Quảng Bình: Khai thác thử nghiệm tuyến du lịch mới
UBND tỉnh Quảng Bình vừa đồng ý chủ trương khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên thác Mụ Mệ, vườn Địa Đàng, hang Vàng và thác Lụa”, hứa hẹn sẽ thu hút du khách.
Ông Bạch Thanh Hải, Giám đốc Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong (gọi tắt là Ban Quản lý), tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép Ban Quản lý liên kết, phối hợp với đơn vị đủ điều kiện theo quy định để khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên thác Mụ Mệ, vườn Địa Đàng, hang Vàng và thác Lụa tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy”.
Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong có nhiều thắng cảnh đẹp. Ảnh CTV.
Chương trình tham quan thời gian 1 ngày gồm có 2 lộ trình: Đồng Hới – thác Mụ Mệ – vườn Địa Đàng – hang Vàng – Đồng Hới và Đồng Hới – hang Vàng – thác Lụa – Đồng Hới.
Chương trình tham quan 2 ngày 1 đêm bao gồm lộ trình ngày 1: Đồng Hới – thác Mụ Mệ – vườn Địa Đàng – hang Vàng và ngày 2: Thác Lụa – Đồng Hới.
Thời gian khai thác là tất cả các tháng trong năm, trừ những ngày có bão hoặc mưa lũ, thời tiết bất thường. Ban Quản lý và đơn vị khai thác căn cứ tình hình thời tiết, sắp xếp lộ trình tham quan hợp lý, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, không trùng lặp, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách du lịch.
Đối tượng là khách du lịch có độ tuổi từ 16 – 65 tuổi, đảm bảo sức khỏe, trong đó chương trình tham quan 1 ngày không quá 20 khách/đoàn, không quá 40 khách/ngày/lộ trình; chương trình tham quan 2 ngày 1 đêm không quá 20 khách/đoàn, không quá 40 khách/ngày.
Trong thời gian khai thác thử nghiệm, mức thu dịch vụ tham quan đối với chương trình 2 ngày 1 đêm: 150.000 VNĐ/khách/lượt; chương trình 1 ngày: 75.000 VNĐ/khách/lượt.
UBND tỉnh Quảng Bình giao Ban Quản lý tổ chức khai thác thử nghiệm hiệu quả sản phẩm du lịch, bảo đảm an toàn cho khách du lịch, đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ tài nguyên, môi trường cảnh quan sinh thái và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Video đang HOT
Sau khi kết thúc thời gian khai thác thử nghiệm, Ban Quản lý báo cáo kết quả về Sở Du lịch trình UBND tỉnh Quảng Bình xem xét.
Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong nằm ở phía Tây – Nam tỉnh Quảng Bình, là một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh với độ che phủ trên 98% và có tính đa dạng sinh học cao.
Đây là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài gỗ như: Gụ mật, gụ lau, lim xanh, vù hương, re hương… cũng là nơi sinh sống của các loài động vật quý hiếm như: Bò tót, sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, chà vá chân nâu, trĩ sao, hồng hoàng….
Giá trị tự nhiên độc đáo của Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu Khe Nước Trong
Khu Dự trữ thiên nhiên (DTTN) Động Châu - Khe Nước Trong nằm ở phía Tây Nam tỉnh Quảng Bình (thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) giáp với biên giới Việt - Lào và khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị.
Khu vực này chủ yếu là rừng nhiệt đới thường xanh nằm trong vùng sinh thái rừng tự nhiên rộng lớn khoảng 500.000ha, có tài nguyên rừng phong phú, kéo dài từ huyện Minh Hóa qua các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy sang huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Đây là một trong những khu vực có diện tích rừng tự nhiên liên tục rộng lớn nhất ở Việt Nam và chỉ còn thấy tồn tại ở một số khu vực dọc biên giới Việt - Lào.
Từ đa dạng giá trị sinh học....
Trong khu vực bảo tồn được một diện tích lớn kiểu rừng nhiệt đới thường xanh còn tính chất nguyên sinh trên vùng núi đất thấp; kiểu rừng này đã trở nên rất hiếm ở Việt Nam do bị tác động mạnh và đã bị thu hẹp ở các vùng khác và là một trong những khu vực có giá trị cao về đa dạng sinh học của dãy Trường Sơn, được nhiều tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên đánh giá cao, bao gồm toàn bộ diện tích của 21 tiểu khu. Tổng diện tích Khu DTTN là 22.132,93 ha với các phân khu chức năng gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính - dịch vụ.
Một góc khu DTTN Động Châu - Khe Nước Trong
Là nơi hiếm hoi trong toàn quốc bảo tồn được thảm thực vật trên 50% (diện tích 14.574 ha) diện tích rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới vùng núi đất thấp và rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới là loại rừng giàu, tài nguyên còn rất phong phú, trong khi kiểu rừng này không còn tồn tại ở địa phương khác.
