Quảng Bình: Phụ huynh “tố” trường “ưu ái” cho một số học sinh trong việc phân lớp (?!)
Nhiều phụ huynh bức xúc phản ánh đến Báo điện tử Dân trí về việc Trường THPT Lương Thế Vinh đã xếp một số em học sinh có điểm số thấp nhưng được phân vào các lớp ở nhóm đầu như A1, A2, A3, còn nhiều em mặc dù có điểm cao nhưng chỉ được xếp vào các lớp ở nhóm cuối… A12, A13.
“Bất thường” điểm thi cao lại xếp ở lớp nhóm cuối
Báo điện tử Dân trí nhận được ý kiến phản ánh của nhiều phụ huynh tại thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch về những “bất thường” trong việc tổ chức phân lớp cho học sinh lớp 10, năm học 2019-2020 xảy ra tại Trường THPT Lương Thế Vinh đóng trên địa bàn thị xã Ba Đồn.
Theo đó, Trường THPT Lương Thế Vinh đã xếp một số em học sinh có điểm số thấp nhưng được phân vào các lớp ở nhóm đầu như A1, A2, A3, còn nhiều em mặc dù có điểm cao nhưng chỉ được xếp vào các lớp ở nhóm cuối… A12, A13.
Trong đơn thư phản ánh, có một số trường hợp học sinh có tổng điểm xét tuyển chưa đạt 25 điểm nhưng vẫn được xếp vào lớp A1, A2, nhưng có nhiều em có tổng điểm xét tuyển trên 33 điểm lại bị xếp vào những lớp ở nhóm cuối là A12, A13 (xin được giấu tên các trường hợp nói trên).
Trò chuyện với phóng viên, nhiều bậc phụ huynh cho rằng, lý do dẫn đến một số em học sinh có tổng điểm xét tuyển thấp nhưng lại được phân ở những lớp nhóm đầu là vì các em là con em của cán bộ thị xã hoặc gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Còn có những em học sinh có điểm trúng tuyển cao, nhưng lại bị xếp vào các lớp ở nhóm cuối vì là con em của các gia đình bình thường.
Trường THPT Lương Thế Vinh.
Các lớp mang tên A1 đến A13 chỉ mang tính ngẫu nhiên (?!)
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, năm học 2019-2020, Trường THPT Lương Thế Vinh tuyển sinh 13 lớp, với 585 học sinh, bằng hình thức thi tuyển do Sở GD-ĐT tổ chức.
Video đang HOT
Trong quá trình phân lớp đối với học sinh lớp 10 năm học 2019-2020, chủ trương chung của nhà trường là phân đều học sinh có điểm thi tuyển sinh và kết quả học tập cấp THCS theo tỷ lệ vào các lớp, bảo đảm tất cả các lớp đều có học sinh giỏi, khá và trung bình.
Tuy nhiên, do điều kiện thực tế, học sinh của nhà trường phân bố trên địa bàn rộng (gồm 16 xã trên địa bàn thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch), nhiều học sinh đi học xa nhà, nên trường phải ưu tiên sắp xếp học sinh theo địa bàn để bảo đảm an toàn và thuận lợi cho các em.
Vì vậy, tỷ lệ phân bố học sinh theo học lực và điểm thi tuyển sinh đầu vào ở các lớp chỉ mang tính tương đối.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: Liệu kết quả thi tuyển có phải là căn cứ cho việc sắp xếp tổ chức lớp và phân lớp theo thứ tự từ điểm cao xuống thấp cho học sinh từ A1 đến A13? Bà Liên trả lời: Việc các lớp mang tên A1 đến A13 chỉ mang tính ngẫu nhiên, nhằm thuận tiện trong quản lý của nhà trường.
“Trước đây, trường có tổ chức lớp chọn, nhưng sau khi Thanh tra Sở phát hiện và yêu cầu không tổ chức lớp chọn, từ năm học 2016-2017 đến nay, trường đã không tổ chức lớp chọn nhằm bảo đảm bình đẳng về cơ hội học tập của học sinh và mặt bằng về năng lực của học sinh các khối lớp”, bà Liên giải thích thêm. Bà Liên cũng khẳng định, Trường THPT Lương Thế Vinh không tổ chức phân chia lớp chọn.
Vì vậy, hoàn toàn không có sự “ưu ái” cho học sinh là con lãnh đạo có chức vụ ở cấp thị xã, con em gia đình có điều kiện kinh tế khá giả được sắp xếp vào các lớp đầu A1, A2, A3; còn những con em của người bình thường thì xếp ở các lớp nhóm cuối A12; A13, như phản ánh của người dân. Liên quan đến sự việc trên, hiện Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình cũng đã vào cuộc làm rõ.
Báo điện tử Dân trí sẽ tiếp tục thông tin mới nhất về vụ việc đến bạn đọc.
