Quảng Bình: Cô giáo vùng cao chào đón đầy yêu thương khiến trẻ vui đến trường
Mỗi sáng đến lớp, các em học sinh mầm non tại xã vùng cao Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình sẽ được lựa chọn màn chào hỏi nhiều hình thức như ôm, đập tay với cô giáo của mình.
Đây là cách để các cô giáo vùng cao tạo sự hứng khởi cho học sinh, giảm tình trạng bỏ học.
Video: Cách đón trẻ tới lớp của cô giáo Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa.
Đó là cách đón trẻ đến lớp mỗi ngày của các cô giáo tại Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Đây là ngôi trường đóng trên địa bàn xã miền núi, còn rất nhiều khó khăn, là nơi sinh sống của đồng bào người Khùa, Mày, Chứt…
Cô giáo đón trẻ với bộ “menu” lựa chọn hành động như: trái tim ấm áp, đôi bàn tay xinh, nắm tay kỳ diệu và bàn chân đáng yêu.
Cách đón trẻ đầy độc đáo nói trên được Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa triển khai ở tất cả các điểm trường vào đầu năm học mới vừa qua. Vào mỗi buổi sáng đón trẻ, các cô giáo sẽ chờ các em ở cửa với bộ “menu” lựa chọn hành động như: trái tim ấm áp, đôi bàn tay xinh, nắm tay kỳ diệu và bàn chân đáng yêu.
Với mỗi lựa chọn này, cô giáo sẽ đập tay đầy hứng khởi hoặc dành tặng những cái ôm yêu thương cho học trò trước khi vào lớp. Không những vậy, mỗi khi tan trường, các cô cũng dành tặng các em những cái ôm và chào tạm biệt để về bên gia đình.
Cô trò đập tay đầy hứng khởi trước khi vào lớp.
Chia sẻ với Dân trí, cô Đinh Thị Bùi Chung, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Trọng Hóa cho biết, do điều kiện đóng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, học sinh đều là con em đồng bào dân tộc nên rất nhút nhát và ngại việc đến trường. Chính vì vậy các cô giáo của ngôi trường này luôn phải tạo ra cảm giác gần gũi, thích thú đến lớp đối với các em. Cũng theo cô Chung, cô được biết và tìm hiểu hình thức đón trẻ này trên một số tờ báo và thấy thú vị cũng như mang lại hiệu quả nên đã triển khai thực hiện.
“Cứ vào đầu năm học mới là các em lại không chịu quay lại trường, hoặc học giữa buổi lại bỏ trốn về nhà. Vì vậy, ngoài việc đến trực tiếp từng nhà đón các em lên lớp, các cô giáo của nhà trường còn muốn đón trẻ với nhiều yêu thương, để học trò cảm thấy mỗi ngày đến lớp là một ngày vui”, cô Chung chia sẻ.
Những cái ôm ấp áp, yêu thương.
Cô Thái Thị Ngân, giáo viên cắm bản tại điểm trường bản Sy, xã Trọng Hóa cho biết, không chỉ học sinh mà ngay cả các cô giáo cũng rất thích thú với các hoạt động đón trẻ đầy ý nghĩa này. Nó làm tăng thêm không khí vui tươi, nâng cao tinh thần yêu nghề, mến trẻ của cô giáo mầm non.
“Với học sinh dân tộc, các em còn thiếu thốn rất nhiều, thiệt thòi nhiều so với các bạn dưới xuôi. Ngay từ cái ăn, cái mặc đến sự quan tâm của bố mẹ cũng ít, chính vì thế những cử chỉ yêu thương sẽ khiến các em vui hơn, cảm nhận sự yêu thương nhiều hơn”, cô Ngân cho hay.
Cô và trò điểm trường Ra Mai, Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa.
Cũng như cô Ngân, cô giáo cắm bản Đinh Thị Huyền Trang tâm sự, do điều kiện cũng như hiểu biết hạn chế nên tâm lý phụ huynh hầu như không quan tâm đến trẻ, khiến các em rất nhút nhát, giao tiếp với cô và các bạn rất là rụt rè.
“Để tạo cho trẻ tính mạnh dạn, tự tin thì phải gần gũi với trẻ, muốn cho trẻ đến lớp học thường xuyên thì không những trang trí lớp đẹp, sân vườn đẹp, khuôn viên cảnh quan, môi trường xanh sạch đẹp mà còn tạo sự thân thiện giữa cô và trẻ. Kể từ khi thực hiện đón và trả trẻ như thế thì các em và phụ huynh cũng tỏ ra thích thú, phấn khởi hơn”, cô Trang tươi cười nói.
Các cô giáo mầm non luôn tạo sự thân thiện với trẻ để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa hiện có tất cả 7 điểm trường với 21 giáo viên và 214 học sinh. Đặc biệt, 2 phòng học tại điểm trường bản Sy chính là công trình mà báo Dân trí kết nối với Tập đoàn Đỉnh Vàng ủng hộ, xây dựng vào năm 2017. Nhờ vậy mà từ đó đến nay, cô và trò tại điểm trường này được dạy và học trong căn phòng khang trang, sạch đẹp.
Tiến Thành
Theo Dân trí
Màn chào hỏi đặc biệt theo ý trẻ của cô trò mầm non
Trẻ được tự chọn màn chào hỏi với cô giáo và được đáp lại cùng những nụ cười của cả cô và trò tạo nên không khí vui tươi mỗi buổi sáng đến lớp tại Trường Mầm non Thanh Bình, TP Hải Dương.
Đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo mầm non lớp 3 tuổi A Trường Mầm non Thanh Bình chào đón trẻ buổi sáng theo cách rất đặc biệt và yêu thương khiến người xem thích thú vì sự sáng tạo, vui nhộn.
Theo đó, mỗi buổi sáng đến trường, trước khi bước vào lớp, các bé sẽ lựa chọn một hình thức cho màn chào hỏi với giáo viên trong "menu lựa chọn" hành động cảm xúc và được cô giáo linh hoạt chào đón theo yêu cầu.
Trong đoạn clip, cô giáo tràn đầy năng lượng, năng động và cũng không kém phần nhí nhảnh. Còn các cô bé, cậu bé thì phấn chấn, tươi vui ngay khi vào lớp.
Sau khi xem đoạn clip, nhiều người không chỉ bày tỏ sự thích thú với màn chào hỏi đặc biệt, sáng tạo mà còn dành những lời có cánh cho cô giáo trẻ vì sự năng động, nhí nhảnh và dễ thương.
Nhiều phụ huynh phản hồi về sự thích thú và hứng khởi của các con với màn khởi động buổi sáng thú vị cho cả cô và trò. Không ít người bày tỏ mong muốn các trường và giáo viên triển khai rộng rãi mô hình này.
Chị Lê Huyền chia sẻ: "Cô thế này bảo sao các con thích học. Mà như này thì cô cũng sẽ trẻ mãi thôi".
Chị Đường Thuỷ viết: "Các trường mầm non nên áp dụng màn chào hỏi này, cả cô và trò thật dễ thương".
Thanh viên Tá Vũ bình luận: "Thật tuyệt vì bé nào cũng được cô yêu thương. Mong trường nào các con cũng được các cô yêu thương như thế này. Mong các cô hãy giữ mãi những điều tốt đẹp này".
Một thành viên khác chia sẻ: "Thật tuyêt vời, đây là cách làm quen, tạo sự gần gũi với các cháu hay nhất, thoải mái và vui vẻ khi đến trường".
Chia sẻ với VietNamNet, cô giáo Phan Thị Thanh Hương, phụ trách lớp 3 tuổi A Trường Mầm non Thanh Bình - giáo viên trong đoạn clip cho hay đây là hoạt động do cô đề xuất trong mạch ý tưởng xây dựng mô hình lớp học hạnh phúc mà nhà trường đang triển khai thí điểm với một số lớp.
"Sau khi ban giám hiệu nhà trường nêu ý tưởng và cho phép, động viên các giáo viên dựa vào điều kiện thực tế của lớp mình để thực hiện thì tôi đã chọn hoạt động này. Thay cho cách chào hỏi thông thường, các bé sẽ được tự lựa chọn cách thể hiện tình cảm với cô giáo và kể cả bố mẹ", cô Hương nói.
Theo cô Hương, thực ra cách thức này ở nước ngoài đã được áp dụng. Là người hay xem các trang mạng về giáo dục của nước ngoài về mầm non, thấy hoạt động này thú vị, nên cô đã học tập và chọn áp dụng một số nội dung phù hợp với điều kiện cho lớp mình.
Cô Hương cũng chia sẻ bản thân cảm thấy rất vui khi hoạt động này được trẻ cũng như các phụ huynh đón nhận một cách thoải mái và hứng khởi.
Bà Vũ Thị Chi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Bình cho hay, nhà trường đang triển khai rộng mô hình lớp học vui vẻ, hạnh phúc. Và hình thức đón trẻ như vậy đang được làm thí điểm để hướng đến triển khai rộng toàn trường.
"Trước đây chúng tôi đón trẻ cảm giác khá cứng, việc triển khai hình thức này với mong muốn mối quan hệ cô và trò sẽ tự nhiên hơn. Xa hơn sẽ hình thành cho trẻ một thói quen chào các cô và có thể chào bố mẹ bằng những biểu hiện cảm xúc đó. Chúng tôi muốn các giáo viên được sáng tạo và học tập, tức là nhà trường chỉ đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình lớp học hạnh phúc và rồi để họ tự vận dụng. Đầu tiên nhà trường chọn 4 giáo viên ở các khối để làm thí điểm. Qua đó để các giáo viên khác hình dung ra cách làm trước khi nhân rộng ra các trường bằng việc động viên mỗi lớp sẽ đăng ký một hoạt động tương tác tích cực, tự nhiên giữa cô và trẻ. Đó không phải là gì đó to tát mà có thể bằng những việc làm nhỏ", bà Chi nói.
Theo bà Chi nhà trường cũng khuyến khích ghi lại các hoạt động và chia sẻ lên trang web của trường, lớp nào nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ của mọi người và phụ huynh thì sẽ được động viên bằng cách khen thưởng. Qua đó lan tỏa lớp học, trường học hạnh phúc.
Thanh Hùng
Theo vietnamnet
Khánh thành điểm trường Háng Sung 2 Sáng 25-9, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức Volunteers For Education (VFE), tổ chức lễ khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng điểm trường Háng Sung 2, thuộc Trường mầm non Tả Phìn, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa. Đại diện tổ chức Volunteers For Education và các cháu học sinh điểm...