều hơn bằng các kiểu tin mời chào dịch vụ trúng thưởng, giải trí cuối năm.
Chị Lan (Thái Hà, Hà Nội) là thuê bao của mạng Mobifone. Cách đây khá lâu chị đã nhắn tin từ chối nhận quảng cáo, và nhờ bạn bè thông báo khi nhà mạng có đợt tặng giá trị thẻ nạp. Nhưng tuần cuối tháng 12, chị đột nhiên nhận được tin nhắn từ đầu số 9241, đề nghị kích hoạt lại việc nhận quảng cáo để được hưởng ưu đãi.
“Họ thông báo tặng 30.000 đồng và 60MB miễn phí nếu mình kích hoạt lại dịch vụ”, chị Lan nói. Ngoài các tin quảng cáo, thuê bao này cũng trở thành nạn nhân của hàng loạt tin nhắn rác với nội dung đồi trụy, lô đề… được gửi từ các số lạ cùng mạng.
Không gặp phải cảnh mời mọc trên, nhưng anh Long (ở Đống Đa, Hà Nội), sở hữu thuê bao 0912064xxx của Vinaphone cũng khổ vì tin nhắn từ nhà mạng dịp cuối năm. Anh cho biết vài tuần gần đây thường xuyên nhận được tin quảng cáo từ đầu số 18001091 của nhà mạng. “Ngày nào cũng nhận, ít thì 3 tin, còn không là 5 tin quảng cáo. Gần như có tin nhắn là biết từ đâu gửi đến. Còn may là chưa thấy nhắn vào giờ ngủ”, anh nói.
Video đang HOT
Nội dung các tin nhắn này thường “gợi ý” cho khách hàng tham gia các chương trình khuyến mại với giá trị giải thưởng lớn như xe máy, điện thoại, hay cơ hội tặng tiền từ vài chục đến vài trăm triệu đồng khi tham gia một chương trình nào đó của nhà mạng.
“Lỗi cũng tại mình không nhắn tin từ chối nhận quảng cáo, nhưng nhắn rồi thì không nhận được tin khuyến mại thẻ nạp nữa, nên đành chịu”, anh Long giãi bày. Không chỉ anh Long mà rất nhiều khách hàng của các nhà mạng hiện nay ở trong hoàn cảnh này. Vẫn có người do cảm thấy quá phiền hà nên đã đăng ký không nhận tin quảng cáo từ nhà mạng, nhưng cũng… không “thoát”.
Nhiều thuê bao khác cũng phản ánh tương tự, nhất là vào thời điểm gần cuối năm, và chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm siết tin quảng cáo từ nhà cung cấp. Nghị định 77 không cho phép tổ chức, cá nhân quảng cáo gửi quá một thư điện tử, tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một địa chỉ thư điện tử hay số điện thoại trong vòng 24h, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.
Tin nhắn khuyến mại, quay thưởng với giá trị lớn đang “dội bom” người dùng di động dịp cuối năm. Ảnh: Anh Quân
Trao đổi với VnExpress, đại diện Vinaphone cho biết hãng đang tăng cường các biện pháp quản lý để hạn chế tin quảng cáo, tin nhắn rác, đồng thời gửi cảnh báo đến khách hàng. Trong khi đó, Mobifone xác nhận về việc thực hiện chương trình ưu đãi để khuyến khích thuê bao nhận các thông tin gửi từ nhà mạng. Theo đại diện của hãng, điều này nhằm mục đích đem lại lợi ích nhiều hơn cho khách hàng vào dịp cuối năm. “Khi khách hàng từ chối nhận tin nhắn quảng cáo, Mobifone sẽ không nhắn cho khách nữa”, nhà mạng khẳng định.
Tại Hội nghị “Triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo” do Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức chiều 13/11 ở Hà Nội, đại diện các nhà mạng đều tuyên bố “sẵn sàng hy sinh khoản doanh thu từ tin nhắn rác để bảo vệ quyền lợi của khách hàng”. Tuy nhiên, không có lãnh đạo mạng nào nhắc đến việc chính các tin nhắn quảng cáo dồn dập của doanh nghiệp đang bị khách hàng xem như một dạng “tin nhắn rác” gây phiền phức mỗi ngày.
