Quảng Bình: Làm rõ việc dù không có nhu cầu, giáo viên vẫn bị “ép” đi học bồi dưỡng
Liên quan đến vụ việc nhiều giáo viên tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) dù không có nhu cầu vẫn buộc phải đăng ký đi học bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT kiểm tra, làm rõ.
Theo đó, ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh này kiểm tra việc UBND huyện Tuyên Hóa cũng như Phòng Nội vụ huyện này ra công văn bắt buộc tất cả các giáo viên trong biên chế phải đăng ký bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp; xem xét và xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có) theo quy định của pháp luật, đồng thời báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/11.
Như Dân trí đã phản ánh, bước vào năm học 2018 – 2019, Phòng Nội vụ huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã có công văn gửi hầu hết các trường học trên địa bàn yêu cầu lập danh sách giáo viên trong biên chế phải đăng ký bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, tiểu học và THCS.
Công văn này bắt buộc các giáo viên phải đăng ký lớp học bồi dưỡng đã khiến không chỉ hiệu trưởng các trường mà nhiều giáo viên vô cùng bức xúc.
Video đang HOT
Công văn của UBND huyện và Phòng Nội vụ huyện Tuyên Hóa.
Nhiều giáo viên tại huyện Tuyên Hóa cho rằng, việc bồi dưỡng chứng chỉ là dành cho những ai có nhu cầu thăng hạng hoặc cần chứng chỉ bồi dưỡng. Thế nhưng huyện Tuyên Hóa lại yêu cầu bắt buộc gần như 100% giáo viên trên địa bàn tham gia là không đúng.
Bên cạnh đó, việc bắt buộc tất cả các giáo viên đi học cũng có nhiều bất cập và bất hợp lý bởi có những giáo viên sắp nghỉ hưu. Nhiều giáo viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ cũng phải đăng ký đi học là trái quy định, gây khó khăn cho giáo viên. Chưa nói đến việc đi học tập trung ở huyện miền núi rất vất vả, liên quan đến việc phải tự túc phương tiện, chỗ ăn, nghỉ trong cả khóa học…
Không chỉ Phòng nội vụ huyện Tuyên Hóa có văn bản bắt buộc các giáo viên phải đăng ký bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, trước đó, Chủ tịch UBND huyện này cũng có văn bản gửi các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn với yêu cầu tương tự.
Nhóm PV
Theo Dân trí
"Ép" cả nghìn giáo viên đi học bồi dưỡng trái quy định, Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu hồi âm báo BVPL
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Trần Tiến Dũng đã giao Sở nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo kiểm tra nội dung báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, về việc UBND huyện Tuyên Hóa làm công văn "ép" cả nghìn giáo viên trong biên chế phải đăng ký đi học bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp trái quy định.
Trước đó, báo điện tử Bảo vệ pháp luật ngày 23/10 đã có bài phản ánh "Quảng Bình: "Ép" cả nghìn giáo viên đi học bồi dưỡng trái quy định", phản ánh việc UBND huyện Tuyên Hóa đã làm công văn yêu cầu giáo viên trong biên chế phải đăng ký tham gia lớp học bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp theo Thông tư 21, 22/2015 của liên bộ Bộ giáo dục và đào tạo và Bộ nội vụ, với học phí 2,5 triệu/1 giáo viên cho 240 tiết học.
Việc UBND huyện Tuyên Hóa ra công văn, tô đậm dòng chữ " là yêu cầu bắt buộc" đối với việc bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp đã khiến rất nhiều giáo viên ở địa phương không đồng tình, khi cho biết việc bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo các Thông tư trên chỉ dành cho những giáo viên có nhu cầu thăng hạng hoặc cần chứng chỉ bồi dưỡng. Việc Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa và lãnh đạo Phòng nội vụ cùng ra công văn với yêu cầu như vậy là trái quy định. Nhất là so với mức thu nhập và đời sống của giáo viên ở huyện miền núi nghèo, thì mức học phí 2,5 triệu/1 giáo viên là quá cao.
Sau khi báo điện tử Bảo vệ pháp luật phản ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Trần Tiến Dũng đã có ý kiến chỉ đạo kiểm tra, báo cáo vấn đề báo nêu.
Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng.
Theo công văn số 3855/VPUBND-VX ngày 26/10, do ông Nguyễn Trần Quang - Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình ký, truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thì ông Trần Tiến Dũng đã giao Sở nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở giáo dục và đào tạo kiểm tra nội dung báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, xem xét và xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu phải có báo cáo trước ngày 15/11, đồng thời có văn bản gửi báo Bảo vệ pháp luật.
Liên quan đến vấn đề báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, lãnh đạo Phòng nội vụ huyện Tuyên Hóa đã liên lạc với PV báo Bảo vệ pháp luật, ghi nhận những phản ánh của báo và cho biết đã có công văn hướng dẫn về các trường trên địa bàn, với tinh thần động viên, khuyến khích các giáo viên đi học chứng chỉ bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, đồng thời yêu cầu Hiệu trưởng các trường tạo kiện cho các giáo viên có điều kiện được đăng ký, tham gia học bồi dưỡng theo quy định.
Bùi Tiến
Theo baovephapluat
Quảng Bình: Không có nhu cầu, giáo viên vẫn bị "ép" đi học bồi dưỡng Dù không có nhu cầu nhưng nhiều giáo viên tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) vẫn phải đăng ký đi học bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp bởi có công văn bắt buộc từ UBND huyện và cả Phòng Nội vụ huyện này. Buộc hơn 1.000 giáo viên phải đi học Bước vào năm học 2018 - 2019, Phòng Nội vụ huyện...