Trong vùng có nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần phải bảo tồn. Đặc biệt là các loài động vật quý hiếm như: Bò tót, Sao La, Mang Lớn, Mang Trường Sơn, Tê tê Java, Vượn đen má trắng Siki, Chà vá chân nâu, Trĩ sao, Hồng hoàng ... Các loài gỗ quý hiếm như: Gụ mật, Gụ lau, Lim xanh, Vù hương, Re hương, Dạ hương, vv... Động Châu - Khe Nước Trong được tổ chức Bảo tồn Chim Thế giới công nhận là một trong 62 vùng chim quan trọng và trong Vùng chim đặc hữu đất thấp của Việt Nam. Nằm trong vùng được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đánh giá là một trong 200 trung tâm có đa dạng sinh học cao toàn cầu. Được biết, vùng rừng Động Châu - Khe Nước Trong có hệ động thực vật rất phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Trong đó, có 15 loài bò sát và ếch nhái đặc hữu của Việt Nam; 12 loài đặc hữu của Đông Dương và 17 loài bị đe dọa gồm 9 loài có trong Sách đỏ Việt Nam, 10 loài ghi trong danh lục Đỏ, 6 loài ghi trong Nghị định 06 của Chính phủ và 7 loài ghi trong các phụ lục CITES, với khá lớn sinh cảnh vùng đất thấp đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xác định là vùng đa dạng sinh học trọng điểm, nối giữa Việt Nam và Lào.
Chà vá chân nâu
Theo khảo sát, thống kê sơ bộ của các nhà khoa học, ở khu vực rừng Động Châu - Khe Nước Trong có 357 loài động vật có xương sống trên cạn. Trong đó, có 76 loài thú; 214 loài chim và 67l loài bò sát, ếch nhái...
Nơi đây còn là môi trường sống của một số loài chim có vùng phân bố hẹp thuộc vùng chim quan trọng của dãy Trường Sơn và nằm trong vùng chim đặc hữu đất thấp Trung Bộ, do có phân bố các loài chim bị đe dọa toàn cầu như trĩ sao, khướu mỏ dài, chích chạch má xám và khướu má xám, các loài gà lôi, gà tiền.
Gà lôi trắng
Đây cũng là vùng đa dạng sinh học trọng điểm, thuộc hệ thống các vùng bảo tồn quan trọng cấp toàn cầu do có sự phân bố của loài sao la và nhiều loài thú quý hiếm khác (như: Khỉ mặt đỏ, Khỉ đuôi lợn, Culi nhỏ...). Các chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát hiện 61 đàn vượn đen má trắng siki và chín đàn chà vá chân nâu ở rừng Động Châu.
...đến các giá trị lịch sử - văn hóa, khoa học và du lịch
Khu vực Động Châu - Khe Nước Trong (đặc biệt là khu vực Khe Nước Trong) nằm ở vị trí giáp vĩ tuyến 17, gắn liền với chiến trường của các trận đánh ác liệt ở đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (đường Trường Sơn huyền thoại), khu vực phân chia ranh giới giữa hai miền Bắc - Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Các địa danh như Bãi Đạn, bản Trung Đoàn có giá trị lịch sử và tiềm năng lớn đối với du lịch tham quan chiến trường xưa, tìm về cội nguồn. Người dân sinh sống gần khu vực dự định thành lập Khu DTTN là đồng bào Bru - Vân Kiều có phong tục, tập quán rất đặc trưng, khác biệt với văn hóa của các dân tộc khác nên có tiềm năng về du lịch văn hóa cộng đồng.
Khu vực Khe Nước Trong có cảnh quan đẹp, rừng tự nhiên đại ngàn, trùng điệp với đường Trường Sơn và các khe suối uốn lượn tạo lên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và hiếm có ở Việt Nam. Khu vực này có tiềm năng về du lịch cảnh quan, du lịch sinh thái và tổ chức các dịch vụ du lịch vui chơi giải trí ven Khe Nước Trong. Bãi đạn nằm trên đường Hồ Chí Minh gần đỉnh núi phân chia ranh giới hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, có độ cao trên 1.000m nên khí hậu mát mẻ là điều kiện thuận lợi để kinh doanh du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Khe Nước Trong
Như đã nói ở trên, khu vực Động Châu - Khe Nước Trong có giá trị đa dạng sinh học rất cao, nguồn gen sinh vật phong phú, trong đó có rất nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm có giá trị về khoa học, thực nghiệm và giáo dục môi trường. Rừng tự nhiên bao phủ gần như toàn bộ diện tích nên có giá trị về cung ứng dịch vụ môi trường về tín chỉ các-bon rừng trong tương lai.
Mục tiêu cụ thể của Khu DTTN là bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị tự nhiên, đặc biệt bảo tồn, lưu trữ các nguồn gen quý, duy trì tính ổn định của diện tích rừng kín thường xanh trên đất thấp và rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới còn tương đối nguyên vẹn; bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm đang bị đe dọa nhằm ổn định sự đa dạng về thành phần loài, tăng số lượng các cá thể và quần thể các loài đang bị đe dọa...
Bên cạnh đó, việc thành lập Khu DTTN cũng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong vùng về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái; thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm, tạo điều kiện để người dân tham gia bảo vệ và nâng cao độ che phủ rừng trong khu vực, giảm dần sức ép của vùng đệm đối với tài nguyên rừng. Phát triển du lịch sinh thái khu vực phía Tây - Nam tỉnh. Kết nối thành một chuỗi các điểm đến trong vùng như Khu nghỉ dưỡng Bang Onsen Resort and Spa, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Hoằng Phúc, núi Thần Đinh, hang Chà Lòi...và liên kết với mạng lưới du lịch của tỉnh Quảng Bình để có sản phẩm du lịch đa dạng, thu hút du khách trong và ngoài nước nhằm tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập của người dân trong khu vực.
Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu Khe Nước Trong Động Châu - Khe Nước Trong là một khu dự trữ thiên nhiên mà tạo hóa đã ban cho tỉnh Quảng Bình. Mảnh đất gắn liền với những chiến tích anh hùng lịch sử của con đường mòn nhánh Tây Hồ Chí Minh. Nơi đây sự giao hòa của rừng nguyên sinh Khe Nước Trong, Sông Rào Chân, cùng với những ngọn núi...