Ngày 1/1/2013 cũng là thời điểm Thông tư 14 của Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực, quy định thuê bao trả trước hòa mạng mới cũng phải trả phí, đồng thời yêu cầu nhà mạng không nạp sẵn tài khoản vào sim điện thoại chưa đăng ký hoặc đang lưu thông. Đây là một trong những biện pháp mạnh tay của Bộ nhằm ngăn chặn thuê bao ảo, sim rác, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tin nhắn rác, quảng cáo “vô tội vạ” hiện nay.
Theo VNE
Tin nhắn rác tràn lan vì giá siêu rẻ
Chi phí gửi tin nhắn từ thuê bao trả trước chỉ khoảng 20 đến 30 đồng, thậm chí có thời điểm còn 10 đồng mỗi tin, rẻ hơn chục lần tin nhắn thông thường khiến sim rác được bày bán tràn lan trên thị trường.
Theo ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), hầu hết tin nhắn rác tồn tại hiện nay được gửi từ sim di động trả trước có nguồn gốc rất khó xác minh (loại sim này còn được gọi là sim rác). Kẻ phát tán thường sử dụng phương thức mua sim trả trước, cùng với thiết bị như USB 3G và phần mềm gửi tin nhắn chuyên nghiệp để gửi hàng loạt tin cho hết tiền trong tài khoản.
Nguyên nhân chính theo ông là tin nhắn rác tràn lan có chi phí gửi chỉ khoảng 20 đến 30 đồng, thậm chí có thời điểm mức giá còn 10 đến 15 đồng, biến dịch vụ này thành kênh quảng cáo truyền thông siêu rẻ.
Chi phí để phát tán một tin nhắn rác chỉ tối đa 30 đồng. Ảnh: Anh Quân
Ông Khánh cho rằng, quản lý yếu kém khiến xử lý tin nhắn rác gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các biện pháp ngăn chặn cũng chưa được thực hiện kịp thời. Giám đốc VNCERT đánh giá việc áp dụng hình thức phạt hành chính chỉ mang tính răn đe, điều chỉnh ban đầu: "Để giải quyết tận gốc cần áp dụng biện pháp mạnh hơn, thậm chí truy tố trước pháp luật".
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM nói: "Sim trả trước là nguồn gây ra tin nhắn rác vô tội vạ". Bên cạnh đó, ông Hỷ cũng thẳng thắn nhận xét chính khoản thu lợi nhuận quá lớn khiến doanh nghiệp và các đơn vị liên quan phớt lờ những thức khác. Các doanh nghiệp và CSP (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung và có đầu số) vẫn chưa hài hòa lợi ích mình nhận được, cùng với trách nhiệm xã hội.
Khoản thu về lớn khiến các chế tài xử lý trở nên quá nhỏ bé đối với doanh nghiệp và CSP. "Nếu các đơn vị này không tìm được lợi ích chung thì biện pháp của Nhà nước sẽ không thay đổi được gì, mà có thể tạo ra mâu thuẫn không đáng có", lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM nhận định.
Theo ông Hỷ, mọi sự quan tâm đang đổ dồn vào chế tài và việc quản lý của Nhà nước, chưa ai để ý đến vấn đề kỹ thuật như hệ thống, thiết bị và các chương trình sàng lọc, xử lý dịch vụ nội dung số. "Cần trích lợi nhuận kinh doanh để thực hiện các biện pháp xã hội, ví dụ xây dựng, đầu tư và áp dụng kỹ thuật để ngăn chặn tin nhắn rác, thay vì đi theo các biện pháp hành chính, kiểm tra, phạt", ông nói.
Tại Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và Nghị định 77 của Chính phủ về chống thư rác diễn ra chiều 13/11, ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân không nhắn tin đến các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn nếu bản thân chưa hiểu rõ hoặc không nắm chắc thông tin về dịch vụ và giá cước.
Theo VNE
Đã có thuốc giải cho vấn nạn tin nhắn rác? Tin nhắn quảng cáo hợp pháp có giá cước cao và liên tục bị gây khó dễ nên để đạt mức doanh thu theo yêu cầu của nhà mạng, các doanh nghiệp cung cấp nội dung trên mạng di động (CSP - tên gọi trước đây là CP - PV) phải tìm cách phát tán tin nhắn rác nếu không muốn bị chấm...