Nhóm PV
Theo Dân trí
Nữ sinh đi cắt cỏ trong lúc bạn bè đang thi lại vào lớp 10
Chiều 5/6, trong khi các bạn đi thi lại môn văn thì Ngô Thị Lài đang đi cắt cỏ.
Ngô Thị Lài ở thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch là thí sinh tham gia kì thi tuyển sinh lên lớp 10 tại Quảng Bình với nguyện vọng được vào học tại Trường THPT Lương Thế Vinh, Thị xã Ba Đồn, cách nhà khoảng 7km.
Hai bố con Lài trong căn nhà xơ xác
Lài bỏ lỡ buổi thi lại môn văn như thông báo của Sở GD-ĐT là do là trong buổi thi môn Toán trước đó, em hoàn thành xong phần thi trước 2/3 thời gian và xin nộp bài sớm để về. Cho đến cuối buổi thi Toán, các giám thị mới thông báo là ngày hôm sau thi lại môn Ngữ văn.
Sau khi biết Lài bỏ lỡ thi lại, ông Đinh Qúy Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp gọi điện cho em.
"Hôm thi môn toán chúng tôi chưa thông báo sớm vì sợ gây áp lực cho các em, lúc chúng tôi thông báo thì em Lài đã về nên không biết lịch thi lại. Đây là sự cố chúng tôi không ngờ tới được. Tôi cũng có nghe về hoàn cảnh khó khăn của em, gia đình em nghèo, mẹ mất, bố bị vấn đề về tâm thần, trong gia đình đến tivi cũng không có, rất may một người bác của em Lài có điện thoại chúng tôi mới liên hệ được", ông Nhân thông tin.
Ông Nhân hứa sẽ tạo điều kiện để Lài được xét và trúng tuyển vào Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thị xã Ba Đồn, gần với nhà Lài.
Tuy nhiên, nguyện vọng của Lài trong kỳ thi lần này là em muốn được thi và trúng tuyển để được vào học tại Trường THPT Lương Thế Vinh nên đã rất cố gắng học tập.
"Hầu hết các bạn đều có nguyện vọng được vào học trường Lương Thế Vinh, vừa gần nhà, môi trường vừa được đào tạo cũng tốt. Em lại không có xe đạp để đi học, giờ các bạn học trường khác thì làm sao xin đi ké xe được, nếu học ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau này em bơ vơ không biết ra sao", Lài tâm sự.
Theo tìm hiểu, tại địa bàn huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn có 5 Trường THPT, trong đó có 2 trường không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển.
Nếu Sở GD-ĐT Quảng Bình không "tạo điều kiện" thì hiển nhiên em Ngô Thị Lài vẫn tham gia xét và trúng tuyển vào Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Theo cô Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh thì số lượng thí sinh tuyển vào trường sẽ do Sở GD-ĐT quy định và khi thi xong thi xong Sở sẽ tổ chức chấm thi và nhập dữ liệu rồi gửi danh sách những em trúng tuyển về trường. "Nếu trường hợp thí sinh được "đặc cách" và được Sở gửi danh sách về thì chúng tôi sẽ tiếp nhận", cô Liên cho hay.
Được biết, Lài là con thứ 3 trong một gia đình có 3 anh chị em. Mẹ Lài mất cách đây hơn 4 năm vì bị ung thư, chị gái đầu đã đi lấy chồng, người anh kế đã bỏ học đi làm mướn ở TP.HCM. Lài hiện đang sống theo người bố có chứng bệnh về thần kinh. Căn nhà của bố con Lài nghèo xác xơ, không một vật dụng gì đáng giá.
Nơi học bài hằng ngày của Lài
Vì hoàn cảnh gia đình túng quẫn, mới chỉ 15 tuổi, Lài đã bươn chải, làm mướn khắp nơi để kiếm tiền đi học. Dù sống trong điều kiện thiếu thốn nhưng chính bằng sự quyết tâm của mình, Lài luôn tâm niệm cố gắng học thật tốt, hi vọng sau này có cái nghề để giúp đỡ bố và các anh chị em. Chính vì vậy, trong nhiều năm liền, Lài luôn có học lực khá giỏi trong lớp.
"Nhà em không có tivi, ba và em cùng không có điện thoại để dùng, em nghĩ thi xong Toán rồi về chứ không biết lịch thi lại môn văn vào hôm sau. Chiều tối đó em đi cắt cỏ về thì nghe một bạn nói sao không đi thi nên em mới giật mình. 16h chiều 5/6 em mới biết thi lại, em phải chạy sang nhà hàng xóm mượn xe đạp, chạy xuống điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh thì cũng là thời gian làm bài kết thúc", Lài kể lại.
Hải Sâm
Theo VNN
Thi THPT quốc gia trên máy tính: Cơ hội nào cho học sinh vùng sâu vùng xa? Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, giai đoạn 2021-2025 cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp thực tế phương thức tổ chức thi. Đặc biệt nhất là tiến tới phương thức tổ chức thi trên máy tính. Ảnh minh họa. Những điều chỉnh cho phù hợp điều kiện...